Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trung Quốc đối mặt với những lựa chọn định mệnh, đặc biệt về Đài Loan

Anh Khoa dịch

 

(VNTB) – Đối với nhiều người Trung Quốc,  thu phục Đài Loan là một sứ mệnh quốc gia thiêng liêng

 

Chaguan

20 tháng 2 năm 2021

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đưa đến một số quyết định mang tính định mệnh cho lãnh đạo Tập Cận Bình. Không có gì hệ trọng hơn việc cân nhắc liệu có nên tấn công Đài Loan hay không, để đưa hòn đảo dân chủ, thân phương Tây với dân số 24 triệu dân này về dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản.

Nếu một ngày nào đó, một chiếc xe limousine Cờ Đỏ bọc thép chở ông Tâp trên cương vị người chinh phục thành công, diễu hành qua các đường phố ở thủ đô Đài Bắc của Đài Loan, thì ông sẽ trở thành người Cộng sản sống mãi.

Ông sẽ được lưu danh cùng Mao Trạch Đông với tư cách là người đồng chiến thắng trong cuộc nội chiến Trung Quốc dang dở vào năm 1949 khi chế độ Quốc dân đảng bại trận chạy sang sống lưu vong ở Đài Loan.

Có lẽ Tập Cận Bình sẽ đi xe qua những con phố Đài Bắc còn xém màu khói lửa, nhuộm máu và không bóng người dân Đài Loan vì lệnh thiết quân luật. Nhưng sự thu phục Đài Loan vẫn sẽ nâng thứ hạng của Trung Quốc lên hàng các cường quốc hùng mạnh đến nỗi không một quốc gia nào dám xem thường ý muốn của họ.

Đối với những người cứng rắn cai trị Trung Quốc, lịch sử không được viết bởi những kẻ nhu nhược. Nếu Tập Cận Bình ra lệnh cho Quân đội Giải phóng Nhân dân chiếm Đài Loan, quyết định sẽ dựa trên một suy xét quan trọng nhất: liệu nước Mỹ có thể ngăn cản ông ta? Trong 71 năm tồn tại như một đảo quốc tự trị Đài Loan đã nương tựa vào Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc xâm lược.

Đúng là, Đài Loan cũng được hưởng lợi từ sự kiên nhẫn của Trung Quốc, vì Trung Quốc thử đi nhiều nước cờ khác [để xem liệu có thể thu phục Đài Loan mà] có thể tránh được chiến tranh.

Kể từ thời Đặng Tiểu Bình, các lãnh đạo Trung Quốc đã gắn chặt Đài Loan vào đại lục về mặt kinh tế. Họ cũng đã cố gắng thuyết phục công chúng Đài Loan bằng những lời hứa về quyền tự chủ nếu Đài Loan chấp nhận sự cai trị từ Bắc Kinh, theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.

Khái niệm đó đã biến đổi từ mức đáng ngờ thành vô nghĩa hồi năm ngoái khi tước đoạt các quyền tự do công dân ở Hồng Kông, nơi từng được hứa hẹn tương tự. Nhưng Trung Quốc dần mất kiên nhẫn với cái gọi là “tái thống nhất hòa bình”, và những tính toán lạnh lùng hơn thì luôn đáng giá hơn. Về cơ bản, Trung Quốc chưa ra tay do e sợ rằng quân đội Đài Loan sẽ cầm chân họ đợi Mỹ đến giải cứu.

Tổng thống Joe Biden và các phụ tá chính sách đối ngoại giàu kinh nghiệm biết rõ vai trò trung tâm của nước Mỹ ở trong thế trận này. Đó là lý do tại sao vào ngày thứ tư tại vị của chính quyền Biden, Bộ Ngoại giao đã lên án các nỗ lực quân sự, kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc nhằm đe dọa Đài Loan, đồng thời tuyên bố rằng cam kết của Mỹ đối với Đài Loan là “không thể lay chuyển”.

Trên thực tế, khả năng ngăn một cuộc xâm lược Đài Loan của Mỹ đang suy yếu nghiêm trọng. Lý do chính là trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc theo đuổi mục tiêu duy nhất là phát triển các loại vũ khí và kỹ năng tiên tiến để chặn các lực lượng Mỹ tiếp cận.

Một yếu tố khác là cảm nghĩ của Tập Cận Bình về số mệnh lịch sử và việc sử dụng chủ nghĩa dân tộc dân túy để củng cố quyền lực – mặc dù chủ nghĩa dân tộc cũng làm tăng cái giá phải trả trong trường hợp cuộc tấn công bất thành.

Trong một số diễn đàn, các học giả Mỹ và quan chức cấp cao đã nghỉ hưu ca ngợi việc chính quyền Trump thông qua giao dịch bán vũ khí cho Đài Loan trị giá hơn 17 tỷ USD. Họ cũng đã trách móc các trợ lý của Trump đã dùng sự ủng hộ phô trương đối với Đài Loan để khiêu khích Trung Quốc mà không nghĩ đến những rủi ro cho hòn đảo này.

Một số học giả-nhà ngoại giao, chẳng hạn như Richard Haass của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), đã thúc giục Mỹ áp dụng chính sách “mơ hồ chiến lược”, theo đó tránh đưa ra các cam kết rõ ràng để đáp trả hành động gây hấn chống lại Đài Loan.

Sự mơ hồ này nhằm ngăn cản các động thái liều lĩnh của các chính trị gia Đài Loan và tránh làm Trung Quốc nổi điên.

Bonnie Glaser, chuyên gia về an ninh Trung Quốc và Đài Loan tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn ở Washington, nói rằng chính quyền Biden đang tỏ ra kiên quyết khi thảo luận về Trung Quốc và Đài Loan, bởi họ “rất lo lắng về khả năng xảy ra tai nạn và tính toán sai”.

Đó là sự cảnh tỉnh khi lắng nghe bà Glaser, một học giả có tiếng, bày tỏ lo ngại về các cuộc đụng độ tình cờ, chẳng hạn giữa máy bay hoặc tàu thuyền của Trung Quốc và Đài Loan trong thời điểm hiện tại, và về khả năng xảy ra xung đột quân sự có chủ ý trong 5 hoặc 10 năm tới.

Cựu trợ lý an ninh quốc gia của cựu Tổng thống George W. Bush và là đồng tác giả của bài báo mới của CFR, “Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan: Một chiến lược ngăn chặn chiến tranh”, Robert Blackwill, muốn Mỹ tạo ra “khả năng răn đe địa kinh tế” đáng tin cậy, đồng thời củng cố sức mạnh quân sự.

Ông nói Hoa Kỳ và các đồng minh như Nhật Bản nên làm rõ rằng Trung Quốc sẽ bị trục xuất khỏi các hệ thống tài chính và thương mại dựa trên đồng đô la nếu họ tấn công Đài Loan. Nếu như các vị tướng lĩnh Trung Quốc thúc đẩy chiến tranh, “chúng tôi muốn các cường quốc kinh tế tử tế” hãy cắt nghĩa cho họ về cái giá phải trả, ông Blackwill nói.

Người châu Á sẽ nhớ nước Mỹ nếu Mỹ rời đi

Phần khó nhất trong việc ngăn chặn Trung Quốc là xây dựng các liên minh vững mạnh sẵn sàng thách thức sự xâm lược của Trung Quốc. Việc so sánh với chiến tranh lạnh không giải thích được toàn bộ vấn đề.

Sự sống còn của Tây Berlin được Mỹ và các đồng minh NATO coi là lợi ích quốc gia quan trọng, họ đã lên kế hoạch chiến tranh để ngăn chặn Liên Xô cắt quyền tiếp cận thành phố. Nhưng điều quan trọng là Liên Xô khi ấy rất nhỏ bé về mặt kinh tế.

Ngày nay, các đồng minh khu vực của Mỹ không nhất trí về việc Đài Loan tồn tại là lợi ích sống còn đáng để chọc giận đối tác thương mại lớn nhất của họ.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng giảm bớt sự yếu thế của Trung Quốc trước áp lực kinh tế bên ngoài. Trong một bài báo vào tháng 5 năm ngoái, Qiao Liang, một thiếu tướng không quân đã nghỉ hưu, đã dự đoán rằng trong cuộc chiến tranh giành Đài Loan, Mỹ và các đồng minh của họ sẽ chặn các tuyến đường biển xuất nhập khẩu, đồng thời cắt giảm khả năng tiếp cận thị trường vốn của Trung Quốc.

Tướng Qiao hết sức tán thành các động thái của Tập Cận Bình nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhu cầu kinh tế thế giới. Ông nói thêm rằng kết quả của cuộc cạnh tranh sức mạnh giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là chìa khóa cho câu hỏi Đài Loan.

Vị tướng này là một người khiêu khích chủ nghĩa dân tộc, nhưng những bình luận của ông phản ánh quan điểm của nhiều người Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Điều đó sẽ khiến các đồng minh của Mỹ phải suy nghĩ.

Đối với nhiều người Trung Quốc, việc lấy lại Đài Loan không chỉ là một sứ mệnh quốc gia thiêng liêng. Việc hoàn thành sứ mệnh đó sẽ đồng thời báo hiệu vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ sắp kết thúc. Nếu Trung Quốc tin rằng họ có thể hoàn thành nhiệm vụ này với một cái giá chấp nhận được, họ sẽ hành động.

Nguồn: The Economist


Tin bài liên quan:

VNTB – Trung Quốc lắp đặt camera bên trong nhà dân, mở rộng mạng lưới giám sát

Phan Thanh Hung

VNTB – Ông Trọng xông đất Trung Quốc

Phan Thanh Hung

VNTB – Tập Cận Bình đến Hà Nội vào ngày 12-12-2023

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo