Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trung Quốc với tham vọng bá quyền ở lục địa đen

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Hồi đầu năm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bác bỏ các ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang lôi kéo các nước châu Phi vào ‘bẫy nợ’ bằng những khoản vay khổng lồ.

 

Ông Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc cho châu Phi những khoản vay lớn xuất phát từ “lợi ích chung”, không phải chiến lược để đổi lại các nhượng bộ về mặt ngoại giao và thương mại. “Đó không phải là sự thật. Đây là một câu chuyện được tạo ra bởi những người không muốn thấy sự phát triển ở châu Phi. Nếu có bất kỳ cái bẫy nào thì đó là nghèo đói và kém phát triển”, Ngoại trưởng Vương Nghị nói.

Các ngân hàng phát triển Trung Quốc đã “rót” 23 tỉ USD tài chính cho các dự án hạ tầng ở khu vực châu Phi hạ Sahara trong giai đoạn 2007-2020. Cụ thể, từ năm 2007-2020, hai ngân hàng China Eximbank và China Development Bank đã cung cấp khoảng 23 tỉ USD về hỗ trợ tài chính. Con số này cao gấp đôi so với tổng số tiền các ngân hàng tương tự tại Mỹ, Đức, Nhật Bản và Pháp hỗ trợ khu vực này ước chỉ khoảng 9,1 tỉ USD.

Tin tức cũng cho hay các công ty Trung Quốc đang nhanh chóng thâu tóm thêm đất ở nước ngoài để phục vụ nhu cầu nội địa, xuất phát từ quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ của nước này. Mua đất ở nước khác giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung tài nguyên trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu trở nên eo hẹp.

Theo Viện nghiên cứu chính sách công của doanh nghiệp Mỹ (AEIPPR), doanh nghiệp Trung Quốc đã mua nhiều mỏ khoáng sản. Điển hình, Công ty China Minmetals đã đầu tư 280 triệu USD vào quốc gia Tanzania ở phía nam châu Phi hồi năm 2019. Hãng China Non-Ferrous Metal Mining cũng rót 730 triệu USD vào hoạt động khai thác mỏ ở Guinea trong năm 2020.

Các khoản đầu tư trên được cho là nhằm tăng nguồn cung khoáng sản cho quá trình sản xuất pin năng lượng và xe điện, trong số nhiều mặt hàng khác.

Jacob Zuma, cựu Tổng thống Nam Phi, thành viên của Đảng cộng sản Nam Phi – quốc gia giàu nhất châu lục, đã từng cảnh báo tại Diễn đàn Hợp tác Trung-Phi lần thứ 5 tổ chức tại Bắc Kinh vào năm 2012, tức chục năm về trước, rằng, “Mẫu hình thương mại giữa châu Phi và Trung Quốc là không bền vững về dài hạn. Trải nghiệm kinh tế trong quá khứ của châu Phi với châu Âu chỉ ra rằng cần phải thận trọng khi bước vào mối quan hệ đối tác với các nền kinh tế khác”.

Đối mặt với các chỉ trích ‘ngoại giao bẫy nợ’, Bắc Kinh đã chuyển sang khuyến khích các công ty đầu tư vào châu Phi theo hình thức đối tác công – tư. Bên cho vay và bảo hiểm cho vay vẫn là các ngân hàng, công ty Trung Quốc.

Đường cao tốc 4 làn đường trên cao tại thủ đo Nairobi của Kenya là một trong những dự án mới nhất của Trung Quốc tại nước này. Được xây dựng bởi Tổng công ty cầu đường Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, con đường dài 27km và trị giá 600 triệu USD được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng kẹt xe tại Nairobi.

Tổng công ty cầu đường Trung Quốc sẽ thu hồi vốn bằng việc thu phí sử dụng đường cao tốc trong vòng 27 năm. Việc chuyển đổi hình thức sang đầu tư đối tác công tư (PPP) dường như là một sự miễn cưỡng bởi Bắc Kinh từ lâu chỉ thích mô hình cho vay giữa nhà nước với nhà nước.

Nếu đầu tư theo hình thức đối tác công tư, tất cả các khoản nợ mà nhà nước châu Phi đã vay của công ty Trung Quốc sẽ do chính người dân của họ chi trả. Điều này có thể góp phần giảm thâm hụt ngân sách, bớt áp lực trả nợ cho các nhà nước đang ngập trong nợ Trung Quốc và uy tín quá tệ không thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Hiện tại, bà Hứa Kính Hồ – đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề châu Phi – đang có chuyến công du 8 quốc gia. Chuyến thăm “lục địa đen” của bà Hứa diễn ra vài ngày sau khi nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc Dương Khiết Trì thăm Zimbabwe và Mozambique. Ông Dương Khiết Trì hiện là ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại vụ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.


Tin bài liên quan:

VNTB – Giảm thuế xăng dầu, vui là chính (!?)

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – ADIZ ở Biển Đông: con chó cuối cùng sẽ sủa?

Phan Thanh Hung

VNTB – Báo chí Việt Nam bắt đầu lên án hành động xâm lược của Nga

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.