Khánh An dịch
(VNTB) – Để đảm bảo độc quyền quyền lực, Đảng Cộng sản đã bẻ cong các quy tắc, cấm cạnh tranh và đàn áp các nền tảng kỹ thuật số.
Tác giả: Tessa Weal
Không giống như ĐCS Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cầm quyền thấy không cần phải loại các công ty truyền thông xã hội phổ biến có trụ sở tại Hoa Kỳ khỏi mạng internet trong nước. Trên thực tế, Việt Nam là quốc gia có số người dùng Facebook lớn thứ bảy trên thế giới. Tuy nhiên, đảng có thể duy trì kiểm soát đối với lĩnh vực kỹ thuật số với hiệu quả đáng báo động. Bất đồng chính kiến trực tuyến bị trừng phạt nặng, hàng nghìn dư luận viên định hướng tin tức thịnh hành và hoạt động của người dùng bị giám sát chặt chẽ
Các chiến thuật này đã được thể hiện rõ trước cuộc bầu cử quốc hội ngày 23 tháng 5, dẫn đến việc lạm dụng rõ ràng nhằm chống lại người dùng, và gia tăng áp lực đối với các công ty quốc tế.
Các cuộc bầu cử phần lớn không gì khác hơn là một nghi thức tái xác nhận độc quyền chính trị đã tồn tại hàng thập kỷ. ĐCSVN là đảng duy nhất được phép bầu cử. Mặc dù một số ứng cử viên độc lập được phép tranh cử, nhưng họ phải chịu sự kiểm soát của cơ quan trực thuộc ĐCSVN. Điều này dẫn đến việc hơn 100 ứng cử viên bị loại trong cuộc bầu cử năm 2016, trong đó có nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự nổi tiếng, và ĐCSVN đã có được 473 trong số 500 ghế tại Quốc hội. Chỉ số lỗ hổng bầu cử của Việt Nam của tổ chức Freedom House là 8/10 phản ánh mức độ thấp ở các quyền chính trị và khả năng đàn áp cao, cũng như phạm vi trực tuyến bị kiểm soát chặt chẽ.
Mặc dù các mạng xã hội thường có thể truy cập được trong nước, nhưng các nhà chức trách sử dụng nhiều luật mơ hồ để trừng phạt những ứng cử viên vì tham gia hoạt động trực tuyến . Ngay sau khi công bố ý định tranh cử như một ứng cử viên độc lập, ông Trần Quốc Khánh bị bắt hồi tháng 3 với tội danh sử dụng Facebook Live để “xuyên tạc thông tin chống phá nhà nước, gây hoang mang dư luận.” Ông Lê Trọng Hùng, một nhà hoạt động nổi tiếng khác ra tranh cử độc lập, đã bị bắt vào ngày 27 tháng 3 vì những tội danh tương tự. Ba người bạn đã bị giam giữ và bị thẩm vấn trong nhiều ngày vào đầu tháng 4 liên quan đến một cuộc trò chuyện trên Facebook, trong đó họ chỉ đơn giản thảo luận về các thủ tục đề cử ứng viên độc lập. Các nhà báo đã phải đối mặt với hình phạt thậm chí khắc nghiệt hơn dựa trên cáo buộc phát tán tài liệu “chống nhà nước”. Ông Phạm Chí Dũng bị kết án đến 15 năm tù vào tháng Giêng, trong khi hai nhà báo đồng nghiệp thuộc Hội của ông bị tuyên án 11 năm tù.
Ngay cả khi bỏ tù những người dùng nổi tiếng, Việt Nam vẫn thao túng diễn ngôn trực tuyến thông qua đội quân dư luận viên được trả lương. Một đơn vị có khoảng 10.000 người do chính phủ thuê, được gọi là Lực lượng 47, phổ biến tuyên truyền, quấy rối những người bất đồng chính kiến và tấn công các nhân vật đối lập trên Facebook và YouTube. Lực lượng 47 được cho là sẽ gửi khiếu nại hàng loạt (report) đến các công ty truyền thông xã hội để xóa nội dung hoặc tài khoản được nhắm mục tiêu. Đặc biệt, “dư luận viên” tự nguỵen gia vào các chiến thuật tương tự. Hai lực lượng trên mạng này đã kết hợp với nhau trong việc tăng cường hiệu quả quyền kiểm soát của nhà nước đối với các phương tiện truyền thông truyền thống bằng cách làm gián đoạn và bóp méo các nguồn tin tức và thông tin trực tuyến thay thế.
Nhiều năm qua, chính phủ cũng đã gia tăng áp lực trực tiếp lên các công ty truyền thông xã hội. Vào tháng 11 năm 2020, nhân viên Facebook nói với Reuters rằng nhà chức trách Việt Nam đã đe dọa sẽ chặn Facebook trừ khi Facebook phải xóa nội dung “chống nhà nước” nhiều hơn. Đầu năm nay, một số máy chủ của Facebook đã bị ngưng hoạt động cho đến khi họ chịu hứa tương tự. Những loại yêu cầu này được chính phủ khoe khoang trong những tháng gần đây về mức độ tuân thủ chưa từng có, rằng Facebook và Google đã đáp ứng lần lượt 95% và 90% yêu cầu hạn chế nội dung của Hà Nội. Mặc dù quan chức được hưởng lợi từ những tuyên bố hợp tác bị thổi phồng, các mạng xã hội xác nhận sự kiểm duyệt tăng đột biến. Facebook ghi nhận gia tăng hạn chế nội dung 983% trong nửa đầu năm 2020. Nhà chức trách cũng đã phạt nặng và đình chỉ các ấn phẩm kỹ thuật số do phản biện trên trang mạng. của họ.
Để hạn chế các hành vi đàn áp này và khuyến khích đa nguyên chính trị ở Việt Nam, các chính phủ dân chủ cần nhấn mạnh sự tôn trọng nhân quyền trong các cuộc đối thoại của họ với các quan chức Việt Nam. Các nhà ngoại giao nên chỉ ra những ví dụ tích cực ở các quốc gia trong khu vực đã tiến hành cải cách dân chủ, và đối chiếu chúng với các chế độ gây bất ổn bằng tập trung quyền lực ngoan cố. Các quốc gia dân chủ lớn – đặc biệt là Hoa Kỳ – phải đẩy mạnh ngoại giao mạng mạnh mẽ để khôi phục các luật đối với các công ty lạm dụng quyền tự do internet.
Các công ty mạng xã hội nên sử dụng tất cả các công cụ sẵn có để chống lại các yêu cầu xóa bỏ các biểu lộ chính trị, xã hội và tôn giáo bất bạo động của các chính phủ. Nếu không thể hoàn toàn chống lại, thì nên hạn chế càng nhiều yêu cầu xóa tài liệu càng tốt và thông báo cho người dùng về lý do nội dung bị gỡ xuống. Các công ty này cũng phải chống lại yêu cầu lưu trữ dữ liệu cá nhân ở các quốc gia nơi có thể được sử dụng để xác định và trừng phạt những người chỉ trích chính phủ.
Các chính phủ tham gia vào kiểm duyệt được khuyến khích từ sự im lặng của các quốc gia dân chủ và sự đồng lõa của các đại công ty truyền thông xã hội. Việc chuẩn bị bầu cử ở Việt Nam đã chứng minh rõ ràng rằng ĐCSVN cam kết duy trì hiện trạng đàn áp chính trị và từ chối các lời kêu gọi đại diện của quần chúng. Nhưng các công ty truyền thông xã hội và các quốc gia dân chủ đã sản sinh ra chúng cũng phải nói rõ rằng họ sẽ đẩy lùi sự đàn áp đó và buộc Hà Nội phải trả giá. Nếu những người dùng bình thường đủ can đảm mạo hiểm với bản án 15 năm tù bằng cách kiên quyết bảo vệ các quyền cơ bản của họ, thì các tổ chức quốc tế hùng mạnh nên có can đảm để ủng hộ họ.
Nguồn: The Diplomat