Nguyễn Huyền
(VNTB) – Trưởng ban dân nguyên Dương Thanh Bình hết lời ca ngợi chuyến đi chầu thiên triều của Vương Đình Huệ
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 16-4, Trưởng Ban dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 3-2024.
“Cử tri và nhân dân quan tâm, đánh giá cao kết quả chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và việc ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân Đại Toàn quốc Trung Quốc”, ông Bình nói.
Theo lịch trình thì chuyến công du Trung Quốc của Chủ tịch Vương Đình Huệ từ ngày 7 đến 12-4. Vào chiều tối 12-4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã về tới Thủ đô Hà Nội; và sau đó thì không có cuộc tiếp xúc nào với cử tri để có dịp tường trình về chuyến ‘đi sứ’ này. Điều đó có nghĩa việc tuyên bố “cử tri và Nhân dân quan tâm, đánh giá cao kết quả chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ…” của ông Trưởng Ban dân nguyện là một hành vi nịnh hót, một hình thức hối lộ để lấy lòng Chủ tịch Vương Đình Huệ.
Ông Dương Thanh Bình đã ngợi ca hết lời rằng, “cử tri và nhân dân tin tưởng rằng từ tăng cường phối hợp giữa hai cơ quan lập pháp đến tạo khung pháp lý giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước và củng cố nền tảng xã hội cho tình hữu nghị Việt – Trung, đồng thời kỳ vọng những thành quả này sẽ góp phần làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ song phương”…
Ông Dương Thanh Bình là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, là dân gốc Thới Bình, Cà Mau. Ông từng hai nhiệm kỳ liền là Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau.
Xét về mặt “Nhân dân ở đây là đảng viên”, có thể thấy rằng ngay trong tình huống đó người ta cũng không thuyết phục cho tuyên bố “cử tri và Nhân dân quan tâm, đánh giá cao kết quả chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ…”, bởi thực tế không ghi nhận diễn ra sinh hoạt chính trị nào ở các chi bộ đảng cho việc tổng kết chuyến công tác Bắc Kinh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ ngày 7 đến 12-4.
Về lịch sử, Ban Dân nguyện được thành lập theo Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17-3-2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, có trách nhiệm giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác Dân nguyện.
Đánh giá về vai trò, sự cần thiết của Ban Dân nguyện đối với hoạt động của UBTVQH, ông Đặng Đình Luyến – cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng, trong điều kiện hiện nay, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân nguyện, phải kịp thời giải quyết các công việc của dân, nhất là cần phải thực hiện tốt các quy định của Hiến pháp năm 2013: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền con người, quyền công dân; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết,…
Hơn nữa, Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân, phải gần gũi với Nhân dân, lắng nghe ý kiến tâm tư nguyện vọng, tiếp nhận và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân. Vì vậy, Ban Dân nguyện vô cùng cần thiết cho hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên như ghi nhận về ‘tụng ca’ công trạng của người đứng đầu Quốc hội, “cử tri và Nhân dân quan tâm, đánh giá cao kết quả chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ…”, người dân đâm ra thêm hoài nghi về thói xu nịnh của Trưởng Ban dân nguyện Dương Thanh Bình.