VNTB- Truyền thuyết mất nước: Từ thơ Tố Hữu tới Lưu Quang Vũ

Phùng Hoài Ngọc
(VNTB) – Hôn nhân chính trị ngày xưa là cái bẫy, như ngày nay gọi là “quyền lực mềm”. Những kẻ ra rả ca tụng “16 chữ vàng và 4 tốt” lừa dối nhân dân chỉ vì lợi ích nhóm chắc chắn sẽ phải đón một ngày kia hối hận. Trước phút diệt vong, chớ đừng đổ tội cho ai khác.

Truyền thuyết Mị Châu – Trọng Thủy

Thần thoại, truyền thuyết, huyền thoại Việt Nam hợp thành một kho tàng văn hóa truyền miệng khá phong phú. Trong đó truyền thuyết được coi là gần gũi với lịch sử hơn cả. Truyền thuyết gắn bó với các thời kỳ lịch sử dân tộc. Giai đoạn đầu có truyền thuyết dựng nước, gồm nhóm truyện họ Hồng Bàng và nhà nước Văn Lang mang tính chất sử thi. Giai đoạn hai là thời kỳ Âu Lạc và Bắc thuộc. Nước Âu Lạc của An Dương Vương tồn tại khoảng 50 năm (257 -208 tr.CN). Thời kỳ Bắc thuộc hơn 10 thế kỷ (207 tr.CN-938) là thời kỳ bị xâm lược và chiến đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết tiêu biểu của thời Âu Lạc là “truyện An Dương Vương”, gồm hai phần: phần đầu là lịch sử chiến thắng, phần sau là lịch sử chiến bại (sau đó là các truyền thuyết phản ánh các cuộc vũ trang khởi nghĩa chống xâm lược thời kỳ Bắc thuộc là Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí…). Lịch sử đất nước có thắng có bại. Bộ máy tuyên truyền “cách mạng”quen tụng ca chiến thắng với mục đích vụ lợi chính trị nhất thời. Phần lớn truyền thuyết đều ca tụng chiến thắng, rất hiếm hoi mới có một truyền thuyết chiến bại.… Ở đây chúng tôi muốn bàn về “truyền thuyết chiến bại” của đất nước ta như một bi kịch lịch sử.
Nhân bàn về sự kiện lịch sử nhuốm màu truyền thuyết, chúng tôi đối sánh với cách nhìn của khoa học nghiên cứu văn hóa dân gian và so sánh bài thơ “Tâm sự” của Tố Hữu với bài thơ “Tiếng Việt”của Lưu Quang Vũ.
An dương vương và Triệu Đà đồng tổ chức cuộc hôn nhân chính trị
“Kết duyên Tần Tấn”là thành ngữ cổ Trung Quốc, xưa nay người dân Việt đôi khi nhắc đến như một lời chúc cho hôn nhân tốt lành mà quên đi bản chất chính trị của hôn nhân.
Sự tích này xuất hiện đầu tiên trong sách“Tả truyện” sau được kể lại trong Đông Chu liệt quốc của Phùng Mộng Long. Thời Xuân Thu, nhằm tăng cường mối quan hệ láng giềng với nước Tần, Tấn Hiến Công đã đem con gái của mình gả cho Tần Mục Công. Sau đó, ba đời Tần và Tấn thông gia giữa hai hoàng tộc. Rút cục nhà Tần cũng nuốt chửng nhà Tấn
Học theo cổ sử, hai bên Thục Phán và Triệu Đà nhất trí tổ chức hôn nhân. Người Việt vốn chất phác ngay thực và cả tin. Bởi người Việt không trải qua cả một thời kỳ dài gần 10 thế kỷ Đông Chu liệt quốc đầy rẫy mưu mẹo gian manh. Và kết quả là Thục Phán An dương vương phải ăn quả đắng. Sắp chết rồi Thục Phán vẫn chưa nhận ra âm mưu kẻ thù mà còn đổ tội cho con gái.
Tư tưởng truyền thuyết – tư tưởng nước đôi
Nhà quí tộc phong kiến khuyết danh kể lại câu chuyện An Dương vương mất nước như một truyền thuyết (vì không có sử sách ghi chép). Truyền thuyết cố giúp cho cái chết của An Dương Vương nhẹ nhàng hơn (Lão thần Kim Quy rẽ nước biển cho Vua đi xuống thủy cung sau khi chém chết con gái). Ngôn ngữ folklore sẽ đọc hiểu ra rằng “Vua nhảy xuống biển mà chết vì đau khổ và hối hận”.
Truyền thuyết còn kể rằng “những con trai biển ăn phải máu Mỵ Châu*[1]thì sinh ngọc và ngọc ấy đem rửa bằng nước giếng nơi Trọng Thủy*[2]trầm mình sẽ trở nên trong sáng tuyệt vời” ! Nhẹ dạ, nông nổi và định kiến, tác giả dân gian xưa chưa bao giờ tự hỏi: Vì sao con trai sò ăn phải máu công chúa ngu ngơ lại sinh ngọc? Vì sao ngọc trai rửa bằng nước giếng của tên gian tế bội tình lại “sáng lên” – điều đó có ý nghĩa quái gì? Chúng tôi nghĩ rằng, đó là sáng tác phản mỹ học. Cái xấu sao lại có thể sinh ra cái đẹp được !
Triệu Đà [3]* bày kế “kết thông gia” với triều đình vua Thục Phán, khiến cho người Âu Lạc yên tâm, chủ quan và thiếu cảnh giác. Quân lính mất sức chiến đấu, bí mật quân sự bị lộ, dẫn tới thất bại mau chóng trước cuộc tấn công bất ngờ của quân Nam Hán.
Như vậy, về phía ta kẻ thủ phạm làm mất nước chính là vua An dương vương, người chủ trương hôn nhân chính trị, nhằm giữ gìn “ổn định và phát triển”. Đâu phải lỗi của cô công chứa ngây thơ bị vua cha sử dụng như một công cụ.
Tố Hữu viết năm 1972:
Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu
                                      (bài Tâm sự, tập thơ RA TRẬN, 1972)

Lưu Quang Vũ viết năm 1978:
“Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
nàng Mỵ Châu quì xuống lạy cha già”.
                                                    (trích bài thơ Tiếng Việt)

Hai tư tưởng giải thích lịch sử trái ngược nhau. Chỉ có một nàh thơ trẻ- Lưu Quang Vũ dám nói trái ý Tố Hữu vào giai đoạn ấy.
Tố Hữu: bênh vua, đổ hết tội cho công chúa Mỵ Châu
Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu
               (Tố Hữu, bài Tâm sự)

Ông thợ ghép vần này tự mâu thuẫn: lên án công chúa Mỵ Châu là “trái tim lầm chỗ” rồi lại bảo cô “vô ý”. Cô chưa từng quen biết và yêu Trọng Thủy, cô chỉ tuân theo xếp đặt của vua cha. Vậy, đây chẳng phải câu chuyện của trái tim. Giả sử vua cha can ngăn mà công chúa cứ đòi yêu theo trái tim mình thì mới trách cô ta được.
Tố Hữu viết bài thơ “Tâm sự” (1972) liệu có đúng đắn và thành thực khi lên án Mỵ Châu hay không ? Tố Hữu có khả năng phân biệt đọc sửđọc truyền thuyết khác nhau thế nào hay chăng ?

Sự nhầm lẫn của Tố Hữu là ở chỗ, chỉ biết đọc truyền thuyết Mỵ Châu- Trọng Thủy mà không đọc Truyền thuyết An dương vương. Đó là hai truyền thuyết khác nhau, được  kể theo hai tư tưởng khác nhau. Tố Hữu cũng không biết tới folklore (khoa nghiên cứu văn hóa dân gian) là cái chi chi. Ông ta cứ tưởng truyền thuyết chính là lịch sử, và taucó quyền có thế thì tau cứ viết vong mạng, ai dám cãi tau?

Mặt khác Tố Hữu tuy là ông trùm lý luận cộng sản (có lẽ chỉ chịu nhún trước Trường Chinh) nhưng tư tưởng ông ta thực chất sặc mùi phong kiến. Một trong những nét “đặc sắc”phong kiến là trọng nam khinh nữ. Tơ Tố Hữu có nhiều nhân vật phụ nữ nhưng ông ta chỉ ca tụng sự hi sinh của họ cho chiến tranh, chưa bao giờ biết thấm nỗi khổ đau của họ. Lịch sử và ngoại sử TQ đều quen giải thích nguyên nhân thất bại là đổ hết cho phụ nữ. Kế đó là quy tội cho gian thần (thời hiện đại thì đổ cho cấp dưới thừa hành sai trái, trên bảo dưới không nghe, chủ trương lớn của vua thì đúng đắn !). Đổ hết lỗi cho Mỵ Châu là chắc ăn.
Lưu Quang Vũ nhìn thấy Mỵ Châu chỉ là nạn nhân
Nhà khoa học folklore sẽ đọc truyền thuyết theo cách khác. Ít nhất qua các kiến giải sau:
Thủ phạm làm mất nước chính là vua Thục Phán người xưng hiệu An Dương Vương. Vì ông ta muốn giữ gìn đại cục ổn định giữa Ấu Lạc và Nam Hán nên đã bày cuộc hôn nhân chính trị, học theo những bài lịch sử cổ đại du nhập từ phương Bắc.
Khi Trọng Thủy đã là phò mã, tất nhiên anh ta được tin cậy, được nể trọng, có quyền lực. Anh ta dò biết hết bí mật quân sự Ấu Lạc. Chỉ riêng điều đó đã đủ  giúp nhà Nam Hán đánh thắng nhà Âu Lạc. Đó là cách nhìn của khoa folklore.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ nhìn tình huống này theo quan điểm tâm lý:
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già” và nàng đã nói gì đó nữa ?
Nàng có thể cãi rằng cha ép con phải cưới, đâu phải lỗi của con, xin cha nghĩ lại.
Nàng có thể nói, chàng là phò mã, giao thiệp rộng trong cung đình, biết đâu có kẻ Việt gian ăn hối lộ đưa chàng xem nỏ thần, chàng đánh tráo nỏ giả, con biết gì đâu mà đưa.
Nàng lạy van xin vua nguôi giận và tha thứ. Chẳng lẽ chỉ “lạy chào từ biệt” vua cha ?
Thơ hàm súc là thơ có nhiều tâm tư.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ chỉ miêu tả thế thôi, còn chừa chỗ trống cho thiên hạ luận bàn.
Nhà thơ trẻ tuổi đã tránh được sự nông nổi của Tố Hữu già đời lọc lõi. Anh không hấp tấp kết tội Mỵ Châu như Tố Hữu vốn quen thói kết tội người ta khi đã nắm quyền lực của “tổ chức” giao cho.

KẾT

Còn nhớ năm 1992 tôi may mắn tham dự Hội thảo khoa Văn (ĐHSP.HN). Chủ đề hội thảo nghe đủ tính khoa học và rất hiền: “Sức sống của thơ Tố Hữu”. Thực ra đó là một cuộc xử án thơ Tố Hữu sớm nhất và công phu nhất. Từ đó đến nay, “hồ sơ thơ Tố Hữu” tiếp tục dày lên mãi, tưởng như không bao giờ cạn trong đời sống văn học nước ta.

Sau hội thảo nổi tiếng ấy, anh chàng nhà báo nhà thơ trung tá Hồng Thanh Quang viết một bài phỏng vấn trên An ninh thế giới cuối tháng do anh ta làm trưởng ban biên tập. Bài báo kể anh ta gặp cô nữ tiến sĩ Việt kiều tên NTS, ái nữ của Tố Hữu từ bên nước Đức thống nhất về thăm quê. Cô này đã định cư ở Đức, làm giám đốc một công ty tư nhân. Khó ai ngờ con gái một “ông vua tập thể” suốt đời ca tụng chủ nghĩa xã hội tới lúc sắp tàn hơi, có người cha từng viết “miền Bắc thiên đường của các con tôi” (Bài ca Xuân 61), lại rời bỏ thiên đường mang tiền vốn “xã hội chủ nghĩa” đi lập nghiệp nơi “địa ngục”. Hồng Thanh Quang bày chiêu trò ngồi chơi uống cà phê với con gái Tố Hữu ở vỉa hè Hà Nội (để phỏng vấn). Sau những chuyện cà kê dê ngỗng, cô tiến sĩ nói lời chót “Dù thế nào đi nữa, em biết rằng khi làm thơ, ba em rất thành thực” (?!). Tay Hồng Thanh Quang hồi ấy cũng không đủ sức phản bác được cuộc hội thảo của khoa Văn Sư phạm, anh ta chỉ bày trò phỏng vấn để vớt vát, chiêu tuyết cho “nhà thơ cách mạng đầu đàn” mà thôi.
Hôn nhân chính trị ngày xưa là cái bẫy, như ngày nay gọi là “quyền lực mềm”. Những kẻ ra rả ca tụng “16 chữ vàng và 4 tốt” lừa dối nhân dân chỉ vì lợi ích nhóm chắc chắn sẽ phải đón một ngày kia hối hận. Trước phút diệt vong, chớ đừng đổ tội cho ai khác.



[1] *. Mỵ: cô gái đẹp. Châu: viên ngọc trai (chữ Hán). Mỵ Châu là viên ngọc trai đẹp.
[2] * Trọng Thủy: tôn trọng tình chung thủy (chữ  gốc Hán).
[3] * Nhân vật Triệu Đà hiện còn khá phức tạp trong quan điểm lịch sử Việt Nam. 
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)