Khúc Thừa Sơn
(VNTB) – “…Việc mọi người tranh luận giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thông qua các cơ quan tài phán là đúng, là rất hợp lý nhưng mà về thủ tục pháp lý không thể cho phép chúng ta đơn phương khởi kiện được. Vì vậy chúng ta phải kiên trì đàm phán cho đến lúc nào các bên không thể chấp nhận lẫn nhau và ký vào một hiệp ước hay một thỏa thuận nào đó để cùng nhau gửi vụ tranh chấp này lên Tòa, chứ không phải là mình kiện cái gì Tòa cũng có thẩm quyền xử lý…”- lời của TS.Trần Công Trục
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ
Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, tại The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết bác bỏ tính pháp lý đường yêu sách “lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ trên biển Đông, trong vụ việc Philippines đưa đơn đăng ký kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vào tháng 1/2013. Dư luận Việt Nam đặc biệt quan tâm đến phán quyết và đặt nhiều câu hỏi quan tâm liệu Việt Nam có nhân theo đà thắng lợi của Philippines mà kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế để đòi lại chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hay không? Cần những điều kiện nào để Việt Nam tiến hành vụ kiện?…
Việt Nam Thời (VNTB) có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS) Trần Công Trục, nguyên trưởng ban biên giới Chính phủ để góp phần làm rõ hơn những quan tâm trên.
PV.VNTB: Thưa ông! Ông có thể nói về phán quyết PCA trong vụ việc Phippines kiện đường “lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông?
TS. Trần Công Trục: Trước hết tôi xin cải chính để mọi người nắm một cách chính xác, phán quyết này không phải là phán quyết của PCA, tức là Tòa trọng tài thường trực ở La Haye mà đây là phán quyết của Hội đồng trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 chứ không phải của PCA. PCA dường như là một cơ quan quản lý chung cho các Hội đồng trọng tài trên cơ sở đơn kiện mà các bên gửi lên họ xem xét có đúng thẩm quyền của họ hay không rồi PCA mới đứng ra lập các Hội đồng trọng tài. Mà Hội đồng trọng tài lần này họ lập đúng quy định theo Phụ lục VII của Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982, mình có thể gọi là Tòa trọng tài theo Phụ lục VII, đây là một điều có lẽ đề nghị các anh em thông tin cho quần chúng chứ nói Phán quyết của PCA là không đúng đâu.
Trong phán quyết của Tòa trọng tài Phụ lục VII vào ngày 12/7/2016 vừa qua, một trong năm nội dung phán quyết thì nội dung đầu tiên là Tòa bác bỏ quyền lịch sử đối với các tài nguyên nằm trong vùng biển được giới hạn bởi đường yêu sách “9 đoạn” hay còn gọi là đường yêu sách “lưỡi bò” của Trung Quốc. Tòa đã nguyên cứu kỹ các cơ sở pháp lý mà phía Trung Quốc nêu ra và căn cứ vào quá trình xây dựng Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982. Lúc đầu, có một số quốc gia muốn đưa cái quy định này vào để thừa nhận quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong vùng nước…v..v… thì các Ủy ban của Liên Hiệp Quốc để xây dựng Công ước về Luật biển 1982 đã bác bỏ đi rồi. Quyền lịch sử đó đã bị bác bỏ đi rồi vì vậy Công ước không hề có quy định nào về quyền đó, cho nên Trung Quốc lập luận rằng đường yêu sách “lưỡi bò” được hình thành dựa cở sở quyền lịch sử của họ là hoàn toàn phi lý, Tòa bác bỏ.
PV.VNTB: Thưa ông! Với đà thắng lợi của Philippines kiện đường yêu sách “lưỡi bò” của Trung Quốc, tại sao Việt Nam chúng ta không tiếp tục vụ kiện để đòi chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa?
TS. Trần Công Trục: Tôi xin nói một cách rõ ràng rằng: cái đơn kiện của Philippines, họ kiện về việc Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của Công ước để đưa ra các yêu sách phi lý như là ranh giới biển “đường lưỡi bò” hoặc là muốn sử dụng các thực thể không phải là đảo như các bãi đá, bãi cạn… mà họ đang cố tình làm các đảo nhân tạo đặng mở rộng vùng biển, có thể nói họ muốn dùng các cái đó để mở rộng vùng đặc quyền kinh tế. Tòa bác bỏ luôn điều này. Như vậy, việc Tòa ra phán quyết này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Tòa chứ Tòa không có trách nhiệm, không có thẩm quyền giải quyềt các vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với các thực thể hay đối với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và họ cũng không có thẩm quyền xử lý, ra phán quyết các tranh chấp về việc xác định ranh giới của các vùng chồng lấn. Bởi các quốc gia khi dựa vào Công ước Liên Hiệp Quốc luật biển 1982 xác lập vùng biển của mình có cả vùng chồng lấn, những nội dung này Tòa không có thẩm quyền nên Tòa không xem xét. Tôi xin lưu ý là Trung Quốc họ không muốn tham gia vụ kiện này, họ không chấp nhận đơn kiện của Philippines và cho đến bây giờ họ không thừa nhận với lập luận của họ rằng; việc Tòa ra kết luận này là liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, phân định vùng biển đấy là những cái mà trong quy định Công ước Liên Hiệp Quốc luật biển 1982 không có và Trung Quốc bảo lưu ý của họ dựa vào ĐIỀU 298 Công ước tức là “Những ngoại lệ không bắt buộc đối với việc áp dụng Mục 2”, vấn đề chủ quyền lãnh thổ, phân định đường biển không thuộc thẩm quyền của Tòa. Trung Quốc vẫn bám vào đó để nói rằng phán quyết Tòa là vô giá trị.
PV.VNTB: Vậy thưa ông, bằng cách nào để Việt Nam kiện Trung Quốc về vấn đề Trung Quốc chiếm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của mình?
TS. Trần Công Trục: Đây cũng là một nguyện vọng tốt. Nhưng muốn kiện vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thì theo quy chế của các cơ quan tài phán, muốn kiện tranh chấp đó thì các bên có liên quan sau khi đàm phán không thành công phải ký vào một thỏa thuận gửi lên các cơ quan tài phán, người ta mới có thẩm quyền xem xét chứ nếu đơn phương gửi một mình, của một nước nào đó có liên quan tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thì Tòa không có quyền xem xét cũng như ra phán quyết. Cho nên, để nói rằng tại sao Việt Nam ta không dựa vào cái này để tiếp tục kiện Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa mà Trung Quốc đã xâm chiếm, vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam thì khả năng ngay lập tức khó bởi vì không thể đơn phương kiện lên Tòa với nội dung này được và Tòa cũng sẽ không có thẩm quyền như chúng ta nói ở trên. Việc mọi người tranh luận giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thông qua các cơ quan tài phán là đúng, là rất hợp lý nhưng mà về thủ tục pháp lý không thể cho phép chúng ta đơn phương khởi kiện được. Vì vậy chúng ta phải kiên trì đàm phán cho đến lúc nào các bên không thể chấp nhận lẫn nhau và ký vào một hiệp ước hay một thỏa thuận nào đó để cùng nhau gửi vụ tranh chấp này lên Tòa, chứ không phải là mình kiện cái gì Tòa cũng có thẩm quyền xử lý. Cho nên các chuyên gia luật pháp nói rằng việc Philippines để khởi kiện Trung Quốc thì họ đã nghiên cứu rất kỹ, tìm ra một khe hở để sử dụng bằng cách họ đơn phương kiện và cái đó thuộc thẩm quyền của Tòa vì vậy PCA họ xem xét tòa bộ đơn kiện. Sau khi nghe ý kiến từ các bên liên quan thì PCA quyết định tiếp tục vụ kiện và việc đầu tiên họ thành lập Hội đồng trọng tài mà ta gọi là Tòa trọng tài Phụ lục VII, giao nhiệm vụ cho 5 thành viên tức là 5 thẩm phán được chọn lựa từ 100 thẩm phán được lưu trữ ở Liên Hiệp Quốc, đây là những thẩm phán hết sức có năng lực và công tâm. Họ đã nghiên cứu rất kỹ, đặc biệt trước thềm phán quyết đã có rất nhiều ý kiến khác nhau như; Trung Quốc mở chiến dịch vận động để nói Tòa không được quyền phán xét cái này, hay một nói nước lên tiếng các vấn đề liên quan như Đài Loan nói về vấn đề đảo Ba Bình mà họ đang chiếm giữ ở Trường Sa và cũng có một số nước khác bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc nên lên tiếng phản đối. Thế nhưng, trước sức ép đó các thành viên Hội đồng trọng tài vẫn có đầy đủ một bản lĩnh, một trình độ cần thiết, cuối cùng họ quyết định công bố phán quyết này. Đây là phán quyết cuối cùng mà phán quyết này theo Công ước Liên Hiệp Quốc luật biển 1982 quy định có tính chất bắt buộc. Hiện nay nó đã tồn tại trên thực tế, Việt Nam chúng ta cần phải tiếp tục dựa vào phán quyết này để tiếp tục triển khai cuộc đấu tranh trên các phương tiện như là; ngoại giao, chính trị kể cả pháp lý sau này mình có đủ điều kiện để thực hiện việc đòi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.
PV.VNTB: Theo ông, ngay bây giờ và trong tương lai Việt Nam chúng ta cần phải làm gì để bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên biển Đông đặc biệt là đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa?
TS. Trần Công Trục: Theo tôi nghĩ đặt trong bối cảnh hiện tại, trong tình hình đất nước chúng ta đặc biệt với những diễn biến trước mắt thì Việt Nam một mặt phải đấu tranh để bảo vệ được chủ quyền và các quyền lợi ích hợp pháp của mình. Về mặt nguyên tắc chúng ta không được phép lung lay, không được thực hiện bất kỳ hành động nào thể hiện ra chúng ta có một sự thay đổi lập trường trong việc chúng ta có hoàn toàn chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, có các quyền và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển, thềm lục địa mà Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 cho phép, đây là nguyên tắc. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam chúng ta phải cố gắng làm sao để cùng các bên đặc biệt là Trung Quốc, tìm mọi cách để có thể ngồi cùng với nhau đặng đàm phán từng bước kiểm soát được các vấn đề, đừng để Trung Quốc hoặc thế lực khác lợi dụng một cớ hở nhỏ để làm lớn lên rồi gây ra chiến tranh là điều bất lợi. Tôi nghĩ rằng, sau phán quyết của Hội đồng trọng tài và trong tình hình hiện nay có lẽ biện pháp thích hợp mà Việt Nam chúng ta cần phải ưu tiên như tôi nói trên là; chúng ta nên viết tiếp câu chuyện phán quyết bằng biện pháp chính trị, ngoại giao. Chúng ta cần thúc đẩy câu chuyện đó để làm sao có được những giải pháp tạm thời ngăn chặn những xung đột xảy ra, cố gắng làm sao để có được một Bộ quy tắc ứng xử giúp cho các bên có một cơ chế để mà khống chế và kiểm soát được các tranh chấp căng thẳng có thể dẫn tới đụng độ bằng chính trị, ngoại giao. Còn sau này tình hình có phát triển như thế nào thì điều đó chúng ta sẽ tính tiếp nhưng trước mắt thì điều này phù hợp với tình hình bối cảnh hiện tại. Và tôi nghĩ rằng; ngay cả những nước lớn như Hòa Kỳ, các nước EU…đều có nguyện vọng như vậy, họ cũng kêu gọi các bên cố gắng đàm phán, cố gắng kiềm chế đừng để chiến tranh xung đột xảy ra. Nước lớn và nước nhỏ đều có nguyện vọng như vậy thì đối với Việt Nam chúng ta, trong bối cảnh hiện tại câu chuyện chúng ta làm có lẽ ưu tiên số một là cần tìm mọi cách để đẩy mạnh việc đàm phán bằng chính trị, ngoại giao.
VNTB cám ơn những chia sẻ của Tiến sĩ Trần Công Trục.