Việt Nam Thời Báo

VNTB – Từ chai nước xả cầu đến sản phẩm giáo dục

Đỗ Thành Nhân

 

(VNTB) – Khi người công nhân sử dụng sản phẩm nước xả cầu Comm do chính họ làm ra, thì họ sẽ có cố gắng tận tâm, làm tốt hơn

 

Lời mở câu chuyện

Nhiều năm làm quan giáo dục, ông đau đáu một điều, là: sản phẩm giáo dục ông góp phần sản xuất ra không được thị trường chấp nhận. Điều ông đau đầu, trăn trở nhất là ngay cả nhiều quan triều đình và những người trong ngành của ông cũng không chọn sản phẩm này; lại sẵn sàng chi nhiều tiền để mua sản phẩm giáo dục nước ngoài.

Cho đến khi ông lên chức Thượng thư, và tình cờ gặp người bạn cũ …!

(bài viết hơi dài, người đọc có thể bỏ qua phần I)

I. Từ câu chuyện về tư vấn đầu tư, muốn chuyển thành chuyện chính trị cũng được.

Rất nhiều người, trong đó có tầng lớp giám đốc (chủ doanh nghiệp) hay nghe và nói với nhau: lo làm ăn đi, đừng quan tâm tới chính trị làm gì? Tuy nhiên, suy cho cùng thì kinh tế (kinh bang tế thế) và chính trị (chính sách trị quốc), đều như nhau, cũng phải tuân theo những quy luật chung mới cạnh tranh tồn tại được. Thế giới đã có những người làm kinh tế thành công rồi chuyển qua làm nhà chính trị có kinh nghiệm, ví dụ như ông Naftali Bennett – Thủ tướng Israel(1), hay ông Donald Trump – Tổng thống Hoa Kỳ (2).

 

Ông Naftali Bennett (trái), Donald Trump (phải): doanh nhân thành chính khách

 

II. Dưới đây là chuyện từ kinh nghiệm kinh doanh chuyển thành quốc sách.

Có nhà máy chuyên sản xuất sản phẩm “nước xả cầu Comm.”(3) chất lượng quá kém, không ổn định. Sản phẩm bán ra thị trường rất khó cạnh tranh. Dù Ông chủ nước xả cầu Comm. đã sử dụng đến các thủ đoạn khuyến mãi, quảng cáo dối trá nhất, nhưng cũng rất khó bán. Ngay cả công nhân trong nhà máy, là những người trực tiếp sản xuất nước xả cầu cầu Comm cũng không muốn mua để dùng, chấp nhận mua sản phẩm khác đắt hơn.

Trước thực trạng lối ra sản phẩm nước xả cầu Comm là con đường bi đát, Ông chủ mời người tư vấn đến nghiên cứu chiến lược kinh doanh. Sau khi khảo sát, thống kê, phân tích số liệu sơ bộ, người tư vấn có buổi trao đổi với Ông chủ.

Tóm tắt ý chính của câu chuyện Tư vấn và Ông chủ:

– Tư vấn: khi người nông dân không ăn rau của họ trồng, thì Ông nghĩ sao?

– Ông chủ: người nông dân biết rau bị nhiễm độc, nên không ăn.

– Tư vấn: giải quyết vấn đề rau để ăn, người nông dân làm gì?

– Ông chủ: cái này thì ai cũng biết, cứ vào Google tra “rau hai luống, lợn hai chuồng” (4).

– Tư vấn: có bao nhiêu người lao động trong nhà máy của Ông sử dụng sản phẩm nước xả cầu Comm?

– Ông chủ: rất hiếm khi, ngay cả tôi và những người quản lý cấp cao cũng không sử dụng.

– Tư vấn: người công nhân trực tiếp sản xuất sản phẩm nước xả cầu Comm có sử dụng không?

– Ông chủ: không.

– Tư vấn: khi người công nhân không sử dụng sản phẩm do chính họ sản xuất ra, thì Ông nghĩ sao?

– Ông chủ (lẩm bẩm): Ừ, tôi từng nghe có cái liên minh công-nông, thì về nhận thức công nhân cũng như nông dân thôi. Họ đều không tin vào sản phẩm mình tạo ra.

– Tư vấn: Ông có thể đầu tư dây chuyền công nghệ, nhà xưởng mới, tổ chức quản trị lại để nâng chất lượng sản phẩm?

– Ông chủ: không thể.

– Tư vấn: tại sao?

– Ông chủ: bản chất ở chỗ công thức sản phẩm nước xả cầu Comm không thể thay đổi được.

– Tư vấn: Ông có thể đầu tư thêm 1 dây chuyền công nghệ mini, để sản xuất sản phẩm tốt hơn rồi đặt tên nước xả cầu Comm như “rau hai luống, lợn hai chuồng” được không?

– Ông chủ: không thể.

– Tư vấn: thôi, tôi chấm dứt hợp đồng tư vấn ở đây.

– Ông chủ: tại sao?

– Tư vấn: Tôi chưa tìm ra phương án tư vấn chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp cho sản phẩm nước xả cầu Comm của Ông. Trước tiên, Ông phải làm sao cho chính người công nhân sản xuất nước xả cầu Comm sử dụng sản phẩm họ làm ra đã. Ngay chính bản thân Ông, công nhân của Ông, không muốn sử dụng sản phẩm do chính họ sản xuất ra, thì ai dám mua để sử dụng?

Ông chủ cảm ơn, bắt tay và chia tay người tư vấn.

Trước thực trạng công nhân, người lao động trong nhà máy của Ông chủ đều mua nước xả cầu khác để sử dụng. Ông chủ luôn ám ảnh câu nói cuối cùng của người tư vấn “làm sao cho chính người công nhân sản xuất nước xả cầu Comm sử dụng sản phẩm họ làm ra đã.”.

Nhưng Ông không thể đầu tư để nâng chất lượng sản phẩm được, cũng không thể sản xuất kiểu “rau hai luống, lợn hai chuồng” được. Cuối cùng Ông chủ quyết định: tất cả công nhân được SỬ DỤNG MIỄN PHÍ sản phẩm họ làm ra là nước xả cầu Comm

Quyết định này được Ông chủ suy nghĩ theo tư duy số đông thông thường:

– Khi chỉ công nhân sử dụng sản phẩm nước xả cầu Comm do chính họ làm ra, thì họ sẽ khen chất lượng sản phẩm để chứng minh là người tiêu dùng thông thái; chứ họ không nói sử dụng vì miễn phí, vì kém chất lượng.

– Khi những người khác thấy người công nhân sử dụng sản phẩm do chính họ làm ra, thì họ sẽ tin vào chất lượng sản phẩm nước xả cầu Comm và mua để sử dụng và trở thành khách hàng nước xả cầu Comm.

– Khi người công nhân sử dụng sản phẩm nước xả cầu Comm do chính họ làm ra, thì họ sẽ có cố gắng tận tâm, làm tốt hơn, ít nhất là những lô hàng nước xả cầu Comm mà họ sẽ được sử dụng miễn phí.

(kết quả quyết định của Ông chủ như thế nào, ngoài phạm vi của bài viết này)

 

III. Và chuyện Thượng thư với Ông chủ:

Ông chủ lên kinh đô, hẹn gặp bạn học cũ ở một nhà hàng kín đáo sang trọng, nay đã đỗ đạt thành danh giáo sư tiến sĩ, làm Thượng thư giáo dục. Ông chủ gặp bạn với mục đích chính là nhờ tư vấn để đưa con ra nước ngoài học.

Là bạn bè thân tình, vị Thượng thư tư vấn vô tư, khách quan cho Ông chủ: nên đưa con ra nước ngoài học bằng phương thức gì, đi nước nào, học ngành gì, cách chuyển tiền mua nhà đất xe cộ ra sao, sau đó ở lại làm việc như thế nào, …

Sau khi hai người bạn là Thượng thư và Ông chủ nói xong nội dung chính. Họ hỏi thăm tình hình công việc, đặc biệt là những khó khăn để bạn bè sẵn sàng hỗ trợ nhau.

– Thượng thư tâm sự: cái khó của tôi là tình trạng, phong trào “tị nạn giáo dục”. Trước kia tị nạn ở nước ngoài, nay tị nạn ở trong nước.

– Ông chủ (không hiểu) hỏi: “tị nạn giáo dục” là gì ?.

– Thượng thư: là ai cũng tìm mọi cách đi nước ngoài học, hoặc học trường nước ngoài. Như anh cũng đang tìm cách đưa con đi học, rồi sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Đấy là “tị nạn giáo dục”, tra Google tìm hiểu kỹ hơn.

– Ông chủ (im lặng một lúc) nói: chuyện này tôi không giúp được gì cho bạn rồi!

– Thượng thư hỏi sang chuyện khác: tình hình làm ăn của anh như thế nào?

– Ông chủ kể: tôi sản xuất nước xả cầu Comm. Sản phẩm bán khó, thị trường không chấp nhận, ngay công nhân sản xuất ra cũng mua sản phẩm khác để sử dụng…

Rồi Ông chủ kể đến ý tưởng ban hành Quy chế “công nhân sử dụng miễn phí sản phẩm nước xả cầu Comm.”, phân tích ý tưởng và dự báo kết quả. Thượng thư ngồi nghe Ông chủ kể một cách chăm chú, thỉnh thoảng ngắt lời, hỏi sâu kỹ hơn.

Đến khi Ông chủ kể xong, Thượng thư nói: chúc mừng anh, vậy là buổi gặp hôm nay anh đã giúp tôi rất nhiều.

Sau đó, hai người bạn nâng ly rượu, chia tay vui vẻ.

Hôm sau, Ông chủ xem báo thấy Thượng thư đăng đàn trước bá quan văn võ triều đình và thần dân, công khai đề xuất “đưa vào Luật: miễn toàn bộ học phí tất cả cấp học cho con nhà giáo”. Ông chủ mở Quy chế Công ty xem, đến dòng “công nhân sử dụng miễn phí sản phẩm nước xả cầu Comm.”.

Ông chủ cười vui: cái sản phẩm nước xả cầu Comm cũng trở thành quốc sách.

Hơn ai hết Ông hiểu bản chất sản phẩm nước xả cầu Comm của Ông và cả cái sản phẩm của bạn. Nghĩ tới đó, Ông chủ lo chạy làm thủ tục cho con đi học nước ngoài theo tư vấn của người bạn Thượng thư.

Là người làm kinh tế, Ông chủ hiểu rõ: một sản phẩm mang tính phổ dụng, nhưng khi biếu không cho một nhóm phân khúc khách hàng, thường thì đằng sau đó một âm mưu!

 

_______________________

Tham khảo:

(1) Naftali Bennett – Thủ tướng Israel https://www.britannica.com/biography/Naftali-Bennett

(2) Donald Trump – Tổng thống Hoa Kỳ  https://vi.wikipedia.org/wiki/Donald_Trump

(3) COMM. là phần đầu của một thương hiệu, tên gọi đã tồn tại hơn 150 năm qua.

(4) Những cụm từ trong ngoặc kép như “rau hai luống, lợn hai chuồng”, copy vào Google tra cứu để tìm hiểu thêm.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Làm sao để có những ‘đảng viên tinh hoa’ về giáo dục?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Thầy Trợ bị phạt 5 triệu đồng

Phan Thanh Hung

VNTB – Sự Thật ( Phần 2): Nền giáo dục và y tế ưu việt dưới thời Việt Nam Cộng Hòa

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo