Hiền Vương
(VNTB) – “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”
Khi ra chợ làm ăn mua bán, mà muốn tu thực là không phải dễ, bởi vì những người ở ngoài chợ tập trung nhiều thành phần khác nhau, mua bán giống như làm dâu trăm họ. Cuộc sống thế gian của người tại gia, đủ thứ cám dỗ và rất nhiều cái bẫy đang giăng sẵn chực chờ, nào là bẫy tiền tài, bẫy danh vọng, bẫy sắc đẹp, bẫy ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều; vả lại với đủ thứ phiền não, khổ đau cuộc đời, suốt ngày bận rộn với công kia việc nọ, không có thời giờ, thì thử hỏi làm sao tu được?
Tu ở chùa thì không phải lo chuyện tính kế sinh nhai, không bận rộn hay bị tiêm nhiễm chuyện thế gian, có thầy lành bạn tốt sách tấn đồng tu, nên tu ở chùa xếp cuối cùng trong chuyện.
Lý thuyết nói chung đại ý có diễn giải như trên về “tu chợ, tu chùa”.
Thật vậy, với vụ việc của sư Minh Tuệ, một người “tu chợ”, cho thấy đây là một phương thức tu hành càng gấp bội khó khăn khi phải chịu chỉ trích, đả kích, thậm chí dùng quyền lực nặng màu sắc thế tục để ngăn cản của những vị “tu chùa”.
Lịch sử Phật giáo cho biết không có quy định nào về “tu chợ, tu chùa”, cũng không có quy định buộc phải “tu theo nhóm quần cư”, không có khái niệm tổ chức độc quyền kiểu như Giáo hội Phật giáo.
Với hạnh đầu đà (Dhuta), là hạnh tu khắc khổ để dứt bỏ các tham dục. Có 12 (có nơi ghi 13) hạnh đầu đà:
1. Y phục làm bằng những mảnh vải rách.
2. Chỉ dùng ba y.
3. Khất thực mà ăn.
4. Chỉ ăn một bữa vào giờ trưa.
5. Không ăn quá no.
6. Không giữ tiền bạc.
7. Sống độc cư.
8. Sống trong nghĩa địa.
9. Sống dưới gốc cây.
10. Sống ngoài trời.
11. Không ở cố định, thường du hành.
12. Ngồi ngủ, không nằm ngủ.
Công hạnh của bậc Thánh đầu đà nhắc nhở người tu hành về một đời sống giản dị, thanh bần, muốn ít và biết đủ. Cần làm sao để trong đời sống tu hành không bị vướng mắc nhiều quá vào ăn, mặc, ở hay ngũ dục, ngũ trần nói chung. Vì giải thoát, trong ý nghĩa đơn giản nhất là không bị kẹt, bị dính mắc, thong dong với mọi thứ trong đời sống hàng ngày.
Đầu đà là phương tiện quý báu trợ duyên cho sự thoát ly khỏi tham dục, tránh những hành động dễ đưa đến tạo dư luận trái chiều như với “tu chùa” của Thích Trúc Thái Minh, Thích Chân Quang hay Thích Nhật Từ.
Trong kinh Pháp Hoa phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh, đã thuật lại hành động của ngài Thường Bất Khinh rằng là hễ gặp bất cứ ai, ngài cũng cúi chào và nói lên lời rằng: Lạy người tôi không dám khinh suất các người, vì nhân duyên, tất cả các người sẽ thành Phật.
“Có phải chăng, ngài cúi chào là cúi chào tự tánh chân thật của hết thảy chúng sanh? Là Phật tánh hiển hiện nơi mỗi con người?” – một câu hỏi lớn cho hành động này của ngài Thường Bất Khinh.
Vậy nên thiển ý của người viết bài này, thì câu nói “thứ nhất, tu nhà, thứ nhì tu chợ, tứ ba tu chùa” cũng như câu nói “tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu” truyền khẩu trong dân gian Việt Nam được thấm nhuần bởi tư tưởng Phật giáo, xem trọng việc phát huy Phật tánh vốn sẵn có trong mỗi người, đem những lẽ Đức Phật dạy đi vào cuộc sống bằng năng lượng của tình thương và trí tuệ sáng suốt! Bởi vì “Bình thường Tâm thị Đạo”, sống, tiếp nhận và phản ứng với cuộc sống vốn như thể nó là, đừng để cho tham, sân, si dấy lên, vấy bẩn những hiện tượng, sự việc đang diễn ra bên mình.
Sư Minh Tuệ, một “tu chợ” là đơn cử cho người như vậy.