VNTB – Tự do báo chí phải đúng “tôn chỉ mục đích”?!

VNTB – Tự do báo chí phải đúng “tôn chỉ mục đích”?!

 

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Báo chí ở Việt Nam tuy được phép phản ánh toàn diện mọi mặt đời sống xã hội, nhưng chuyện phản ánh ấy phải nằm trong khuôn phép gọi là “tôn chỉ mục đích”.

 

Bài viết này được căn cứ vào cam kết mà đảng cộng sản Việt Nam đã đưa ra tại Điều 3, Hiến pháp 2013: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

Từ điều hiến định trên cho thấy để “bảo đảm quyền con người” – “văn minh” – “có điều kiện phát triển toàn diện”, thì chí ít người dân phải được quyền tự do thông tin, tự do biểu đạt, tự do chính kiến.

Tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền

Hồ sơ lưu trữ cho biết trên báo Dân tiến số ra ngày 10-11-1938, tác giả Phan Đăng Lưu có bài viết xúc tích chủ đề “Tự do báo chí” như sau:

“Tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền, vì nhiều lẽ:

1. Khi các báo được tự do xuất bản thì chỉ những tờ báo có dân chúng ủng hộ mới có thể sống, còn không thì chết hoặc sống ngắc ngoải, chẳng có ảnh hưởng gì đáng sợ.

2. Một tờ báo đã sống, đương nhiên nó đại diện cho tầng lớp dân chúng, nó diễn đạt tất cả hoài vọng và chí hướng của đám dân ấy. Nhà cầm quyền muốn cai trị được hoàn thiện không thể bỏ qua những hoài vọng hoặc chí hướng của đám dân này. Tất nhiên cũng cần đọc hết tờ báo ấy.

3. Một tờ báo nói vượt qua trình độ dân chúng, kêu gào dân chúng làm những việc tày trời không bao giờ dẫn đạo được dân chúng, sẽ bị dân chúng gạt qua bên mặt trận nghịch thù.

4. Một tờ báo sống một cách mạnh mẽ, có ảnh hưởng trong dân chúng, đưa ra những vấn đề trái ngược với quyền lợi của nhà cầm quyền, cũng chẳng có hại cho cuộc trị an. Nó chỉ là một tiếng còi báo trước cho chánh phủ hãy thay đổi chánh sách cai trị đi để chuộc lòng dân.

Căn cứ vào những lẽ đó, chúng tôi quả quyết rằng tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền. Có hại chăng là một chánh sách cai trị hẹp hòi, đi ngược với sự tiến hoá của dân chúng mà thôi”.

Sinh thời, ông Phan Đăng Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1937), Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng (năm 1938). Ông bị Tòa án binh của Pháp kết tội kêu gọi quân đội cách mạng, bị xử bắn ngày 26-8-1941.

Các yêu cầu được nêu trong bài báo trên, về sau này được luật hóa tại điểm c và d, Khoản 2 Điều 4 Luật Báo chí 2016 trong quy định nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan báo chí:

“c) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân;

d) Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”;

Diễn giải các văn bản “dưới luật”, đó là nghiệp vụ của báo chí khi khai thác, tìm hiểu thông tin, phân tích thông tin và phổ biến thông tin đến độc giả có tính công khai, tính thời sự, tính tương tác, tính đa dạng, tính định kỳ… Vì vậy, nếu có phân biệt thì là phân biệt năng lực phẩm chất của người làm báo, chứ không phải là phân biệt “tôn chỉ, mục đích” hay tên gọi của cơ quan báo chí như cách mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang quản lý hiện tại.

Phiên bản “chính sách ngu dân” thời đại Hồ Chí Minh?

Tạm kết bài viết này bằng một vài trích dẫn ở chương 4 “Chính sách ngu dân” được chuyển ngữ từ “Le Procès de la colonisation française”, là một tác phẩm chính luận do Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp, và được xuất bản lần đầu ở Paris năm 1925 trên một tờ báo của Quốc tế Cộng sản có tên Imprékor, tại Việt Nam được xuất bản lần đầu năm 1946:

“Báo tiếng Việt không được xuất bản, nếu không được phép của quan toàn quyền. Giấy phép chỉ cấp với điều kiện là các bài báo phải được quan thống đốc duyệt trước. Giấy phép ấy có thể rút lúc nào cũng được”;

“Mọi cuộc trưng bày hoặc phổ biến những bài hát, biếm hoạ hoặc tranh ảnh làm thương tổn đến sự tôn kính đối với các nhà cầm quyền đều bị trừng trị”;

“Trong một cuộc bầu cử hội đồng thành phố Sài Gòn, viên thống đốc cấm ba ông chủ nhiệm báo tiếng Việt không được đăng lên báo của họ bản sắc lệnh quy định thể lệ bầu cử hội đồng thành phố ở Nam Kỳ. Họ là ứng cử viên, thế mà báo của họ bị cấm tuyệt không được đăng một cái gì dính dáng, dù xa hay gần, đến chương trình của họ! Vì người An Nam không có quyền hội họp quá số 20 người, nên ứng cử viên phải gặp 3.000 cử tri lần lượt từng người một.

Cũng trong lúc ấy, ông thống đốc còn thông tri cho các tờ báo tiếng Việt khác biết là sở kiểm duyệt sẽ thẳng tay cắt những bài báo, cột báo, đầu đề hoặc bất cứ một lời bóng gió nào nói đến các cuộc bầu cử thuộc địa hoặc thành phố. Một tờ báo tiếng Việt dịch đăng đạo luật nói về việc trừng trị những hành động hối lộ trong bầu cử, bài ấy đã bị cắt. Trong lúc đó thì quan thống đốc trắng trợn cho đòi những người đứng đầu các tập đoàn cử tri đến văn phòng và truyền cho họ phải bỏ phiếu và cổ động bỏ phiếu cho danh sách được ngài có cảm tình nhất”;…

…Như vậy, có thể thấy sở dĩ hiện nay không yêu cầu “kiểm duyệt trước khi xuất bản”, vì tổng biên tập của tờ báo là đảng viên luôn hiểu phải “đúng tôn chỉ, mục đích”, còn thì các vấn đề khác, nếu “lọt lưới” hay làm “phật ý” phe cánh quyền lực chính trị nào đó, lập tức người viết báo bị xử tù theo điều luật hình sự 117, và tờ báo “dám đăng” cũng bị nhẹ thì đình bản có thời hạn, nặng thì rút giấy phép vĩnh viễn.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Công Tâm 2 years

    Tự do báo chí + đuôi xhcn!