Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tự do ngôn luận ở Việt Nam

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Với Nhà nước Việt Nam “tự do ngôn luận phải theo quy định của pháp luật” 

 

Về lý thuyết phổ quát chung, thì quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.

Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR) năm 1948 nêu: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không có giới hạn về biên giới”.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 cũng quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”.

Tuy nhiên ở Điều 25 Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam có giới hạn quyền này qua nội dung: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy theo quy định của Hiến pháp thì “quyền tự do ngôn luận” của mọi công dân là quyền được tự do trong giới hạn mà pháp luật quy định.

Nhà chức trách luôn có thói quen nhìn quyền tự do ngôn luận bằng lăng kính ám thị của chuyện chống lại thể chế chính trị, do đó vì để phù hợp với các thỏa thuận trong luật hóa những công ước quốc tế về quyền dân sự nên pháp luật đã đặt ra các rào cản kỹ thuật trong việc thực hiện quyền tự do ngôn luận này.

Những nhà quan sát – bao gồm cả giới luật sư cho rằng nội dung của điều 117 được đưa được điển chế vào Bộ luật hình sự Việt Nam là hạn chế điều 19 trong Công ước về các quyền chính trị và dân sự (ICCPR) 1966 mà Nhà nước Việt Nam đã tham gia ký kết từ năm 1982.

Nhìn từ diễn biến của chuyện ‘củi – lò’ lâu nay cho thấy hệ lụy của việc giới hạn quyền tự do ngôn luận bằng đe dọa hình sự hóa các ý kiến phản biện trái chiều từ điều luật 117 chẳng hạn, là nguy cơ khiến cán bộ, đảng viên đảng cầm quyền dễ mắc phải là chuyên quyền, độc đoán. Khi có quyền, cá nhân đảng viên, người lãnh đạo dễ dàng tự thỏa mãn, dùng quyền lực thay cho chân lý, cho pháp luật trong chỉ đạo, bao gồm cả trấn áp những tiếng nói trái chiều. Tất cả điều này sẽ dẫn đến hạn chế tầm tư duy chiến lược, hoạch định chính sách, không theo kịp xu thế vận động, thậm chí còn bảo thủ làm kìm hãm tốc độ phát triển của xã hội.

Một trong các quyền quan trọng thể hiện quyền lực thuộc về Nhân dân là quyền được quyết định chọn lựa các đại diện thể hiện cho ý chí của mình, đi đôi với nó là quyền bãi nhiệm, bãi miễn khi người được ủy quyền không thi hành đúng ý nguyện của dân chúng. Thế nhưng các ý kiến yêu cầu cần bình đẳng trong lá phiếu cử tri với nhiều quyền lựa chọn lại được chụp mũ của chống phá…

Đồng ý chuyện “Đảng cử – Dân bầu”, song ở đây là Đảng nên giới thiệu cán bộ của mình ra tranh cử, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, để dân được quyền lựa chọn người đại diện. Làm như thế không những Đảng nâng cao uy tín, mà còn tăng thêm sức mạnh cho dân để cùng tham gia xây dựng bộ máy Nhà nước, xây dựng chính quyền.

Ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, việc phát ngôn làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm cá nhân, tổ chức một cách không chính đáng thì chỉ là một lỗi dân sự. Chúng làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà thôi. Thiết nghĩ chính quyền nên xem xét lại sự tồn tại của điều luật hình sự như 117, 331 để bảo đảm sự hội nhập, tương thích của luật pháp Việt Nam đối với những tiêu chuẩn luật pháp hình sự quốc tế. Rất không nên cứ định kiến chụp mũ chống phá đối với quyền tự do ngôn luận bằng rào cản pháp luật.

 


Tin bài liên quan:

VNTB – Facebooker Vượng Nguyễn bị tuyên án 8 năm tù và 3 năm quản chế

Phan Thanh Hung

VNTB – Phiên tòa giả định về án an ninh quốc gia quy định ở điều 117 bộ luật hình sự

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: Đi bầu ‘người tiêu biểu’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo