Ngọc Vân
(VNTB) – TP.HCM duyệt đề xuất thu hồi đất hai bên đường mới để bán đấu giá : nhà nước tự bắn vào chân mình
Đề xuất thu hồi đất hai bên đường mới để bán đấu giá – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)
Điều mà ai cũng biết là nhà nước luôn muốn tăng nguồn thu. Họ cần tăng thu để nuôi bộ máy hành chính, bộ máy Đảng, để tăng cường khả năng kiểm soát xã hội và năng lực quốc phòng. Tuy vậy, việc thu hồi đất hai bên đường mới sẽ là làm giảm thu nhập của nhà nước một cách nghiêm trọng và lâu dài. Nói cách khác, nhà nước tự bắn vào chân mình.
Để tăng nguồn thu một cách ổn định, nhà nước cần có một nền kinh tế quốc gia tăng trưởng đều đặn. Năm 2019, nguồn thu của chính phủ thu khoảng 70 tỷ USD, khoảng 2,5% của GDP, 261 USD. Nếu nền kinh tế Việt Nam có thể vươn lên bằng với Hàn Quốc, GDP hiện khoảng 1.700 tỷ USD, số thu HÀNG NĂM của chính phủ sẽ vào khoảng 420 tỷ USD, tăng lên khoảng 6 lần.
Ngược lại, việc thu hồi đất đường mới, dù có giúp đem lại một khoản thu một lần lớn, sẽ ảnh hưởng cực kỳ tai hại đến nguồn thu của chính phủ, do làm giảm tốc độ phát triển kinh tế trong lâu dài. Tại sao?
Thứ nhất, nguồn vốn đầu tư sẽ giảm do giá nhà đất ở vùng ven sẽ sụt giảm. Người muốn mua đất sẽ ngần ngại trả giá cao khi họ phải đối diện với hai lần mất mát. Lần thứ nhất, khi nhà nước giải tỏa đất của họ để phát triển cơ sở hạ tầng. Lần thứ hai, khi đất mặt tiền của họ bị thu hồi để đấu giá nếu nằm trên đường mới. Khi giá nhà đất giảm, số tiền mà người dân có thể dùng căn nhà, miếng đất của mình để thế chấp sẽ giảm. Do đó, họ sẽ có ít vốn hơn cho việc làm ăn. Nói một cách khác, nguồn vốn đầu tư sẽ giảm.
Thứ hai, người buộc phải mua một mảnh đất vùng ven để làm nhà cũng sẽ không đầu tư nhiều vào căn nhà của họ vì nguy cơ bị giải tỏa. Không phải một lần, mà là hai lần.
Khi nguồn vốn đầu tư giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm.
Chú B., nhà ở khu Bình Chánh, có một mảnh đất trước đây trồng lúa. Miếng đất giờ để hoang vì trồng lúa chẳng có ăn. Gần đây, chú nộp đơn thế chấp miếng đất để mua một chiếc xe hơi chạy grabcar. Hôm vừa rồi, ngân hàng báo sẽ giảm số tiền cho vay, sau khi có tin TP.HCM duyệt đề xuất thu hồi đất mặt đường mới. Hóa ra, số tiền được vay sẽ không đủ để mua xe. Nên chú thôi.
Anh H., quê miền Tây, lên Sài Gòn học rồi ở lại. Anh đã lập gia đình và có một cháu. Hôm trước, mua được một lô đất ở Hóc Môn để làm nhà cho có chỗ ra vào. Hôm trước, anh định đổ 2 tấm. Việc giải tỏa và đền bù không thỏa đáng đã từng xảy ra trong nhiều năm đã làm anh băn khoăn vì lô đất của anh nằm trong diện chưa được quy hoạch. Nay, lại thêm vụ giải tỏa lần hai – thu hồi đất mặt đường mới. Hai vợ chồng suy nghĩ mãi. Cuối cùng, quyết định … tiếp tục ở nhà trọ.
Anh P. có một căn nhà ở bên ngoài cầu Bình Triệu, từ khi nhà nước này còn chưa có mặt ở Miền Nam. Căn nhà bị giải tỏa mấy năm trước, nhà anh trở thành nhà mặt tiền. Anh vay ngân hàng và dùng số tiền bồi thường để xây căn nhà mới và mở một quán càfe. Giờ nghe tin thu hồi lần nữa. Nghĩ đến cảnh mất chỗ ở, chỗ kinh doanh, lại lâm cảnh nợ nần, anh … không biết nghĩ sao.
Nhà nước thì tự bắn vào chân mình vì doanh nghiệp kinh doanh xe hơi mất khách hàng. Vì các công ty mất doanh thu bán vật liệu xây dựng. Các nhà thầu mất hợp đồng xây cất. Còn người dân có nguy cơ mất nhà cửa, công ăn việc làm.
Không lẽ vì một kẻ buôn chuyến nào đó mà tạo ra đại họa như vậy?