Mai Lan
(VNTB) – Có người nhắc lại lời bài hát “Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” cho cảnh báo việc nhiều thế hệ đã rơi vào cái tư duy duy thần tượng tai hại, như tư duy thần tượng ông Hồ, chẳng hạn…
Hôm 06-12-2023, trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU, tỉnh Bình Dương) tổ chức buổi tọa đàm ra mắt ấn phẩm “Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh” và hội thảo “Viễn cảnh kinh tế Việt Nam”.
“Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh” là ấn phẩm quy tụ bài viết của 23 tác giả là giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà kinh doanh trong và ngoài nước. Tập sách do GS. Trần Văn Thọ và Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến đồng chủ biên.
Tập sách tập trung vào những khía cạnh quan trọng của phát triển kinh tế và xã hội, đặt ra các vấn đề cấp thiết như: điều kiện để Việt Nam tham gia sâu và cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu; giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam; đề xuất giải pháp để kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ; bàn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hóa giai đoạn mới v.v.
Một tọa đàm về cuốn sách này cũng diễn ra hôm sáng ngày 9-12 ở đường sách Sài Gòn.
Khi nói về viễn cảnh Việt Nam “giàu mạnh”, nhà báo Trần Hữu Phước Tiến, cho rằng sự giàu có không gói gọn trong giàu có về tiền bạc hay trí tuệ, mà còn phải giàu về văn hóa.
“Văn hóa chính là quyền lực mềm của đất nước, và thực ra văn hóa cũng là môi trường để các bạn trẻ khởi nghiệp rất tốt. Chúng ta không chỉ cần khuyến khích các bạn trẻ học về chip, về công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, mà cũng cần học hỏi về Việt Nam [Vietnamese studies] như một môn học thực sự có ích”, ông tâm sự.
Và trong bối cảnh đó, nhìn lại những gì đã và đang diễn ra ở nền giáo dục hiện tại, về thầy cô, về những phụ huynh, về các quan chức giáo dục, về các quan chức chính quyền… tất cả họ là sản phẩm của một nền giáo dục hướng tới con người công cụ. Đó là nền giáo dục đặt trên nền móng nguyên tắc áp chế của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, của kẻ yếu đối với kẻ yếu hơn. Đó là nền giáo dục vận hành theo nguyên tắc áp đặt từ trên xuống dưới với một hệ thống chỉ huy và tuân lệnh, tuyệt đối không có phê phán hay phản biện.
Một nhà báo có nhận xét khá gay gắt là bản thân họ, thầy cô, phụ huynh, các quan chức chính quyền, những người đã thụ hưởng nền giáo dục thất bại đó, giờ đây chính là những người đang vận hành xã hội hiện nay. Một xã hội cũng vẫn đặt trên nền móng nguyên tắc áp chế của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, của kẻ yếu đối với kẻ yếu thế hơn, nhưng với một chút đảo lộn so với trước đây.
Trước đây thầy cô là “kẻ mạnh”, bây giờ đảo ngược lại, phụ huynh, thậm chí học sinh lại “mạnh hơn” chẳng hạn – Dù giả thuyết này đúng hay sai thì rốt cuộc chúng ta cũng chỉ có một chuỗi bắt nạt lẫn nhau.
Bởi mục tiêu của giáo dục không phải tạo ra những con người công cụ cho bất cứ hệ thống chính trị nào, mục tiêu cao nhất của giáo dục là tạo ra những con người tự do và tự trị.
Những con người tự do – tự trị đó sẽ luôn biết cách tôn trọng tự do, sự tự trị và phẩm giá của người khác, cũng như luôn biết cách tự bảo vệ tự do, sự tự trị và phẩm giá của bản thân mình. Những con người tự do – tự trị đó sẽ từ chối nô dịch người khác, cũng như biết cách để phản kháng chống lại bất cứ sự nô dịch nào lăm le áp đặt lên họ.