Việt Nam Thời Báo

VNTB – Từ nghệ sỹ đường phố tới thế hệ cúi đầu

Phương Thảo (VNTB) Đồng ý công an đã không có một lối hành xử văn minh trong trường hợp này, thay vì chỉ cần giải thích biểu diễn ở đây cần có giấy phép với một cách ôn hoà thì họ lại lên tông nạt nộ. Thật lòng mà nói thì với công an ở bất kỳ nơi nào, người dân chỉ biết có một từ đơn giản: sợ, sợ đến rúm ró khi làm sai và cả khi không làm gì sai hay cả khi chẳng làm gì.

Ở bất kỳ thành phố du lịch nào người ta cũng bắt gặp các nghệ sỹ đường phố: hoạ sỹ, nhạc công, ca sỹ, tượng người, … ở những con đường đi bộ, cây cầu hay quảng trường nổi tiếng và đông người qua lại. Có vẻ họ đã đứng- ngồi ở đó để biểu diễn và kiếm sống từ ngày nay qua ngày khác ở cùng một chỗ.
Amsterdam có đủ loại nghệ sỹ đường phố, nhưng lại hiếm thấy các hoạ sỹ ngồi vẽ chân dung hay hí hoạ cho khách qua lại. Ở quảng trường De Dam ở trung tâm Amsterdam luôn đông đúc, nhộn nhịp. Lớp thì du khách lẫn dân địa phương dẫn con nít cho chim bồ câu ăn, lớp tụ tập với những tượng người, lớp thì bao vòng trong vòng ngoài coi biểu diễn nhạc, lớp thì chờ con chơi với bong bóng xà phòng. Người ta thảy 50 cent hay 1 euro vô trong những cái nón, hộp đàn hay cái lon để sẵn để trả công cho những nghệ sỹ đường phố.
Thi thoảng cũng có những nhóm nhạc biểu diễn ở những góc phố khác, nhưng nếu chẳng may có cảnh sát đi tuần thì họ sẽ báo ngay cho những nghệ sỹ đường phố này ( thường là người nước ngoài) rằng chỗ này không cho phép biểu diễn và phải dời đi ngay tới chỗ được quy định.
Muốn biểu diễn ở đường phố thì phải có giấy phép xin ở toà thị chính với giá trên dưới 100 euro cho mỗi một năm nhưng chưa chắc là ai cũng được cấp phép mà nhân viên công quyền phải xem xét có trong vòng 8 tuần lễ rồi mới cấp phép hay gởi thư thông báo lý do bị từ chối cấp phép.
Nếu không có phép chỉ được biểu diễn ngày thường từ 9 giờ sáng tới 11 giờ khuya, chủ nhật được bắt dầu từ 1 giờ chiều tới 11 giờ khuya. Nhưng chỉ được biễu diễn ở mỗi chỗ 30 phút, sau đó phải dọn đi tới chỗ mới cách chỗ cũ ít nhất 100 mét và nhóm người biểu diễn tối da là 6 người và không được khuếch đại âm thanh.
Ngoài ra, hầu như không thấy con nít ra đường biểu diễn âm nhạc trừ dịp lễ sinh nhật Đức Vua Hoà lan vào ngày 27 tháng 4 hàng năm. Ngày này, con nít được phép kiếm tiền bằng cách bán đồ chơi cũ, biểu diễn nhạc ở ngoài đường suốt ngày mà không cần giấy phép.
“Cậu bé” khóc ở Hà nội
Khi đọc cậu bé khóc vì cấm biểu diễn đàn vĩ cầm ở Hà nội, tôi cứ ngỡ đó là một đứa bé 5-7 tuổi chứ không phải là một cậu con trai 15 tuổi đã có thâm niên đi biểu diễn âm nhạc ở 30 quốc gia trên thế giới.
“Cậu bé” chỉ biết khóc vì uất ức, về nhà đóng cửa ráng học tiếng Đức để đi ra khỏi Việt nam. Đáng ra nếu có bản lãnh, cậu sẽ thử tra cứu trên mạng coi mình đúng hay sai chỗ nào. Chỉ cần hỏi anh Google trong vòng 10 giây sẽ có ngay thông tinh về việc có cần phải xin giấy phép để được biểu diễn ở đường phố hay không.
Trên trang cổng thông tin của Sở Văn hoá Thông tin Hà nội có nói rõ : “ việc biểu diễn nghệ thuật quần chúng tại phố đi bộ nhất thiết phải có văn bản gửi Sở Văn hóa và Thể thao HN thông báo về mục đích, phạm vi, nội dung chương trình, thời gian, địa điểm biểu diễn. Sở sẽ xem xét nội dụng chương trình biểu diễn và giải quyết tiếp nhận Thông báo theo quy định.”
Như vậy rõ ràng cậu đã sai. Cái sai này không phải lỗi ở cậu khi vốn chỉ biết ăn, học chơi đàn trong sự bảo bọc tuyệt đối của gia đình mà không trang bị cho con khả năng tự tìm tòi, tự biểu lộ ý kiến – một lối sống đặc trưng của xã hội người Việt. Cái sai này là hệ quả của việc thích thì làm mà không cần phải tra cứu, hỏi thăm trước là việc mình làm liệu có xung đột với luật và quy định chung hay không.
Cả một bầy gà mẹ trên mạng xã hội cùng xoè cánh ra bảo vệ gà con. Người mẹ phẫn nộ vì con mình bị quát nạt và họ không biết rằng con chị đã đi biểu diễn khắp đông tây. Người đọc phẫn nộ với lối hành xử của công an khi nạt nộ “ cậu bé” dám biểu diễn không có giấy phép. Họ bênh vực một đứa trẻ bị hành xử không công bằng và văn minh.
Vì sao con khóc?
Đồng ý công an đã không có một lối hành xử văn minh trong trường hợp này, thay vì chỉ cần giải thích biểu diễn ở đây cần có giấy phép với một cách ôn hoà thì họ lại lên tông nạt nộ. Thật lòng mà nói thì với công an ở bất kỳ nơi nào, người dân chỉ biết có một từ đơn giản: sợ, sợ đến rúm ró khi làm sai và cả khi không làm gì sai hay cả khi chẳng làm gì.
Thế nhưng theo thông tin cá nhân trên Facebook của người mẹ thì sẽ thấy bà là cựu nhà báo, cựu nhân viên, cố vấn pháp lý và kinh doanh lần lượt cho nhiều cơ quan- công ty nước ngoài từ Hội đồng Anh, cho đến Ford, hay LG. Điều này cho thấy người mẹ không thiếu kiến thức về pháp lý nhưng lại sơ suất để cho con mình làm việc trái luật và phải lãnh lấy sự tổn thương lớn về tinh thần.
Chưa hết, người mẹ lại đưa sự việc lên mạng xã hội khi khẳng định rằng người ta không biết trân trọng tài năng của con bà cũng như cho rằng “ chắc gì con các anh ngoan và giỏi bằng cháu”, người bố thì sau khi xảy ra sự việc đã “ chân đạp vào nắp cây đàn” và cho rằng “là bọn nhà quê … hiểu gì về nghệ thuật làm con tao phải khóc.” còn “cậu bé” “thì cũng chỉ vào tổ liên ngành nói: ‘Chúng mày tưởng tao sợ chúng mày à’ ”. Cả bầy gà mẹ cùng nhau chỉ trích cách cư xử của công an, bênh vực sự non nớt đến tội nghiệp của đứa trẻ. Bầy diều hâu thì xúm vô rủa xả gia đình cậu bé nạn nhân.
Những người bênh vực “cậu bé nạn nhân đã rơi vào duy tình, chỉ quan tâm đến khía cạnh tinh thần mà bỏ qua đi tính duy lý. Người bênh vực công an cũng đã rơi vào nguỵ biện khi cho rằng công an quát nạt người làm sai là đúng rồi còn gì. Ngay cả ông Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên còn duy tình nữa là. Ông cho rằng “Mình nên động viên một đứa trẻ dám ra nơi công cộng biểu diễn âm nhạc để phục vụ mọi người. Luật Nghệ thuật biểu diễn cũng không quy định hình thức biểu diễn như thế phải có giấy phép mới được biểu diễn”.
Cả mấy vạn likes, chia sẻ và bình luận chia ra làm hai vì tình mà không phân tích về lý – cái đúng, sai của sự việc một cách rõ ràng cho người chơi đàn phạm luật nơi công cộng, một đứa trẻ đang học hỏi để hình thành nhân cách.
Một thế hệ cúi đầu
Sự việc vụn vặt, cá nhân nhưng lại thể hiện rõ khả năng suy xét vấn đề và khả năng tìm tòi của một bộ phận không nhỏ những người còn rất trẻ đến không trẻ trong xã hội.
Một là biết sai nhưng vẫn làm: ví dụ như xe hai bánh cứ chạy trên lề dành cho người đi bộ, nhà không có phép nhưng vẫn cứ xây trước nộp phạt sau, phạm luật giao thông nhưng cứ cho tiền công an để khỏi phải đi nộp phạt, biết đưa phong bì là tham nhũng nhưng cứ làm vì muốn được việc mình….
Hai là biết có ảnh hưởng người khác nhưng vẫn làm: ví dụ như không phải ai cũng có khả năng thưởng thức nhạc không lời, biết con mình không đúng nhưng vẫn bênh và dùng lời lẽ không êm tai, biết tiếng ồn có ảnh hưởng đến sức khoẻ và tinh thần người dân nhưng vẫn phải duy trì loa phường ở Hà nội, biết làm đường chất lượng xấu sẽ mau hư nhưng vẫn làm, biết ăn cắp là sai nhưng vẫn sung sướng tuồn hàng của Samsung ra chợ đen …
Ba là lười tìm hiểu về những quy định của chính quyền sở tại như trường hợp gia đình “cậu bé khóc ở trên” vì nếu có gì xảy ra thì tiền, quan hệ và quyền lực đều có thể giải quyết được tất cả nên chẳng cần biết luật lệ làm gì cho nó mệt.
Bốn, biết có sai nhưng vẫn phải chứng minh là mình đúng dựa vào cảm tính mà không dựa vào dữ liệu, sự kiện, chứng cứ khoa học.
Năm dễ bị đám đông lôi cuốn, chi phối làm mất đi khả năng kìm chế và phân tích vấn đề.
“ Cậu bé khóc” thật ra đã ở ngưỡng cửa của một chàng trai trẻ, lẽ ra đã phải biết thừa nhận việc làm sai nếu có và biết bảo vệ đến cùng lẽ phải khi cần. “Cậu bé khóc” nếu là thật như người mẹ nói thì thật buồn cho một lớp trẻ người Việt bởi họ đang nuôi dưỡng một thái độ bất lực, cam chịu và không có khả năng phản kháng, và phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn. Cứ với một thế hệ chỉ biết cúi đầu khóc như thế, thì không biết bao giờ mới có được một Hoàng Chi Phong ở Việt nam.
* Ở tuổi 15 Hoàng Chi Phong 15 đã lãnh đạo được 20.000 người ở Hồng Công biểu tình phản đối thành công việc áp đặt “chương trình giáo dục đạo đức”, 17 tuổi Hoàng chi Phong đã lãnh đạo sinh viên tham gia phong trào Dù vàng năm 2014.
** Sau sự việc ngày 27-07-2017, thì bà Hằng đã xin lỗi công an quận Hoàn kiếm trên trang Facebook cá nhân về việc nặng lời trong lúc nóng giận. 

Tin bài liên quan:

VNTB – Hoa Kỳ lên tiếng quan ngại về bản án đối với blogger Anh Ba Sam

Phan Thanh Hung

VNTB- Phải cảm ơn cá chết mới đúng!

Phan Thanh Hung

VNTB – Cây gậy và củ cà rốt

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo