Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tư vấn Pháp xúi bậy bạ quá…

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Metro Hà Nội: tư vấn Pháp có yêu cầu phải có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước cho hành khách tương tự như hôm 7-12 vừa rồi.

 

Phía quản lý tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông nói rằng phía tư vấn Pháp có yêu cầu phải có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước cho hành khách tương tự như hôm 7-12 vừa rồi.

Nếu đúng tư vấn Pháp xúi bậy bạ như vậy, có lẽ cần trung tướng công an Nguyễn Thanh Sơn người đang giữ chức Chánh Văn phòng Thường trực về Nhân quyền của Chính phủ Việt Nam, lên tiếng để bảo vệ cho quyền của hành khách tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Nếu pháp luật không phải là một dạng ‘lâm luật’ như ví von thuở sinh tiền của bà luật sư Ngô Bá Thành (1931 – 2004): “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”, thì khi mua vé đồng nghĩa với một hợp đồng được ký giữa hành khách và nhà tàu.

Tàu chẳng may bị lỗi cũng vẫn phải coi là không hoàn thành hợp đồng và phải bồi thường. Còn đây là lên kế hoạch trước cho việc phá vỡ hợp đồng thì chuyện đền bù là lẽ dĩ nhiên thậm chí phải chuẩn bị sẵn sàng từ đầu mới là có trách nhiệm. Không biết nhà tàu đã thực hiện điều đó chưa? Nếu chưa thì việc diễn tập này là không thể chấp nhận.

Đặt một giả thuyết, chưa rõ bên tư vấn Pháp gì đó có lường trước chuyện nếu không may trong quá trình diễn tập, xảy ra một sự cố ngoài ý muốn, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân như có người lên cơn đau tim, chen lấn xô đẩy, hay ai đó vì quá hoảng loạn mà nhảy ra khỏi tàu, ngã xuống đường… thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Những người mua vé đi tàu kia hoàn toàn có quyền từ chối tham gia diễn tập, không ai được phép ép buộc họ phải “phụ diễn”. Thông báo trước chính là một hành động thể hiện sự tôn trọng với hành khách đi tàu, không thể bỏ qua.

Có ý kiến nếu quả thực là phía tư vấn Pháp đã xúi bậy bạ như vậy, thì lẽ ra các viên chức đường sắt phải tỉnh táo giở luật ra coi có đúng vậy không? Bởi thực tế thì hiện tại chưa thấy quy định nào trong Luật Đường sắt năm 2017, cũng như các Nghị định, Thông tư đề cập đến việc diễn tập mà “diễn viên” là những hành khách khi họ chưa đồng ý tham gia.

Còn tại khoản 2, Điều 41 về “Điều hành giao thông vận tải đường sắt”, Thông tư số 3/2018/TT-BGTVT ngày 4-5-2018  “Quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt và phân tích, thống kê báo cáo về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt”, có 43 điều nhưng cũng không có bất cứ quy định nào về diễn tập hay thử nghiệm, mà chỉ có quy định về việc điều hành giao thông vận tải đường sắt có nội dung “Chỉ huy xử lý các sự cố khẩn cấp hoặc bất thường xảy ra trên đường sắt”.

Do đó, kể cả trường hợp cần phải diễn tập thì cũng không được phép tiến hành mà không dựa trên quy định của luật, và không có thông báo trước cho hành khách.

Phải chăng vụ việc của chiều hôm 7-12 là “vụng chèo khéo chống”?.

Theo nguyên tắc pháp quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015, thì các cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Và chỉ có luật của Quốc hội mới được phép đặt ra những quy định cấm đoán hay hạn chế quyền của người dân khi họ đang tham gia giao thông công cộng.

Hiện tại đang có thông tin sắp tới tuyến metro Cát Linh – Hà Đông lại sẽ có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước cho hành khách. Có vẻ như ngành du lịch Hà Nội sắp tổ chức tour du lịch cảm giác mạnh thông qua 63 tình huống khẩn cấp mà Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt đối với metro Cát Linh – Hà Đông.


Tin bài liên quan:

VNTB – Nga mở cửa lại thị trường xăng dầu

Do Van Tien

VNTB – Vịnh Cam Ranh: mở cửa cho tất cả tàu chiến các quốc gia

Do Van Tien

VNTB – Có đại biểu nào dám bỏ lá phiếu không đồng ý?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo