Việt Nam Thời Báo

(VNTB)-“Tung hê” nhà đất quan chức: Chống tham nhũng hay còn gì khác?

Viết Lê Quân

(VNTB) – Có phải ngẫu nhiên mà thời gian qua nổ ra hàng loạt vụ tài sản khủng của nguyên tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền và đương kim chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung?

Tòa dinh thự nguy nga và bề thế của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung. – Ảnh: Vietnamnet

Cách đây không lâu, một quan chức đương nhiệm là ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng thanh tra chính phủ, cũng bị báo chí “lật ngửa” khi tung hê khối tài sản khổng lồ.

Dư luận hoàn toàn có lý khi đặt câu hỏi: vì sao những năm trước các vụ việc trên không “xì” ra, mà chỉ đến nay mới ‘lật bài”? Liệu có phải một cuộc chiến chống tham nhũng mới được đảng phát động, hay còn ẩn chứa nguyên cớ nào khác?

“Ê kíp” nào?

Những năm trước, đã có một số lần dư luận và báo chí phát hiện ra những quan chức có nhà đất kếch xù. Tuy nhiên theo thói quen của một nền báo chí bị đội vòng kim cô, bài viết điều tra và ngay cả những bài xã luận chung chung trên báo chí đều vấp phải bức tường ngăn chặn từ Ban tuyên giáo trung ương và cơ quan tuyên giáo địa phương. Không ít bài đã bị thẳng tay bóc gỡ. Công cuộc chống tham nhũng và sứ mệnh “kê khai tài sản cán bộ” cũng vì thế đã trở nên không tưởng, ít nhất từ khoảng năm 2003, khi bắt đầu chính sách kê khai tài sản, cho đến gần đây. Trì trệ này đã trở thành căn bệnh mãn tính, cho dù hàng năm Ban tổ chức trung ương và Bộ nội vụ đều nhắc đi nhắc lại chủ trương”.

Cũng không thể không xem xét về một khía cạnh mà dư luận đang hoài nghi: chỉ còn chưa đầy hai chục tháng nữa, theo lộ trình “kiện toàn nhân sự”, đại hội lần thứ 12 của đảng cầm quyền sẽ diễn ra. Thời gian rõ ràng là không còn nhiều, hay nói cách khác là những ai muốn “tranh cử” đều đang nằm trong trạng thái “chạy nước rút”. Ở một chiều cạnh khác, những nhân sự nào “dính chàm”, dù khởi phát từ công cuộc chống tham nhũng hay đấu đá bè phái, đều rơi vào nguy cơ bị “thanh trừng”. Đó là một sự thật không thể chối bỏ, xét từ phép biện chứng lịch sử trong đảng từ quá nhiều năm qua.

Cần lưu ý, cả ba vị Ngô Văn Khánh, Trần Văn Truyền và Lê Thanh Cung đều là quan chức thuộc khối chính quyền, xếp theo thứ bậc hành chính từ cấp trung ương xuống địa phương.

Cả ba vị quan chức trên lại đều quá khó để giải trình về nguồn gốc khối tàn sản cá nhân tích lũy được. Trong khi đó, hình dung đơn giản nhất của dư luận là trước khi đời con khát nước, đời cha phải ăn mặn. Vô số minh họa phất lên đột biến của giới quan chức hành chính Việt Nam đã quá đủ để mô tả về bộ mặt “của dân, do dân và vì dân” là như thế nào.

Thế nhưng câu hỏi tiếp theo là vì sao chỉ có những quan chức chính quyền bị “lộ”, còn quan chức thuộc khối đảng vẫn “an toàn”?

Báo chí, cả nhà nước lẫn “lề trái”, cũng quá nhiều lần đặt câu hỏi là nếu đảng cầm quyền không minh bạch và tự nghiêm khắc đối với chính mình thì làm sao có thể “răn dạy” được đảng viên dưới quyền.
Thế nhưng, thực tế không thể phủ nhận là đã hơn mười năm trôi qua, việc minh bạch hóa tài sản quan chức vẫn chỉ có ý nghĩa như bong bóng xà phòng. Không có bất kỳ một động tác thực chất nào khiến cho giới quan chức “ăn của dân không thiếu thứ gì” (lời bà Nguyễn Thị Doan – Phó chủ tịch nước) đủ run rẩy.

Chỉ đến giờ đây, khi bầu không khí của đại hội 12 đang nóng dần, và ngay trước mắt là một kỳ họp trung ương mà sẽ hứa hẹn không kém hấp dẫn so với thời điểm cách đây hai năm, câu chuyện về “tài sản khủng” mới một lần nữa được “minh bạch”.

Sâu xa hơn, dư luận có thể hiểu những quan chức như ông Ngô Văn Khánh, Trần Văn Truyền hay Lê Thanh Cung là thuộc “ê kíp” nào?

Tin bài liên quan:

“Lộ mật” tài sản khủng, các quan chức nói gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đảng kỷ luật bà chủ tịch vì 170 tỷ “tiền gian”

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Có danh dự đâu mà rút!

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo