VNTB – Tướng tá Myanmar không suy nghĩ thấu đáo về đảo chính

VNTB – Tướng tá Myanmar không suy nghĩ thấu đáo về đảo chính

Thục Đoan dịch

 

(VNTB) – Họ không thể tiến tới mà không sử dụng vũ lực, mà họ cũng không thể rút lui

 

Sáu tuần sau khi các lực lượng vũ trang dưới quyền của Thống tướng Min Aung Hlaing phát động một cuộc đảo chính đem lại những ảnh hưởng tai hại cho Myanmar, có hai yếu tố hiển lộ rõ ràng hơn từng ngày. Đầu tiên là nỗi khiếp sợ chung của dân chúng đối với việc quay trở lại chế độ quân sự trần trụi.

Hàng trăm nghìn người Miến Điện đã tuần hành để phản đối đảo chính. Rất nhiều công chức, giáo viên, tài xế xe buýt và nhân viên ngân hàng…, bãi công. Các kênh truyền thông xã hội có lương tri đang nhấn mạnh hanh vi hung bạo của quân đội. Cuộc phản kháng toàn dân đối với sự cai trị của quân đội diễn ra mạnh mẽ hơn cả năm 1988, khi các sinh viên dẫn đầu các cuộc biểu tình lớn phản đối sự cai trị này.

Như Thant Myint-U, tác giả cuốn “Lịch sử bị che giấu của Miến Điện”, đã nói, các cuộc biểu tình nổ ra cách tự nhiên giống như các kháng thể phản ứng với một bệnh nhiễm trùng. Sự khác biệt lần này là mức độ kịch liệt mà những người Miến Điện trẻ tuổi từ chối quay trở lại chế độ chuyên chế và nghèo đói mà cha mẹ họ từng biết tới. Họ đã trưởng thành trong thập kỷ cải cách kinh tế và chính quyền bán dân chủ vừa qua. Các tướng lĩnh – như trong điệp khúc của một bài ca được viết – đang gặp rắc rối vì đụng nhầm thế hệ.

Việc ít người hơn xuất hiện trên đường phố trong cuộc tổng đình công vào ngày 8 tháng 3 không có gì đáng ngạc nhiên khi quân đội đã bắt đầu nổ súng. Yếu tố thứ hai là: Tatmadaw, hay quân đội, ngày càng sẵn sàng đổ máu. Trong những ngày gần đây, quân đội đã bắn chết khoảng 60 dân thường ở Naypyidaw, thủ đô Yangon, trung tâm thương mại và những nơi khác. Hơn một phần ba số người thiệt mạng là thanh thiếu niên.

Kyal Sin, 19 tuổi, được biết đến với cái tên Angel, cô đã đăng thông tin nhóm máu của mình lên Facebook để dự phòng trường hợp chuyện gì xảy ra, cô xuống đường ở Mandalay trong chiếc áo phông in dòng chữ “Mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Không lâu sau đó cô ấy đã chết vì một viên đạn vào đầu từ một tay súng bắn tỉa. Số phận của cô thể hiện sự hung tàn của Tatmadaw. Việc bất ngờ khai quật tử thi để chứng minh “sự vô can” của quân đội trong cái chết của cô cho thấy họ sẽ làm bất kỳ điều gì kỳ quái để biện minh cho hành động của họ.

Đây có thể chỉ là sự khởi đầu. Tatmadaw không phải là đội quân duy nhất trong khu vực tự coi mình là hiện thân của nhà nước hơn là phụ thuộc vào nhà nước. Quân đội Thái Lan láng giềng cũng sẻ chia quan điểm tương tự. Tuy nhiên, hoàng gia Thái Lan, định chế mà các chính quyền quân sự nương tựa vào để có tính hợp pháp, không muốn gắn liền với việc đổ máu bừa bãi. Khi quân đội giết quá nhiều người, nhà vua có xu hướng rút lại sự ủng hộ của mình, thúc đẩy việc các chế độ quân sự sụp đổ.

Trái lại, khi vòng kìm kẹp của Tatmadaw có vẻ lung lay, họ dùng bạo lực để củng cố quyền lực như vào năm 1988. Thế giới quan của quân đội vừa hoang tưởng vừa cứng nhắc. Bị cô lập trong các khu quân sự do người Anh để lại, các sĩ quan quyền lực nhòm ra nhà nước thù địch. Phải thừa nhận rằng Myanmar, hay còn gọi là Miến Điện, chưa có một năm hòa bình nào kể từ khi Nhật Bản thả bom xuống Yangon (sau đó là Rangoon) vào cuối năm 1941. Độc lập vào năm 1948 đi kèm với một cuộc nổi dậy của cộng sản suýt tràn đến Yangon. Xung đột ở bang Kayin (trước đây là Karen) là cuộc nội chiến kéo dài nhất thế giới. Hàng chục cuộc xung đột sắc tộc khác nổ ra ở các vùng biên giới.

Đối với các quân nhân cấp thấp hơn, họ bị các sĩ quan ức hiếp và hoặc phải đương đầu với các cuộc chiến tranh sắc tộc. Các kỹ thuật chiến đấu là hãm hiếp phụ nữ và trẻ em gái, và sử dụng dân thường làm lá chắn. Những người lính bộ binh tàn bạo như thế hiện đang tuần tra trên các đường phố của Myanmar.

Cũng giống như các cuộc đảo chính trước đó, báo chí đã bị bóp nghẹt: năm tổ chức truyền thông đã bị cấm trong tuần này. Nhưng cũng có sự khác biệt. Thống tướng Min Aung Hlaing ít quan tâm đến bản sắc văn hóa thuần khiết hay chính sách tự cung tự cấp – nỗi ám ảnh của một số người tiền nhiệm của ông đã đóng cửa đất nước với thế giới. Mối quan tâm của ông ta đúng hơn là các đặc quyền của quân đội.

Các đặc quyền đó là cổ phần trong các doanh nghiệp chính thức cũng như ma túy, ngọc bích, gỗ và các vụ buôn lậu ở trung tâm của nền kinh tế bóc lột. Trên tất cả, như ông Thant đề cập, quân đội muốn “quay ngược kim đồng hồ và khởi động lại nền chính trị của thập niên trước”, với sự kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều.

Nhưng bằng việc trấn áp các cuộc biểu tình một cách quá hung bạo, Tatmadaw đã khiến Myanmar trở nên một quốc gia bị ruồng bỏ một lần nữa, và do đó đã quay ngược kim đồng hồ xa hơn dự định, về lại thời chủ nghĩa biệt lập trước một thập niên mở cửa vừa qua. Với việc đầu tư suy sụp, nền kinh tế sẽ phải chật vật để phục hồi sau cuộc đảo chính.

Điều đó cũng sẽ làm tổn hại cả quân đội. Tuy nhiên, rút ​​lui không thực sự là một lựa chọn: với hành vi của quân đội trong những tuần gần đây, bất kỳ chính phủ dân sự nào cũng sẽ quét sạch những đặc quyền mà họ can thiệp để duy trì. Cuộc đảo chính đang diễn biến không có lợi cho bất kỳ ai.

Nguồn: The Econnomist


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)