VNTB – Tuyên ngôn khan hiếm nước: bộ trưởng lại phát biểu đao to búa lớn

VNTB – Tuyên ngôn khan hiếm nước: bộ trưởng lại phát biểu đao to búa lớn

Dân Trần

 

(VNTB) – Thay vì đổ lỗi cho người dân thì cần phải coi lại trách nhiệm của cán bộ và của đảng cộng sản

 

Trong phiên trả lời chất vấn sáng 4/6, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng đã đến lúc phải có “tuyên ngôn về nước”, tuyên ngôn cần nhấn mạnh rằng “Việt Nam không phải quốc gia dư thừa nước mà ngược lại, nước ngày càng khan hiếm”. Từ đó, người dân phải thay đổi cách sử dụng nước như nguồn không mất chi phí.

Theo ông Hoan: “Ai cũng nghĩ nước là vô hạn nhưng bây giờ đứng trước thách thức về biến đổi khí hậu toàn cầu thì mới thấy nước là tài nguyên hữu hạn. Đã là hữu hạn thì lại phải khai thác với một nền nông nghiệp khan hiếm nước. Khi nước đã hữu hạn, chúng ta tưới xả tràn lan, trong khi các nước họ tưới nhỏ giọt. Trạng thái nền nông nghiệp tiết kiệm nước sẽ giúp hiệu chỉnh từng đơn vị nước một cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản”. (1)

Có thể thấy Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tìm cách đổ lỗi cho người dân trong việc sử dụng nước tràn lan mà quên đi trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng các công trình thuỷ lợi, quy hoạch đô thị, trồng rừng và bảo vệ rừng.

Một câu chuyện cấp bách mà cứ phải nói lui nói tới là phải xây dựng hồ dự trữ nước ngọt để cung cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp trong những thời kỳ hạn hán hoặc khi lượng mưa thấp hơn mức trung bình. Nhưng những hồ chứa nước do Nhà nước xây dựng hiện nay thì lại gây ra họa cho dân chứ không đem lại lợi ích thực tế.

Hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây thì lại bị nhiễm mặn trước khi hạn mặn vào cao điểm. Hồ chứa nước ngọt ở Tây Nguyên thì cạn khô trong mùa nắng, mùa mưa thì gây sạt lở, nứt đường, sập nhà. Hồ chứa nước ngọt ở ven biển miền Trung thì phải phá rừng nguyên sinh. Trong khi những hồ thuỷ điện thì mùa nắng tích nước, mùa mưa xả lũ, thiệt hại không biết bao nhiêu mà nói.

Có một câu chuyện buồn cười, cứ tưởng chỉ có trên phim mà lại xảy ra ngày ở Sài Gòn những ngày qua. Đó là trời đã vào mùa mưa, đường thì ngập nước nhưng nhà dân thì bị cúp nước sạch. Hàng trăm ngàn gia đình thuộc 14 quận huyện bị cắt nước, nước yếu, với lý do là “bảo trì thiết bị”. Còn ở Hà Nội năm ngoái, cũng vào mùa mưa, hàng chục ngàn người dân không có nước sạch, phải hạn chế tắm giặt, thậm chí “tái sử dụng nước dơ” sinh hoạt. Điều này rõ ràng đâu phải tại người dân sử dụng nước hoang phí!

Không chỉ vấn đề quản lý nước, mà việc quy hoạch đô thị, bê tông hóa tràn lan cũng là một nguyên nhân khiến nước ngầm bị suy kiệt. Bê tông hóa, tức là mặt đất bị phủ kín bằng bê tông, nhựa đường và các vật liệu không thấm nước. Điều này khiến cho lượng nước mưa không thể thấm xuống đất để bổ sung cho nguồn nước ngầm. Trong khi đó hệ thống thoát nước đô thị thường không đủ khả năng xử lý lượng nước mưa lớn trong thời gian ngắn, dẫn đến ngập úng, lụt lội.

Ngoài ra, cũng cần phải nói tới việc quản lý rừng của Nhà nước hiện nay. Rừng giúp duy trì chu trình nước, lọc nước mưa và duy trì nguồn nước ngầm hiện đang bị khai thác quá mức. Khi rừng bị phá, chu trình nước bị gián đoạn, gây ra tình trạng lũ lụt và hạn hán, nguồn nước ngầm cũng bù đắp lại được lượng nước ngầm đã bị suy giảm. Sau nửa thế kỷ đất nước rơi vào tay đảng cộng sản, rừng Việt Nam bây giờ như thế nào chắc không cần phải nói nữa.

Như vậy, thay vì đổ lỗi cho người dân thì Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cần phải coi lại trách nhiệm của mình và của đảng cộng sản. Chỉ riêng người dân cho dù có thay đổi thói quen sử dụng nước thì cũng không thể cứu vãn được nguồn nước ngầm, nước ngọt được. Vấn đề nước sạch và ổn định nguồn nước là vấn đề vĩ mô, cần có những chính sách rõ ràng, thiết thực.

 

_____________

Tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/bo-truong-le-minh-hoan-den-luc-phai-tuyen-ngon-chung-ta-khong-phai-quoc-gia-du-thua-nuoc-20240604112057316.htm

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)