Dân Trần
(VNTB) – Dám chơi sang, tiếp khách ở nhà hàng rồi đổ thừa rằng huyện miền núi nghèo nên uỷ ban không có nguồn trả tiền cơm
Mạng xã hội mới đây lan truyền một câu chuyện khó tin nhưng có thật về một lá đơn đòi nợ của bà chủ quán cơm với uỷ ban huyện. Theo đó lá đơn đòi nợ này của bà Phan Thị Thanh Mùi, chủ nhà hàng Minh Mùi tại thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương (Nghệ An).
Trong đơn, bà Mùi cho biết Văn phòng UBND huyện này đã đặt cơm tiếp khách từ năm 2011 đến 2015 nhưng đến nay vẫn còn nợ bà hơn 44 triệu đồng. Điều đáng nói là số nợ này đã được xác nhận bởi cơ quan chức năng huyện vào năm 2018, nhưng tới bây giờ vẫn chưa được thanh toán. Phía uỷ ban thì giải thích là “chưa có nguồn để thanh toán”. Và thế là gần 10 năm nay nhà nước vẫn thiếu tiền cơm của nhà hàng bà Mùi.
Lý do này rõ ràng là không thể chấp nhận, vì đặt trường hợp là một người dân bình thường đi vay tiền mà chây ì không trả, thì đâu có thể viện lý do “chưa có nguồn” để trốn tránh trách nhiệm? Hoặc nếu doanh nghiệp tư nhân nào mà làm theo kiểu “dùng dịch vụ của nhà nước rồi không trả tiền vì chưa có nguồn” thì chắc chắn doanh nghiệp đó phải ra toà. Trớ trêu thay, trường hợp này là cơ quan nhà nước (cấp cao nhất ở huyện) mà lại đi ăn thiếu rồi viện đủ lý do để quỵt tiền doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, số nợ này đã được xác nhận từ năm 2018, nghĩa là huyện Tương Dương có thời gian tới gần 7 năm để sắp xếp ngân sách trả nợ. Nhưng thay vì vậy, họ chọn cách lờ đi. Họ phớt lờ sự tồn tại của món nợ đó như thể nó chưa từng có. Đến khi bị tố cáo trên mạng xã hội, họ mới vội vàng “rà soát”. Cái cách mà nhà chức trách xử lý vấn đề khiến người ta đặt câu hỏi: Phải chăng nếu bà Mùi không đưa sự việc ra công khai thì số tiền này sẽ vĩnh viễn bị lãng quên?
Cũng có những lập luận cho rằng 44 triệu đồng không phải to tát để làm lớn chuyện, nhưng cần biết rằng số tiền 44 triệu này có thể là một khoản nhỏ với UBND huyện, nhưng với một hộ kinh doanh như bà Mùi, nó là một phần quan trọng trong nguồn thu nhập. Nếu quy ra giá vàng 10 năm trước thì bây giờ 44 triệu đã thành 100 triệu rồi. Hơn nữa, nhà hàng cũng cần xoay vòng vốn, cần tiền mua nguyên liệu, trả lương nhân công, chứ đâu có chuyện giật lương, quỵt tiền nguyên liệu!
Ngoài ra, vấn đề không chỉ nằm ở con số, mà ở nguyên tắc. Nếu hôm nay nhà cầm quyền có thể chây ì không trả một khoản nhỏ, ai dám chắc ngày mai họ không làm điều tương tự với những số tiền lớn hơn? Nếu một cơ quan công quyền càng không thể xem nhẹ nguyên tắc cơ bản nhất của giao dịch: “dùng dịch vụ thì phải trả tiền”.
Thêm một chuyện đáng nói nữa, thay vì thừa nhận sai lầm và giải quyết vấn đề, uỷ ban huyện Tương Dương lại né tránh bằng lý do “huyện miền núi khó khăn”. Nhưng nếu đã khó khăn đến mức không trả nổi một khoản nợ nhỏ như vậy, tại sao trước đây họ lại thoải mái ăn uống, tiếp khách, đàn đúm?
Đây không chỉ là sự lươn lẹo để ăn quỵt của dân, mà còn cho thấy sự phung phí của các quan chức ở những huyện miền núi. Biết là huyện nghèo, không có tiền, nhưng vẫn ăn uống xa hoa, thì rõ ràng họ không có năng lực quản lý tài chính, không biết tính toán cho ngân sách. Hoặc, họ biết không có tiền, nhưng đã có âm mưu “ăn chực”, “ăn giựt” ngay từ đầu, theo kiểu ỷ là quan chức nên chèn ép doanh nghiệp địa phương. Loại quan chức này mà có lý luận chính trị, có đạo đức cách mạng, thì cần phải coi lại lý luận chính trị và đạo đức cách mạng đó là gì.