VNTB – Vài ấn tượng về văn học Liên Xô – Nga – Ucraina cũ

VNTB – Vài ấn tượng về văn học Liên Xô – Nga – Ucraina cũ

 

Dương Tử

 

***

Vài chục năm qua ít ai nhắc tới Liên Xô và nước Nga, trong cuộc sống hoặc trên truyền thông rộng rãi..

Tưởng đâu thiên hạ đã “Hãy để ngày ấy lụi tàn” (như tiểu thuyết “Let the Day Perish” của nhà văn Anh Gerald Gordon).

Bỗng nhiên, Đùng một cái, cuối tháng 2, tức là 24/2, cái tên nước Nga Russia và Ucraina bật lên chiếm sóng suốt ngày đêm gây sửng sốt cả thế giới và những hệ lụy của nó được truyền thông xáo xác, hoảng hốt, những lo lắng và tranh cãi phẫn nộ không dứt. Cụ thể là giá bình gaz tăng hơn 150% các bà nội trợ Việt Nam kêu trời kêu đất… Nền kinh tế dưới dạng chuỗi cung ứng toàn cầu cơ hồ bị đứt gãy.

Mấy kí ức vụn vặt về học văn Liên Xô bỗng nhiên nhảy ra …

Tôi còn nhớ lớp tiểu học miền Bắc sau 1954, có học môn Tập Đọc lớp 4. Sách  có bài học nước ngoài đầu tiên là về chuyện Lê nin. 

Bài 1: cậu bé Lê Nin

Cậu bé họ Lê tên là Ulialov đến nhà họ hàng chơi, tối ngủ lại cùng đám trẻ con đùa nghịch, làm rơi vỡ 1 cái bình hoa. Chủ nhà chạy ra hỏi ai làm vỡ. Đám trẻ lo sợ im lặng hết cả. Đêm khuya cả nhà đã ngủ say, chợt nghe có tiếng khóc, bà chủ chạy sang hỏi chuyện gì. Thì ra cậu bé Lê đang khóc nức nở, thút thít nói rằng chính cháu đánh vỡ bình cháu sợ, cháu xin lỗi ạ…

* Sách cũng không ghi ai đã kể lại chuyện này (!?) hoặc có ghi mà lâu ngày tôi đã quên). 

Kiểu bài học này là mầm mống đầu tiên của hình mẫu “Học tập và làm theo tấm gương…”.

Về sau mới biết lớp 4 đã được học môn “chính trị XHCN” như thế từ rất sớm. 

(T/B: nhân tiện kể thêm: Lớp 4 còn có bài đọc về “Bác Mao thời niên thiếu”. Cậu bé bác Mao là con 1 nhà địa chủ có nhiều ruộng đất ở tỉnh Hồ Nam. Mùa gặt lúa mạch, thóc phơi đầy sân. Trời bất ngờ đổ mưa, ai nấy chạy ra xúc lúa che hoặc cất đi. Cậu bé Mao chạy sang nhà hàng xóm dọn lúa tiếp. Xong mới chạy về bị cha mẹ chửi mắng…Mao thưa rằng nhà ta nhiều lúa có thiệt hại chút không sao, nhà láng giềng nông dân nghèo có ít lúa nên ta cần giúp họ… (Bài học cũng không ghi rõ người kể chuyện là ai).

Bài 2- “Lê Nin trong hiệu cắt tóc”

Là tên bài học ngữ văn sau lớp 4, có thể là lớp 5 hoặc 6, 7…

Có lẽ đây là bài Đọc Thêm, học trò tự đọc, thầy giáo không giảng. 

Sơ lược như sau:

Một lần đồng chí Lê Nin vào hiệu cắt tóc. Nhìn thấy khách đông Le Nin kéo một chiếc ghế ngồi vào hàng chờ, rút tờ báo mở ra đọc. Bỗng một anh công nhân tới lượt hớt tóc tiến đến trước mặt LN chào và nói “xin mời đồng chí hớt tóc trước, đồng chí lo toan bao việc nước, tôi thà suốt đời không cắt tóc chứ không thể để đồng chí chờ đợi một phút một giây nào nữa”.

(hết). 

Tôi không nhớ tên tác giả hoặc người kể chuyện này. Không rõ sau đó Lenin có chịu hớt tóc, hay là từ chối nhã ý của anh công nhân ? Chuyện kể hẫng hụt cụt đuôi. Bực quá tới tận bây giờ ! Chỉ nhớ mài mại câu chuyện như thế thôi. 

Hồi đó tôi ngu ngơ cứ lăn tăn, ủa sao anh giai cấp công nhân kia lại phải thề “suốt đời không cắt tóc” nữa. Không dám hỏi thầy giáo (mãi sau này học chút tiếng Anh mới biết câu nói của anh nọ là kiểu “câu điều kiện không có thực, hoặc câu điều kiện không thể xảy ra”). 

Học văn nhiều hơn chút, mới biết đó là kiểu câu thơ lãng mạn. 

Khâm phục nước Nga mỗi công nhân là một nhà thơ tiềm năng. Ngạc nhiên biết nước Liên Xô vua chúa cũng bình đẳng như dân thường, chả có quyền lợi gì hơn dân đen, nước Liên Xô văn minh có lệ xếp hàng trật tự. v.v.

VĨ THANH: Mãi về sau lớn hơn nữa, đọc truyện “Đất vỡ hoang”, nhất là “Chuyện thường ngày ở huyện” của nhà văn Nga tên là Oveskin mới thấy chán chường cái thiên đường quỉ sứ nhốn nháo kinh hoàng, bọn cán bộ  đảng viên làm mưa làm gió cưỡi trên đầu trên cổ xã viên …

 

Bài 3 Chị Dôi-a gan dạ

Đặt tựa đề tạm như trên, vì tôi không nhớ kỹ bài học về nữ du kích Dôi-a (Zoya) học ở lớp nào, chỉ nhớ tên bài học Dôi-a.

Chuyện ZOYA có thật tới mức nào ? Trong “công nghệ xây dựng anh hùng” ở Liên Xô vốn công phu lắm, đã tạo ra mẫu mực cho nhiều nước học theo …

Tuy nhiên sau Đại chiến thế giới II, giới sử học và người trong cuộc hoài nghi đi tìm sự thật… Một tờ báo Hungary tổng hợp các tồn nghi trong “Hồ sơ Zoya” như sau.

Câu chuyện về Zoya, bất kể đúng hay sai, có tác động giống như những huyền thoại, những sự tích các vị thánh tử vì đạo: thôi thúc người dân “noi gương” cô gái, khiến hàng vạn, hàng triệu con người Xô-viết sẵn sàng hy sinh đời kình mà không cần suy tính, “vì Tổ quốc, vì Stalin, như một khẩu hiệu mà họ thường hô khi lâm trận”.


“Zoya Kosmodemyanskaya, người phụ nữ đầu tiên được (truy) tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô”.


Hơn 10 ngàn công dân Xô-viết, trong số đó có 90 phụ nữ, được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì những chiến công đạt được thời Thế chiến thứ hai. Trong các thập niên tiếp sau, nhà nước Xô-viết đã không tiếc tiền bạc của và công sức để gìn giữ và trau dồi huyền thoại về họ: hàng loạt phim ảnh, sách vở, triển lãm được sử dụng để vinh danh hình ảnh “chính thống” của những người anh hùng.
 
“Xứ sở của những anh hùng”

Ngay từ thuở sinh thời, Lenin đã tuyên bố nước Nga Xô-viết là “xứ sở của những anh hùng. Để “đáp ứng” mong mỏi của vị đại lãnh tụ bôn-sê-vích, hàng loạt “anh hùng” được tạo dựng để làm tấm gương cho quảng đại quần chúng noi theo.

Tiếp theo thế hệ anh hùng thời nội chiến là các tướng lĩnh lừng danh Budioniy, Chapayev, Frunze, Tukhachevsky…, là những “anh hùng lao động”, những người làm việc hăng say, quên mình, có kỷ luật và kết quả cao trong các công xưởng, nhà máy. Để khen thưởng năng suất lao động phi thường của họ, nhà nước tặng họ những danh hiệu và phần thưởng kiểu quân đội.

Hình ảnh một nước Nga Xô-viết tràn đầy những anh hùng lao động như Stakhanov chứa chở một thông điệp chính thức cho thế giới bên ngoài: “trên đất nước Liên Xô tươi đẹp, bất kỳ ai cũng có thể trở thành anh hùng và trên mảnh đất anh hùng đó, cuộc đời đẹp như trong giấc mộng, điều kỳ diệu có thể đến ở mọi giây, mọi phút”.

Sự tuyên truyền này càng được củng cố trong thời chiến, khi Liên Xô bị phát-xít Đức tấn công. Một đội ngũ các phóng viên chiến trường, các nhà văn, họa sĩ, các nhà nhiếp ảnh… coi việc “sáng tạo” hàng loạt những nhân vật anh hùng trong tác phẩm của họ là mục tiêu nghề nghiệp. Hằng hà sa số những “anh hùng” chính thống đã ra đời để phục vụ cuộc chiến và đường lối của Đảng, của chính phủ Xô-viết trong từng thời kỳ của chiến tranh.

“Phân loại” anh hùng

Dễ nhận thấy rằng những mẩu chuyện về người anh hùng “chính thống” được cấu thành từ một vài yếu tố rất ít ỏi. Cuộc đời các anh hùng phải theo sát những chuẩn mực của chủ nghĩa hiện thực XHCN và phải phản ánh những tính cách của một người bôn-sê-vích lý tưởng: kiên định, can đảm, gan góc và điều quan trọng nhất, phải trung thành với Đảng, với nhân dân.

Những anh hùng “chính thống” ở Liên Xô được chia thành nhiều nhóm.

Nhóm đầu tiên gồm những lãnh tụ quân sự, những chiến lược gia lớn, được toàn thế giới biết đến qua sách vở lịch sử. Đó là những người mà thiếu họ, Liên Xô đã không thể chiến thắng trong Thế chiến, như các nguyên soái Zhukov, Timoshenko, Rokossovsky… (và tất nhiên, công đầu phải thuộc về “đại nguyên soái”, “thiên tài quân sự” Stalin!). Tuy nhiên, cạnh các tướng tá và các chiến lược gia, còn có hàng triệu người, nam, nữ, già trẻ chiến đấu vì tổ quốc Xô-viết.

Trong số họ, một số người được chọn để đưa vào nhóm thứ hai: đó là những người lính, những du kích được “vinh danh” vì thành tích chiến đấu trên chiến trường. Có thể nhắc đến vài ví dụ điển hình: Oleg Koshevoy, người du kích dũng cảm đã cùng các bạn chiến đấu trẻ tuổi chống lại phát-xít Đức tại vùng quê Krasnodon bị chiếm đóng; hay Aleksander Matrosov, người chiến sĩ đã lấy thân mình bảo vệ cứ điểm trước đợt tấn công của quân Đức.

Nhóm thứ ba của các anh hùng “chính thống” gồm những liệt sĩ bị Đức bắt giữ, nhưng đã một mực trung thành với tổ quốc (với Đảng!), chịu đựng mọi cực hình và hy sinh anh dũng. Trong số đó, người anh hùng trẻ tuổi nhất là Zoya Kosmodemyanskaya, cô đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản (Komsomol) mà một thời, giới trẻ ở Việt Nam từng sùng mộ.

“Huyền thoại về người nữ anh hùng”

Zoya Kosmodemyanskaya (hay Tanya, như cô thường tự gọi mình) là một tên tuổi rất quen thuộc với lớp thanh niên trưởng thành trong những năm 60, 70 ở miền Bắc Việt Nam. Trong thập niên 70, cuốn sách thuật lại cuộc đời ngắn ngủi nhưng anh dũng của cô gái Xô-viết – do một nhà xuất bản Liên Xô ấn hành – đã làm say mê nhiều thế hệ thanh thiếu niên tuổi mới lớn.

Theo đó, Zoya vừa tròn 18 tuổi khi chiến tranh nổ ra và lập tức, cô tự nguyện tham gia phong trào du kích. Tháng 11-1941, cô được cử vào sâu trong lòng địch để thực hiện những vụ tập kích, phá rối các đơn vị Đức đang tiến đến gần thủ đô Moscow. Đầu tháng Chạp, Zoya bị quân Đức phát hiện ở làng Petrischevo (cách Moscow 70 cây số) khi cô đang định đốt một chuồng ngựa, nơi lính Đức đồn trú qua đêm.

Thực ra  hai cô du kích bị bắt và tử hình. 

Tuy  nhiên hệ thống tuyên truyền Liên Xô chỉ chọn cô ZOYA cho dễ tuyên truyền.

(nguồn: nhipcauthegioi.online)

1/ Ảnh thật Zoya hoặc người bạn du kích bị quân Đức treo cổ.

2/ Tranh quáng cáo vẽ cô ZOYA.

 

 

Kết

Nhớ 1 bộ phim truyện màu Liên Xô tôi đã xem hơn nửa thế kỷ trước tên là “Moskva không tin vào nước mắt“. Hồi ấy tôi cảm phục và tin tưởng lắm…

Ngày nay, người nga và thế giới có thể nói “Moskva không tin vào Putin” nữa !

(còn tiếp kỳ sau: Tiểu thuyết hay nhất của Ucraina thời Liên Xô và số phận tác giả)

 


 

 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)