VNTB – Vài cảm nghĩ về kiến trúc và quy hoạch Hà Nội

VNTB – Vài cảm nghĩ về kiến trúc và quy hoạch Hà Nội

Quan Thế Dân

 

(VNTB) – Như vy phong cách kiến trúc ch yếu ca Hà Ni sau năm 1954 là kiến trúc ph huyn. Trong chuyn này c người dân và chính quyn cùng có li. Li ca chính quyn là không quy hoch và không gi nghiêm k cương quy hoch. Không phi anh ch v ra cái quy hoch trên giy là xong, mà anh phi thc hin cái quy hoch y trên thc tế để người dân theo.

 

Có thể nhìn thấy ngay kiến trúc Hà Nội chia làm 3 nhóm lớn: kiến trúc khu phố cổ 36 phố phường, kiến trúc khu phố Tây và kiến trúc sau năm 1954 đến bây giờ.

Kiến trúc phố cổ Hà Nội

Khu phố cổ Hà Nội hiện còn chủ yếu ở quận trung tâm, quận Hoàn Kiếm. Kiến trúc chủ đạo là những ngôi nhà hình ống, một đến hai tầng, kết cấu xây bằng gạch, gác gỗ, mái lợp ngói. Những “mái ngói thâm nâu” như lời một bài hát nổi tiếng về HN. Về hình dạng kiến trúc thì y như những ngôi nhà mái ngói ở bất kỳ vùng quê Bắc Bộ nào. Mái ngói, ở chính giữa nóc xây một hàng gạch chỉ, hai đầu hồi xây tường vuông, có một cái trụ vuông ở giữa y như mái đình hay mái chùa ở quê mà ta hay gặp. Hồi sinh viên tôi có vẽ một bức tranh về các nóc nhà phố cổ với những mái ngói lô xô như thế, mang vào lớp cho mấy anh bạn thân xem, thì chúng nó nhận xét, mày vẽ Hà Nội chẳng giống gì cả, Hà Nội gì mà quê thế này! Vâng, nhưng sự thật Hà Nội cổ là như thế đấy. Những cư dân đầu tiên của Hà Nội chính là những nông dân đồng bằng Bắc Bộ, nên họ mang nét quê vào phố là rất tự nhiên. Và đấy chính là nét thân thương của phố cổ Hà Nội.

Do kiến trúc chủ yếu bằng gỗ và gạch nên không có ngôi nhà phố cổ Hà Nội nào có tuổi đời trên 150 năm. Tất cả đều cũ nát đi theo thời gian. Hồi những năm 1975 đến 1977, tôi học cấp 3 ở trường Phan Đình Phùng trên phố Cửa Bắc, ngày nào cũng hai buổi đi bộ qua các phố cổ, hàng Gà, Lò Rèn, hàng Đồng, Bát Sứ để về nhà trên phố Hàng Phèn. Tôi say sưa ngắm nhìn các ngôi nhà cổ còn nguyên bản chưa sửa chữa gì. Theo nhiều tài liệu nói, ngôi nhà nằm trên ngã tư của hai phố Hàng Đồng và phố Lò Rèn, là ngôi nhà cổ nhất Hà Nội, xây năm 1860, tức là trước khi Pháp chiếm thành Hà Nội. Cái nhà ấy lúc tôi đứng xem thì người chủ đang làm lò rèn, đập sắt chan chát suốt ngày. Mấy năm sau đi qua thấy cái nhà ấy phá rồi, xây lại theo kiểu phố huyện thông thường. Tiếc quá. Chắc chủ nhân của ngôi nhà ấy không biết rằng họ vừa phá đi một di sản quý của Hà Nội đâu nhỉ.

Không thể trách những chủ nhà của khu phố cổ được. Do cuộc sống mưu sinh mà họ phải phá đi thôi. Thật sự thì những ngôi nhà phố cổ có điều kiện sống kém. Ít ánh sáng, ẩm thấp, muỗi gián nhiều. Mẹ tôi sợ nhất là lũ gián. Mẹ kể những ngày động trời gián bò ra bay vù vù khắp nhà, bà và mẹ chết khiếp, phải đội nón trong nhà. Hồi ấy chưa có thuốc xịt gián như bây giờ, nên chỉ biết chịu trận. Rồi nhà vệ sinh nữa. Hồi trước nhà phố cổ đi vệ sinh vào cái thùng, rồi hàng ngày có người vệ sinh đến làm công việc đổi thùng, mang cái thùng phân đi, thay thùng mới vào. Bẩn kinh khủng. Cái thùng phân ấy lại mang ra ngoại ô bán cho người trồng rau ủ để bón cho rau. Nên rau của Hà Nội cứ xanh mơn mởn. Khiếp. Mãi đến sau những năm 1970 các nhà phố cổ dần cải tạo sang vệ sinh tự hoại thì điều kiện vệ sinh phố cổ mới cải thiện hơn.

Những ngôi nhà phố cổ như trên bây giờ chỉ lại một ít, rải rác ở các phố hàng Bạc, Hàng Bè… và trong tranh của Bùi Xuân Phái. Được gọi chung bằng một cái tên là Phố Phái. Hồi trước tôi cứ ao ước mình có một cái máy ảnh để đi chụp tất cả những ngôi nhà cổ của Hà Nội, vì ngay từ những năm 1980 tôi chứng kiến các ngôi nhà cổ của Hà Nội bị phá đi từng ngày. Nhưng rồi không làm được. Nay nghỉ hưu có máy ảnh, có thời gian rảnh rỗi thì nhìn lại các ngôi nhà cổ đã bị phá gần hết.

Việc phá những ngôi nhà cổ đã bắt đầu từ những năm 1930. Những nhà có tiền thời ấy đã dỡ những ngôi nhà cổ, xây thay vào đấy những căn nhà biệt thự dạng liền kề, cao 2 đến 3 tầng, phong cách kiến trúc kiểu châu Âu, có ban công, cửa kính, mái ngói, có công son đỡ mái bằng gỗ, tường đắp họa tiết trang trí. Nhìn đẹp và khá ăn nhập với kiến trúc phố cổ. Ở trên phía tường cao nhất, tạm gọi là cái trán của ngôi nhà, bao giờ cũng có đắp nổi hàng chữ số năm khánh thành. Thành ra tôi không phải là nhà khảo cổ cũng có thể nói vanh vách ngôi nhà ấy xây năm bao nhiêu. Bây giờ đi về các miền quê ta vẫn thấy nhiều nhà dân vẫn giữ thói quen ấy, đắp nổi cái năm xây lên phía trán của ngôi nhà.

Việc phá dỡ các ngôi nhà phố cổ diễn ra ồ ạt vào những năm 1980 đến 1990, thời kỳ Hà Nội bung ra làm ăn nhờ được cởi trói. Nhưng đáng tiếc là sau khi phá những ngôi nhà cả trăm tuổi kia đi, những người chủ mới xây thay vào đấy những ngôi nhà bê tông mái bằng đơn giản, giống như các ngôi nhà ta vẫn thấy ở các phố huyện. Chẳng ai để ý đến mỹ thuật gì cả. Miễn là có chỗ rộng hơn để buôn bán. Nên bây giờ kiến trúc chủ đạo của phố cổ là giống phố huyện. Phố Phái giờ chỉ còn trong tranh mà thôi.

Giai đoạn 1990 đến nay còn tệ hơn nữa, do du lịch phố cổ Hà Nội phát triển, giờ các nhà đầu tư săn lùng nhà phố cổ đập đi để xây khách sạn. Nhiều khách sạn cao tầng mọc lên ngạo nghễ giữa phố cổ, phá nát luôn cảnh quan kiến trúc cổ kính. Phố cổ đã chết hẳn.

Trong chuyện này ai là người có lỗi? Chắc chắn là người quản lý, nhà quy hoạch. Quy hoạch phố cổ đã có, nhưng không ai chế tài. Sức mạnh của đồng tiền đã phá vỡ hết quy hoạch. Những cái hay ho của quy hoạch như không được xây quá 3 tầng, phải có mái ngói, phong cách kiến trúc phải phù hợp với xung quanh… chỉ là trên giấy.

Tôi đi ngắm phố cổ và rút ra được một điều: thỉnh thoảng vẫn còn sót lại một vài ngôi nhà cổ, thì đấy chính là những ngôi nhà có nhiều chủ, hàng chục gia đình chung đụng, ai cũng nghèo cả nên ngôi nhà ấy mới còn giữ được dáng vẻ cũ. Nếu một người trong đó mà giàu lên hoặc một nhà giầu khác thỏa thuận được với từng hộ để mua lại cả nhà, thì ôi thôi, ngôi nhà ấy sẽ biến mất, để lấy đất mọc lên một hotel mini cho đáng đồng tiền bỏ ra.

Kiến trúc khu phố Tây

Ngay từ năm 1888, khi thành lập thành phố Hà Nội, người Pháp đã quy hoạch khu phố tây một cách bài bản, với tiêu chí xây dựng một thành phố châu Âu. Rồi chính người Pháp cũng phải lòng mảnh đất viễn đông xa xôi này, nên họ đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết để xây dựng nên một thành phố nên thơ. Theo quy hoạch ngay từ thời ấy, họ mở những đại lộ lớn thẳng tắp, chia thành phố thành những ô bàn cờ, không bao giờ có thể kẹt xe được. Trục lớn chủ đạo là từ đê sông Hồng thẳng qua Tràng Tiền, qua Hồ Gươm, đến Tràng Thi rồi kết thúc ở Cửa Nam. Trên trên trục trung tâm này xây dựng Nhà hát lớn, các cửa hàng sang trọng, cửa hàng Godard nổi tiếng – sau này thành Bách hóa tổng hợp Bờ Hồ, thư viện quốc gia, nhà thương Phủ Doãn (bây giờ là bệnh viện Việt Đức).

Các đại lộ khác cũng được xây dựng tráng lệ như vậy. Ngay từ những năm cuối Thế Kỷ 19, chính quyền thành phố đã ra quy định trong mấy năm phải phá dỡ hết các nhà lá trong các tuyến đã quy hoạch trên, đồng thời cấm xây kiểu nhà ống bản xứ, phải xây kiểu biệt thự, có sân vườn bao quanh. Sau hơn 100 năm, những cây bóng mát người Pháp trồng ngày nào trên vỉa hè nay đã thành cây cổ thụ. Phố Phan Đình Phùng với thảm lá sấu vàng rơi khi thu về, nay đã thành điểm check in của giới trẻ Hà thành, năm nay đến nỗi mà có người nói cứ 1 m2 có 2 nàng thơ.

Hà Nội có một bộ sưu tập các biệt thự xinh đẹp theo nhiều phong cách khác nhau của châu Âu, từ các ngôi biệt thự theo kiến trúc bắc Âu với mái nhô cao nhọn, lợp đá xẻ hoặc lợp thiếc màu xám, đến những ngôi biệt thự theo kiểu miền Nam châu Âu với mái ngói thoải hơn, cửa sổ thoáng rộng… Tất cả đều xây dựng rất cầu kỳ với nhiều họa tiết trang trí đắp nổi tinh tế.

Đấy là tôi chưa nói đến các tòa nhà công quyền, như Phủ Toàn Quyền, Phủ Thống Sứ, Nhà Băng Đông Dương, Khách Sạn Metropol, Đại Học Việt Nam, Viện Viễn Đông Bác Cổ, Ga Hàng Cỏ, Viện Pasteur, Viện Radium, Tòa Nhà Đấu Xảo (chỉ còn ảnh vì bị bom Mỹ phá trong thế chiến thứ 2), tòa nhà sở thuế vụ, sở hỏa xa… ôi, mỗi công trình kiến trúc ấy là một bài thơ, nói bao giờ cho hết về những vẻ đẹp kiến trúc ấy.

Những di sản kiến trúc ấy may mắn hầu hết đã được giữ gìn, và nay nó là những báu vật của Hà Nội, thu hút khách du lịch quốc tế. Còn các biệt thự tư nhân thì đã mất đi nhiều. Các khu vườn quanh biệt thự xưa giờ đã xây chen rất nhiều nhà để ở. Mỗi biệt thự có hàng chục gia đình chui ra chui vào, lý do tại sao thì tôi đã giải thích từ những bài trước. May mắn là có một số biệt thự được lấy làm Đại sứ quán cho các nước thì còn được giữ nguyên vẹn như ban đầu. Bây giờ bạn nào yêu kiến trúc, hãy đi dọc con đường Trần Phú thì còn được thấy một phần phố Tây xưa kia của Hà Nội đẹp nhường nào.

Kiến trúc Hà Nội sau năm 1954

Nói thật sau năm 1954, chính quyền mới về thì không có một phong cách kiến trúc nào rõ rệt. Thời ấy vừa đánh Pháp xong nên ngôn ngữ Pháp, kiến trúc Pháp… bị ghét, vì nó gợi nhớ là thời kỳ thuộc địa. Nhưng thay bằng kiến trúc gì khác thì chính quyền chưa nghĩ ra. Nên xây dựng theo kiểu Liên Xô một tý, Trung Quốc một tý. Thời kỳ này do chiến tranh, xây dựng không nhiều, nên di sản kiến trúc của thời kỳ này cũng chỉ có một ít.

Ví dụ khu đại học Bách Khoa do Liên Xô xây dựng, sau này còn có Cung Văn Hóa Hữu Nghị, xây trên nền của Cung Đấu xảo cũ, trên phố Trần Hưng Đạo, gần Ga Hàng Cỏ. Liên Xô giúp VN chủ yếu là các công trình công nghiệp lớn, nên ảnh hưởng của kiến trúc Liên Xô ở Hà Nội là không rõ nét. Nhưng tệ nhất lại là cái trụ sở UBND TP.HN. Kiến trúc bê tông ốp đá đơn giản khô cứng, không ăn nhập với không gian kiến trúc kiểu tân cổ điển xung quanh Hồ Gươm. Phong cách kiến trúc Trung Quốc thì có Đại học Thủy Lợi và Hội trường Ba Đình. Cái hội trường Ba Đình xây theo kiểu Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh thu nhỏ, tôi thấy chẳng xấu, chẳng đẹp. Sau đã phá đi để xây thành nhà Quốc Hội hiện nay, theo bản vẽ của Đức. Kiến trúc mới còn có thể kể đến những nhà tập thể khu Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự… xây đơn giản, công năng thiếu thốn, chủ yếu để giải quyết nhanh nhu cầu về chỗ ở cho cán bộ.

Cái kiến trúc phổ biến nhất của Hà Nội là những bùng nổ trong xây dựng tư nhân, bắt đầu từ những năm 1990 đến nay. Đặc trưng nhất của dạng kiến trúc này là vô tổ chức. Không theo bất cứ một quy hoạch hay quy chuẩn nào. Cứ hở được chỗ nào là xây, lấn được chỗ nào là lấn. Không có khái niệm khoảng lùi trong xây dựng, mà là thực sự là một cuộc đánh chiếm không gian, từ dưới đất lên đến trên cao. Ngõ đã nhỏ chỉ 1 mét bề ngang, hai cái xe máy đi tránh nhau còn khó, thế mà nhà hai bên xây lên còn tranh nhau mỗi nhà đua ra nửa mét nữa, thành ra cái ngõ thành cái hang, ở trên các tầng thì hai cửa sổ hai nhà đối diện cách nhau chỉ còn vài gang tay, phải treo rèm suốt ngày cho khỏi nhìn vào nhà nhau. Họ đã đồng lòng biến ngôi nhà của mình thành một cái hang, cả ngày không có ánh sáng mặt trời.

Như vậy phong cách kiến trúc chủ yếu của Hà Nội sau năm 1954 là kiến trúc phố huyện. Trong chuyện này cả người dân và chính quyền cùng có lỗi. Lỗi của chính quyền là không quy hoạch và không giữ nghiêm kỷ cương quy hoạch. Không phải anh chỉ vẽ ra cái quy hoạch trên giấy là xong, mà anh phải thực hiện cái quy hoạch ấy trên thực tế để người dân theo.

Như tôi có đọc tài liệu nghiên cứu về Hong Kong thì thấy, họ quan niệm, việc của chính quyền là thu thuế và mở đường. Mở đường, mở đường và mở đường. Mở những con đường mới là vô cùng quan trọng, vì nó biến những nét vẽ quy hoạch trên giấy thành thực địa. Thế thôi, còn lại toàn bộ việc làm ăn là để dân tự lo, chính quyền khỏi cần xía vào.

Không khổ như nền kinh tế kế hoạch hóa của ta, chính quyền phải lên kế hoạch sản xuất từng cái bát ăn cho dân. Thế là cán bộ phải ngồi vò đầu bứt tóc, tính xem có bao nhiêu dân, mỗi năm mỗi thằng đánh vỡ mấy cái bát, để còn lên kế hoạch sản xuất cho nhà máy bát sứ Hải Dương.

Chắc có bạn thắc mắc, quy hoạch thì không khó, nhưng tiền đâu để thực hiện quy hoạch. Thế bạn nghĩ người Pháp xây nên thành phố Hà Nội bằng tiền chở từ Pháp sang chắc? Không nhé. Mà ngược lại, họ còn khai thác thuộc địa, mang của cải về Pháp. Thế thì họ lấy đâu ra tiền để xây cả một thành phố hoa lệ như thế. Xin thưa là họ xây bằng tiền của người Việt, bằng vật liệu của đất Việt, bằng bàn tay người thợ Việt.

Đọc các ghi chép cũ thì được biết: Chính quyền thành phố bỏ ra một số vốn ban đầu mua ruộng của dân. Sau đó họ làm đường, làm cống, kéo điện, kéo nước, lát vỉa hè, trồng cây xanh. Rồi họ chia thành các lô đất, bán đấu giá cho ai có tiền thì mua. Nhưng mua rồi phải xây theo đúng quy hoạch, chỉ được xây bao nhiêu, khoảng lùi là bao nhiêu, bao nhiêu tầng. Tiền thu được chính quyền thành phố lại làm tiếp những tuyến phố khác. Như vậy sau một số năm, đã hình thành nên những tuyến phố đẹp đẽ mà chính quyền không mất đồng nào, thậm chí còn dư để xây các công trình công cộng.

Còn chính quyền ta hiện nay thì làm ngược lại. Bỏ rất nhiều tiền ra để mở đường, tiền làm đường thì ít mà tiền đền bù thì nhiều. Đường mở xong thì những nhà may mắn ra mặt tiền thì hơn trúng số, giá đất tăng hàng chục lần. Những nhà phải đi thì tức tối so bì, nên đến các công trình sau càng khó đền bù hơn. Chính quyền phải lo những khoản tiền khổng lồ để mở đường nên luôn thiếu tiền, đường mới có rất ít. Tại sao một điều đơn giản, là đã mở đường là giải tỏa luôn đất ven đường để đấu giá thu lại kinh phí mở đường, đã rất nhiều người góp ý, mà vẫn không được thực hiện? Có uẩn khúc gì trong việc này?

Chính quyền không mở đường thì cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, dân vẫn cứ xây nhà, thế là thành ra ngõ và ngách. Trong lịch sử chưa bao giờ Hà Nội có nhiều ngõ như bây giờ. Nên nhớ Hà Nội cũ có rất ít ngõ, khu phố tây hầu như không có ngõ. Ngõ chỉ xuất hiện nhiều ở các khu dân cư tự phát bây giờ. Rồi vấn nạn xây các tòa cao ốc làm văn phòng và khu chung cư chen vào nội thành, làm tăng thêm tải cho hạ tầng cũ. Tại sao họ thích xây chen cao ốc vào nội đô? Vì chất tải lên một hạ tầng cũ thì có lãi cao hơn, nhà đầu tư không phải mất chi phí phát triển hạ tầng. Sức mạnh của đồng tiền đã phá vỡ tất cả các ý định quy hoạch tốt đẹp.

Cuối cùng thì chính quyền cũng nhận ra những sai lầm trong quy hoạch của quá khứ và đã rất nỗ lực để sửa sai. Nhiều khu đô thị mới cao tầng mọc lên ở vùng ven, nhiều con đường to mới mở. Nhưng sao chất lượng cuộc sống đô thị Hà Nội vẫn không lên, vẫn tắc đường khói bụi…

Có lẽ vì ta vẫn chưa chạm tới cái chính nhất của quy hoạch, đó là xác định lại trung tâm Hà Nội mới ở đâu? Trung tâm Hồ Gươm cũ chỉ phù hợp với một Hà Nội xưa 20 vạn dân. Còn bây giờ Hà Nội là tp 10 triệu dân, mà vẫn lấy Hồ Gươm làm trung tâm thì kẹt xe tắc đường là đúng rồi. Phải xác định lại trung tâm cho Hà Nội. Để Hồ Gươm lại cho du lịch và văn hóa.

Hà Nội mới sẽ lấy Hồ Tây là trung tâm.

Khu đô thị mới Mỹ Đình, khu đô thị Tây Hồ Tây sẽ là trung tâm của Hà Nội mới thế kỷ 21. Tất cả các trụ sở các Bộ sẽ di chuyển đến trung tâm mới này. Hà Nội bây giờ mới thật sự có vóc dáng của một Thủ đô đúng nghĩa. Chỉ tiếc là thực hiện quy hoạch mới này quá muộn. Các khu đô thị ổ chuột lộn xộn chết người ở các quận như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Từ Liêm… sẽ còn còn tồn tại lâu lắm. Có những sai lầm không thể sửa chữa được nữa rồi.

Từ đau xót của vụ cháy, tôi viết một phần tâm tư của mình về quy hoạch và cuộc sống đô thị Hà Nội, thành một chùm 5 bài viết. Định viết dài hơn nhưng sợ mệt các bạn đọc của tôi, nên thôi. Thế là tôi đã thực hiện được dự định viết của mình, mặc dù trong khi viết cũng nhận được vài lời khuyên là nên dừng. Chắc chắn những cảm nhận cá nhân của tôi còn chưa đầy đủ, nhưng đều là thành ý muốn đóng góp xây dựng nơi này tốt đẹp hơn. Xin nhận ở tôi một lời cảm ơn chân thành đến tình cảm mà các bạn dành cho Hà Nội.

Một người yêu Hà Nội.

PS: Một bức tranh sơn dầu vẽ phố Hà Nội của Bùi Xuân Phái. Phố Phái.

Định dừng loạt bài ở đây nhưng thấy nói vẫn chưa hết nên chắc sẽ viết tiếp.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)