Ngụy Hữu Tâm
(VNTB) – Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan.
Tôi bắt đầu viết bài này vào những ngày từ đầu đến giữa tháng mười hai. Năm nay đông đến sớm và sẽ khắc nghiệt nên trời Hà Nội vừa ‚mùa thu vàng thoang thoảng mùi hoa sữa’ đang thơ mộng thế mà đột thiên nhiên có đợt gió mùa đông bắc trở lạnh ngay, trời u ám sao, mưa phùn gió bấc cứ như đã vào tiết Tết ra vậy. Nhưng lại có cơn gió mùa tiếp theo đưa cái khô lạnh từ Xibia tới, trời đẹp lạ lùng nhưng chúng tôi buồn vì sự ra đi Quang Chiến hôm 01.12. rồi, mà chúng tôi vừa phải làm lễ chia tay để ông yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng trưa nay, 03. 11. tại nhà tang lễ Viện Quân Y 354. Tôi vốn cũng đã chuẩn bị tư tưởng để thấy ít người đến bởi vì dịch cúm Tàu, nhưng vẫn phải nói ra đây, người Việt Nam ta có câu rất hay: „Nghĩa tử là nghĩa tận“. Trừ trường hợp bất khả kháng chứ bạn bè, người thân, đồng nghiệp một thời, ai đến được đều đến dù chỉ mười mười lăm phút hay một tiếng đồng hồ nếu dự toàn bộ buổi tang lễ. Cách nay hai tháng chia tay TS NGT ở Viện vật lý địa cầu VHLKH&CNVN, người cùng đi Pháp với tôi và GS ở VVL NTT năm 1982 đông là thế mà nay tất cả chỉ khoảng 50 người mà 30 đeo khăn tang, là họ hàng quê Hiệp Hòa, Bắc Giang cả, nông thôn vẫn khác Hà Nội, dù chỉ cách 50 km. Bạn bè Moritzburger đến được người nhưng chỉ đưa phong bì và đi qua linh cữu rồi về, các cụ trên dưới 80 cả mà trời lại đang lạnh. Tôi quá thân với NQP nên cố ở lại đến cuối, đi theo xe tang ra đến ngã ba. VKN thương tình ở lại với tôi, tán gẫu cho qua thời gian. Tình cờ lại có cô cháu ghé bảo, chaú biết bác vì cùng từng làm ở hãng tour ICS mà, nhưng cháu phụ trách mảng tiếng Anh nên bác không tiếp xúc nên không biết, bây giờ cháu vẫn làm nhưng ở hãng Mekong, đi với ông chồng Mỹ mà, dong dỏng, đẹp trai, cũng ở đến cuối vì là bạn thân con gái NQP. Quí nhất là Phục giới thiệu tôi dịch E. Frey làm tôi biết kỹ hơn cuộc chiến tranh chống Pháp nhìn từ một người vốn là lính Lê Dương, cộng sản chính hiệu mà sau lại tham gia thành lập ĐLĐVN năm 1951 trên Tân Trào. Để hiểu thêm là cùng cộng sản, nhưng phương Tây và phương Đông maoist khác nhau nhiều đấy.
Về NQP chắc chắn rồi wikipedia sau này sẽ phải viết kỹ bởi lẽ ông xứng đáng với điều đó nên tôi không nói nhiều, chỉ xin nhắc ông sinh năm 1941 trong gia đình trí thức ‚cách mạng’, đi Đức lứa trước tôi một năm mà lại học nghề máy nổ ở Magdeburg nên các bài trước tôi không kể ra. Sau này anh đi học tiếp ở TU Otto von Guericke cùng 5 ông bạn Moritzburger nữa mà 3 đã là toán 9 mà tôi đã kể: Thọ, Khanh, Hân. Còn một người nữa cũng nổi tiếng là TQ con trai bác TQB, trẻ hơn chúng tôi cả con giáp, nay đã là doanh nhân thành đạt trong SG. Sau khi tốt nghiệp NQP có một thời gian làm ở một Trung tâm tính toán nhưng rồi chuyển về ngay với văn học, biên tập viên rồi về Hội nhà văn, thế nên mới có công trình đời đồ sộ đến thế. Đáng tiếc tôi không gặp bất cứ một ai dù quen biết khá nhiều, thậm chí cũng không có vòng hoa của họ, chắc không biết tin, do dịch cúm Tàu mà, dễ giải thích nhất!
Đọc trên mạng khi đã vượt tường lửa tra chữ Quang Chiến thì được danh mục 7 cuốn sách: Nỗi đau của chàng Werther, Faust by Johann Wolfgang von Goethe; Chiếc âu vàng, Zaches Tí Hon Mệnh Danh Zinnober, Chàng Cắn Hồ Đào Và Vua Chuột, by E.T.A. Hoffmann; Ánh sáng và Tro tàn by Karl Lubomirski; Heinrich Heine – Thơ Trữ Tình by Heinrich Heine, by Quang Chiến (Translator).
Còn trên google thì được nhiều cái tên lung tung, nhưng trên trang facebook thì ra ngay:
Dich giả Quang Chiến: “Nhắc đến Nga là nhắc đến Pushkin, nhắc đến Anh là nhắc đến Shakespeare, nhắc đến Đức không thể không nhắc đến “Faust” của J.W.Goethe… Giống như nói đến Việt Nam là nói đến Kiều của Nguyễn Du, cho dù Kiều rất khó hiểu với bạn đọc thời nay, nhưng người ta vẫn phải tìm cách giới thiệu truyện Kiều ra thế giới”… “CHỈ CÓ CÂY ĐỜI MÃI MÃI XANH TƯƠI…” (Quang Chiến dịch từ FAUST của J.W.Goethe)
Mới hôm nào vừa hỏi chuyện bác về Faust, vậy mà hôm nay bác đã ra đi…
———-
Thật đau thương, khi tôi chưa hoàn thành Mephisto để bác được thưởng thức trọn vẹn FAUST qua âm nhạc guitar- Sonata mà tôi đã dựa vào phần lớn bản dịch của bác để sáng tác!
Sâu sắc chia buồn cùng gia đình và bạn bè!
Vẫn biết vòng luân hồi của kiếp trần gian, quy luật của cuộc sống âm dương thế chỗ mà sao xót xa, thương tiếc Bác thế này. Dòng tộc họ Ngô mất đi một người con ưu tú – Bác của tôi nhà văn, nhà thơ, nhà dịch giả Ngô Quang Phục – bút danh Quang Chiến đã về với Tổ Tiên. Xin vĩnh biệt người mà chúng cháu ngưỡng mộ và tự hào về Bác.
“Nhưng áng mây trắng trôi
Chỉ bồng bềnh giây lát
Và khi tôi ngẩng đầu
Mây đã tan biến mất
Có bao giờ mây trôi.”
Bertolt Brecht / Quang Chiến, “Hồi tưởng Marie A.”
Vô cùng thương tiếc chú Quang Chiến. Nhớ mãi một thời cháu hay được làm việc với chú khi còn là biên tập viên ở nhà xuất bản Văn Học. Chú hiểu rộng, tài cao, nhưng luôn khiêm nhường, hiền hậu và rất hóm hỉnh, tình cảm. Hẳn lúc này chú đang phiêu du về chốn thiên đường cuối trời thênh thang …
Về Quang Chiến, anh bạn dịch thuật và tourguide TV của tôi còn đưa lên facebook như sau:
XIN VĨNH BIỆT
Vĩnh biệt đàn anh-dịch giả thơ*
Tài hoa, chịu khó đến không ngờ
Bao bài đã được anh phù phép
Đọc đã quen rồi vẫn ngẩn ngơ.
Cũng biết khi người ta lớn tuổi
Làm sao nấn ná được bây giờ
Ai rồi cũng phải theo qui luật
Rũ áo, lên trời đến cõi mơ.
04/12/2021, Trần Vinh
*Dịch giả Quang Chiến
Lên Viện Goethe Hà Nội đọc các bài báo mới sau. Tờ Fokus số đặc biệt ra tháng 09 dành trang bìa và cả số này để nói về bà Angela Merkel. Chắc chắn phải nói về bà vì dấu ấn của 16 năm quá lớn nên SPD của Olaf Scholz luôn dỡ bỏ nhưng là điều không thể.Ở số Fokus này tôi mới biết ông bà nội Merkel là người Ba Lan từ thành phố Poznan mới di tản sang Đức nên mới được Ba Lan và Nga ủng hộ đến thế, còn bà là dân Đông Đức cũ lại là chuyện khác tuy rất quan trọng, và cá nhân tôi đánh giá Helmut Kohl với 16 năm trị vì, vốn được coi là Thủ tướng của sự thống nhất nước Đức, bởi lẽ ông đã kiến tạo sự kiện đó, thì có lẽ nên bổ sung thêm là 16 năm trị vì của Merkel đã củng cố thêm sự thống nhất này để đưa Đức lên vị trí xứng đáng của nước Đức là trung tâm và chỗ dựa chắc chắn cho cả châu Âu, dù cho việc Anh bất bình về điều này cho nên mới có vụ Brexit và làm cho bàn cờ chính trị châu Âu và dĩ nhiên cả thế giới thay đổi. Có rất nhiều thông tin ở số báo này nên tôi không nhắc lại, và có lẽ bạn đọc nếu có qua bản dịch google translate để xem cũng thế. Toàn những lời khen, thậm chí của rất nhiều người nổi tiếng, như Christine Lagarde hay Jean-Claude Juncker. Tôi chỉ xin nêu một nhận xét mà tôi thấy là đắt giá ở đây là tính tò mò, ham hiểu biết của nhà khoa học, nhà nghiên cứu mà bà vốn là TS vật lý, và đặc tính này cũng là của nhà vật lý có cống hiến nhiều nhất cho nhân loại ở cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20: Albert Einstein. Chắc chắn để đạt các kết quả như đã có thì Merkel cần rất nhiều sức sáng tạo. Từ xưa tới nay chưa có TS vật lý chuyển sang làm chính trị và làm một cách thành công đến thế. Mong cho rồi khi nào Việt Nam chuyển đổi sang thể chế dân chủ cũng sẽ tìm được một nữ thủ tướng tài giỏi, nhân hậu như thế.
Tờ Monopol số tháng 10 dành trang bìa và 18 trang để nói về danh họa trứ danh Picasso. Trước đây khi cộng tác với tờ tạp chí Mỹ thuật, tôi chủ yếu dùng các thông tin từ tờ Spiegel và Art nhưng gần đây, nhất là đầu năm nay, sau khi phải viết bài giới thiệu họa sĩ lừng danh Joseph Beuys, người có đóng góp rất lớn cho nền nghệ thuật hiện đại, cụ thể là những năm giữa đến cuối thế kỷ vừa qua, nhưng đáng tiếc là giới họa sĩ Việt Nam hầu như không có ai biết, nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật ông, tôi mới phát hiện tờ tạp chí này cũng rất đáng xem. Số này cho tôi một cái nhìn có khác trước về họa sĩ lừng danh Pablo Picasso. Trước đây thì chỉ xem ông nặng hơn về mặt chính trị vì biết ông là đảng viên ĐCS Pháp và cho đến nay các bạn lứa tuổi tôi cũng chỉ biết ông với bức tranh con chim hòa bình và ông vẽ tranh trừu tượng nên ‚khó hiểu’ mà thôi.
Nhưng số này soi kỹ hơn cuộc đời ông và nhìn ông từ 2 góc cạnh, phía XHCN như trên vừa nói, lợi dụng ông cho các mục đích chính trị như trên vừa nói. Tuy nhiên ở phương Tây ngoài là một họa sĩ tài ba ra, người ta cũng dựng lên hình tượng ông là „Lebemann-kẻ ăn chơi“ để đi ngược với phía XHCN, bởi số họa sĩ có tài thì phương Tây chẳng hề thiếu và mấy ai biết Picasso ở tư cách là họa sĩ trừ người trong ngành. Ở bài này cũng có nhắc câu nổi tiếng mà nhân đây xin giới thiệu „với chính trị người ta không làm văn hóa được, có lẽ người ta có thể làm chính trị với văn hóa mà thôi“, của Theodor Heuss.
Ông này đã nhắn nhủ ĐCSVN, với tài lãnh đạo cái gì cũng biết và cái gì cũng làm được, ngay cả vấn đề lãnh đạo văn hóa nghệ thuật là vấn đề chẳng dành cho công nông binh, như vậy đấy.
Nhắc đến Zombory ở bài trước, cũng nên nói tới kỷ niệm với hai vợ chồng ông bà Irène và Franz Faber, người dịch ‚Kiều’ ra tiếng Đức theo tiêu đề ‚Das Mädchen Kieu-Nàng Kiều’ mà tôi có dịp quen thân vì khi đó ông làm đại diện cho thông tấn xã ADN của CHDC Đức tại Việt Nam. ở cái ville cực đẹp ngã ba Yết Kiêu-Nguyễn Du, để nói vì sao hồi đó tôi không hề quên tiếng Đức dù trên nguyên tắc là cấm quan hệ với người nước ngoài. Ông Faber sang Việt Nam ngay sau Hiệp định Genève đã từng ra cuốn ‚Rot leuchtet der Song Cai-Hồng hà đỏ rực’ mô tả Miền Bắc thời đó mà khi ở Dresden tôi hằng say mê đọc vì xem người Đức nhìn nước và dân mình ra sao. Ông bà quan thân cha tôi nên mời tôi hàng tuần đến dạy tiếng Việt và tôi ôn lại tiếng Đức cho khỏi quên. Khi cuốn sách ra ông cho tôi một cuốn đề tặng: ‚Kính tặng bạn Ngụy Hữu Tâm’ mà tôi phải đính chính ngay là chỉ dùng ‚Kính’ cho người ‚cao’ hơn, thế là ông, vốn cao lớn, cúi rạp người xuống cho thấp làm cho cả ba chúng tôi thoải mái cười. Cuốn sách sau thất lạc do sau này đại sứ CHLB Đức mượn đọc, tôi chuyển cho bạn NXH đang công tác phiên dịch ở đó, rồi không tìm ra nữa, nhưng cũng tự an ủi là may quá cuốn sách được nhiều người quan tâm.
Nhớ ông Faber, càng phải nhắc là nhờ ông mà sau này tôi xa vợ hàng năm mà chẳng hề hấn gì trong khi nhiều người mắc vạ. Ông bảo thời thế chiến 2 đi lính cho Hitler bị Hồng quân bắt đi đày Siberia nhiều năm, lúc ấy mà quan hệ với phụ nữ Nga thì làm sao mà về lại Đức với vợ con được, nên bất đắc dĩ luôn phải làm cái mà người đàn ông nào cũng phải hiểu ra ngay. Thế nên sau này đi Đức làm nghiên cứu sinh và đi Algeria làm chuyên gia giáo dục, tôi chẳng vướng gì, mà chắc chắn nhiều đồng nghiệp cũng thế. Bây giờ thì quá dễ chịu, ngay đi học cũng được mang vợ theo nếu đủ điều kiện tài chính.
Còn kỷ niệm nữa là đầu năm thứ 4 khi đi thực tập ở Đoàn địa chất 45 khi ấy đóng tại Lập Thạch, Vĩnh Yên khi đó cũng phải đến trên 100 km, chúng tôi đều phải dùng xe đạp. Thày ĐVH ngại ban ngày khi ấy khu vực Thái Nguyên và lân cận Hà Nội Mỹ đang ném bom ác liệt nen không cho đi ban ngày mà bắt chúng tôi đi vào ban đêm. Khi ấy, vì tôi vốn phải đeo kính cận, mà đúng lúc tôi chuẩn bị đạp xe qua cầu thì có một chiếc xe hơi vượt cầu rọi đèn pha sáng trưng nên tôi đạp tránh sang phải và…lao cả người lẫn xe xuống sông. May là khúc sông đó không sâu, sau dó chiếc xe cho rọi pha xuống và mọi người vớt tôi lên được. Hú vía, may quá, con hiệu trưởng mà hôm đó đi toong thì thày ĐVH chắc không ngóc đầu dậy được, và làm gì có bài hồi ký này!
Nói lại chuyện năm 1968 tốt nghiệp vật lý ĐHTHHN khóa 9 có 54 người mà có chỉ ~ 10 người có bằng TS nên có lẽ nên giải thích ở một số người làm đại diện như PVT người giỏi nhất lớp mà tôi sẽ nói sau. Đấy là số phận mà cái GS, TS cuối cùng cũng chỉ là mảnh giấy mà thôi.
Hãy lấy LPT, nguyên cán bộ trường ĐHGTVT làm ví dụ, vì nay đang sôi nổi với vụ 1.000 GS, TS mà làm mãi mới xong con đường 13 km với tốc độ như rùa bò, khi Lào xong con đường cao tốc 350km/h dài 1350km. May quá LPT tuy là nguyên giáo viên ĐHGT nhưng không thuộc số 1.000 vị này. Anh cuối cùng tuổi tôi, người xứ Nghệ chỉ cách quê tôi 400km. Xuất thân gia đình nông thôn chứ không thành thị như chúng tôi, nên tuy không giàu có nhưng cũng là có của ăn của để, tạm gọi phú nông nên chắc chắn qua CCRĐ bị ‚lãnh đạo’ địa phương ghét và gây khó dễ cho cả gia đình chứ không chỉ riêng T. Bắt đầu từ thế hệ chúng tôi đã cảm nhận được điều ấy, tôi thì từ Tâm Hư, Trung Quốc là nơi đẻ ra đó cùng với maoism, còn cha tôi chắc chắn rất nhiều ở tư cách là hiệu trưởng một trong những trường đại học lớn nhất nước và lại chẳng bao giờ nói ra được. Với tôi cha chỉ thể hiện ở lần sau vụ NVGP, con đẻ của CCRĐ, cha tôi phải ứng xử khó khăn thế nào với một sinh viên quá khích đòi ‚lấy máu’ ông. Cho nên ngay khi bắt đầu vào học đại học anh đã bị cản trở, địa phương nêu đủ cớ để không cho đi học, cái này nay nghe nực cười, nhưng trước đây là cười ra nước mắt đấy, hãy thông cảm với T. Vào học muộn, tôi vốn ‚con ông cháu cha’ thì còn được duyệt học quân sự lớp sĩ quan dự bị ngạch pháo binh (dù sau này không được kết nạp đảng như vụ cậu em không được đi học sĩ quan, sau đây sẽ viết rõ hơn), chứ T chỉ được học lớp y tá dự bị như chị em nữ sinh viên (ở đây thấy ngay cộng sản gọi là đấu tranh cho thế giới đại đồng thế nhưng phân tầng thế nào, để cho anh y tá sau này điên lên phải ‚vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian’, làm TBT TL suýt thua, phải phát khóc!). Rồi khi được theo học thì dẫu học được, nhưng vì bản tính ngang tàng (dân xứ Nghệ, lại gốc gác con nhà khá giả mà không thế mới lạ), mang tiếng T ‚cổ ngẳng’ nên chi bộ và ban chủ nhiệm lớp cũng chẳng có cảm tình gì. Cũng may vì học hành nghiêm chỉnh nên anh cũng được phân học ngành vật lý hạt nhân là một ngành hết sức quan trọng mang tính trọng điểm (hãy xem Bắc Hàn của Ủn nhé!) rồi khi tốt nghiệp được phân về dạy đại học giao thông.
May quá T vượt qua được khó khăn đó trong đời và ra được Hà Nội dù bị muộn với sự trợ giúp của nhiều mối quan hệ mà anh có và không chỉ ở nước ta đánh giá là nhất mà. Anh bị bí thư chi bộ NCL nhiều lần gây khó dễ ngay cả lúc còn học và đặc biệt là khi tốt nghiệp khi phân công công tác, dù điểm thi khá và đã học ngành vật lý hạt nhân là ngành khó và quan trọng. Cũng may là nhờ anh bạn VNĐ mà sau tôi cũng sẽ kể kỹ hơn, đồng hương Nghệ An, bộ đội phục viên, bí thư chi đoàn, can thiệp, anh mới được về dạy đại học giao thông. Vì có bạn dạy đại học nông nghiệp, mà khóa tôi không ai về vì khóa trước về mấy người rồi, nên T hay đến đó chơi và anh làm quen được với một cô sinh viên mà duyên số đưa hai người về với nhau. Cô này khi tốt nghiệp được phân về Ty Nông nghiệp Bắc Giang nhưng nay đã là ngoại thành Hà Nội, ngay sân bay Nội Bài, cách thành phố chỉ ~ 30km, có tuyến xe buýt. Được phân chắc cũng đến 400m2 đất mặt tiền, xây nhà 3 tầng đường hoàng, 3 con hai gái một trai, hai đứa đang làm cán bộ tại trường bố từng dạy, một đứa ở UBND Cầu Giấy, cuối đời hết ý còn gì.
Thế nhưng chuyện học hành lại không suôn sẻ. Số là anh cũng được cử đi nghiên cứu sinh ở Hungary, cũng là nước công nghiệp tiền tiến chứ có xoàng gì đâu. Nhưng tiếng Hung khó ai chẳng biết, bù lại T là dân xứ Nghệ nổi tiếng chăm chỉ, kiên trì nên cũng chẳng có vấn đề gì. Thế nhưng sự đời là vậy, có số má cả rồi mà. Khi thi minimum, T. gặp đúng một giáo sư vừa ở Mỹ về, tất nhiên ông này ghét Nga ra mặt nên cũng chẳng thân thiện gì với Việt Nam, đàn em Nga, nên khi gặp T. là nghiên cứu sinh Việt Nam ông quá nghiệt ngã, chẳng thông cảm gì với con em đất nước đang có chiến tranh nên đặt những câu hỏi lắt léo làm T. trượt. Số phận là vậy. T. thuộc số đông các bạn lớp tôi không có bằng TS, dẫu cá nhân tôi đánh giá là ít ra phải 2/3 xứng đáng với học vị đó, bởi lẽ hồi đó thi cử ngặt nghèo thế nào và chúng tôi từng chăm chỉ thế nào.
Nhưng c’est la vie, đời là vậy, biết làm sao được.
Bài cũng đã dài, bạn bè khóa 9 khoa vật lý trường ĐHTHHN tôi còn nhiều số phận khác đáng nói nữa, đành xin hẹn lần sau kể tiếp.
Ảnh: Trang bìa cuốn sách làm với các bạn 1995 khi mới về nước do Quang Chiến chủ biên mà chúng tôi vừa phải chia tay ông ra đi về cõi vĩnh hằng hôm 01.12. vừa rồi.