Ngụy Hữu Tâm
Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan.
Tôi viết bài này vào những ngày mưa tầm tã cuối thu, nhưng đầu đông đã đến, đã bắt đầu lạnh và cái lạnh sớm Hà Nội còn ẩm chứ chưa khô hẳn như giữa đông, làm tôi rất nhớ tới những năm tháng ở Dresden, rồi đặc biệt là ở Berlin với rất nhiều hồ nước bao bọc, cái lạnh ẩm ghê gớm từ Siberia đánh sang. Hà Nội vẫn chưa hoàn toàn hồi phục vì dịch cúm Tàu nên tạm thời đang rỗi rãi nên có nhiều thời gian để đọc.
Đọc báo mạng, thấy những bài sau đáng chú ý xin giới thiệu cùng các bạn:
Nhìn lại để thấy một thời rất ngây ngô của ‘người hùng không ngủ’ Vũ Đức Đam
Báo Lao Động, cơ quan của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, hồi cuối năm ngoái có bài viết ngợi ca hết lời về Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – khi ấy còn là Trưởng Ban phòng chống, dịch Covid-19 quốc gia.
Bài báo không tiếc mỹ từ tụng ca:
“Hồi giữa năm, trong một bài phát biểu rất xúc động trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ lòng biết ơn tới nhân dân, tới “hàng ngàn thầy thuốc không có đêm, không có ngày”, tới “hàng ngàn chiến sĩ nằm rừng canh lối mòn, nhường giường cho người dân từ mùa Đông gió rét đến hôm nay nóng không ngủ được, dọc tuyến biên giới…
Những người quả cảm không có đêm không có ngày, nhưng thật ra, chính ông cũng là một “Người hùng không ngủ”.
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông giống tuyến xe lửa Kyrgyzstan xây bằng tiền TQ?
Mới tháng 9 vừa qua, Ban quản lý dự án này xin Bộ Giao thông cho dùng 26,4 triệu USD của hợp đồng vay vốn để bù cho chi chi phí tăng thêm ở hợp đồng tư vấn giám sát, truyền thông Việt Nam cho hay.
Tổng chi phí tới tháng 7/2021 cho công trình này đã đội vốn, lên tới 10 nghìn tỷ VND, tương đương 441 triệu USD, theo các báo Việt Nam vào thời điểm đó.
Dư luận Việt Nam chú ý đến công trình này còn vì đây là hợp đồng do tổng thầu Trung Quốc thực hiện, bằng tiền cho vay từ Trung Quốc.
Tại Kyrgyzstan cũng có một công trình hỏa xa do ngân hàng TQ cho vay vốn, và nay biến thành gánh nặng nợ nần cho quốc gia hậu Xô Viết.
Trung Quốc tiếp tục xây dựng căn cứ hải quân ở Campuchia, nỗi lo cho Việt Nam
Mỹ tiếp tục tố cáo căn cứ quân sự Ream
Ngày 13/10, trực tiếp đề cập đến Trung Quốc, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh, Campuchia – Chad Roedemeier – cho rằng: “Chúng tôi có những thông tin đáng tin cậy về việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang tiếp tục xây dựng một công trình lớn tại Căn cứ Hải quân Ream” (1). Ông Chad Roedemeier cho rằng chính phủ Campuchia đã không hoàn toàn minh bạch về ý đồ, bản chất và quy mô của dự án nói trên, hay về vai trò của quân đội Trung Quốc trong dự án này, điều gây lo ngại về mục đích sử dụng căn cứ quân sự Ream. Ông Chad Roedemeier nhấn mạnh rằng bất cứ sự hiện diện nào của quân đội nước ngoài tại Ream cũng là vi phạm Hiến pháp của Campuchia và phá hoại an ninh khu vực.
Hòa đàm Paris: Ông Lê Đức Thọ ‘cương quyết’ và ‘sắc sảo’ khi đối đầu Kissinger
Tuy nhiên, vai trò của ông có vẻ không phải quá lớn như một số ca ngợi, ý kiến của các nhà nghiên cứu, học giả nói với BBC News Tiếng Việt tại hội luận chuyên đề nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông.
“Khi họ biết về nước mình, họ sẽ yêu”
Tôi tin như Winston Churchill nói, khi họ biết về nước mình, họ sẽ yêu.
Nghĩ vẩn vơ
Lắm lúc chẳng muốn viết, muốn đọc gì nữa, nằm nghĩ vẩn vơ, nói lảm nhảm cho “thằng thư ký” iPhone nó ghi lại…
From the People of China
(Nhân chuyện Tổng thầu Trung Quốc bất hợp tác)
Trên những con đường vay vốn ODA của Nhật Bản, ví dụ đường Vành đai 3, cầu Nhật Tân (đẹp long lanh) và đường lên sân bay Nội Bài… cách một vài cây lại thấy có dòng chữ FROM THE PEOPLE OF JAPAN…
17/10/1912: Chiến tranh Balkan lần thứ nhất bùng nổ
Vào ngày này năm 1912, Serbia và Hy Lạp, theo bước Montenegro, đồng minh nhỏ hơn của họ ở khu vực Balkan hỗn loạn, đã tuyên chiến với Đế quốc Ottoman, chính thức bắt đầu Chiến tranh Balkan lần thứ nhất.
… Đáng chú ý, đồng minh hùng mạnh của Áo – Hung là Đức cũng chia sẻ mối quan ngại này. Trong một bức thư gửi ngoại trưởng Áo-Hung vào tháng 10/1913, báo trước cuộc xung đột toàn cầu tàn khốc sắp xảy ra, Hoàng đế Wilhelm II của Đức đã mô tả kết quả của hai cuộc chiến tranh Balkan là “một quá trình lịch sử được xếp vào cùng loại với những cuộc di cư lớn của loài người, trường hợp hiện tại là một bước tiến mạnh mẽ của người Slavơ. Chiến tranh giữa Đông và Tây về lâu dài là điều không thể tránh khỏi… Người Slavơ sinh ra không phải để cai trị mà là để phục tùng.”
Phim tuyên truyền về chiến tranh của TQ ăn khách nhất thế giới
Chiến Trường Bên Hồ Trường Tân thu được hơn $633 triệu từ các phòng vé trong thời gian chỉ hai tuần
Bộ phim nặng ký nhất thế giới vào lúc này không phải là sản phẩm mới của phim Bond Không Phải Lúc Chết (No Time To Die) hay Shang-Chi Và Huyền Thoại Thập Luân (Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings) của bộ Marvel.
Đang dẫn đầu lúc này là bộ phim tuyên truyền của Trung Quốc về Cuộc chiến Triều Tiên thời thập niên 1950, kể câu chuyện lính Trung Quốc đánh bại lính Mỹ tuy ở thế bị áp đảo ghê gớm…
Về một nguy cơ của giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay
“Nếu giáo dục đại học có sứ mệnh dẫn dắt đời sống tinh thần của xã hội, thì người làm việc ở đại học phải là người tiên phong về trí tuệ chứ không phải chạy theo những định hướng nhất thời, thiên về vụ lợi và thỏa mãn những yêu cầu ngắn hạn” – GS Huỳnh Như Phương.
Ngay khi vừa nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo và yêu cầu ngành giáo dục trong thời gian tới phải làm sao tổ chức “học thật”, “thi thật” để có “nhân tài thật”. Điều này cho thấy, ở tầm quản trị vĩ mô, người đứng đầu Chính phủ có vẻ như đã nhận ra, chính những điều không thật đang tồn tại trong ngành giáo dục hiện nay là nguyên nhân gây ra sự trì trệ, cản trở cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đọc xong bài báo: “Hai nhà báo đoạt giải Nobel Hòa bình 2021” đăng trên VNExpress, tôi chợt nghĩ đến nhà báo Phạm Đoan Trang mà thấy xấu và đau xót.
Bài báo viết:
“Giải Nobel Hòa bình năm nay thuộc về Maria Ressa và Dmitry Muratov, hai nhà báo người Philippines và Nga, vì “nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận”.
Tự do ngôn luận “là điều kiện tiên quyết cho nền dân chủ và hòa bình lâu dài”, Ủy ban Nobel Na Uy ra tuyên bố hôm nay, khi trao giải Nobel Hòa bình cho nhà báo Philippines Maria Ressa và nhà báo Nga Dmitry Muratov.
Không cần quan tâm đến thời cuộc
Nếu bạn hỏi có cần quan tâm đến thời cuộc hay không, thì tôi có ngay câu trả lời là KHÔNG! Nếu bạn vẫn ung dung trả 100.000 đồng đề mua xăng dù vẫn biết trong đấy chỉ có 45.000 đồng là giá xăng, nhưng có đến 55.000 đồng là thuế phí các loại, chưa kể đến yếu tố chúng ta là một quốc gia xuất khẩu dầu hỏa. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.
Nếu bạn chấp nhận như lẽ đương nhiên khi con cái bạn rời ghế nhà trường mà không thể kiếm được việc làm, hoặc đi làm nhưng không thích ứng được với công việc vì sự đào tạo kém cỏi của hệ thống giáo dục. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.
Nếu bạn cảm thấy là “hồng phúc của dân tộc” khi các chức vụ chính quyền cao cấp đều được trao cho những đứa trẻ ranh, bà con thân thuộc của lãnh đạo dù bất tài. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.
Tại sao TP.HCM có số người tử vong vì dịch cao đến thế?
Từ khi thành phố bùng phát dịch vào đầu tháng 5.2021, tôi cứ thắc mắc hoài về con số tử vong vì dịch bệnh. Con số người mắc bệnh ở thành phố cho đến nay là 416.665 người, nhưng con số tử vong đã lên đến trên 18.000. Trong khi đó, ở Bình Dương số người nhiễm là 224.877 tức khoảng hơn một nửa Sài Gòn nhưng số người chết chỉ hơn 2.000 người. Nếu so sánh với thế giới như Mỹ có 44.900.000 người nhiễm và số người chết là 724.000 người. Ấn Độ có 34.100.000 nhiễm và chết 452.000 người, Brazil có 21.600.000 nhiễm và tử vong 603.000 người. Việt Nam có 861.000 người nhiễm và 21.131 tử vong. Toàn thế giới có 219.000.000 người nhiễm dịch và số tử vong là 4.550.000 người. Nếu lấy tỷ lệ số người chết trên con số người nhiễm bệnh, ta thấy rằng tỷ lệ ở thành phố HCM nằm trong số những nước có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới. Nếu chung ở Việt Nam con số đó là 2.5% thì riêng thành phố đã là gần gấp đôi.
Nhạc sỹ Phạm Duy, người viết quốc ca cho thế hệ mai sau
Ngày 05/10/2021 là dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sỹ Phạm Duy, người mà khi qua đời vào năm 2013, đã để lại khối di sản âm nhạc đồ sộ bậc nhất trong số các nhạc sỹ mà xứ sở này đã từng có.
Đánh giá về sự nghiệp của ông, một nhà văn đã thốt : “Một trăm năm sau cũng không có một Phạm Duy thứ hai ở xứ sở này” …
Bài quá hay, nếu nay chưa là thời điểm chọn bài của Phạm Duy thì ít nhất cũng phải thay lời quốc ca, chứ quốc ca của Văn Cao như hiện nay nghe “ghê răng” quá, chắc chắn không thích hợp. Nhưng đáng tiếc ý kiến này cũng như hòn đá ném vào biển cả thôi, tôi không tin bạn đọc mạng nước ta có nhieuf người jrt được tường lửa để xem trang mạng của bbc!
Vô cùng thương tiếc Bà NGUYỄN THỊ MAI ANH (1931-2021)
Phu nhân cựu Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu vừa từ trần tại California, hưởng thọ 90 tuổi.
Người dân Sài Gòn và miền Nam Việt Nam sẽ luôn luôn nhớ đến công ơn của bà với bệnh viên VÌ DÂN
Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hoàn toàn không can dự vào chính trường, mà chỉ chú tâm vào các hoạt động xã hội…
Cú sốc năng lượng lớn đầu tiên của kỷ nguyên xanh
Có những vấn đề nghiêm trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Vào tháng tới, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tụ họp tại hội nghị thượng đỉnh COP26, để tuyên bố rằng họ có ý định đặt ra một lộ trình để lượng khí thải carbon ròng toàn cầu về mức 0 vào năm 2050. Khi họ chuẩn bị cam kết tham gia vào nỗ lực kéo dài 30 năm này, mối lo ngại về năng lượng lớn đầu tiên của kỷ nguyên xanh đang mở ra trước mắt họ. Kể từ tháng 5, giá tổng hợp các mặt hàng dầu, than và khí đốt đã tăng 95%. Anh, nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh, đã phải cho hoạt động trở lại các nhà máy nhiệt điện than, giá xăng ở Mỹ đã chạm mức 3 đô la một gallon, mất điện đã nhấn chìm Trung Quốc và Ấn Độ, và Vladimir Putin vừa nhắc nhở châu Âu rằng nguồn cung cấp nhiên liệu của họ phụ thuộc vào thiện chí của Nga…
Covid-19: ‘Tổn thương, chia sẻ’ bên ngoài Việt Nam, chuyện giờ mới kể
“Khó khăn lớn nhất với nhiều người Việt ở Anh giai đoạn dịch Covid-19, theo tôi cảm nhận, có lẽ là sự cô đơn trong lòng mình, trong gia đình,” bà Nguyễn Quỳnh Giao chia sẻ với BBC.
“18 tháng qua còn là dịp để nhiều người suy tư cộng đồng đã và sẽ làm gì để gắn bó, mạnh hơn.”…
Vụ án Phạm Đoan Trang: Cáo trạng cho biết những gì?
Bà Phạm Thị Đoan Trang bị bắt ngày 6/10/2020 tại Sài Gòn
Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố nhà báo, nhà hoạt động dân chủ Phạm Thị Đoan Trang về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại điều 88 Bộ luật hình sự 1999”.
Dự kiến phiên tòa xét xử bà Trang sẽ được mở vào ngày 4/11 tại Hà Nội…
FB nhắc về tinh thần quý tộc
Từ đâu mà có hai hạng người trên? Là chúng được sinh ra từ sở hữu toàn dân và toàn trị chuyên chính. Biết được hai căn nguyên đó mà chữa trị.
Ngay cả vào lúc tồi tệ nhất, người Nhật vẫn giữ được khí tiết quý tộc…
Truyền thống của tinh thần quý tộc
Từ ngàn xưa dân tộc ta đã ngời sáng tinh thần quý tộc. Trong suốt hàng ngàn năm theo chiều dài lịch sử, tinh thần quý tộc không ngừng được hun đúc nuôi dưỡng. “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau. Song hào kiệt đời nào cũng có”(Nguyễn Trãi).
Nhờ tinh thần quý tộc mà dân tộc đã vượt qua các cuộc chiến đau thương thảm khốc chống thực dân và bè lũ bành trướng bắc kinh.
Làm phương hại tinh thần quý tộc là làm suy yếu quốc gia
Thế nhưng hiện nay đất nước đương phải chứng kiến những bi kịch làm phương hại đến tinh thần quý tộc, làm suy yếu nội lực quốc gia…
Trong mất có được
Mấy hôm nay, nhiều người tức âm ỉ chuyện đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Riêng tôi lại thấy… mừng. Có bạn tưởng tôi đùa giỡn? Tôi nói thật đấy, bởi vì trong vụ này, chính Trung Quốc mất nhiều hơn, chứ không phải Việt Nam. Này nhé …
Thời gian vàng đang ‘trôi qua’ vô nghĩa
Khi vắc xin Covid-19 đã kích hoạt hệ thống miễn dịch, thì cần tận dụng khoảng thời gian vàng đó để phục hồi kinh tế, chứ không phải là đủ mọi thủ tục nhằm hạn chế quyền đi lại
Việt Nam kết thúc “Zero-COVID” liệu có sớm quá?
Với tỷ lệ tiêm chủng thấp, cần phải lưu tâm về một đợt dịch khác
Năm 2020, Việt Nam là một trong quốc gia chống dịch thành công trên thế giới. Từ tháng 1 năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021, đất nước với khoảng 96 triệu dân ghi nhận chỉ dưới 17.000 ca nhiễm COVID-19 trường hợp và 81 trường hợp tử vong. Kinh tế tăng 2,9% vào năm ngoái, một trong số ít quốc gia châu Á đã đạt được như vậy. Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cầm quyền, trong nhiều năm đã hứa đưa ra một “chính phủ nhạy bén”, đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì khả năng xử lý khủng hoảng minh bạch và có năng lực…
Và bởi cũng vẫn chưa được thoải mái hoạt động, chủ yếu phải nằm dài ở nhà nên tôi giở tờ báo giấy Spiegel số 33, ra ngày 14.08.2021, chỉ mới trên 2 tháng nay, ra đọc (xem hình 1), thấy bài hay: Der Geist von Famagusta-Con quỷ Famagusta. Nói chuyện người tỵ nạn, bà Hadjitofi, từ đảo Xíp nay sau 47 năm cuộc chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ, đã thành bà lớn, đại gia ở Hà Lan, về thăm lại quê nhà. Đảo Xíp xưa đẹp thế, thị trấn Famagusta từng được gọi là Las Vegas của Địa Trung Hải. Nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, nước độc tài quân phiệt nên dân bản xứ, gốc Hy Lạp là chính, đã tha phương, chỉ có thể về thăm chứ không thể về ở lại hẳn được, y như Việt Nam ta. Hadjitofi rất buồn vì chẳng biết rồi tương lai sẽ ra thế nào. Đây là vấn đề lớn của thế giới hiện nay, cũng là của Việt Nam ta.
Bao giờ hết độc tài, hay như TS Liêm dự báo, đến cuối thế kỷ vẫn vậy, chưa thay đổi được?
Bao giờ có hòa giải để người Việt ở khắp nơi trên thế giới bao la này có thể trở về nước và ở lại hẳn để làm ăn, để đóng góp cho tổ quốc đang còn rất nghèo khó này? Chứ không bị đuổi đi như đồng bào đang phải làm thuê kiếm mướn tại „thành phố mang tên Bác“ thời dịch cúm Tàu này, ngay bây giờ muốn về quê mà đã bị đối xử tệ bạc như vậy rồi!
Còn một bài hay nữa là bài giới thiệu cuốn sách „Marx, Wagner, Nietzsche, Welt im Umbruch-Thế giới ở bước ngoặt“ của Herfried Münkler, rất dầy, 718 trang với giá cao ngất ngưởng 34 Euro, trên 800K, nhưng chắc chắn đáng đọc vì ở đây nói đến ba nhân vật hết sức lớn của nước Đức góp phần làm nên sự thay đổi của thế giới ngày hôm nay.
Ông cụ râu xồm thì người Việt quá rõ rồi, cụ mang may hay họa cho chúng tôi đây? Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng HCM còn đeo đẳng dân tộc này bao nhiêu năm nữa ư? TBT Trọng đã đọc và hiểu kỹ cuốn sách nào của cụ chưa hay „ăn theo nói leo“ là chính, và chỉ nhún nhịn cười xòa: „Tôi chỉ là chuyên gia xây dựng đảng thôi mà“. Cái đảng của lũ cướp.
Friedrich Nietzsche với phân tâm học, thuyết hiện sinh, chủ nghĩa hậu hiện đại thì tuy cũng khó hiểu như tư tưởng và triết học Đức nói chung, nhưng cũng may là đã được nhiều nhà xuất bản nước ta cho dịch và in các sách như cuốn „Bên kia thiện ác”, „Tôi là ai – Ecce Homo”, „Zarathustra đã nói như thế”…
Chỉ còn Richard Wagner thì ở ta, chắc chắn là hiếm người biết. Chỉ giới nhạc sĩ, mà phải là người yêu thích âm nhạc cổ điển mới có thể mê ông được, chứ nhạc hiện đại thì khó đấy. Chưa cần nói tới ảo tưởng vĩ nhân mà cả hai ông từng bị Hitler lợi dụng nhằm bài Do Thái, nhưng ngày nay hàng năm vẫn trình diễn liên hoan âm nhạc Bayreuth, mà theo tôi biết thì ở nước ta đáng tiếc là chưa bao giờ trình diễn nhạc của ông.
Herfried Münkler rất giỏi là đã ghép được ba vĩ nhân đồng thời (cuối thế kỷ 19 ở Đức) này vào cùng một cuốn sách, từ ý tưởng „Agitation zum Größenwahn– tuyên truyền (Marx) đến nỗi thèm khát uy tín (hai vị sau)” để đưa nhân loại vào thế kỷ 21 với đầy những thách thức, từ hủy hoại môi trường đến tranh chấp tôn giáo, mà thế là nghiễm nhiên tôi cũng đã quy cho chủ nghĩa cộng sản là một tôn giáo dù cho nó mới chỉ là niềm tin mà thôi. Xin nhắc lại câu mà tôi đã nói với anh bạn „mình coi chủ nghĩa như một tôn giáo“ thì anh cười nhạt mà nhận xét „cậu buồn cười thật đấy, các tôn giáo chúng tồn tại hàng ngàn năm nay mà người ta vẫn ùn ùn theo, trong khi chủ nghĩa cộng sản mới hơn thế kỷ đã ngã chỏng vó lên trời, nay chỉ còn có Tổng Chủ nói phét tự sướng mà thôi, ai cũng ghét“. Thế nhưng sự kiện SG 1975 và Kabul 2021 lại hệt như nhau! Biết giải thích thế nào đây, thế giới ngày hôm nay đầy những thách thức!…
Dậy giữa đêm chẳng biết làm gì mới mở cái tivi trong bếp ra xem để đỡ ảnh hưởng hai mẹ con. Tình cờ thấy VTV 1 mình hay chê thế, mà cũng có chương trình hay ra trò: „Talk Vietnam“ kể về Peter Cường Franklin, ông đầu bếp người Mỹ gốc Việt. Mười hai tuổi ông được một gia đình Mỹ nhận làm con nuôi nên rời mẹ ở Quảng Ngãi để sang bên đó ăn học, có bằng đại học tài chính rồi sang làm ở ngành ngân hàng tại một nhà băng ở Hồng Công. Thế nhưng ông chán ngay mà chuyển sang nghề đầu bếp, vì ông cho rằng đã chán cảnh người ta cứ phải khen nhau giả tạo, chỉ khi ăn, ngon thì họ nói mà dở cũng thế, vì họ phải trả tiền mà! Làm lại cuộc đời để khi tiếp xúc trên tầng cao các trí thức thì người ta không thật, mà chỉ vào đời thường mới là cuộc đời thật. Và ông đã hết sức thành công. Nay Peter Cường Franklin làm bếp trưởng cho những khách sạn 5 sao nổi tiếng nhất Hà Nội và SG. Ông đang dạy nghề cho các bạn trẻ Việt Nam và muốn ngành du lịch nước ta – và đầu tiên phải là môn ẩm thực vì cảnh đẹp thì ở đâu mà chẳng có, và đúng là ẩm thực Việt Nam độc đáo thật – phát triển để trước hết đuổi kịp ngành du lịch các nước trong khu vực đã. Sao có những người hay đến thế nhỉ?
Nhưng ấn tượng sâu lắng nhất mà Peter Cường để lại cho tôi lại là nhận xét: những kỷ niệm quan trọng nhất trong đời người là ở 12 năm đầu đời. Thế nên bây giờ ông lại về gặp mẹ đã là bà lão 90 tuổi, nhắc lại những chuyện xưa và các món ăn đặc trưng của Quảng Ngãi, mà chính từ các món đó, Cường lại sáng tạo ra những món ăn mới hết sức hấp dẫn, ai ai cũng yêu thích. Đối với tôi thì nhận xét của Cường sao đúng vậy. Bạn đọc đã xem hồi ký của tôi cho đến nay, thấy với tôi có lẽ na ná, tại sao tôi ghét họ Tập và ĐCS Trung Quốc thế, mà giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay cứ bám chặt vào hệt như đỉa đói vậy, chắc chắn đấy là cái phao cứu mạng họ chứ còn gì nữa? Cần gì phải giải thích dài dòng! Và nhận xét: về với mẹ, trong tất cả các ngôn ngữ đều dùng tổ quốc-quê cha, và tiếng „mẹ“ đẻ cơ mà…
Trở lại với hồi ký, đầu tiên xin trích nhật ký, viết gần một tháng sau ngày sinh nhật mà bài trước đã giới thiệu bản viết bằng tiếng Đức, vừa mới xong kỳ thi tuyển vào trường ĐHTHHN, quatorze juillet, ngày quốc khánh nước Pháp, lần này tôi lại viết bằng tiếng Việt:
Hà Nội ngày 14.07.1964
Mình không viết nhật ký mấy, điều đó có lẽ không có gì là xấu, bởi vì viết như vậy là thừa, thời gian đó người ta có thể làm những việc hữu ích hơn. Nhưng bây giờ mình lại viết nhật ký, điều đó dĩ nhiên có lý do của nó. Đó là vì trong những ngày qua có những sự kiện làm chấn động mạnh đến cuộc sống bình thản của mình. Và khi đó viết thì rất tốt, trong quyển này mình đã viết đến lần thứ tư, đấy là những lúc, theo mình, rất đáng viết.
Thế thì sự kiện mà mình cần viết lần này là sự kiện nào? Đó là việc mình đỗ vào uni! Thật là vừa rủi, vừa may cho mình. Rủi là vì mình làm không tốt, khi thi mình bị cuống kinh khủng, mình đã tâm niệm mãi rồi, nhưng thần kinh hơi yếu, ít luyện tập chính mình không tự chủ được. Thế là làm sai bài lượng giác rất dễ trong bài thi toán, các bài khác thì cũng có sai ít nhiều. Điều đó không phải tại vì mình kém, đấy không phải vì mình tự kiêu, nhưng khi thi cuống thật. Mình đau đớn mãi về điểm này. Sau khi thi mình chán ngán vô cùng. Thế nhưng còn những môn sau là Lý và Hóa thì mình làm tốt, nhưng không hoàn toàn tin chắc là đỗ được, thế mà chiều nay cha mình nói cho mình biết điểm: Toán mình được 5 (thôi cũng là tạm được), Chính trị được 6 (không cần nói gì thêm, điểm này mình có được điểm cao cũng không sung sướng), Hóa được 8 (đáng mừng!). Lý được 9 (Tâm ơi, như thế là khá đấy), toán lý mày làm thế là được rồi…
Ngoài ra tôi còn thi thêm môn tiếng Nga, bởi vì biết tiếng Nga lúc đó ở Việt Nam rất quan trọng, cũng phải nói tuy lúc đó còn trẻ chưa biết gì mấy về chính trị, thế nhưng ở UBKHNN dẫu sao cũng là đầu não khoa học, được tiếp xúc với các bậc đàn anh nên có nắm tình hình, cho dù phần nào lệch lạc. Nhất là những vụ ghê gớm như „Nhân văn giai phẩm“ hay vụ theo„xét lại“ để lập „Nhóm chống Đảng“, chúng tôi đều có biết cả. Và trong hai „anh lớn“ và Liên Xô và Trung Quốc, sau khi chống „xét lại“ lại quay lại „chơi“ với „anh cả“ mà bỏ rơi „anh thứ“, lũ lãnh đạo ĐCSVN cứ xoay như chong chóng nên Mao ghét cũng có cái lý của nó đấy.
Ở trường ĐHTH thì các chuyên gia Liên Xô liên tục đến, và các khóa tăng dần từ khóa một là hai năm rồi ba, bốn và tôi ở khóa 9 thì sẽ là khóa đầu tiên lên 5 năm như MGU hay LGU của Liên Xô. Thế nhưng vì chiến tranh mà chỉ là 4 năm (xin xem các bài sau) và cứ thế mãi cho đến nay thì…may quá hội nhập quốc tế cũng chỉ 4 năm rồi làm master rồi doctor, chứ không 5 năm vốn như Nga, Đức và nhiều nước châu Âu khác, quá lâu mà xã hội không chịu nổi chi phí.
Môn thi tiếng Nga tôi đạt điểm tối đa nên sau khi được nhận vào học thì tôi không phải học (mà vì quan trọng nên trường dành rất nhiều thời gian cho môn này), y như hai anh là Lý và Lãm vốn là sinh viên Triết MGU năm thứ ba nhưng phải về vì „chúng ta không theo bọn xét lại“, ở trường ĐHTHHN chưa có khoa Triết nên hai anh học Lý, và nay khoa Triết lại thuộc trường ĐHKHXH&NV, hết sức vô lý, nhưng riêng chuyện tách trường ĐHTHHN ra thành hai trường đã là vô lý rồi, bàn mà làm gì?
May quá thời gian đó tôi dành để bắt đầu học tiếng Anh và Pháp, vì ngoại ngữ cũng là niềm đam mê của tôi, chỉ có tiếng Trung thì chưa bao giờ có ý định học, âu cũng là điểm yếu, nhưng chẳng lẽ phải học mấy chục thứ tiếng…hệt như „Bác“ ư? Và có thích mới học chứ không thì cứ cầy như trâu-büffeln mà nó chẳng vào đầu đâu.
Về chuyện thi đỗ cũng đẻ ra nhiều vấn đề. Thứ nhất là cơ quan chủ quản là Viện Đo lường có cử đi học hay không. Anh Lê Tâm khi đó là Viện phó, trụ trách Đo lường không đồng ý vì anh theo quan điểm „quá sớm, nên làm việc một thời gian cho gần công nông đã“. Thế nên sẽ học ở dạng tự túc chứ không phải cán bộ đi học, cha mẹ tôi sẽ chi tiền cho tôi học và trong gia đình tôi thì các cụ đồng ý ngay. Nhưng lại thêm một vấn đề nữa là cô em tôi cũng đã học xong tiếng Nga và chờ đi học đại học, và cha tôi nói: „Con vừa đi Đức về, thôi học trong nước đi để nhường cho em đi nước ngoài, hơn nữa nó lại là con gái, nói chung chịu nhiều thiệt thòi hơn so với trai“. Cụ sao chí lý vậy, điều này đúng cho tới tận ngày hôm nay và trên tất cả mọi nước trên thế giới này chứ không chỉ ở nước chậm tiến như nước ta, chưa nói những cái nếu khác nữa…
Thế là cô em tôi lên đường sang Leningrad học ngành Hóa địa ở trường LGU mang tên Jdanov, nhưng lại nổi tiếng vì do Gottfried Wilhelm Leibniz , nhà toán kiêm triết học Đức đề xuất vào thời các Xa hoàng Nga theo học Đức, còn tôi vào khoa Lý, ĐHTHHN.
Vì những trục trặc nhỏ này mà tôi nhập học hơi muộn, nhưng hóa ra lại hay. Số là khóa chúng tôi là khóa duy nhất của ĐHTHHN và có lẽ của cả nước có cái may mắn mà nay chúng tôi vẫn tự hào là, vì theo mô hình Liên Xô nên được học quân sự ba lần, mỗi lần đúng một tháng ở trường sĩ quan nghiêm chỉnh, mà bài sau sẽ kể kỹ. Thế nên ngay đầu tháng chín học ngay, các bạn học đã học xong phần chính trị và các phần cơ bản khác mà đã vào phần thực tế trên thực địa. Năm thứ hai thì xin dành bài sau, bài này nói năm thứ nhất là bộ binh thì khá đơn giản.
Chỉ học đi đứng, đội ngũ, chào, lăn lê bò toài,… mà phần lớn người Việt Nam nào cũng phải học qua, không được ở trường sĩ quan bộ binh, mà chúng tôi cũng vậy, thì ít nhất cũng là các lớp dân quân tự vệ. Trường ĐHTHHN chúng tôi khi đó chỉ ký hợp đồng với Trường Sĩ quan Pháo binh C 400 và Trường Sĩ quan Hóa học mà năm sau chúng tôi được lên vùng Ba Vì tuyệt đẹp, mà những hai lần cơ. Còn lần này thì còn tạm ở làng Tu Hoàng, Nhổn, bây giờ thì nó đã là Hà Nội thứ thiệt chứ không còn ngoại ô nữa, mấy hôm nữa con đường sắt do Pháp và Hàn Quốc, chứ không phải Trung Quốc xây, hoàn tất thì chỉ ít phút là đã tới.
Còn hồi ấy sao thấy xa thế, mà toàn hồ ao (nay đâu còn nữa, đô thị hóa mà, hôm rồi đến thăm bạn Mãn ), đâu cũng thấy nước. Tôi được phân về tổ do anh Trần Xuân Triêm làm tổ trưởng, rồi dần dần kể kỹ, lớp Lý tôi có đến 56 người cơ mà, và chúng tôi cũng đã có làm cuốn hồi ký „Những kỷ niệm không quên“ sẽ trợ giúp tôi rất nhiều. Anh Triêm người gốc Huế, cùng quê với tôi, cũng là một thuận lợi. Hồi ấy thì Tu Hoàng còn là thuần túy nông thôn, một làng quê của đồng bằng Bắc Bộ.
Trong trí tưởng tượng của tôi bây giờ chì còn đọng lại là ao hồ triền miên mà đi giữa chúng là những con đường nhỏ ngoằn ngoèo với những bụi duối và lác đác những cây xoan, cây ổi… Vì là vùng thấp chứ không cao ráo như Ba Vì sau này nên với chúng tôi khá vất vả. Rất sợ ngã vì trơn trượt, đấy là chưa nói tới hàng ngày phải oằn người đeo súng, khẩu súng trường kiểu cổ đã mệt rồi, chứ ai được phát CKC thì quá sướng, chứ tiểu liên AK 47 và trung liên thì nặng chình chịch, xin miễn bàn. Vì ẩm thấp nên chúng tôi cũng rất sợ rắn rết, may là không có ai bị rắn độc cắn, ngay hai năm sau lên vùng đồi trọc khá nhiều rắn độc cũng vậy. Anh Triêm là cán bộ đi học, hơn chúng tôi cả chục tuổi nên khá điệu bộ, mà nói chung các „cụ“ cán bộ đi học đều thế, có trải nghiệm đời hơn rồi mà nên kiêu.
Về thói kiêu ngạo, có lẽ cũng đúng cho lớp Lý chúng tôi mà sau này bị phân hóa, cho đến tận hôm nay vẫn chưa hóa giải được, nhưng để nói sau.
Còn ở năm thứ nhất này phải kể đến là cả toán lẫn lý đều vắng bóng hồng, Toán có 5 cô, trong đó có cô em anh bạn Khải mà tôi đã có kể ở toán 9 chúng tôi, „cành vàng lá ngọc“, Lý thì 3 cô là Tuyền, Phương và Hồng, đều là học sinh Miền Nam nên sau 1975 đều về trong cả. Thế cho nên „mối tình học đường“ không xảy ra ở hai khoa Toán Lý chúng tôi dù hai ngành rất gần nhau, tất cả tư duy lẫn địa lý khi lên sơ tán trên Thái Nguyên. Có một bạn mê cô Tuyền, thế nhưng đáng tiếc chỉ là mối tình đơn phương. Còn khi lên sơ tán cũng có một anh bạn yêu cô gái „vùng sơn cước“, nhỏ nhắn, rất xinh đẹp, tuy thế đáng tiếc, dù hai người thật sự yêu nhau nhưng rồi khi chàng tốt nghiệp thì nó cũng tan vỡ.
Trừ khoa Hóa học riêng, chứ tất cả trường không phân biệt tự nhiên hay xã hội đều học quân sự chung ba tháng nên bọn chúng tôi biết nhau khá kỹ. Nhân đây cũng nên kể, hai bạn khoa Văn là Đương, Moritzburger chúng tôi, và bạn Y, sau là BTV ở NXB Đại học, người đã xem và ghi nhận xét cho hai cuốn sách văn học của tôi, chắc chắn đã có ảnh hưởng cho tôi ở lãnh vực này. òn các bạn nữ thậm chí càng biết. Nhất là hồi đó ít nữ chứ không như bây giờ nên nhà trường tận dụng sức lực các bạn, vì không học nặng như bọn chúng tôi được nên làm…y tá. Toán Lý khô khan ít cô xinh đã đành chứ Văn Sử thì thiếu gì. Riêng cá nhân tôi, „trâu đã buộc“ nên chẳng màng. Sau cả tháng miệt mài „cầy như trâu“ thì việc gì đến phải đến, chúng tôi cũng được ra trường bắn để bắn đạn thật và… tất cả đều đỗ.
Về lại trung tâm thành phố Hà Nội để học văn hóa, ở năm thứ nhất hết sức nhiều ấn tượng nhưng có lẽ nhiều quá nên xin lần lượt.
Đầu tiên là địa điểm, khoa Lý khi đó mới tách khỏi khoa Toán-Lý vốn theo mô hình Nga, do thầy Hoàng Phương làm chủ nhiệm, có ký túc xá sinh viên ở Bãi Phúc Xá, ngay chân cầu Long Biên đi lên, mà nay „phố phường chật hẹp người đông đúc“, nhà cửa xin xít hết sức dễ lẫn, nhưng hồi ấy còn có một sân bóng đá và những cái nhà lá mới tiêu điều làm sao, sau cuộc „kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược“ mà. Lớp Lý 1 chúng tôi hầu hết ở đấy cả – sinh viên nội trú, vì số bạn là dân Hà Nội, ở ngoại trú, không đến chục người.
Các phòng học, lý thuyết và bài tập cũng đều ở đấy. Chỉ đặc biệt lắm, khi phải học chung với lớp Lý 2, như môn Logic mà ở khóa 9 chúng tôi thì khoa Lý mới mở, thì chúng tôi mới được học ở các tòa nhà ở Phố Hai Bà Trưng, đối diện trường PTTH Albert Sarraut mà nay đổi tên là Trần Phú, hiện nay đã thuộc trường Cao đẳng Âm nhạc Hà Nội, mà cậu con út tôi cũng có theo học được 2, 3 năm. Còn địa điểm 19 Lê Thánh Tôn với ngôi nhà sừng sững biểu tượng cho ngành đại học Việt Nam, thì chỉ dành cho khoa Hóa và hai giảng đường lớn cho các dịp lễ lạt mà thôi. Cơ sở Phố Hai Bà Trưng cũng là nơi đặt các phòng thí nghiệm mà ở năm thứ nhất chúng tôi được làm nhiều chứ năm sau đi sơ tán lên Thái Nguyên thì xây lán trại, đi rừng lấy củi, trồng sắn, thời gian học lý thuyết còn ít chứ đâu còn được làm nữa.
Nhân đây kể luôn môn Logic, thầy Hoàng Phương đầu tiên nhận dậy, mà nay tôi vẫn nhớ thầy giải thích khái niệm tam đoạn luận mà khi phải lấy ví dụ là thầy luôn nhắc tới anh Tạ Tự Vệ, bí thư chi đoàn Lý 2, anh người gốc Hoa nên đến năm 1989 bị xua đuổi, anh chạy sang được Hồng Công, sau định cư ở Canada, có về thăm nhưng tôi không được gặp. Thế nhưng như thầy Phương vốn nổi tiếng „lắm tài nhiều tật“, mới được vài tiết thì vì bận quá vì khoa mới mở mà, nhưng chắc thầy chán là chính, nên thầy hoàn toàn giao cho thầy Quýnh dậy, sau này là thầy dậy các môn cơ sở nhất cho ngành Quang phổ mà tôi theo đuổi, và từ 1995 trở thành bác tôi vì tôi vừa kết hôn với cháu thầy.
Môn Toán, rất cơ bản cho Vật lý Lý thuyết sau này, rất nhiều giờ cả lên lớp lẫn làm bài tập, do các thầy Phúc và thầy Hồ đảm nhiệm mà chúng tôi rất quý mến và thân thiết. Hai thầy sau này lại còn là đồng nghiệp với tôi vì cùng là cán bộ nghiên cứu tại VKHVN. Thầy Phúc sau này còn thân thiết tới mức chúng tôi đi dậy Algeria cùng thời với nhau, tôi trên Constantine gần biển chứ thầy Phúc, bởi vì ngành Toán thì không hề thiếu giáo viên, bị đẩy xuống thành phố Biskra là thành phố lớn, nhưng mãi tít sâu trong sa mạc Sahara. Nhưng như tôi đã kể, đi lại ở Algeria dễ và rẻ nên dù rất xa, tôi cũng vẫn có dịp xuống thăm thầy và hai thầy trò, nay đã là anh em, trò chuyện trọn hai ngày cuối tuần tại căn hộ của thầy, trong sa mạc quý giáo viên chứ không như các nơi khác. Thầy Phúc còn sinh hoạt với chúng tôi nhiều năm ở Ban Chiến lược VKHVN mà tôi đã có dịp kể rồi, xin miễn nhắc lại.
Ngoài các bài thí nghiệm Cơ, Quang, Nhiệt, Điện và Hạt nhân, tôi còn được tham gia tổ sinh hoạt khoa học ngoại khóa do anh Trần Xuân Hoài, trước chúng tôi 4 khóa, cũng như anh Hồ, nghĩa là anh em hơn thầy trò, phụ trách, có khá nhiều linh kiện bán dẫn nên chúng tôi khá thoải mái lắp đủ kiểu mạng. Anh Hoài sau này là viện phó khi tôi là trưởng phòng ở VVL nên ở các bài sau còn nhiều dịp kể. Cũng phải nói là vì các thiết bị quá cũ, có lẽ có từ thời Pháp thuộc, sai lệch rất ghê gớm, nên chúng tôi thường phải „bịa“ số liệu cho sao nó trùng khớp với đường cong lý thuyết, điều tối kỵ trong nghiên cứu khoa học mà tôi đã có lần kể nhưng nhân đây xin nhắc lại, chủ yếu cho các bạn đọc trẻ.
Năm 1994 sang Zentralinstitut für Optik und Spektroskopie-Viện Trung tâm về Quang học và Quang phổ, Berlin, thầy Roland König phải nhắc tôi ngay: „Chúng tôi biết Ông học Vật lý trong thời gian chiến tranh, trong rừng rậm thiếu thốn đủ thứ nên chẳng đòi hỏi gì nhiều, chỉ yêu cầu Ông khi làm thí nghiệm thì trung thực ghi đúng các số liệu, chứ không tưởng tượng ra các con số cho nó trùng với đường cong lý thuyết“. Tôi rất sợ và cố tuân thủ, và vì có tuân thủ và miệt mài thế mà cuối cùng cũng tìm ra một hiện tượng mới trong ngành quang phi tuyến là hiệu ứng trừ tần số trong miền phổ hồng ngoại là việc rất khó, chứ trong miền phổ tử ngoại và khả kiến, người ta đã vừa tìm được, để đăng báo Optics Communications vốn khá khó đăng và vào thời điểm ấy vốn không bắt buộc, chỉ đăng báo trong nước (CHDC Đức, cho nghiên cứu sinh nước ngoài) đã là đủ.
Học ở năm thứ nhất, nên nhắc kỷ niệm này dù nó liên quan tới thầy Quang và thầy Phương đã ra đi từ rất lâu rồi. Chắc thầy Quang chuẩn bị bài chưa kỹ nên khi giảng về định luật Doppler, hết sức quan trọng, mà khi chứng minh công thức, thầy đưa đến sai dấu âm dương và thể hiện ở kết quả sai nghiêm trọng: trong âm học là, khi ô-tô tiến đến ta thì ta thấy tiếng còi thanh hơn (cộng tần số), còn khi ô-tô đi xa ta ô thì ta thấy tiếng còi trầm hơn (trừ tần số), nhưng thầy lại nói ngược lại vì vốn có công thức sai, mà trong miền quang học với hiện tượng chuyển dịch đỏ thì hết sức nguy hiểm ở tán xạ Raman hay khi giải thích tính tương đối của vật thể ở ngành thiên văn học. Trong giờ thầy giảng thì tôi không nói nhưng ra ngoài tôi nói nên chuyện đến tai thầy Phương. Thầy dọa tôi: „May cho cậu là con hiệu trưởng chứ không tôi đã đuổi cậu rồi, học sinh không được phép phê phán thầy giáo dù ở bất cứ đâu“. Ngày nay thì thấy thậm vô lý, nhưng thôi chuyện xảy ra gần nửa thế kỷ rồi.
Khóa chúng tôi cũng có ba bạn đúp lớp trước vì trường bắt đầu nâng cao chất lượng là các bạn Nguyễn Vân, Nguyễn Văn Trân và Khổng Đình Tiến. Còn khóa này không xảy ra nữa, một phần vì ít sinh viên quá, lại đang chiến tranh và cũng vì có nhu cầu cán bộ quá cao. Ở khóa trước chúng tôi thì Bộ Giáo dục vừa tách đôi, thêm Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, nên có nhiều anh chị mới hết năm thứ ba đã ra trường để đi dạy đại học. Còn ngay lớp chúng tôi, sau khi tốt nghiệp ra trường cũng có đến nửa đi dạy. Đáng tiếc một số bạn không làm được, phải chuyển công tác khác. Ba anh này sau cùng ở tổ quang phổ với tôi nên tôi biết khá kỹ, anh Vân được phân về Bộ Giáo dục rồi về dạy ở Hải Phòng đáng tiếc mất sớm vì tai nạn. Anh Trân được phân về ngành Địa chất, sau 1975 vào SG, cũng rất không may khi gặp hỏa hoạn bởi xăng, bị rất nặng nên cũng đáng tiếc là rồi mất sớm. Anh Tiến đầu tiên về Bộ Xây dựng, rồi cuối cùng thế nào lại cũng chuyển về VKHVN làm cùng tôi, nhưng ở Trung tâm thông tin, quân anh Mai Hà nên sau 1995 tôi rất hay gặp, đáng tiếc anh mất từ năm 2004.
_______________
Các hình minh họa:
H. 1 Bà Hadjitofi ở thị trấn Famagusta.
H. 2 Nữ diễn viên điện ảnh B. Bardot về nghỉ ở bờ biển Famagusta năm 1965.
H. 3 Ảnh chân dung ba nhân vật lớn của Đức Wagner, Marx và Nietzsche
H. 4 Ảnh năm 1963 chụp toàn bộ gia đình lớn chúng tôi gồm có cả ông bà ngoại, ông ngoại mất 1966 còn bà ngoại 1988.
H. 5 Trang nhật ký hè 1962 sau khi thi tốt nghiệp PTTH, xin xem trên bài.