Việt Nam Thời Báo

VNTB – Văn học thời Việt Nam Cộng Hòa có mất hồi nào mà giờ gọi là trở lại?

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Bên cạnh những phát biểu cửa miệng mang tính chiêu tuyết cho việc dựng lại văn học miền Nam trước 1975, nhất thiết phải xây dựng được giáo trình văn học sử trọn vẹn, đa dạng, hợp lý.

 

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc nói rằng khi dùng từ “đô thị”, người ta muốn phân biệt nó với văn học nông thôn, hoặc văn học bưng biền vốn lâu nay được gọi là văn học giải phóng miền Nam, với những cây bút ở miền Bắc được lén lút đưa vào các rừng núi, hoặc các vùng được gọi là giải phóng.

 

Văn học thời Việt Nam Cộng Hòa có mất hồi nào mà giờ gọi là trở lại?

Vòng tay học trò trở lại sau 46 năm cũng nhắc rằng còn nhiều tác phẩm văn học đô thị miền Nam khác cần được xuất bản trở lại. Vòng tay học trò được xuất bản cũng là dịp để cuộc tọa đàm “Sự trở lại của văn học đô thị miền Nam qua trường hợp Nguyễn Thị Hoàng” diễn ra tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội vào sáng 19-4-2021.

Vòng tay học trò được xuất bản trở lại sau 46 năm cùng 4 tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng: Một ngày rồi thôi, Tiếng chuông gọi người tình trở về, Tuần trăng mật màu xanh và Cuộc tình trong ngục thất.

Gọi là “sự trở lại” như tên của cuộc tọa đàm, thật ra là không đúng.

Từ những năm 1990 đã có nhà xuất bản Cửu Long in Chiều xuống êm đềm của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Ngoài ra còn có các tác giả Đoàn Thạch Biền, Mường Mán… với các tác phẩm được in lại rất sớm – từ trước năm 1980, họ được in cả trăm ngàn bản và bán hết sạch.

Trở lại với thắc mắc đô thị là gì mà có văn học? Phải chăng ở đây chính là sự phân biệt mang yếu tố chính trị như nhận xét của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc?

Tạp chí khoa học Đại học Sài Gòn – Bình luận văn học, niên san 2015, trang 72, tác giả Nguyễn Thị Phương Thuý, cho rằng văn học đô thị đối lập với văn học nông thôn, được xác định dựa trên căn cứ định nghĩa đô thị và nông thôn về mặt xã hội học.

Đô thị và nông thôn phân biệt với nhau dựa trên các hoạt động sống của xã hội như công nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, giao thông, vận tải, dịch vụ… Hoặc dựa trên các thiết chế chủ yếu của xã hội như thiết chế kinh tế, văn hoá, giáo dục, chính trị, gia đình… Hoặc theo các nhóm, các giai tầng xã hội. Về mặt xã hội, đó là sự khác biệt trong lối sống, giao tiếp, ứng xử gia đình, mật độ dân số, vai trò của thiên nhiên trong đời sống…

Xét theo nghĩa này, văn học đô thị được định nghĩa từ đối tượng phản ánh của nó, tức là đời sống đô thị trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, với những xô bồ, chật chội, phiền muộn, trống rỗng và cả những niềm vui ngắn ngủi. Nó phản ánh lối sống và cách tư duy của con người đô thị trong sự đối lập với cách nghĩ, cách cảm của người nông thôn.

Ở Việt Nam tuy không có dòng văn học được đặt tên cụ thể viết về nông thôn, nhưng đề tài nông thôn và nông dân vẫn luôn trở đi trở lại suốt nhiều thời kỳ, làm nên nhiều tên tuổi như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Kim Lân, Hồ Biểu Chánh, Lê Lựu, Dương Hướng, Nguyễn Ngọc Tư…

Nông thôn trong văn học hiện đại Việt Nam cũng mang màu sắc tương tự như trong văn học hương thổ của các quốc gia Đông Á khác, một phần cũng bởi cả các nước đều trải qua những giai đoạn lịch sử và hình thái xã hội giống nhau.

Mỗi người Việt Nam từ xa xưa đến hết thế kỷ 20, ai cũng có một chút làng quê trong mình. Sau 1945, văn học Việt Nam ở miền Bắc đi theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa nên các tác phẩm lấy đề tài nông thôn càng nở rộ.

Nói theo cách của tuyên giáo, thỉ những chuyến đi thực tế được tổ chức quy mô rầm rộ đưa nhà văn đến sống cùng nông dân, hoà mình vào đời sống nông nghiệp và cho ra đời những tác phẩm dành riêng cho nông dân. Hiện trạng này kéo dài suốt mấy chục năm đã khiến văn học Việt Nam ngày càng dấn sâu thêm vào mảnh đất nông thôn vốn đã được các nhà văn, nhà thơ “cày bừa” hàng bao thế kỷ.

Văn học đô thị là khái niệm chỉ riêng văn học Sài Gòn giai đoạn 1955-1975

Nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng đã viết: “Văn học đô thị là từ chỉ văn học ở lãnh thổ miền Nam dưới quyền kiểm soát của chính phủ Sài Gòn tồn tại trong các đô thị, chúng ta gọi là văn học đô thị của miền Nam trước đây”.

Tại sao lại có một sự khu biệt đặc thù như vậy? Tại sao chỉ dùng cụm từ “văn học đô thị” để gọi dòng văn học nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Sài Gòn ở các đô thị miền Nam giai đoạn 1955-1975?

Tại sao cũng vùng đất đó, nhưng văn học giai đoạn liền trước, tức là giai đoạn 1945-1954, thì không được gọi là “văn học đô thị”?

Có thể lý giải những điều ở trên từ sự phát triển rực rỡ của đô thị miền Nam, cụ thể là Sài Gòn, trong giai đoạn này đã tạo nên một sắc màu tương phản với các đô thị miền Bắc cùng thời.

Cả miền Bắc đâu đâu cũng một không khí, một sắc màu, một hình ảnh. Văn học cũng thế. Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa phổ biến cho toàn miền Bắc nên không tạo được đặc trưng riêng cho vùng đất mang danh đô thị.

Ngược lại, Sài Gòn lúc này được xem là hòn ngọc viễn đông bởi sự giàu có, xa hoa bậc nhất vùng Đông Á – một nơi có đầy đủ tiện nghi như một thành phố phương Tây, được các quan khâm sứ nước ngoài yêu thích, được các thuỷ thủ thế giới nhắc đến một cách đầy hứng thú.

Về mặt văn học, các tư tưởng, lý thuyết, phương pháp sáng tác từ phương Tây, mà cụ thể là Âu Mỹ du nhập vào Sài Gòn khá nhiều. Giới trí thức Sài Gòn cập nhật gần như cùng lúc tất cả những sự kiện, trào lưu, trường phái văn học cùng thời ở Mỹ và Tây Âu, khiến cho họ có nhiều con đường để lựa chọn.

Những điều trên cho thấy văn học Sài Gòn 1955-1975 có đầy đủ hình ảnh của một đô thị đậm nét…

Thế nhưng dù muốn dù không, cũng cần thừa nhận cách định danh “văn học đô thị” này mang nhiều nội dung chính trị hơn là văn học. Văn học miền Nam Việt Nam, bao gồm cả Sài Gòn giai đoạn 1945-1954, không ai gọi là văn học đô thị cả.

Điều này xuất phát từ cái nhìn khác nhau của những người ở hai bên chiến tuyến, đi theo những con đường văn học khác nhau, dẫn đến ít nhiều hiểu lầm nhau và hiểu lầm khá nhiều về các tư tưởng, lý thuyết văn học thế giới như chủ nghĩa hiện sinh, văn học thuộc địa…

Vẫn tiếp tục chờ đợi

Văn học miền Nam đô thị 1954-1975 vẫn tiếp tục nằm trong “lãnh cung”, nếu công việc tìm lại những tiếng nói và đồng thời, hiển thị chúng không được coi là trách nhiệm đương nhiên của văn học sử.

Bên cạnh những phát biểu cửa miệng mang tính chiêu tuyết cho việc dựng lại văn học miền Nam trước 1975, nhất thiết phải xây dựng được giáo trình văn học sử trọn vẹn, đa dạng, hợp lý.

Được biết ở một số Văn khoa của các trường đại học đang cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu và giảng dạy vài tác giả nổi bật như Bùi Giáng, Mai Thảo, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa… Bản thân các tác giả này, trong nhiều sự kiện văn học nghệ thuật khác nhau, cũng đều được giới thiệu với công chúng. Bởi thế, đây là lúc để giảng dạy lịch sử văn học trong một tổng thể văn hóa và giá trị dân tộc hài hòa.

Với lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, nhất là từ sau 1954, thì văn học đô thị miền Nam phải được coi là bộ phận hợp thành, và do đó, việc các tác giả tác phẩm được trở lại chính là để giảm thiểu sự khuyết thiếu nhiều năm liền trong cơ cấu tri thức văn hóa văn chương tiếng Việt mà sách vở nhà trường đang đối diện.


Tin bài liên quan:

VNTB – Nỗi Buồn Nhược Tiểu: Vừa bị bỏ rơi, lại bị quên lãng!

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – 60 năm sự kiện “Pháp nạn Phật giáo Việt Nam”

Do Van Tien

BBC – Trường Sa đã đỏ lửa từ mùa Hè 1974

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo