Việt Nam Thời Báo

VNTB – Về quê xác nhận mình nghèo…

Sữa học đường

 Mỹ Thuận

(VNTB) – Ở Sài Gòn, có chính sách “Sữa học đường” dành cho trẻ em mẫu giáo và lớp 1. Phụ huynh sẽ ‘chịu’ một nửa số tiền sữa. Phụ huynh nào vì nghèo nên không ‘góp’ tiền, thì phải có xác nhận của chính quyền là thuộc diện hộ nghèo.

Oái oăm là có không ít hộ nghèo đến mức các bậc phụ huynh không ‘ráng’ được khoản tiền dành trả cho hộp sữa dung tích 180ml. Mà không ‘hùn tiền’, có nghĩa là các bé con nhà nghèo này sẽ không được thụ hưởng chính sách “Sữa học đường”. Yêu cầu ‘xác nhận hộ nghèo’ với những gia đình là lao động nhập cư, gần như là một việc bất khả thi.

Vì nghèo nên người dân mới phải bỏ xứ ra đi. Cái còn để lại chốn quê nhà của họ, có lẽ là tờ hộ khẩu; mà nhiều khi tờ hộ khẩu này cũng cầm cố để kiếm chút vốn liếng làm ăn. Và cũng vì tờ hộ khẩu nên mọi thủ tục hành chánh liên quan cho chuyện tìm kiếm con dấu mộc đỏ ‘xác nhận nghèo’, buộc phải tìm đến trụ sở chính quyền xã. Khổ nỗi, đã bỏ xứ mưu sinh thì chính quyền cấp xã nơi quê nhà có biết được tình cảnh hiện tại của đồng bào mình ra sao để mà xác nhận nghèo – giàu?

Có lẽ những nhà soạn thảo của chính sách “Sữa học đường” không hình dung tới cảnh con nhà giàu vốn thừa mứa bơ sữa, nên với kiểu ‘phát sữa công cộng’, các em chẳng mấy hào hứng. Với học sinh nhà nghèo thường thì từ tấm bé đã quen ‘bú nước cháo’, giờ ngỡ chính sách “Sữa học đường” sẽ giúp các em ít ra cũng được chút bình đẳng với con nhà giàu, ai dè…

Ngày 08-7-2016, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1340/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020”. Mục tiêu của chương trình này là “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai”.

Với những nội dung tốt đẹp của mục tiêu như trên, cần thiết tất cả các trẻ em mẫu giáo và tiểu học đều được thụ hưởng chính sách sữa học đường.

Nói đến chuyện ‘sữa học đường’, người ở miền Nam hay nhắc kể về một thời chiếc xe Foremost đã ám ảnh biết bao học sinh tiểu học, cứ đến giờ ra chơi là mỗi học sinh được phát một ổ bánh mì và một hộp sữa. Chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh tiểu học những năm đó nhằm chống còi xương và tăng cường thể trạng, thể chất cho trẻ em miền Nam Việt Nam.

Trước cả thời “chiếc xe Foremost”, ai đã từng qua thời tiểu học vào thập niên 1960 chắc chắn không quên “sự kinh hoàng vì uống sữa”. Không hiếm người đã trốn không ra chơi, hoặc ra sân rồi chạy liền đi chỗ khác chứ không dám luẩn quẫn gần lớp để bị các thầy cô bắt buộc xếp hàng đi uống sữa.

Lúc đó chưa có sữa đóng hộp như  Foremost, mà sữa pha trong những cái nồi 5 tấc, khuấy bằng những chiếc đũa bếp dài chắc cũng cả thước Tây. Sữa hồi đó nặng mùi bơ và chỉ lơ lớ về vị ngọt nên không khoái khẩu con nít. Thế nhưng cứ vào trường đi học, ra chơi là phải buộc uống sữa miễn phí như vậy, không phân biệt con nhà đưa rước xe hơi, hay đi bộ nghèo khó.

Uống sữa đến mức ‘ngán gần chết’ chứ không như bây giờ phải ‘xác nhận nhà nghèo’ thì học trò mới được uống sữa (!?).

Tin bài liên quan:

Chế độ hộ khẩu Việt Nam: Bất công và tham nhũng

Phan Thanh Hung

VNTB – Quyền ‘hạn’ và quyền ‘lực’

Phan Thanh Hung

VNTB – Hãy trả đất đai miền Tây về như nửa thế kỷ trước

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo