VNTB – Vì an toàn hệ thống nên chỉ có thể ‘mua’ điện ‘áp mái’ với giá 0 đồng?

VNTB – Vì an toàn hệ thống nên chỉ có thể ‘mua’ điện ‘áp mái’ với giá 0 đồng?

Hàn Lam

 

(VNTB) – Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nói rằng, điện mặt trời mái nhà có giá 0 đồng để tránh trục lợi chính sách nhà nước.

 

Dễ hiểu hơn, điện mặt trời mái nhà dùng thừa phát lên lưới điện có giá 0 đồng tức là không được thanh toán tiền.

Bộ Công thương đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp. Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, tổ chức đang có nhu cầu phát triển loại hình điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu (ĐMTMNTSTT), đó là “sản lượng dôi dư được phát vào hệ thống điện quốc gia, được ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán”.

Theo giải thích từ Ban soạn thảo, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 quy định về định hướng phát triển nguồn điện và phương án phát triển nguồn điện đã nêu: “Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, ĐMTMNTSTT (trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia)”.

Việc khuyến khích phát triển ĐMTMNTSTT nhằm mục đích tự sử dụng, tự cung tự cấp cho nhu cầu của chính mình, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện. Chính vì mục đích tự sản tự tiêu, nhằm ổn định chất lượng điện năng, ổn định cung cấp điện cho các tổ chức, cá nhân phát triển ĐMTMNTSTT, Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ cho phép ĐMTMNTSTT được đấu nối với hệ thống điện quốc gia.

“Chính vì phát triển ĐMTMNTSTT được miễn giảm thực hiện một số quy định, tiêu chí khắt khe của pháp luật và có nhiều ưu đãi về chính sách… Do đó, nếu loại hình này thực hiện bán điện sẽ xảy ra tình huống vỡ quy hoạch điện của quốc gia và khó kiểm soát hệ thống lưới điện, làm mất an toàn, trục lợi chính sách của Nhà nước. Đòi hỏi phải được bán điện cũng là nhu cầu thực tiễn trong cuộc sống, nhưng chưa nhận thức hết được những ích lợi mà Bộ Công thương đề xuất đối với việc giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia, tăng cường khả năng vận hành an toàn cung cấp điện cho lưới điện”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải thích… khá lòng vòng như vậy (?!).

Bộ Công thương viện dẫn Luật Điện lực chưa có quy định về điện tự sử dụng, tự sản tự tiêu. Vì vậy, các vấn đề đặt ra như loại hình này có được liên kết với hệ thống điện quốc gia hay không; tự sản tự tiêu không bán điện vào hệ thống điện quốc gia nhưng có được bán điện cho tổ chức, cá nhân khác hay không là ngoài tầm của Bộ Công thương.

Nên hiểu ra sao về cái gọi là “ưu đãi chính sách” như phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên?

Thủ tục đầu tư dự án ĐMTMNTSTT lắp đặt tại các hộ gia đình, doanh nghiệp… được Bộ Công thương hướng dẫn như sau: Chủ đầu tư (bên bán điện) cần đăng ký đấu nối với bên mua điện là các công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với các thông tin bao gồm địa điểm lắp đặt, quy mô công suất, đường dây tải điện, điểm đấu nối dự kiến. 

Sau khi có ý kiến từ bên mua điện, hai bên thực hiện thỏa thuận đấu nối. Tiếp theo, chủ đầu tư thực hiện lắp đặt hệ thống ĐMTMNTSTT phù hợp với quy định, và gửi hồ sơ đề nghị bán điện bao gồm văn bản đề nghị bán điện (giấy đề nghị bán điện mặt trời trên mái nhà), tài liệu kỹ thuật về tấm pin quang điện, bộ biến tần, đường dây tải điện, máy biến áp (nếu có), các giấy chứng nhận xuất xưởng, chứng nhận chất lượng (bản sao y).

Cuối cùng, các bên thực hiện kiểm tra kỹ thuật, lắp đặt công tơ đo đếm sản lượng điện, tiến hành chốt chỉ số công tơ, ký hợp đồng mua bán điện mặt trời áp mái và đóng điện, đưa hệ thống vào vận hành.

Bên cạnh chuyện “ưu đãi chính sách”, thì EVN mua với giá 0 đồng, nhưng lại bán được cho các khách hàng khác của EVN theo biểu giá bán điện của EVN và theo từng loại khách hàng. Như vậy, dưới góc độ quản lý tài chính đối với EVN, có thể thấy đầu vào không phát sinh chi phí, nhưng đầu ra có phát sinh tăng nguồn thu tài chính.

Câu hỏi đặt ra là nguồn tài chính có thể không nhỏ này liệu có được hạch toán và được Nhà nước quản lý chặt chẽ?

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)