Giang Tử
(VNTB) – Chưa có vụ án nào khiến dân chúng phẫn nộ, trí thức thao thức nhiều đến vậy.
***
1. Nhìn cấp bậc đảng, đoán trước kết quả giám đốc thẩm:
Ba người cầm đầu tư pháp chức vụ Đảng khác nhau:
Tư pháp có ba nhánh:
Nhánh 1: Bộ công an, bộ trưởng qua các nhiệm kỳ đều là Ủy viên Bộ chính trị, chức vụ Đảng cao nhất. Kỳ này là ông Tô Lâm.
Nhánh 2: Tòa án Tối cao: chánh án Nguyễn Hòa Bình, bí thư trung ương đảng.
Nhánh 3: Viện trưởng VKSND tối cao, Lê Minh Trí, ủy viên TW Đảng.
Ba người đứng đầu ba nhánh nhưng thứ bậc thấp dần theo thứ bậc Đảng.
Bậc cao nhất là bậc hành động, chủ động: dành cho Bộ công an, UVBCT.
Bậc giành kết quả cuối cùng; Tòa án Tối cao, dành cho Bí thư Tw đảng.
Bậc chót nộp hồ sơ kháng nghị cho xôm trò.
Chỉ nhìn thứ bậc trong đảng thì biết ngay VKSND tối cao nhưng không “cao nhất” thua đủ rồi.
Đặc biệt, phiên xử sáng ngày thứ 3 ngày chót ngày nghị án, Ủy viên BCT, đại tướng bộ trưởng Tô Lâm, cho đăng bài báo nhắm gửi vào phiên tòa giám đốc thẩm ngày 8.5:
“Bộ Công an: Bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội”.
“Báo cáo của Bộ Công an xác định bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.
Nhánh 1 được Đảng gọi là “thanh bảo kiếm”. Hai nhánh kia chỉ là “giấy tờ sổ sách” như anh thư ký giúp việc cho nhánh 1 vậy.
Những người am hiểu nền chính trị của Đảng thì biết trước kết quả của giám đốc thẩm. Nếu như thiên hạ từng phàn nàn chế độ XHCN thực chất là “Đảng trị” hoặc “Công an trị” thì chẳng có ai tranh cãi nổi nữa rồi.
Dân chủ không có chỗ đứng chính thức. May chăng Ủy ban tư pháp Quốc hội có văn bản do bà Chủ nhiệm Lê Thị Nga ký gửi cho Tòa và Viện cũng để trình diễn trò chơi dân chủ. Đến ngày xử án giám đốc thẩm, bà Nga biết rồi, cho nên cử một cán bộ thay mặt bà đến dự khán.
2. Xem tướng chánh án
Tuy nhiên có người thích khoa xem tướng người cũng đoán trước được kết quả phiên xử.
Nhà báo Lê Dũng xem tướng ông Chánh án Tối cao và đoán đúng kết quả:
“Tôi nhìn ông Bình cầm mảnh giấy nhàu nhĩ, trên đó hai mặt giấy viết chữ bằng tay có cả mực đỏ mực đen, đọc không cần kính thì tôi dự vài điều thế này, mọi người chiêm nghiệm nay mai.
– Mắt không kính dù mắt của ông đã lão, xẹp vào trong thì để đọc được chữ phải to như hạt ngô. Vậy chỉ vài chữ trên đó đã chật hết mặt giấy.
Và như thế là chỉ diễn trước ban bệ cho có lệ thôi chứ mọi việc có dự cả rồi.
Một người ngồi vị trí chủ toạ một phiên quan trọng như vậy mà cầm mảnh giấy, không phải là một file hồ sơ thì cho thấy đã không có hồ sơ nào được đọc và chuẩn bị nghiêm túc”.
Và không có tư duy nghiêm túc để nhận ra rằng: tại đây, vành móng ngựa đang dành cho cơ quan lập pháp và kiểm sát chứ không phải dành cho Hồ Duy Hải.
Nhìn ông Bình qua ảnh báo chí, những gì toát ra trên mặt ông và hai bàn tay cầm mảnh giấy nhỏ, tôi đọc được khá nhiều điều nhờ cảm quan Tâm linh: nếu cầm mảnh giấy nhỏ bằng một tay và ngực ưỡn ra, đầu ngẩng cao lên và ánh mắt sáng, tự tin – đó chỉ có ở người tự tin, mạnh mẽ, chính trực, dám chịu trách nhiệm trước thiên hạ và Trời Đất.
Còn phong cách của ông thì ngược lại.
Và qua biểu hiện của một người sẽ đoán được bệnh của người đó. Người có hành vi “rúm ró”, không mạnh mẽ tự tin, thể hiện thiếu chính khí, không thực hành “bát chính niệm” như thuyết Nhân Quả của Đức Phật đã dạy, luôn đối phó, khiến lo lắng, phiền muộn, căng thẳng, cân đo, tính lợi thiệt … làm con người rơi vào bể khổ, biểu hiện lên mặt đầy đủ.
Người luôn sống trong bể khổ thì sinh bệnh: hỏng tuỵ, hỏng gan, hỏng phổi. Lo lắng phiền muộn sẽ thở kém, hại phế, phế hỏng thì hại xuống thận, thận hỏng sinh độc hại gan. Da mặt và đặc biệt mũi sần dị đỏ để báo hiệu đa tạng báo động.
Kết luận về tướng mặt của ông hôm nay, tôi có thể dự ra được nhiều điều bất lợi lớn cho ông.
Người có Mệnh Trời định nhưng Vận tới mà biết xoay chuyển bằng Tâm chính thì thành công, nếu Tâm hướng tà thì Mệnh hết chỉ trong một Ánh Chớp ông nhé!
3. Tâm sự Nguyễn Quang Lộc – cựu thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, học trò hỏi tôi (Nguyễn Quang Lộc) về vụ án Hồ Duy Hải. Quả thật tôi không được nghiên cứu hồ sơ vụ án, chỉ nghe qua các luồng thông tin đa chiều nên không dám có ý kiến gì về việc kết tội đối với bị cáo Hải.
Tuy nhiên, qua theo dõi phiên toà Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tôi xin nêu một số ý kiến về thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. (…)
Về thành phần Hội đồng Giám đốc thẩm
Điều 53 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm”
1. Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
…c / Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Toà án.
Đó là quy định của Phần thứ nhất: “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được coi như là nguyên tắc xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Như vậy người nào đã tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là người tiến hành tố tụng thì phải từ chối tham gia xét xử vụ án hoặc bị thay đổi”.
Nguyễn Hòa Bình biết Luật nhưng đã giẫm chân lên luật, trèo lên ghế chánh án xử cái vụ mà chính ông khi làm viện trưởng VKSNDTC đã bác kháng án từ trước. Thiên hạ đoán, ông sẽ chẳng dại gì lấy đá ghè chân mình.
4. Ý kiến giảng viên đại học PGS.TS Phạm Thành Hưng
“Sai đúng tôi chưa dám nói, nhưng ông chủ tọa tòa án NHB ngồi không bình thường. Làm như này thì giống vừa đá bóng vừa thổi còi. Chúng tôi từng tham gia chủ khảo một số môn thi tuyển sinh đại học. Chấm bài thì có thể không đúng, điểm có thể sai, nên thí sinh có quyền xin phúc khảo. Khi phúc khảo, nhất định những người chấm ở hội đồng trước (từng đánh giá bài thí sinh) khòng được phúc khảo. Những người chủ khảo như chúng tôi càng không được mời tham gia- vì tham gia là phạm luật, là vi hiến. Ông NHB sống đến mức này, làm quan đến chức này mà còn thế này ư? Sao ông không để người khác làm chánh án? Khi nâng được 0,5 điểm cho thí sinh là chúng tôi cảm thấy hạnh phúc, dù biết mình đã chấm chưa chính xác. Tử hình một mạng người, hay tha vì vô tội còn lớn gấp triệu lần.
Sao ông không “hồi tỵ” để người khác CHỦ TỌA PHIÊN TÒA ĐẦY NHẠY CẢM NÀY? (hồi tị: tránh mặt đi để bảo đảm khách quan. Luật xét xử từ thời phong kiến)
“Xin lỗi ông, tôi không nói ông xử đúng sai, nhưng ông ngồi đó là ông quá coi thường trí tuệ người khác. Xin ông đừng nghĩ không có ông thì ngành pháp lí Việt Nam khủng hoảng. Xin ông đừng nghĩ không có ông thì đồng bào không được hưởng ánh sáng công bằng của luật pháp. Đời con người ta chỉ có được một lần – một lần được cha mẹ sinh ra; còn quan tòa thì kiểu như ông có đầy nhé. Có thể ông đúng, nhưng ông đã ngồi trên dư luận, ngồi trên đạo lí, thậm chí ngồi trên luật pháp. Tôi xin lỗi câu sau cùng, nhưng thấy vô lí quá”.https://www.facebook.com/100040889838735/posts/264010734971919/?sfnsn=mo
Xin dùng ý kiến của nhà báo lão thành Lê Phú Khải để kết luận:
“Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến những dòng mở đầu trịnh trọng của bản Tuyên ngôn Quyền Con Người của Cách mạng Pháp 1789: “Các đại biểu của nhân dân Pháp họp thành Quốc hội, cho rằng việc không biết tới, sự lãng quên hay sự coi thường các quyền của Con Người là những nguyên nhân gây ra những đau khổ chung thân và sự hư hỏng của những kẻ cầm quyền, vì thế đã quyết định trình bày các quyền tự nhiên thiêng liêng và không thể tước bỏ được của Con Người”.
Chừng nào còn chế độ độc đảng độc tài, không có toà án độc lập thì những đau khổ chung thân của gần trăm triệu dân đen Việt Nam vẫn còn mãi.
“Giết lầm hơn bỏ sót” để đạt mục đích gì ?
Nhiều người kết luận: để bảo vệ uy tín nền TƯ PHÁP XHCN.
Tin giờ chót
Vào ngày khai mạc Hội nghị 12 bàn nhân sự Đại hội XIII. Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng chẳng phải ngẫu nhiên bắt tay chúc mừng chánh án Nguyễn Hòa Bình sau phiên xử. Ông Trọng không cần phải ký truy tặng huân chương cho ông chánh án như đã ký cho 3 chiến sĩ sau vụ Đồng Tâm. Ông sẽ giành cho chánh án điều gì đó ở Đại hội XIII.
Tại sao chưa bỏ án tử hình ? Các quốc gia tiến bộ đã bỏ rồi.
Chẳng lẽ dân trí Việt Nam còn tệ đến mức chỉ dùng cái chết mới răn đe cảnh tỉnh con người Xã Hội Chủ Nghĩa? Thế thì còn phài xem lại danh xưng “xã hội chủ nghĩa” !
Chưa có vụ án nào khiến dân chúng phẫn nộ, trí thức thao thức nhiều đến vậy.
Hội luật sư Hà Nội đã nhận thấy đây là cuộc chiến pháp lý ảnh hưởng đến sứ mệnh và nghề nghiệp của họ. Nói nôm na là đụng đến nồi cơm của họ, hoặc là bỏ nghề. Họ dự định mở hội thảo về vụ Giám đốc thẩm kỳ quái này.
Dân trí ngày càng cao nhờ thông tin không thể bị bịt kín.
Và có thể xuất hiện những bất ngờ mới làm xoay chuyển tình hình.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả