Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao cần tạm hoãn phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án “tịnh thất Bồng Lai”?

Hà Nguyên

(VNTB) – Các luật sư cho hay, ngày 23-6, họ đến tòa án nhân dân huyện Đức Hoà, tỉnh Long An để tham khảo hồ sơ vụ án thì mới nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 30-6.

Do đó, các luật sư kiến nghị hoãn phiên toà để sắp xếp thời gian, tham khảo hồ sơ vụ án, chuẩn bị cho công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ.

Thẩm phán Nguyễn Khắc Linh Duy, Phó Chánh án tòa án nhân dân huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, là thẩm phán được phân công xét xử vụ án “tịnh thất Bồng Lai” cho hay, sáng 30-6 tòa án nhân dân huyện Đức Hoà vẫn sẽ mở phiên toà lúc 8g30, và sẽ xem xét đơn kiến nghị của các luật sư. Các bị cáo, nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan… vẫn phải đến phiên toà theo quy định.

Sáu bị cáo gồm các ông, bà: Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi), Cao Thị Cúc (62 tuổi) và Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Khoản 2, điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Năm luật sư bào chữa là các ông, bà: Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Ngô Thị Hoàng Anh, Đào Kim Lân và Trịnh Vĩnh Phúc đều thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM. 

Cáo trạng cáo buộc, nhóm người sống ở “tịnh thất Bồng Lai” do ông Lê Tùng Vân được cho là người “cầm đầu”, chỉ đạo đã đăng tải các bài viết, clip trên mạng xã hội Facebook và Youtube, chứa đựng những thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của cơ quan Công an huyện Đức Hoà, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo, tức Thượng toạ Thích Nhật Từ…

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, đại diện cho bị hại cơ quan Công an huyện Đức Hoà là ông Nguyễn Sơn, cấp bậc Thượng tá, Trưởng Công an huyện. Đại diện bị hại Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An là ông Trương Ngọc Toàn, pháp danh Thích Minh Thiện, là trụ trì chùa Thiên Châu. Còn Thượng toạ Thích Nhật Từ mời 2 luật sư đại diện tại phiên toà để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.

Về mặt nghiệp vụ thì khối lượng công việc của luật sư bào chữa rất nhiều, xin trích một vài bước:

Nghiên cứu hồ sơ là một trong những công việc quan trọng của luật sư khi tham gia tố tụng. Kết quả nghiên cứu hồ sơ là cơ sở để luật sư xác định những vấn đề cần trao đổi, đề xuất với cơ quan tiến hành tố tụng cũng như chuẩn bị kế hoạch xét hỏi, xác định phương án bào chữa cho bị cáo.

Căn cứ vào nhiệm vụ bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong từng vụ án cụ thể mà luật sư nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc bảo vệ cho bị cáo hoặc đương sự.

Khi nghiên cứu các tài liệu này, luật sư sẽ kiểm tra cả về thủ tục tổ tụng và làm rõ những vấn đề về chứng cứ, đối chiếu với bản cáo trạng để xác định quyết định truy tố có đúng hay không. Các tài liệu được nghiên cứu bao gồm: Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Kết luận giám định; Biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và các tài liệu khác; Nghiên cứu các biên bản về hoạt động tố tụng

Khi kiểm tra thủ tục tố tụng, luật sư sẽ xem hồ sơ có đảm bảo các thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hay không. Nếu phát hiện có vi phạm thủ tục tố tụng, luật sư sẽ xem sự vi phạm đó có ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án hay không, có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người mà mình bảo vệ hay không.

Nếu sự vi phạm thủ tục tố tụng có ảnh hưởng đến những vấn đề trên thì đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và luật sư sẽ đề nghị tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Ở cụ thể vụ án “tịnh thất Bồng Lai”, các luật sư phải đọc biên bản ghi lời khai của người bị hại gồm có hai vị chức sắc tôn giáo và 1 vị là quan chức công an. Luật sư đọc biên bản ghi lời khai của người bị hại để nắm vững diễn biến của tội phạm, các hành vi thực hiện tội phạm của bị can, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, quan điểm của người bị hại yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại.

Đối chiếu giữa lời khai của các lần với nhau, giữa lời khai của người bị hại với lời khai của bị can, lời khai của người làm chứng xem có điểm nào phù hợp hay mâu thuẫn. Nếu bào chữa cho bị can, luật sư phải ghi lại những điểm mâu thuẫn trong lời khai của người bị hại để đề nghị tòa án bác bỏ. Nếu bảo vệ cho người bị hại, luật sư cần ghi lại những tình tiết xác định hành vi phạm tội của bị can và các chứng cứ xác định việc bồi thường thiệt hại là có cơ sở.

Luật sư cũng phải đọc kỹ những biên bản đối chất để có cơ sở đánh giá những lời khai còn mâu thuẫn. Nghiên cứu các biên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, thu thập vật chứng, biên bản nhận dạng, biên bản thực nghiệm điều tra…


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Chuyện 3 năm qua với Thiền am bên bờ vũ trụ

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Có “dẫn độ” được vụ 3 luật sư “tịnh thất Bồng Lai” đang ở Hoa Kỳ?

Do Van Tien

VNTB – Nhục hình

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo