Võ Hàn Lam
(VNTB) – Hải Phòng được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics
Tại TP. HCM – nơi chiếm đến 70% doanh nghiệp logistics của cả nước, nhưng cũng mới thông qua đề án phát triển logistics TP. HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Còn tại Hà Nội, đến thời điểm này cũng chưa quy hoạch được quỹ đất dành cho trung tâm logistics đủ lớn mang tầm khu vực.
Hiện chi phí vận chuyển container loại 40feet từ Hà Nội vào TP.HCM khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt.
Nhận xét trên được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến với chủ đề: “Cắt giảm chi phí logistics – Giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt”, do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và các hiệp hội ngành hàng khác tổ chức.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, chia sẻ: “Theo tôi nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động theo hình thức mạnh ai người nấy làm, manh mún và nhỏ lẻ. Để giải quyết những vấn đề này, chúng ta cần phải sử dụng tính kết nối. Kết nối đồng bộ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với hiệp hội, hiệp hội với hiệp hội, hiệp hội với Nhà nước, Nhà nước với doanh nghiệp; kết nối đa phương tiện, cả đường bộ, hàng không, đường sắt, đường biển”.
Ông Bình là một chuyên gia tin học, người được biết đến là cha đẻ của công ty FPT nổi tiếng ở Việt Nam.
Đi vào chi tiết một địa phương cụ thể, trong tham luận của Thạc sĩ Vũ Thị Như Quỳnh – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, cho biết quá trình phát triển dịch vụ logistics ở Hải Phòng vẫn còn một số khó khăn như sau:
Thứ nhất, chưa có các chính sách hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm logistics. Hải Phòng chưa có chính sách ưu đãi giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động tại trung tâm logistics mà trong nước chưa sản xuất được.
Thứ hai, hoạt động dịch vụ logistics tại Hải Phòng hiện vẫn chịu sự quản lý và giám sát của đa cấp, đa ngành, chưa có những cơ chế chính sách cụ thể giúp ngành dịch vụ logistics của Hải Phòng phát triển, gây nhiều chồng chéo phức tạp.
Thứ ba, hoạt động dịch vụ logistics tại Hải Phòng chủ yếu tập trung tại công tác vận chuyển, đưa rút hàng khỏi cảng là một trong những khâu tạo ít giá trị gia tăng nhất trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.
Thứ tư, dịch vụ vận tải đường bộ được cung cấp bởi hàng trăm doanh nghiệp phần lớn có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã gây ra nhiều bất cập như: cạnh tranh không lành mạnh, khai thác không hiệu quả…
Thứ năm, chi phí vận tải còn cao do tổ chức vận tải chưa hợp lý – ví dụ như chủ yếu bằng đường bộ, xe đa phần chạy hàng một chiều,… tổ chức giao nhận, các thủ tục hành chính còn rườm rà, chất lượng dịch vụ kho bãi thấp. Chưa giảm được thời gian gom hàng, trả hàng, làm thủ tục, khiến tăng thêm về chi phí.
Thứ sáu, hệ thống hạ tầng logistics chưa có các khu dịch vụ logistics quy mô lớn hỗ trợ khai thác hệ thống cảng biển. Các khu kho hàng, bến bãi dịch vụ vệ tinh chưa được quy hoạch, phát triển tự phát, nhỏ lẻ bám theo các cảng, gây tình trạng lộn xộn, manh mún, chưa gắn kết với các cảng cạn tại khu vực hậu phương, các trung tâm sản xuất tiêu thụ hàng hóa chủ yếu.
Thạc sĩ Vũ Thị Như Quỳnh gợi ý nhà chức trách thành phố Hải Phòng có thể triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng logistics theo hướng hiện đại, thu hút doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực logistics tham gia; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics; cùng với đó phải quan tâm thu hút, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Hai là, tiếp tục rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho một trung tâm logistics phát triển với các chính sách khuyến khích hỗ trợ hoạt động logistics như giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm logistics; Giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động tại trung tâm logistics mà trong nước chưa sản xuất được.
Ba là, nghiên cứu phát triển các trung tâm logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng gắn với quy hoạch các khu công nghiệp, khu kinh tế phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế của Hải Phòng, đồng thời liên kết với các trung tâm logistics khác trong vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Bốn là, huy động tối đa các nguồn lực từ bên ngoài như: Vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), hình thức hợp tác công – tư (PPP), xã hội hóa cho phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Năm là, đẩy nhanh thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối các trung tâm logistics với khu vực cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối với các vành đai và hành lang kinh tế theo đúng quy hoạch đã đề ra.
Sáu là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics (hệ thống giao dịch không giấy tờ, thanh toán điện tử, giao dịch trực tiếp…); xây dựng cổng thông tin giao dịch thương mại trên nền thông tin logistics tích hợp với thuế, hải quan, ngân hàng điện tử để tạo mối liên kết thúc đẩy loại hình dịch vụ logistics phát triển.
Theo đánh giá ở trên của góc nhìn một giảng viên Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, thì Hải Phòng được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics như: Có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất phía Bắc; có nhiều bến cảng với hệ thống thiết bị hiện đại, cơ sở hạ tầng đầy đủ, an toàn phù hợp với phương thức vận tải thương mại quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động logistics tại Hải Phòng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Còn theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, thì Hải Phòng là đầu mối giao thông của phía Bắc với đủ 5 loại hình giao thông bao gồm: Đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường sắt và đường thủy nội địa.
Cho đến nay, trên địa bàn Hải Phòng có hơn 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó có nhiều trung tâm logistics lớn như: Trung tâm logistics của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, GSL, DH, Yusen, Hải An… Hệ thống cảng biển và hàng không, cùng các điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi là tiền đề cho sự phát triển ngành dịch vụ logistics tại thành phố Hải Phòng.