Việt Nam Thời Báo

VNTB- Vì sao chính phủ phải ‘huy động vàng và USD trong dân’?

Minh Quân
(VNTB) – Thực sự bi kịch, cho dù Ngân hàng nhà nước – rất có thể phải in tiền càng nhiều càng tốt – đã “gom” được 10 tỷ USD từ thị trường, mà chủ yếu từ dân, vào năm 2016 để đắp kho dự trữ ngoại hối lên hơn 40 tỷ USD.


Dấu hỏi cực lớn
Không phải một lần, mà Thủ tướng Phúc có đến 3 lần nhắc đến vấn đề tìm cách huy động nguồn lực ngoại tệ trong dân nhưng trong buổi làm việc với Tổ công tác của Chính phủ hôm 18/7/2017.
Nhưng trước đó nhiều năm, rất nhiều người đã đặt một dấu hỏi cực lớn rằng Ngân hàng nhà nước và Chính phủ lấy gì đảm bảo cho vàng và ngoại tệ của dân để tránh bị thất thoát hoặc “bốc hơi”, trong khi chính Ngân hàng nhà nước lại là tác nhân gây ra hàng loạt hậu quả lớn trong điều hành các ngân hàng thương mại cổ phần lỗ lã…
Câu hỏi trên vẫn tồn tại dai dẳng suốt những năm sau đó, tương ứng cứ hàng năm Chính phủ và Ngân hàng nhà nước lại nêu ra đề nghị “huy động vàng và ngoại tệ trong dân”. Và cứ như một điềm báo, câu hỏi này đã được phần nào xác nhận khi những năm gần đây đã chứng kiến nhiều vụ việc tiền gửi của dân trong một số ngân hàng đã không cánh mà bay. Thế thì làm sao còn tin được ngân hàng nếu vàng và USD được “huy động” vào trong đó?
Thực chất là gì?
Vẫn đang lập lờ những ý kiến của giới quan chức ngân hàng và chính phủ cho rằng “huy động vàng và USD” để “chống vàng hóa và đô la hóa”, hoặc chính trị hơn cả là “khoan sức dân”… Nhưng có thực như vậy không?
Dù chẳng có cuộc khảo sát hoặc thăm dò nào về dư luận xã hội, nhưng chắc chắn tuyệt đại đa số người dân Việt Nam không còn giữ được một niềm tin nào, dù chỉ tương đối, vào kết quả điều hành của Chính phủ và cung cách làm việc của giới quản lý ngân hàng. Toàn bộ các khẩu hiệu và tuyên rao mang tính mị dân đã chỉ làm tạo được một kết quả duy nhất là phản kết quả.
Ngược lại, qua việc Chính phủ và Ngân hàng nhà nước ngày càng “tha thiết” với công cuộc “huy động vàng và USD” trong dân, người dân lại càng nhận rõ rằng ngân sách nhà nước quả đến hồi bi kịch.
Thực sự bi kịch, cho dù Ngân hàng nhà nước – rất có thể phải in tiền càng nhiều càng tốt – đã “gom” được 10 tỷ USD từ thị trường, mà chủ yếu từ dân, vào năm 2016 để đắp kho dự trữ ngoại hối lên hơn 40 tỷ USD.
Nhưng hơn 40 tỷ USD của dự trữ ngoại hối cũng chỉ đủ cho 3 tháng nhập khẩu. Còn trả nợ nước ngoài hàng chục tỷ USD hàng năm và hàng hà nhu cầu khác thì sao?
Kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2017 lại tệ hại: chỉ đạt số thu có 41,5% so với dự toán, thấp hơn hẳn mức thu của các năm trước. Trong đó chủ yếu giảm thu từ nguồn thu nội địa, tức từ các doanh nghiệp và từ dân – một phản ánh hoàn toàn xác đáng trong bối cảnh nền kinh tế không phải “tăng trưởng 6,7%” mà vẫn tiếp tục suy thoái và lụn bại.

Vậy thì chỉ có thể hiểu: “huy động vàng và USD trong dân” thực chất là để dùng cho việc trả nợ nước ngoài và chi dùng cho các nhu cầu của ngân sách nhà nước – một nền ngân sách mà cho tới nay vẫn phải cõng trên lưng “30% công chức không làm gì cả nhưng vẫn lĩnh lương”. 

Tin bài liên quan:

VNTB- Có hay không ‘Facebook cam kết phối hợp với Việt Nam xử lý tin xấu độc’?

Phan Thanh Hung

VNTB- Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đi Mỹ làm gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Sân bay Nội Bài có… ma?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo