Việt Nam Thời Báo

(VNTB)-Vì sao Đảng Cộng sản luôn sợ sệt Xã hội dân sự?

(VNTB) – Nhìn vào lịch sử phát triển kinh tế và chính trị, người ta thấy vai trò và trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội trong xã hội dân sự ngày càng tăng.

Những quốc gia tạo ra sự ổn định và phát triển thời gian lâu dài đều có chung một bài học là xử lý tốt mối quan hệ giữa các tổ chức chính trị – xã hội, và xã hội dân sự trong quá trình hoạch định chính sách.

Ở đây thử lý giải vì sao vẫn còn nhiều người nhân danh Đảng, nhân danh cách mạng và nhân danh cả Chủ tịch Hồ Chí Minh để phản ứng quyết liệt các tổ chức xã hội dân sự.

—————-

Nguyễn Cao

Bài 1: Đảng sợ bị hạ bệ

Ban Thường vụ Hội Nhà báo TP.HCM đã có văn bản đề nghị Ban thư ký các Liên chi hội, Chi hội thông báo tới hội viên “âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của tổ chức có tên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” (HNBĐLVN).

Hội Nhà báo TP.HCM yêu cầu cả “những người làm báo đã nghỉ hưu không tham gia, không cổ vũ cái gọi là “Hội nhà báo độc lập”.

Đảng có “ngụy” hay không?

“Về những người tự xưng là Ban lãnh đạo của cái gọi là HNBĐLVN, uy tín nghiệp vụ, uy tín làm báo của họ thấp – thậm chí có người chưa phải là nhà báo. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) là những trí thức có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, không có bất cứ ai có thể thuyết phục, lôi kéo được họ.

Với họ, sự phát triển và đi theo ngọn cờ chiến đấu của một nền báo chí cách mạng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, ngòi bút, trang giấy của họ là vũ khí chiến đấu, vì lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân là điều tối thượng”. Ông Phạm Quốc Toàn, phó chủ tịch HNBVN, nhấn mạnh.

“Họ muốn độc lập nhưng là độc lập thế nào? Ðộc lập với ai? Không lẽ là độc lập với nhân dân, với đất nước, với sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh phồn vinh, công bằng dân chủ? Ðúng là ngụy độc lập!” – trên tờ báo in Năng lượng mới số 342, phát hành đầu tháng 8-2014, tác giả Minh Nghĩa đã viết như vậy trong một bài có tựa “Ngụy độc lập”.

Một người xưng tên Nguyễn Huy Hùng, giới thiệu là nhà văn, nhà báo, nhà khoa học có nhiều giải thưởng, hiện đang sống tại TP.HCM, ký bút danh Đông La, đã viết trong bài báo có tên “Về Hội nhà báo độc lập Việt Nam”: “Không biết nước ta đã có bao nhiêu tổ chức ra đời nhân danh những điều cao cả, tiến bộ; những nhóm, những danh sách tụ họp để thể hiện chính kiến trước một vụ việc nào đấy rồi? Rất đa dạng, rất phong phú nhưng thực chất đều có mục đích chống đối và lật đổ chế độ Việt Nam hiện tại.

Ví dụ như: “khối” (8406); “Con đường” (Con đường Việt Nam); “Viện” (Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (Institutes of Development Studies – IDS); “Diễn đàn” (Diễn đàn xã hội dân sự); “Nhóm” (Nhóm kiến Nghị 72 Sửa đổi Hiến Pháp); “Danh sách” (Danh sách ủng hộ Phương Uyên, Nhã Thuyên); “Đảng” (đảng Dân chủ Xã hội); “Hội” (Văn đoàn độc lập Việt Nam) và gần đây nhất “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”.

Ông Hùng cũng cho biết thuở sinh tiền, nhà thơ Chế Lan Viên đã hết lời khen ngợi mình và đã giới thiệu ông với nhà thơ Chim Trắng, tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ, để ông về làm phóng viên nơi này.

Dân ngu khu đen

Chuyện nặng lời như trên cũng không lạ. Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói: “Một số anh em lập ra mười mấy tổ chức xã hội dân sự, nhưng tôi nhìn thấy là nó còn mỏng lắm, khởi xướng của anh em rất là đáng khuyến khích, đáng hoan nghênh. Nhưng mà cái để đảm bảo các tổ chức đó hoạt động chính là cơ sở pháp luật.

Nếu không có Luật lập hội thì làm sao những tổ chức đó có cơ sở phát triển được. Cho nên người ta để như vậy nhưng lúc nào muốn dẹp là dẹp nó không có bảo đảm gì. Cho nên việc thúc đẩy là đòi hỏi phải có luật cơ bản, có nghĩa là bây giờ Việt Nam có một qui trình không bình thường Hiến pháp thì bị luật treo, còn luật thì bị nghị định treo, thông tư treo, đưa ra thì có số liệu nhưng không có hiệu lực thi hành”.

Phát biểu trên cương vị thứ trưởng đương nhiệm của Bộ Nội vụ, ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Đối với nước ta, thể chế quản lý tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự phải phù hợp và đáp ứng được cơ chế vận hành của thể chế chính trị: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. (http://isos.gov.vn/Thongtinchitiet/tabid/84/ArticleId/331/language/vi-VN/M-t-s-v-n-d-c-n-l-u-y-v-xa-h-i-dan-s.aspx)

“Đảng lãnh đạo – Nhà nước quản lý – Nhân dân làm chủ”, nên ở đây có thể hiểu người lãnh đạo rất thích “dân ngu khu đen”. Các tổ chức xã hội dân sự, dù kiểu gì chăng nữa, cũng phải nép dưới cái bóng của Đảng. Điều này được công khai ở Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam – một văn bản như Luật Đảng: “Đảng viên có nhiệm vụ phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”. (Điều 2)

Cũng theo Luật Đảng, nhân sự trong bộ máy nhà nước, tất cả đều phải là đảng viên. Những nhân sự chủ chốt như bí thư các tỉnh, thành phố, bộ, ngành đều phải được Bộ Chính trị – cơ quan cao nhất của Đảng chuẩn y.

Những tổ chức xã hội dân sự dám bình phẩm Đảng vì lẽ ấy không thể tồn tại. Tiếng là Nhà nước pháp quyền, nhưng từ nhà quản lý, quan chức đều là đảng viên, mà đảng viên thì có nhiệm vụ phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng, nên một tiếng nói trái tai Đảng là không thể.

Tiếng nói của Người Dân

Slogan của báo Nhân Dân là “Tiếng nói của Đảng”. Slogan “Tiếng nói của Người Dân” xin được đề xuất cho báo điện tử http://www.ijavn.org/. Hãy vì “quyền con người” để tôn trọng sự thật, để luôn nói được tiếng của Người Dân.

Ngay trong tháng đầu tiên ra mắt, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) đã bị “đánh tơi bời” trên một số tờ báo nhân danh Đảng.

Có lẽ Đảng đang lo ngại về một “Nhân Văn – Giai Phẩm” (NVGP) của thế kỷ 21.

Nguyễn Cao

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

Tin bài liên quan:

VNTB- Vẫn còn rất nhiều ‘Trọng Thủy’ ở Việt Nam

Phan Thanh Hung

Xã hội dân sự trẻ nhìn từ sự chuyên nghiệp

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Vì sao Đảng Cộng sản luôn sợ sệt Xã hội dân sự? (Bài 2)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo