VNTB – Vì sao Điều 117 của Bộ luật hình sự gây tranh cãi?

VNTB – Vì sao Điều 117 của Bộ luật hình sự gây tranh cãi?
 

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Cần tử tế thay đổi cách nhìn và định nghĩa về “các phần tử phản động” đối với Điều 117, Bộ luật hình sự.

 

Điều 243 của Bộ luật tố tụng hình sự cho biết, bản cáo trạng phải ghi rõ: “… thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra…”.

Như vậy, khi bị truy tố theo tội danh ở Điều 117 Bộ luật hình sự, thì phía giữ quyền công tố phải chứng minh điều quan trọng nhất là về mức độ thiệt hại của việc được cáo buộc là “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm” mà người đang đứng trước tòa đã gây ra.

Điều luật số 117 quy định cụ thể như sau về “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”:

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phía phản đối điều luật trên, cho rằng đã hình sự hóa một quyền dân sự hiến định. Bởi việc diễn đạt ý kiến của cá nhân người này làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm cá nhân, tổ chức một cách không chính đáng thì chỉ là một lỗi dân sự. Chúng làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà thôi.

Căn cứ pháp lý cho ý kiến trên được viện dẫn Điều 19 trong Công ước về các quyền chính trị và dân sự (ICCPR) 1966 mà Nhà nước Việt Nam đã tham gia ký kết từ năm 1982:

“Điều 19.

1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.

2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ.

3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:

a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,

b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.

Tuy nhiên nhà chức trách của Việt Nam đã vận dụng Điều 19.3 theo chiều hướng xử trí một vấn đề của đảng chính trị được nhân danh “an ninh quốc gia”.

Trong phần cáo buộc thường thấy khi báo chí tường thuật các phiên xét xử hình sự về tội danh theo Điều 117, hay có lập luận kiểu thế này (trích lược):

“Kêu gọi xóa bỏ Điều 117, Bộ luật hình sự, các đối tượng phản động, chống phá nhằm tác động trực tiếp đến nền tư pháp Việt Nam. Các lập luận, quan điểm xóa bỏ Điều 117, Bộ luật hình sự nhằm tạo ra kẽ hở về mặt pháp lý cho các phần tử phản động, chống phá có thời cơ để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Có thể nói rằng, muốn có cơ hội cho hoạt động tuyên truyền, tán phát các tài liệu chống phá Nhà nước mà không bị các cơ chế pháp lý ràng buộc thì dĩ nhiên các đối tượng cần phải kêu gọi xóa bỏ Điều 117, Bộ luật hình sự.

Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, kêu gọi xóa bỏ Điều 117, Bộ luật hình sự cũng là lý do để tuyên truyền, xuyên tạc, hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, vu cáo Việt Nam vi phạm “nhân quyền”, can thiệp vào quyền “tự do ngôn luận” nói lên tiếng nói của công dân.

Các hoạt động kêu gọi xóa bỏ điều luật nhằm tạo cơ hội cho các đối tượng chống phá nhà nước tuyên truyền, can thiệp vào các lĩnh vực nhạy cảm của đời sống xã hội của Việt Nam trong vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, những mục tiêu mà các đối tượng phản động, chống đối đặt ra là có thời cơ, điều kiện thuận lợi để tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Lập luận ở trên cho thấy nhà chức trách Việt Nam không tự tin khi tham gia Công ước về các quyền chính trị và dân sự (ICCPR) 1966. Thứ nhất, ICCPR được thỏa thuận trên nguyên tắc đồng thuận của “các quốc gia có nghĩa vụ thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ chung các quyền và tự do của con người”, được nhấn mạnh ở phần “Lời nói đầu” của ICCPR. 

Thứ hai, Điều 2.1 của ICCPR ghi rõ về thỏa thuận mà nội dung của Điều 117 Bộ luật hình sự của Việt Nam đang được diễn giải không phù hợp: “Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này, không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị khác”.

Từ ít nhất hai vấn đề ở trên, trước thềm diễn ra phiên phúc thẩm hình sự vụ án cáo buộc theo Điều 117 sắp tới đây đối với một hội viên của Hội nhà báo độc lập Việt Nam, hy vọng sẽ được hội đồng xét xử tham vấn cặn kẽ hơn về nội dung ghi ở Điều 5.2 của ICCPR: “Không được hạn chế hoặc huỷ bỏ bất kỳ quyền cơ bản nào của con người mà đã được công nhận hoặc hiện đang tồn tại ở bất kỳ quốc gia thành viên nào của Công ước này trên cơ sở luật, điều ước, các quy định pháp luật hoặc tập quán, với lý do là Công ước này không công nhận những quyền ấy hoặc công nhận ở một mức độ thấp hơn”.

Thay lời kết, xin được lưu ý cần điều chỉnh cách hiểu lâu nay từ phía nhà chức trách mỗi khi nhận được ý kiến trái chiều về Điều 117, Bộ luật hình sự thông qua những bản án như với các ông bà Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Đoan Trang…, đó là việc các nhóm xã hội dân sự bên ngoài Việt Nam được bảo hộ quyền yêu cầu chính quyền của nước họ lên tiếng về những bản án này ở Việt Nam.

Đây là một quyền được ghi cụ thể tại Điều 41.1.a của ICCPR:

“Nếu một quốc gia thành viên Công ước cho rằng một quốc gia thành viên khác không thực hiện những quy định của Công ước, thì có thể gửi một thông cáo bằng văn bản lưu ý quốc gia thành viên ấy về vấn đề đó.

Trong thời gian ba tháng, kể từ ngày nhận được thông cáo, quốc gia nhận được thông cáo phải có hồi đáp giải thích cho quốc gia gửi thông cáo, hoặc phải có những hình thức khác bằng văn bản để làm sáng tỏ vấn đề, trong đó đề cập đến, trong chừng mực có thể và thích hợp, những thủ tục trong nước cùng những biện pháp khắc phục mà quốc gia được thông cáo đã, đang hoặc sẵn sàng thực hiện để giải quyết vấn đề”.

Xem ra cần tử tế thay đổi cách nhìn và định nghĩa về “các phần tử phản động” đối với Điều 117, Bộ luật hình sự.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    Bất cứ 1 điều luật nào của 1 nhà nước dân chủ đều gây tranh cãi, không cứ gì Việt Nam & điều 117 kể trên . Luật bắt buộc tiêm chủng toàn liên bang cũng gây ra không ít tranh cãi bên Mỹ .

    Những điều nêu ra trong 117, sau 9/11 trở thành de facto của Mỹ . Trên giấy tờ là không phải vậy, nhưng hiện giờ tuyên truyền kiểu Hồi giáo, chống Mỹ sẽ bị NSA, FBI nghe lén, sẽ áp dụng luật chiến tranh, tức là hổng cần xét xử luôn . Lộn xộn là còng đầu đưa về Guantanamo hay các nhà tù ở black-ops sites, tạm giữ muôn năm . Last report do 1 nhà báo Mỹ gốc Hồi giáo cho biêt khoảng 450’s người Mỹ bị biến mất trong 2 năm 2012-2013. Sau cái report đó thì nhà báo đó cũng biến mất luôn . Những cái-gọi-là “công ước” về nhân quyền không thể can thiệp tới an ninh quốc gia . Ngay cả Đức cũng lờ luôn .

    “nhà chức trách Việt Nam không tự tin khi tham gia Công ước về các quyền chính trị và dân sự (ICCPR)”

    Tự tin hơn tác giả tưởng . Tin cái gì thì tác giả tự tìm hiểu đi