Nguyễn Huyền
(VNTB) – Đảng viên chỉ được biết đến Chỉ thị 24-CT/TW ban hành ngày 13-7-2023 của Bộ Chính trị thông qua kế hoạch triển khai của Ban Dân vận tỉnh ủy.
Là một đảng viên dạng “không chức tước”, bản thân người viết bài này chỉ biết là có một văn kiện Đảng mang tên “Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 13-7-2023 của Bộ Chính trị về bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”. Biết qua nhắc kể chứ chưa được tận mắt đọc nội dung chỉ thị này, vì nghe đâu có đóng dấu “Mật”.
Chuyện từ Tỉnh ủy Bình Thuận
Một người bạn là đảng viên đang sinh hoạt trong chi bộ Đảng thuộc Tỉnh ủy Bình Thuận chuyển cho đọc Kế hoạch số 108-KH/BDVTU, ban hành ngày 16-1-2024, trong đó có đoạn: “Phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu chỉ đạo, rà soát, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các tổ chức của người lao động thành lập và hoạt động không đúng quy định của pháp luật; không để thành lập tổ chức của người lao động dưới hình thức dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh”.
Trong phần “Mục đích, yêu cầu”, văn bản của Ban Dân vận viết với giọng văn nhiều khả năng là trích dẫn từ nguồn văn bản gốc: “Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động về đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng theo nội dung Chỉ thị số 24-CT/TW; trên cơ sở đó, xác định rõ nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân là nòng cốt, xung kích.
– Triển khai đồng bộ, kịp thời có hiệu quả các nhiệm vụ về đảm bảo an ninh quốc gia; tuân thủ nguyên tắc “đối tác – đối tượng”, “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, “an ninh chủ động”, “an ninh toàn diện, phát triển”, “giữ vững bên trong là chính”, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại; chủ động các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề phức tạp nổi lên từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra điểm nóng; bảo vệ vững chắc chủ quyền và lãnh thổ quốc gia, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
– Việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả”.
Rò rỉ đến từ đâu?
Trong tìm kiếm nguồn văn bản gốc về chỉ thị đóng dấu “Mật” kể trên, người viết được dẫn tới nguồn được cho đã tiết lộ rò rỉ này là tổ chức Dự án 88 – một tổ chức phi chính phủ quốc tế về vận động nhân quyền cho Việt Nam có trụ sở tại Mỹ.
Theo nguồn này thì Chỉ thị 24 coi tất cả các hình thức hợp tác và thương mại quốc tế là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, và đưa ra một kế hoạch đối phó với những mối đe dọa này bằng kiểm soát triệt để vấn đề dân chủ đối với chính sách công và nền kinh tế, đồng thời củng cố vị trí độc Đảng; bao gồm những hạn chế không được phép đối với việc hội họp, lập hội, ngôn luận, truyền thông và đi lại. Quyền tham gia vào các vấn đề công cộng và quyền của người lao động được thành lập các công đoàn và hiệp hội độc lập cũng chịu sự giám sát theo hướng cản trở từ những cấp quản lý ở địa phương cho đến trung ương.
Việc thực thi Chỉ thị 24 được yêu cầu cả với thành phần viên chức ngoài Đảng.
Những nội dung đáng lưu tâm cho quan sát
Theo tóm tắt của Dự án 88 thì những điều khoản đáng chú ý của Chỉ thị 24, có thể kể:
Đi lại toàn cầu: Quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công dân Việt Nam ra nước ngoài làm ăn, hợp tác, giao lưu, thăm hỏi, du lịch (trang 4).
Nền dân chủ: Không cho phép hình thành các tổ chức chính trị độc lập trong nước (trang 2).
Tuân thủ các thỏa ước lao động quốc tế: Ngăn chặn việc thành lập các tổ chức lao động trên cơ sở sắc tộc hoặc tôn giáo (trang 4).
Chủ động khi tham gia Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế nhằm bảo vệ quyền tự do hiệp hội và quyền tổ chức, bảo đảm sự lãnh đạo liên tục của Đảng, lãnh đạo chi bộ và quản lý chính quyền các cấp (trang 3-4) .
Giám sát và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức lao động thành lập hoặc hoạt động vi phạm pháp luật (trang 4).
Xây dựng một Tổng liên đoàn lao động Việt Nam vững mạnh và toàn diện, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp và được phép của người lao động trên toàn quốc, đồng thời là cầu nối vững chắc giữa Đảng và người lao động (trang 5).
Giải quyết sớm tranh chấp lao động, đặc biệt là tranh chấp lao động tập thể (trang 5).
Hợp tác quốc tế: Tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về an ninh quốc gia, đặc biệt liên quan đến các dự án hợp tác phát triển quốc tế, đầu tư nước ngoài, hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; các hiệp hội, quỹ xã hội, tổ chức từ thiện, tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp xã hội và liên minh cũng như mối liên kết giữa các nhóm này; các tổ chức, hoạt động nhận sự hỗ trợ, viện trợ của nước ngoài; hoạt động văn hóa; việc thành lập và hoạt động công đoàn; đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; các liên kết, đặc biệt là các liên kết được hình thành trong tổ chức đình công (trang 3).
Tăng cường cảnh giác, ngăn chặn các mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia như “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhất là trong xây dựng chính sách, pháp luật làm suy yếu chế độ từ bên trong, đe dọa lợi ích của quốc gia, dân tộc và sự sống còn của chế độ; làm suy yếu bản sắc văn hóa dẫn đến suy giảm sức mạnh dân tộc; giảm cảnh giác, mất cảnh giác khi tham gia các sáng kiến, chiến lược của các nước lớn; cho phép nhà đầu tư nước ngoài “núp bóng”, chiếm lĩnh thị trường, doanh nghiệp trong nước và chiếm giữ các lĩnh vực kinh tế quan trọng, đồng thời nắm giữ các vị trí có ảnh hưởng về quốc phòng, an ninh, ảnh hưởng xấu đến độc lập, tự chủ kinh tế và ổn định chính trị của nước ta; và những người lợi dụng các thể chế, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết để vận động, hình thành các tổ chức chính trị đối lập, thúc đẩy “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” (trang 2-3).
Viện trợ quốc tế cho Việt Nam: Tăng cường quản lý tiếp nhận viện trợ nước ngoài, đặc biệt là các dự án liên quan đến hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật (trang 4).
Không nhận tài trợ nước ngoài cho các dự án xây dựng pháp luật có nội dung phức tạp, nhạy cảm (trang 4).
Quản lý chặt chẽ các hoạt động hợp tác quốc tế; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn các âm mưu gây ảnh hưởng bằng các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội ảnh hưởng đến an ninh quốc gia (trang 3).
Thực hiện nghiêm túc quy trình đề xuất, phê duyệt, lấy ý kiến về các chương trình, sáng kiến, dự án hợp tác kinh tế quốc tế cũng như đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chiến lược, cốt lõi là quốc phòng, an ninh (trang 4).
Tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, nhất là liên quan đến các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài, hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam (trang 3) .
Văn hóa: Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị dân tộc, hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức nhằm bảo tồn và phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời đại mới, chú trọng giáo dục nhân dân về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng (trang 5).
Tự do ngôn luận: Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong đấu tranh chống xu hướng dân túy, bất tuân dân sự, quan điểm sai trái, phá hoại của các thế lực thù địch, nỗ lực thúc đẩy một nền văn hóa ngoại lai lai tạp, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc (trang 5).
Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng hạ tầng thông tin liên lạc, mạng xã hội để tuyên truyền sai sự thật nhằm phá hoại Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa của nước ta (trang 5).
Chống tin giả, nhất là trên không gian mạng (trang 5).
Xây dựng quy tắc ứng xử văn minh [nhấn mạnh thêm] trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội và không gian mạng (trang 5).
Quyền hội họp ôn hòa: Nắm chắc tình hình, chủ động ngăn chặn, phát hiện kịp thời, đấu tranh có hiệu quả mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực địch, phản động, đối thủ chính trị và các loại tội phạm, nhất là hoạt động cài gián điệp, kích động biểu tình, bạo loạn, xâm phạm lợi ích chính đáng của Nhân dân. Nhà nước, tổ chức và Nhân dân (trang 6).
Xã hội dân sự giám sát các thỏa thuận quốc tế: Chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, kiểm soát các tình huống phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự xã hội khi Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế, bảo đảm an ninh quốc gia trong mọi kịch bản (trang 2).
Chủ động giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình thực hiện cam kết, đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho lợi ích quốc gia (trang 5).
Bảo đảm an ninh kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại: Lồng ghép chặt chẽ các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại với quốc phòng và an ninh, đồng thời tích hợp quốc phòng và an ninh với các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại (trang 2).
Giám sát: Chú ý xây dựng, củng cố điều kiện an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là ở các cộng đồng dân cư, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu vực tập trung đông công nhân (trang 5).
Như vậy với tóm lược kể trên cho thấy khá tương đồng Kế hoạch số 108-KH/BDVTU, ban hành ngày 16-1-2024 của Ban Dân vận tỉnh ủy Bình Thuận. Chính lẽ đó nên Nhóm tư vấn EU ‘quan ngại’ về chỉ thị 24 của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng có cái lý của họ khi chia sẻ trên X.