VNTB – Vì sao Ngân hàng Nhà nước vẫn bảo thủ độc quyền vàng miếng?

VNTB – Vì sao Ngân hàng Nhà nước vẫn bảo thủ độc quyền vàng miếng?

Hàn Lam

 

(VNTB) – Giới chuyên gia kiên trì thuyết phục và Ngân hàng Nhà nước vẫn… im lặng tiếp tục độc quyền thị trường vàng miếng.

 

Ngày 5-4-2024, chính phủ đã thông qua Nghị quyết 44/NQ-CP tại phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến chính phủ với địa phương. Tại Mục 4, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị quyết số 44/NQ-CP 2024, chính phủ đặt ra nhiệm vụ cụ thể đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: (…) đ) Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của chính phủ, Thủ tướng chính phủ; khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế”.

Trước đó, phía Ngân hàng Nhà nước đánh tiếng với công luận là ngay trong tháng 1-2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình chính phủ báo cáo tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Quan điểm trên của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra như một phản hồi hứa hẹn sau khi ngày 27-12-2023 Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 1426/CĐ-TTg (có dấu “Hỏa tốc”) gửi Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu “Rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức…, đồng thời tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, hoàn thành trong tháng 01 năm 2024”.

Đến ngày 20-3-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính lại hối thúc Ngân hàng Nhà nước với việc ban hành Công điện số 23/CĐ-TTg cũng có dấu “Hỏa tốc”, nhắc lại hàng loạt văn bản chỉ đạo với ngôn từ pháp lý cứng rắn: “Khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng được giao tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ, Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại các công văn số 1035/VPCP-KTTH ngày 17 tháng 02 năm 2024, công văn số 1696/VPCP-KTTH ngày 15 tháng 3 năm 2024 và các văn bản có liên quan”.

Giới chuyên gia đã quan sát và đưa ra nhận định việc Ngân hàng Nhà nước từ tổ chức đấu thầu vàng không mang lại hiệu quả, chuyển sang phương thức là giao cho 4 ngân hàng thương mại của nhà nước và công ty SJC bán vàng theo giá quy định của Ngân hàng Nhà nước, dẫn đến tình trạng người dân xếp hàng đi mua vàng miếng, bao gồm cả tình trạng của lượng người mua đi bán lại, ăn chênh lệch.

Hiện tại đã ghi nhận đang xảy ra 2 tình trạng giá, giá vàng của 4 ngân hàng thương mại nhà nước và công ty SJC công bố là 76,98 triệu đồng/lượng, và chợ đen mua vào là 80-81 triệu đồng/lượng. Thậm chí theo mức giá niêm yết công khai ngày 13-6-2024, giá vàng miếng SJC được Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank) bán ra là 82 triệu đồng/lượng, giá ngân hàng này mua vào là 78,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá giữa mua vào và bán ra là 3,5 triệu đồng/lượng.

So với mức giá bán ra (76,98 triệu đồng/lượng) tại khối ngân hàng thương mại nhà nước thời điểm này thì giá vàng miếng SJC tại HDBank đang cao hơn 5,02 triệu đồng/lượng. Tính riêng giá mua vào của HDBank cũng cao hơn tới 1,52 triệu đồng/lượng so với giá bán ra tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước.

Tương tự, mức chênh lệch có thấp hơn diễn ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank). Nhà băng này công bố giá vàng miếng SJC bán ra ngày 13-6 là 78,98 triệu đồng/lượng, trong khi giá mua vào là 74,98 triệu đồng/lượng; tức chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra tại Eximbank là 4 triệu đồng/lượng, so với giá bán tại ngân hàng thương mại nhà nước, giá vàng miếng do Eximbank bán ra đang cao hơn 2 triệu đồng/lượng.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Hữu Diên 5 days

    Thật ra ở Việt Nam, không lạ gì việc chỉ đạo của thủ tướng với các ban nghành không có hiệu quả. Thủ tướng chỉ đạo cứ chỉ đạo. Các ban ngành cứ ì ra cũng chẳng có vấn đề gì. Chẳng có khó khăn gì khi bình ổn giá vàng cả. Người dân có tiền, không mua vàng do nhà nước bán ra thì họ mua vàng nhập lậu, và nhà nước sẽ thất thu thuế. Phải làm rõ việc tại sao biết nhà nhà nước thất thu thuế khi độc quyền vàng, mà ngân hàng vẫn giữ độc quyền??? Có phải việc cấm nhập khẩu vàng, là hành động tiếp tay cho buôn lậu hay không???