Nguyễn Huỳnh (thực hiện)
(VNTB) – Những nhân viên của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM mắc COVID-19 đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca (Anh) vì sao vẫn nhiễm bệnh?
Nhiều người thắc mắc như vậy vì nghĩ tiêm vắc xin là không còn nhiễm COVID-19.
GS TS Trần Tịnh Hiền, Giám đốc nghiên cứu lâm sàng của Vietnam Oucru (Oxford University Clinical Research Unit in Vietnam – đơn vị nghiên cứu lâm sàng trực thuộc Đại học Oxford Vương quốc Anh), có trụ sở đặt trong khuôn viên bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, giải thích thắc mắc vì sao đã chích ngừa Covid lại vẫn bị ‘dính’ Covid.
GS TS Trần Tịnh Hiền nhận định bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đang ở những thời khắc khó khăn khi phát hiện nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Nhưng cần bình tĩnh để nhận định tình hình, với mấy điểm chú ý sau đây: thứ nhất, bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là nơi tập trung nhiều bệnh nhân Covid-19 – có triệu chứng và tương đối nặng (hiện tại vừa chuyển sang là bệnh viện điều trị Covid-19 của Sài Gòn, tức một nơi có nhiều người nhiễm Covid-19).
Thứ hai, hầu như toàn bộ nhân viên đã được tiêm chủng đủ 2 liều vắc xin Astra Zeneca (AZ) từ hơn 1 tháng trước. Nhưng cũng cần nhớ mấy điều cơ bản về vắc-xin nói chung và riêng cho vắc xin Astra Zeneca: Một, không có bất cứ loại vắc xin nào bảo vệ 100% người tiêm. Hai, vắc-xin AZ, theo thông tin mới nhất sau khi theo dõi thực tế (real world data) không phải trong nghiên cứu, thì những người đã tiêm AZ (ChAdOx1-S) hiệu quả bảo vệ là 60% sau 28 ngày.
Đây là khảo sát trên dân số thực hiện ở Anh Quốc từ tháng 12-2020 đến tháng 2 2021 khi chủng B1.1.7 (alpha) đang nổi lên, bằng RT-PCR, trên 159,930 người lớn từ 70 tuổi trở lên
Ba, cho đến ngày 7-6-2021 trên 139 triệu người ở nước Mỹ đã được tiêm đầy đủ vắc xin chống Covid-19. Trong thời gian này US-CDC nhận được báo cáo có 3,459 người bị “nhiễm đột phá” (breakthrough infection = được định nghĩa là phát hiện virus hay kháng nguyên SARS-CoV-2 sau 14 ngày, ở đường hô hấp của người đã hoàn tất tiêm vắc xin chống Covid-19 như khuyến cáo của FDA), với tỷ lệ: Phái nữ 1,691 (49%), trên 65 tuổi 2,642 (76%), không triệu chứng 617 (18%), nhập bệnh viện 3,275 ca (95%), tử vong 603 (17%).
Đây là số liệu của US-CDC thu thập thụ động nên có thể chưa đầy đủ, và ở Mỹ đa số là vắc xin mRNA.
Bốn, trong phần kết luận của tài liệu công bố trên The Lancet vào ngày 8-12-2020 có nói rằng vắc xin AZ có một độ an toàn chấp nhận được, và có hiệu quả làm giảm các trường hợp nhiễm virus Covid-19 có triệu chứng, không có trường hợp nào phải nhập viện hay trầm trọng trong nhóm tiêm chủng so với nhóm chứng. (Giảm tử vong và bệnh nặng).
Năm, về vấn đề ngăn ngừa lây nhiễm thì trong khi nghiên cứu vắc xin AZ người tham gia đã được phết mũi họng mỗi tuần và thấy rằng nhóm vắc xin có giảm 49,5% các trường hợp nhiễm không triệu chứng so với nhóm chứng.
Như vậy tiêm vắc xin giúp chúng ta được gì? GS TS Trần Tịnh Hiền cho rằng có 3 việc, thứ nhất, giúp những người bị nhiễm virus Covid-19 không bị nặng hay tử vong. Đây là điều quan trọng nhất, ở mức từ 60-70% (với vắc xin mRNA cao hơn, có thể 95%).
Thứ hai, giúp giảm bớt những trường hợp nhiễm trùng không triệu chứng và cũng ở mức 50-60% (đang chờ nhiều khảo sát để củng cố).
Thứ ba, qua hai lợi ích đó tạo ra một lợi ích to lớn hơn là miễn dịch cộng đồng cho dân chúng khi tỷ lệ tiêm chủng lên đến 70-80%.
GS TS Trần Tịnh Hiền nhận định: Ở bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM hay ở bất cứ cộng đồng nào đã tiêm vắc xin, nếu có xảy ra những trường hợp RT-PCR dương tính ở mức độ 5-10% thì không phải là sự thất bại của tiêm chủng. Theo thông tin đáng tin cậy thì những người dương tính ở bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là những người đang làm việc được phết họng và dương tính (chỉ có một số cảm thấy mệt mỏi hay sốt nhẹ)…
Ngoài ra không thể đòi hỏi vắc xin hiệu quả trên tất cả mục tiêu và 100%.
Với hai loại vắc xin tốt nhất hiện nay ở Mỹ và trên thế giới là Moderna và Pfizer nhưng vẫn có những trường hợp thất bại xảy ra. Tỷ lệ tai biến của vắc xin với nhiều hình thái lâm sàng là có tuy nhiên rất thấp và nguy cơ đó vẫn thấp hơn nhiều so với nguy cơ tử vong do Covid-19.
“Điều bây giờ bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cần làm là giới hạn tối đa sự lây lan cho gia đình, bạn bè và nhất là cho bệnh nhân trong viện. Điều này bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM chắc chắn đã biết và sẽ làm tốt.
Tác động tốt của vắc xin không thể chối cãi được đang được chứng tỏ ở Mỹ, Anh Quốc, Do Thái… và con đường duy nhất để thoát đại dịch là tiêm vắc xin có chất lượng tốt, càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt!
Đây là sự kỳ vọng có cơ sở khoa học: bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM sẽ vượt qua thử thách này!” – GS TS Trần Tịnh Hiền khẳng định.