Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao niềm tin tư pháp gãy vụn?

công lý

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Không thể triệu tập một ông ‘quan đầu huyện’, chứ chưa nói đến ‘quan đầu tỉnh’ ra tòa, vậy thì tư pháp độc lập ở chỗ nào?

 

Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Nhưng thực tế trưởng, phó cơ quan, tổ chức bị kiện vắng mặt gần như trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án.

Ngày 29-5-2021, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa có thông báo thụ lý vụ án hành chính “khiếu kiện hành vi hành chính về việc không giải quyết đơn khiếu nại” giữa người khởi kiện là ông Nguyễn Văn Độ 62 tuổi, nguyên phó chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hòa, và người bị kiện là chủ tịch UBND TP Nha Trang và chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

“Theo quy định của Luật Khiếu nại, sau khi nhận đơn khiếu nại của công dân, người có thẩm quyền giải quyết phải thụ lý đơn khiếu nại, tổ chức đối thoại và sau đó ban hành quyết định giải quyết.

Tuy nhiên, cả chủ tịch UBND TP Nha Trang và chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa không giải quyết khiếu nại của tôi theo đúng trình tự quy định. Do đó, tôi khởi kiện ra tòa án giải quyết” – ông Nguyễn Văn Độ cho biết như vậy.

Ông Độ hoàn toàn có lý vì pháp luật trao cho ông quyền lực này.

Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ nỗi niềm, rằng khi có đại diện người bị kiện tham gia, luật sư bên khởi kiện có thể hỏi thẳng nhiều vấn đề khúc mắc trong quyết định hành chính, làm căn cứ quan trọng để tòa tuyên án sau này. Ngược lại, nếu chỉ có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tham gia, luật sư chỉ đưa ra quan điểm tranh tụng, không được hỏi.

“Các vụ án hành chính ở huyện rất nhiều, hầu hết về đất đai. Chủ tịch và phó chủ tịch huyện không có thời gian thu xếp đi dự mà chỉ cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tham dự” – một ‘bị đơn’ biện minh.

‘Bị đơn’ đã ‘lách’ ở đây bằng việc cử người đại diện được quy định ở điều luật 158 “Xét xử trong trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa” của Luật Tố tụng hành chính 2015, tu chỉnh 2019, rằng tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây: 1. Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt; 2. Người khởi kiện, người bị kiện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa.

Ý kiến về thực trạng này, cựu Viện trưởng Viện kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính (Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội), ông Vũ Quang Huy, thì từ thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính cho thấy, những vụ án nào người bị kiện trực tiếp tham gia phiên tòa thì chất lượng tranh tụng cao, bản chất vụ án nhanh chóng được làm sáng tỏ.

Nhiều vụ án thông qua tranh tụng có sự tham gia đầy đủ của các bên đương sự đã làm thay đổi cục diện của việc tranh chấp, do các bên đã nhận thức rõ hơn về vấn đề đang tranh chấp dẫn đến việc người khởi kiện thay đổi yêu cầu khởi kiện hoặc tự nguyện rút đơn khởi kiện; có trường hợp người bị kiện sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính do nhận thấy có vi phạm.

“Như vậy, để án kiện hành chính được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật thì sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của người bị kiện trong quá trình giải quyết vụ án hành chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Các cơ quan hành chính nhà nước và các cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi tham gia tố tụng với tư cách người bị kiện cần nhận thức việc tham gia tố tụng để giải quyết án kiện hành chính cũng chính là để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, bức xúc trong công tác quản lý hành chính của chính quyền địa phương, góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, cơ quan, tổ chức và bảo đảm các điều kiện để ổn định và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Bên cạnh nhận thức và ý thức tự giác của người bị kiện, pháp Luật Tố tụng hành chính cũng cần quy định chế tài đủ mạnh để người bị kiện phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng cứ, tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa” – cựu Viện trưởng Viện kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính (Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội), ông Vũ Quang Huy kiến nghị.


Tin bài liên quan:

VNTB – Có đúng là Tô Lâm đang tự tung, tự tác?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Luật sư xúi dân ‘hành động’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bị hại vắng mặt ở phiên xét xử hình sự vì sợ có ‘huông’?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo