Tử Long
(VNTB) – Kiểm soát ngân hàng SCB sau vụ Vạn Thịnh Phát để bảo vệ người gửi tiền.
Đó là giải thích của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội – ông Nguyễn Minh Sơn. “Mong báo chí phản ánh đến người dân, các doanh nghiệp yên tâm vì việc kiểm soát các vấn đề, hoạt động của ngân hàng phải đảm bảo cho người gửi tiền” – ông Nguyễn Minh Sơn kêu gọi tại họp báo chiều ngày 17/10/2022.
Thuần giác độ pháp luật tài chính, “kiểm soát đặc biệt” đối với ngân hàng SCB là một trong các biện pháp quản lý nhà nước do Ngân hàng nhà nước Việt Nam áp dụng đối với tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng SCB này có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán, nhằm đảm bảo an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo quy định tại Điều 145 Luật các tổ chức tín dụng 2010 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 27 Điều 1 Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017, thì các trường hợp đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt được quy định cụ thể như sau:
“Tổ chức tín dụng được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong các trường hợp sau đây:
– Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
– Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;
– Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 130 của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục;
– Xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng, các biện pháp dự kiến áp dụng để khắc phục và các đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước”.
Điều 149 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì Ngân hàng Nhà nước có quyền trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước quy định tại khoản 2 Điều này (*), hoặc khi Ngân hàng Nhà nước xác định số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có thể gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
Như vậy với những gì đang diễn ra tại ngân hàng SCB, hiểu đơn giản nhất theo cách mà Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội – ông Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh ở phần đầu bài viết này, thì vẫn đang có đe dọa về “mất khả năng chi trả” của ngân hàng SCB, được hiểu trên căn cứ khả năng chi trả của tổ chức tín dụng này được xác định bằng tỉ lệ giữa tài sản “Có” có thể thanh toán ngay so với các loại tài sản “Nợ” phải thanh toán tại thời điểm nhất định của tổ chức tín dụng.
+ Chú thích:
(*) Điều 149.2 “Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu chủ sở hữu tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, nếu chủ sở hữu không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn”.
1 comment
Cẩn thận củi lửa!