Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học?

Hiền Vương

 

(VNTB) – Gần 316.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Kết thúc thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo mở lại hệ thống, khoảng 75.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng và thêm 4.000 thí sinh đăng ký.

Như vậy nhìn tổng thể thì vẫn có khoảng gần 316.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh phải thực hiện ba lần đăng ký xét tuyển “bắt buộc”: lần đầu từ ngày 4 đến 13-5-2022 thí sinh phải đăng ký dự thi đồng thời có đăng ký xét tuyển; lần hai, có thể trước hoặc sau lần đầu, theo lịch quy định của trường, thí sinh phải đăng ký xét tuyển tại trường đại học; lần ba tất cả thí sinh đã đăng ký xét tuyển tại trường bằng bất kỳ phương thức nào cũng phải đăng ký xét tuyển lại trên hệ thống xét tuyển chung.

Hiện chưa thống kê được hết số lượng thí sinh đã đăng ký xét tuyển lần ba trên hệ thống nhưng chưa đăng ký xét tuyển lần hai tại trường, hoặc ngược lại, có đăng ký xét tuyển lần hai tại trường nhưng không đăng ký xét tuyển lần ba trên hệ thống.

Ghi nhận những ý kiến chung quanh vấn đề này, như sau:

Trước hết, với học phí bắt đầu tăng chóng mặt từ lý do “đại học tự chủ”, cộng chi phí đắt đỏ tại các đô thị, tốt nghiệp đại học vẫn thất nghiệp… chi bằng chọn đi học nghề rồi đi làm hoặc xuất khẩu lao động, là con đường ngắn nhất có thể tự chủ cuộc sống và giúp đỡ gia đình. Vậy là sẽ từ chối đăng ký xét tuyển đầy rối rắm như kể trên.

Cùng với lý do trên, đó là chuyện thu nhập của người dân ở vùng nông thôn, khi mà cả nhà chưa đủ sức nuôi con học đại học ở các thành phố lớn. Hơn nữa đại dịch Covid-19 khiến thu nhập các gia đình nghèo ở thành thị gặp nhiều khó khăn… kinh phí đâu để tiếp tục cho con em mình tiếp tục học đại học, chứ đừng nói chi tới việc sắp sửa vào đại học năm đầu tiên ở mùa tuyển sinh hiện tại.

“Học phí quá cao so với thu nhập nên thí sinh không muốn vào, chính xác là không có tiền để đóng học phí nên ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ giảng đường đại học” – “Chi phí bỏ ra 4 năm đại học khá lớn mà ra trường thì bấp bênh. Nhiều em sẽ chọn đường học nghề, xuất khẩu lao động hoặc vào những xí nghiệp phổ thông. Mấy nay đọc báo thấy lương công chức, viên chức oải quá, nên học sinh chạy hết cũng đúng” – “Học phí đại học không phải gia đình lao động nào cũng có thể đáp ứng được, rất đau đầu khi tính toán cho chặng đường dài phía trước”… nhiều ý kiến cùng góc nhìn như vậy.

Với 941.759 thí sinh có dự kiến đăng ký xét tuyển đại học khi đăng ký dự thi, nhưng để rồi chỉ có 620.522 thí sinh xác nhận đăng ký xét tuyển trên hệ thống, thì đó quả là con số cần thiết phải gióng lên tín hiệu khẩn cấp S.O.S cho những nhà quản lý giáo dục nước nhà.

“Vào đại học và có bằng đại học đâu phải là con đường duy nhất để lập nghiệp. Hiện nay, nhu cầu thợ lành nghề đang rất cao. Chính vì vậy, nếu thấy năng lực không phù hợp học đại học mà phù hợp với học nghề hơn thì việc xác định và đăng ký học nghề ngay từ đầu cũng là một lựa chọn tốt” – một lãnh đạo ngành giáo dục đã nhận xét như vậy.

Tuy nhiên lại có một thống kê cần lý giải, đó là vì sao tỷ lệ du học đang khá cao, và đã có khoảng 100.000 sinh viên đang học tập ở nước ngoài.

Theo quan sát của người viết thì tin tức báo chí đăng về việc học phí đại học công lập lẫn tư thục sẽ vẫn tiếp tục tăng cao mới là điều mà thí sinh cân nhắc trong quyết định đăng ký xét tuyển.

Bởi ở năm thứ nhất hiện có nhiều trường đại học tư thục đưa ra chính sách hỗ trợ học phí như chiêu thức thu hút thí sinh, thế nhưng chuyện học phí này sang năm thứ hai và các năm sau đó nữa lại cao chót vót; và “đâm lao – theo lao” ở đây là điều rất cần cân nhắc để tránh dang dỡ cho công sức, thời gian của những người trẻ ở thời “gì cũng khó” này.

***

Tối 24-8-2022, Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố phân tích dữ liệu thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học năm 2022.

Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, điểm khác biệt căn bản trong việc đăng ký xét tuyển năm 2022 là thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT).

“Số liệu năm 2022 thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học, mong muốn vào học đại học sau khi đã có đầy đủ thông tin về kết quả thi tốt nghiệp THPT (kể cả điểm sau phúc khảo). Đây là tín hiệu tích cực thể hiện các định hướng và quyết định chủ động của thí sinh khi có đủ thông tin”, bộ nhận định.

Theo số liệu thống kê, năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống là 642.270; năm 2021 số lượng là 794.739. Theo đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% và chỉ giảm 3,4% so với năm 2020.

Tin bài liên quan:

VNTB – Vắc xin Pfizer và Moderna sẽ dồn dập về Tân Sơn Nhất

Phan Thanh Hung

VNTB – Yêu cầu độc lập và yêu cầu phản tố trong vụ án dân sự ở Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – “Phản biện xã hội” là ‘sản phẩm’ của dân chủ hóa đời sống chính trị

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.