Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam luôn thấp?

Loan Thảo

(VNTB) – Tín hiệu báo động, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam hiện tại là cao nhất so 10 năm trở lại đây.

 

Số liệu được công bố vào ngày 10-7-2020 của Tổng cục Thống kê, có những đoạn như sau (1):

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm 2020 là 51,8 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua. Trong đó, lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và lao động nữ, số người có việc làm ở khu vực nông thôn giảm 1,8 triệu người so với quý trước và gần 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động nữ giảm 1,2 triệu người so với quý trước và giảm 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động có việc làm ở ba khu vực kinh tế đều giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Lao động trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 17,0 triệu người (chiếm 32,9%), giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm gần 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước; khu vực Công nghiệp và xây dựng là 16,0 triệu người (chiếm 30,9%), giảm 497,4 nghìn người so với quý trước và giảm 287,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực Dịch vụ là 18,7 triệu người (chiếm 36,2%), giảm 778,1 nghìn người so với quý trước và giảm 642,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động có việc làm trong quý II năm 2020 giảm tương ứng so với mức giảm của lực lượng lao động. Điều này cho thấy, dịch Covid-19 đã làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan, đặc biệt là trong tháng 4 năm 2020 khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm túc và triệt để. Một số ngành có số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 324,6 nghìn người); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 156,9 nghìn người); ngành giáo dục và đào tạo (giảm 122,7 nghìn người); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (giảm 120 nghìn người).

Lao động trong một số nghề giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: nghề lao động giản đơn giảm gần 1,5 triệu người, tương ứng giảm gần 8%; nhóm thợ thủ công và các thợ có liên quan giảm 515 nghìn người, tương ứng giảm 6,6%; lao động trong nhóm nghề chuyên môn kỹ thuật bậc trung giảm hơn 322 nghìn người, tương ứng giảm 16,5%”.

Với những dẫn chứng số liệu ở trên, Tổng cục Thống kê cho rằng tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, trong đó tỷ lệ thất nghiệp tăng nhiều nhất ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2020 là 2,73%.

Trả lời báo chí về lý do tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam ở mức thấp so với nhiều nước, bà Vũ Thị Thu Thủy Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động, cho rằng: Tỷ lệ thất nghiệp bình thường các năm trước của Việt Nam là ở khoảng 2%. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 2,73% đối với lao động từ 15 tuổi trở lên. Đó cũng không hẳn là con số thấp. Còn nếu tính tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị là 4,46%, đây là là con số khá cao (2).

Nếu hiểu câu trả lời của bà Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động, trong việc làm một so sánh tỷ lệ thất nghiệp giữa các quốc gia, sau đó tiếp tục tin rằng ‘mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam’ (3), sẽ là điều vô nghĩa; vì việc so sánh tỷ lệ thất nghiệp giữa các quốc gia có đặc điểm xã hội, kinh tế và thể chế rất khác nhau là khập khiễng, và có thể dẫn đến những thông điệp sai lầm.

Tổ chức Lao động Quốc tế tại Châu Á – Thái Bình Dương, phân biệt như sau:

“Tỷ lệ thất nghiệp thấp có thể không thể hiện được tỷ lệ nghèo, bởi vì tỷ lệ thất nghiệp cao thường chỉ có ở các nước phát triển với tỷ lệ nghèo thấp.

Ở những quốc gia với những hạn chế về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các phúc lợi xã hội khác, đơn giản là nhiều người không thể tồn tại nổi nếu bị “thất nghiệp”. Họ phải tìm kế sinh nhai bằng mọi cách, và thông thường họ chấp nhận làm những công việc chất lượng kém, trả lương thấp trong nền kinh tế phi chính thức, hoặc chấp nhận những thỏa thuận làm việc một cách không chính thức.

Ngược lại, ở những nước phát triển với hệ thống bảo trợ xã hội tiên tiến và mức sống cao hơn, người lao động có thể tồn tại trong hoàn cảnh thất nghiệp và dành thời gian đi tìm những công việc mà họ mong muốn”.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế tại Châu Á – Thái Bình Dương, thì việc theo dõi thị trường lao động ở các nước đang phát triển như Việt Nam, cần có những chỉ số thể hiện được chất lượng việc làm. Chẳng hạn, những chỉ số này bao gồm tỷ lệ lao động nghèo, tỷ lệ việc làm dễ bị tổn thương, tỷ lệ nền kinh tế phi chính thức, tỷ lệ ngành nông nghiệp trong số việc làm, năng suất lao động và lương bình quân.

________________

Chú thích:

(1) https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=382&idmid=2&ItemID=19674

(2) https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/luc-luong-lao-dong-giam-sau-ky-luc-656571.html

(3) https://tuoitre.vn/may-den-phu-len-toan-cau-nhung-mat-troi-van-dang-toa-sang-o-viet-nam-20191230130828826.htm

Tin bài liên quan:

VNTB – Khi quyền lợi người lao động: phụ nữ mang thai 7 tháng đâm đơn kiện doanh nghiệp

Phan Thanh Hung

VNTB – Bảo hiểm xã hội: ai hơn ai thiệt?

Phan Thanh Hung

VNTB – Hồ sơ: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tái lập ban báo chí và xuất bản

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo