Hoài Nguyễn
(VNTB) -Trong dự luật công đoàn sửa đổi, phía soạn thảo là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục giữ con số phí công đoàn là 2%. Vì sao là 2% thì chưa thấy giải thích, mà chỉ nói rằng từ năm 1957 đã thu kinh phí 2% ổn định cho tới nay.
Luật Công đoàn năm 2012 có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Tài chính, tài sản công đoàn được quy định cụ thể từ Điều 26 đến Điều 29 trong Luật, bao gồm các quy định: Tài chính công đoàn (Điều 26); Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (Điều 27); Tài sản công đoàn (Điều 28); Kiểm tra, giám sát tài chính công đoàn (Điều 29). Ngay sau khi có Luật Công đoàn năm 2012, Tổng Liên đoàn đã tổ chức triển khai tới các cấp công đoàn.
Khoản 2, Điều 26 Luật Công đoàn 2012 quy định: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”.
Đủ kiểu thu phí công đoàn
Theo cơ quan quản lý, thì vấn đề quy định về tài chính công đoàn trong Luật là cần thiết nhằm bảo đảm cho các cấp công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Tài chính công đoàn được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, gồm: (1) đoàn phí công đoàn (ĐPCĐ) do đoàn viên đóng, (2) kinh phí công đoàn (KPCĐ) do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng, (3) ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ, (4) các khoản thu khác (trong đó, có thu từ hoạt động kinh tế công đoàn).
Luật Công đoàn năm 2012, Nghị định 191/2013/NĐ-CP và các quy định về tài chính của tổ chức công đoàn đã quy định rõ nguồn thu của tổ chức công đoàn, trong đó quy định cụ thể đối tượng đóng KPCĐ là 2% không phân biệt doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả đơn vị chưa có tổ chức công đoàn.
Theo báo cáo giải trình tài chính về nguồn chi của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thì tổng thu trong 7 năm (từ năm 2013 đến năm 2019) là 100.353 tỷ đồng, trong đó đoàn phí công đoàn là 25.250 tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng số thu; kinh phí công đoàn là 62.825 tỷ đồng, chiếm 62,6% tổng số thu; ngân sách nhà nước hỗ trợ 332 tỷ đồng và các khoản thu khác là 11.946 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng số thu.
Báo cáo cũng cho biết, thu tài chính công đoàn trung bình mỗi năm tăng 12%. Tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 so với năm 2012 tăng 2,3 lần, trong đó thu kinh phí công đoàn tăng 2,57 lần, đoàn phí công đoàn tăng 2,26 lần, thu khác tăng 1,24 lần. Kết quả này có được là do, một là quỹ tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí và kinh phí công đoàn tăng (do lương cơ sở, lương tối thiểu vùng, số lao động tại các cơ quan đơn vị tăng dần qua các năm);
Hai là, Tổng Liên đoàn đã đổi mới công tác thu tài chính công đoàn như: Giao dự toán kịp thời, đúng quy định; phối hợp cùng Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam lập dự toán thu cho các đơn vị theo số liệu lao động và quỹ lương đóng BHXH từ đó làm căn cứ xây dựng dự toán số thu KPCĐ và ĐPCĐ; phối hợp với các cơ quan chức năng như cơ quan Thuế, Tòa án, Thanh tra,… để đôn đốc thu kinh phí công đoàn…
Xài tiền thu từ mồ hôi nước mắt của doanh nghiệp ra sao?
Sở dĩ nói đây là tiền mồ hôi nước mắt của doanh nghiệp, vì ở Việt Nam có quy định doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị dù thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) hay không đều phải đóng KPCĐ hàng tháng, với mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động.
Về chi tài chính công đoàn từ năm 2013 đến năm 2019, báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tổng số chi tại các cấp công đoàn là 76.955 tỷ đồng. Trong đó, số chi tập trung nhiều nhất tại cấp CĐCS 56.336 tỷ đồng, chiếm 73,2 % tổng chi; số chi tại cấp quận, huyện và đơn vị sự nghiệp là 11.649 tỷ đồng, chiếm 15,1% tổng chi; số chi tại cấp tỉnh, ngành 8.395 tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng chi; số chi tại cấp Tổng Liên đoàn 575 tỷ đồng, chiếm 0,8% tổng chi.
Nội dung chi tại các cấp công đoàn trong giai đoạn 2013-2019 như sau:
Tại cấp Tổng Liên đoàn, chi cho hoạt động chiếm 36,3%; chi lương, phụ cấp chiếm 30,1%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn tài sản cố định (TSCĐ) 13,3%; chi quản lý hành chính 20,3%.
Tại cấp tỉnh ngành, chi cho hoạt động chiếm 34,5%; chi lương, phụ cấp chiếm 28,6%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn TSCĐ 19,9%; chi quản lý hành chính 16,5%; chi hoạt động tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở 0,5%.
Tại cấp quận huyện và đơn vị sự nghiệp, chi cho hoạt động chiếm 44%; chi lương, phụ cấp chiếm 34,5%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn TSCĐ 5%; chi quản lý hành chính 15,7%; chi hoạt động tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở 0,8%.
Tại cấp CĐCS, cơ bản chi chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động với tỷ trọng chi là 81,5%; chi lương, phụ cấp chiếm 13,1%; chi quản lý hành chính chỉ chiếm 5,2%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn TSCĐ chiếm tỉ trọng rất nhỏ, chỉ 0,2%.
Nội dung chi hoạt động tại các công đoàn cấp trên trực tiếp trở lên cũng chủ yếu là cho các hoạt động chăm lo, bảo vệ đoàn viên và người lao động tại CĐCS.
Tại các doanh nghiệp chưa thành lập CĐCS, từ năm 2013 đến năm 2019, tổng số chi tại nơi chưa thành lập CĐCS là 223 tỷ đồng. Số còn lại chưa chi tại nơi chưa thành lập CĐCS sẽ được công đoàn cấp trên trả lại cho CĐCS khi được thành lập.
Từ các con số báo cáo công khai ở trên cho thấy dường như số tiền thu được từ 2% quỹ lương của doanh nghiệp, phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chủ yếu dùng để nuôi bộ máy hành chính của mình trong vai trò làm nhiệm vụ chính trị là chủ yếu.
Rất vô lý khi không giải trình vì sao lại là 2% quỹ tiền lương của doanh nghiệp?
Trong hoàn cảnh độc quyền về công đoàn cho thấy mặc dù lâu nay không có bất kỳ cơ quan quản lý nào đưa ra giải thích lý do vì sao chọn con số 2%, tính trên tổng quỹ lương của doanh nghiệp, bất chấp doanh nghiệp không thành lập tổ chức công đoàn, thì người ta đành chấp nhận như một thứ thủ tục tài chính. Nay đã bắt đầu có được quyền tự do công đoàn, tức có sự cạnh tranh về công đoàn, thì mức phí là bao nhiêu, hoàn toàn là thỏa thuận dân sự cụ thể ở từng tổ chức công đoàn đó.
Bộ luật Lao động 2019 đã cho phép ở doanh nghiệp, bên cạnh CĐCS thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, còn có thể thêm tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, mà quyền và trách nhiệm của tổ chức này trong quan hệ lao động được đảm bảo bình đẳng với tổ chức công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Do đó, nếu vẫn tiếp tục giữ mức trích bắt buộc là 2% trên quỹ lương của doanh nghiệp, thì cần sòng phẳng tách biệt về con số 2% này là cụ thể các đoàn viên gia nhập tổ chức công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Còn các tổ chức công đoàn độc lập, họ được quyền tự do thỏa thuận về người lao động về mức gọi là đoàn phí này. Và trên hết, phía chủ doanh nghiệp chấm dứt trách nhiệm phải trích đóng một cách rất chung chung về khoản phí công đoàn bằng 2% quỹ lương.
Được biết, phía chấp bút soạn thảo dự luật công đoàn sửa đổi là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đưa ra 3 giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề liên quan đoàn phí, và dù là phương án nào, phía soạn thảo vẫn tiếp tục không đưa ra lý do vì sao lại chọn con số 2%:
Phương án 1: sửa đổi, bổ sung quy định về chia sẻ kinh phí công đoàn tại khoản 2, Điều 26 Luật Công đoàn như sau:
“2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đối với doanh nghiệp có từ 02 tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trở lên, mức phân bổ kinh phí này cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Chính phủ”.
Phương án 2: Sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ trích kinh phí công đoàn tại khoản 2 Điều 26:
“2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. 70% số thu kinh phí này được giao cho công đoàn cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.”
Phương án 3: giữ nguyên quy định hiện hành.
Câu ‘chốt hạ’ của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, là lựa chọn phương án 1.
Dù lựa chọn phương án nào, trên cương vị là một người đang công tác trong ngành luật, tác giả bài viết này khẳng định nếu tiếp tục không có sự giải thích khoa học về con số 2%, thì việc duy trì kinh phí công đoàn 2% là không phù hợp với Công ước số 98 về áp dụng nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Khoản 2 Điều 2 Công ước này quy định: “Những hành vi được coi là can thiệp vào nội bộ theo định nghĩa của Điều này, trước hết là những hành vi nhằm dẫn tới việc tạo ra những tổ chức của người lao động được sự chế ngự của một người sử dụng lao động hay một tổ chức của người sử dụng lao động, hoặc nhằm nâng đỡ những tổ chức của người lao động bằng tài chính hay bằng những cách khác, với ý đồ đặt các tổ chức đó dưới sự điều tiết của những người sử dụng lao động hay của những tổ chức của người sử dụng lao động”.