Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vị Xuyên và thế sự Việt – Trung (kỳ 9): Trận Nậm Nàng trên đường số 4

 Ghi chép của Khắc Hùng

 

Trận Nậm Nàng trên đường số 4

 

Bố trí ổn định xong, tôi gặp dân quân địa phương để hiểu cho công việc ngày mai. Họ nói từ đó ra Nậm Nàng đi đường tắt luồn rừng khoảng 3 giờ coi như gần hết buổi sáng. Mấy hôm nay ngoài đó đánh to vì nhiều tiếng nổ lớn. Trở về nằm, nỗi lòng lo lắng và hiểu vì sao nó đẩy mình ra mình hướng này… Tại sao? Mình đơn độc ? Ai hỗ trợ mình đâu khi xung đột không hiệp đồng… Sự cố xảy ra thì tự lo tự liệu trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Hơn hai chục con người xử lý ra sao trong từng tình huống… nếu… nếu… nếu… Chỉ nghe thấy tiếng nổ tức trong đội hình là có thằng đi vì dẫm mìn… Mọi trường hợp tôi đều lường trước, chấp nhận thôi. Tình người! Trách nhiệm!  Đâm lao phải theo lao… Oán trách nó đẩy mình vào đội hình đơn lẻ và xa lạ quá. Không ai chi viện và hỗ trợ bao lót cho mình.Chiến đấu trong vòng vây quân Tàu là chắc. Sống mòn trong cảnh này rồi tiêu hao dần và sẽ bị xoá sổ là chắc….Kệ, muộn rồi, ngủ chút…. Cứ lơ mơ chập chờn chờ lúc đó sẽ ra sao, như thế nào rồi xử lý… Nước cờ đời là đây. Đòn cân não quá… Nhiệm vụ trong đội hình B còn có hai tiểu đội nữa gần mình còn chia lửa, giờ mình với anh em đi hướng mới …Vì đâu? Tại sao? Như thế nào? Rồi sẽ ra sao…

Sáng dậy là ăn và chuẩn bị đồ ăn theo, có dân quân đến dẫn đường ra khu vực có Tàu đóng chốt.. Điều nghiên thấy còn ít lố nhố vài thằng ở đầu mom chỗ đường cong thôi, công sự trống trải như chúng đã di chuyển vì mấy hôm rồi khu này đánh lớn…Hội ý anh em, tôi quyết cho đồng đội luồn xuống dưới và lên trên hình cánh cung bắn vào đầu mỏm núi… Mỗi thằng hết vài đợt nhưng chưa hết băng đạn. Không thấy chống cự và hai bên đầu mỏm đường 4 vẫn vắng tanh. Bên kia đường đối diện cũng không có địch… Cảm thấy an toàn tôi, dẫn lính xuống mỏm không còn ai. Thấy chúng vứt lại một quả đạn B 40 và súng AK..( không nhớ là một khẩu hay hai khẩu ); Rồi lựu đạn chày cán gỗ, đạn… Vòng vào cửa nhà còn vách thấy bếp còn nóng và trong nồi còn gần láng đáy hạt ngô bung… Một quả lựu đạn cán gỗ treo sát giữa xà cửa và dưới đất có sợi dây căng ngang… Tôi còn nhớ một thằng định đưa tay lên tôi liền hết lớn: Từ từ…mìn…

Tôi lần theo sợi dây vào trong cửa còn một quả nữa gài, gỡ ra thấy đáy cán gỗ có vành sơn đỏ. Gỡ tiếp quả treo lủng lẳng thì cắt dây buộc vào nụ xòe trước là an toàn rồi mới cắt dây buộc treo. Chắc chỉ còn vài thằng chốt lại bị bọn tôi nổ súng rộng hình vòng cung nên chúng chạy mất. Anh em tản ra cảnh giới xung quanh. Không biết chúng chạy đâu nhanh thế. Thu chiến lợi phẩm làm bằng chứng về nộp. Nhanh chóng thu quân, rút nhanh cho lành… Chúng tôi chuồn êm vào rừng, cắt đường ra đường mòn vào sâu phía trong là hậu cứ của mình, bảo toàn quân số và niềm vui cười vào mũi có thằng chơi đểu…

Anh em vui vẻ hồ hởi còn tôi lâng lâng với chiến thắng đơn độc nhưng nhẹ người với câu chuyện chiều qua: Mão rút súng lên đạn trước mặt Oanh với tiểu đội tôi …Thật lòng tôi cay lắm nhưng hôm nay trời có mắt… Dã tâm chúng mày đẩy anh em bố vào chỗ chết nhưng không ai bị sao. Bọn này phải đề phòng hơn. Vận động phải ngang với nó không được vượt lên nó bắn mình ở phía sau ai biết trong lúc loạn xạ bắn nhau. Bây giờ chúng mày định mượn tay Tầu giết bố mày hả…Người tính không bằng trời tính, mưu sự tại Nhân thành sự tại thiên…. Những câu chữ Nho tôi biết từ nhỏ vì nhà nhiều sách cổ… Từ Tam quốc diễn nghĩa, Thuỷ Hử, sách thuốc… Nhiều loại sách lắm lắm .

Lại nói về chuyện biết nhiều này…Tháng 11-1978 tôi về trường Quân chính Quân khu 1 học… Ở nhà dân xóm Gốc Vối Cao Ngạn một thời gian, hôm đó sang nhà ông hàng xóm chơi với anh em ở đó… Qua lại chuyện trò hỏi thăm ông biết mình quê Hải Phòng, ông nói trước ông cũng làm ở Hải Phòng gần Cảng…Ông nói dân Hải Phòng các anh toàn ăn cắp… Trời… Ông vả vào mặt mình luôn trước mấy người bạn bộ đội, lại người ở cùng xóm…Mặt mình nóng bừng rồi mình thưa lại: Vâng lứa tuổi ông hồi đó khác, lứa tuổi cháu khác ông à…Mình nhá luôn câu nói chữ Nho: “Lão ô bách tuế bất phượng hoàng sơ sinh”, nghĩa là con quạ đen sống trăm năm không thể sánh với con phượng hoàng mới đẻ. Ông già trợn mắt nhìn mình. Dù hơi hoảng vì mình mới 20 tuổi, lại bộ đội mới đến cần phải làm tốt công tác dân vận, quan hệ giữa quân và dân, ra về rồi mà cũng lo lo…

(Cách đây 2 năm tôi quay lại xóm Gốc Vối xưa khi chắp nối lại thông tin, tôi lên vào ngày giỗ bà chủ nhà tôi ở, cả hai ông bà đã mất và hỏi thăm đến ông cụ này thì cũng đã mất rồi. Đời người nhanh thế… Lại nhớ bài hát “60 năm cuộc đời”… 20 năm đầu… 20 năm sau…. và 20 năm cuối…”)

Lại kể tiếp, chiều đó rút quân từ Nậm Nàng về sâu trong hậu cứ, gặp bọn trinh sát kể lại là hôm qua đánh vũ khí mới ngoài Nậm Nàng nên Tàu chết nhiều và rút chạy…Bọn nó nói gùi mấy quả bộc phá to gài sẵn ở địa hình và chờ Tầu tập trung thì cho nổ bằng sóng vô tuyến…lúc đó là rất hiện đại rồi do chuyên gia Liên Xô giúp đỡ… Loại thuốc nổ này sóng xung kích bán kính hàng km nếu địa hình bằng phẳng, chắc không phải thuốc nổ C4 như hồi đánh Mỹ mà phải loại mới hơn …Trên địa hình đồi núi Nậm Nàng, bọn Tàu cũng ăn đủ mấy quả này rồi ( bọn mình không biết được chúng chết bao nhiêu) chúng rút chạy luôn về nước …Ngày hôm sau bọn chúng tôi mới đến là vậy, chứ không thì chúng tôi cũng ăn đủ vì lúc đó lính Tàu còn đông và mình đơn độc chưa có liên kết với các đơn vị bạn chiến đấu ở đó…

Gặp lại Van Cuong Phung là trinh sát đợt đó của E tham gia trước rồi, bọn mình đến hôm sau .. Về đến bản trong hậu cứ lúc đó trời đã chiều muộn, chúng tôi quyết định nghỉ nhờ nhà dân vì khu vực an toàn. Cả bọn bàn nhau nhậu. Thằng nào còn Tiền nhỉ? Góp hết còn mấy tờ thì thằng Ngân Hải Phòng cởi luôn chiếc áo len cao cổ dồn vào, đổi được một con chó và được hũ rượu nữa, thế là cả bọn ăn mừng cùng một buổi tối còn ngày mai ra sao chưa biết. Vui được thì vui, cười được thì cười, sống lúc nào biết lúc ấy thôi… Thân nhất có Tươi, Ngân, Huệ trong A…Nhâm, An, Hà, toàn lính Tân Yên Hà Bắc … Tôi cùng cả A đã gắn bó từ ngày ở Ngân Sơn đến giờ, nay thêm hơn chục thằng ở các B nữa …toàn bọn bựa nên vui lắm… Rồi mấy đứa giờ mình quên tên vui vẻ chuyện trò đến khuya thì đi ngủ, cắt gác cẩn thận. Cả bọn lăn quay ra …

Chợt khoảng 1 h đêm, tôi trở mình thức giấc tan hơi rượu, nhổm dậy thì thấy tất cả lăn quay ngủ hết.Tuổi trẻ nó vậy. Không một thằng nào gác. Sợ vãi hồn… Gọi cả bọn dậy và mắng cho một trận vì bỏ gác nhỡ có thám báo lọt vào thì không một thằng nào thoát chết. Mỗi thằng một nhát là im re… Nó Không cần nổ súng, thêm một phen hú hồn nữa nên cả bọn tỉnh rượu thức đến sáng nói phét mọi chuyện tào phào các kiểu rồi tiếu lâm, chuyện quê hương làng xóm rồi đến sáng mới tan. Vụ này tôi nhớ đến giờ… Suýt trả giá ngu ngơ không đáng có hay tại số trời mà bọn tôi cũng còn may. Ừ trong lúc chiến đấu mọi chuyện xảy ra sáng lại đi về, qua trưa về đến C báo cáo và nộp vũ khí chiến lợi phẩm và trả lại tấm bản đồ… Mão C trưởng và Oanh B trưởng không nói gì nhiều. Coi như biết thế…à ơi …( tâm địa chúng mày bố biết rồi).. rồi bảo cả bọn về nghỉ chờ nhiệm vụ mới…

Khoảng gần tối thức giấc thấy ngoài đường mòn dưới chân gầm sàn nhốn nháo, mình xuống thấy đám quân đi qua … Hỏi mới biết bọn nó vừa chạy về do bị thua và tổn thất nặng bỏ cả vũ khí tháo kim hỏa cầm theo người ám mùi súng đạn và nhếch nhác…Gặp ngay một thằng nói chuyện hỏi thăm thì nó bảo nó lính Hải Phòng. Gặp ngay đồng hương, mình hỏi nó khu nào …địa danh…địa điểm thì ra nó xã dưới mình nên mới biết kỹ vậy chứ không phải dân gốc không biết nổi như Cầu Bình Kiều, Cầu Bà Sáu hay đoàn hải quân 128. Hóa ra nó ở xã Đông Hải tên là Cao, lính 8-1978…Còn ít đồ ăn nhẹ và mình còn một bộ quần áo liền mang cho nó vì bộ nó mặc te tua tả tơi rồi…rồi nó theo đơn vị đi.. Sau này về quê anh em có gặp lại nhau nữa vì còn sống cả… Hôm đó tiếng súng vẫn ầm ỳ xa gần suốt đêm, bọn tôi không được ngủ đêm đó có nổ súng nhưng sáng sau nghe tin có cán bộ C cạnh đó kiểm tra chốt gác, bị lính mình hoảng hốt cbắn nhầm… Miệng hỏi tay bóp cò hầu như không còn vấn vương nhiều chuyện sống.. chết… bị thương …máu thịt… hay gì gì đó nữa…Chuyện qua luôn và lại công việc trước mắt của mỗi người, nhiệm vụ của đội, của nhóm mình lúc đó…

 

Mùi xác chết

 

Chiến đấu trực tiếp là vậy, người sau cứ đi, cứ tiến, không biết việc tiếp sau người ở lại do bị thương hay hy sinh nữa. Chiến đấu và chiến thắng, hai bên chiến tuyến tìm cách diệt nhau bằng mọi cách và mọi phương tiện vũ khí có trong tay vì lòng căm thù và khi mình bị khổ cực.. Bạn mình bị hy sinh và bị thương vì tầm nhìn và suy nghĩ của thằng lính là trước mắt… Phải diệt bằng được kẻ thù… Bọn mình không biết và không suy nghĩ được rộng và chiến lược chiến thuật cũng như thuận lợi hay khó khăn và mọi thông tin tình hình cuộc chiến xung quanh…Nhận nhiệm vụ và tìm cách hoàn thành nhưng mình còn sống, tên bay đạn lạc vào ai, chỗ nào, lúc nào…Sống và chết trong giây phút mà thôi, kêu được tiếng… Có thể đó là tiếng nói và nghe thấy cuối cùng của đời mình…Nghe thấy tiếng nổ to gần mình có thể là âm thanh cuối cuộc đời trước khi tan xác…Người lính trở nên chai sạn và lỳ lợm, nhưng khi xong nhiệm vụ lại như không có gì xảy ra ngoài chuyện về quân số thiếu vắng do bị thương… do hy sinh và ngậm ngùi sâu lắng, rồi cười nói cứ thế qua ngày như khi chưa có cái chết

Bơ phờ vì mệt mỏi ít ai nói nữa, có lẽ phong trần và sương gió, mắt thấy những cảnh đau thương chết chóc. Máu đỏ của đồng đội loang trên thân thể và nằm im bất động. Cúi đầu mặt ngắn tũn lại đăm chiêu, tai nghe những điều tàn bạo…Đã quen với tiếng súng và bị thương, người chết và mùi ô uế đâu đây…

Trên trời không có máy bay như thời đánh Mỹ nhưng quạ đen ăn xác thối thì nhiều vô kể trên Cao Bằng thời đó… Bắn chết thám báo hôm qua hôm sau quay lại vẫn nằm đó nhưng mặt và chân tay đã trơ xương, chỗ nào hở thịt là bị mất sạch… Mùi xác thối mới có, cũ có… Xương khô có… Kệ… Mỗi ngày một nhiệm vụ mới, tiếp tục hay di chuyển do trên lệnh xuống. Sáng sau, cả đơn vị lại cắt rừng sau khi nhận vũ khí bổ sung sang bên trái gần quốc lộ 3 đánh chặn quân Tầu…Chúng tôi không vào thẳng hướng tới xã Cao Bằng nữa. Chúng tôi sống mịt mù trong rừng lại bị mưa dầm ẩm thấp khổ vô cùng; cả bọn ém quân dọc khe suối…Mấy thằng tiểu đội mình thấy trưa trời tạnh, mò tìm hiểu mấy lán của dân kiếm được ít thuốc lá sấy còn treo về hút… Mấy thằng tranh thủ leo lên trên mép suối tìm kiếm xung quanh chợt chạy về bảo di chuyển…di… chuyển… Mình hỏi sao? Nó bảo ở trên kia có hai xác chết đang thối nhưng không phải quân mình… Không phải dân… Chắc thám báo trúng đạn…hoặc bị thương rồi chết …nước chắc ngấm xuống suối chỗ mình rồi…Tởm lợm…

Lượn… Cả A di chuyển sang phía kia quả đồi…Chưa thấy đánh đấm gì và chưa kịp ổn định chỗ ngủ thì lại nhận tin mới, hành quân vòng ngược lại; Tôi nhớ dịp đó có trăng mờ dưới làn sương mù bắt đầu xuống, ẩm ướt và lạnh lẽo tý thôi, chứ lính vã mồ hôi vì hành quân mang theo vũ khí trong ba lô và trên người vẫn một bộ quần áo từ Ngân Sơn không còn ngấm nước được vì bẩn…Gần nửa đêm được nghỉ tùy nghi di tản tìm chỗ nghỉ qua đêm tại chỗ. Có thằng ngả lưng lên ba lô súng ấp chéo lên ngực, kéo mũ xuống mặt ngủ luôn cạnh…Tôi tìm gốc cây cuộn tròn để làn tán che sương. Chắc đầu và cuối đường mòn có bọn gác rồi nên bọn mình không thấy nhắc gác. Do may hay có sự lựa chọn địa hình đoạn đường đó không có vắt…

Nói về vắt Cao Bằng thì tuyệt. Đường mòn mà có lá cây mục nhiều chứng tỏ lâu không có người đi và trời ẩm thấp thì nhiều vắt nâu dưới đất lắm… Bọn tôi đi trinh sát có kinh nghiệm rồi, chạy chân mèo thật nhanh qua đến chỗ đất sạch sáng hơn là hết vắt…Quay lại nhìn bọn vắt nó ngỏng đầu như gieo đậu mà mầm đậu lên bằng hai đốt ngón tay chuẩn bị xòe lá mầm như giá đỗ mọc cao. Vắt nhiều vô cùng kín mặt đường mòn…vãi hồn …Rồi tôi tự kiểm tra dầy xem có vắt bám vào không…trên người nữa…

Vật vờ sáng sau đi tiếp về bên phải, theo đội hình bọn mình cứ lầm lũi đi theo mà thôi. Vượt đèo Khau Ác chiều tối đến Nậm Nàng. Không thấy bóng người và im tiếng súng, theo đường nhựa một quãng cứ đầu mom nhô ra để đường vòng quặt là bị mìn nổ, đất ùa xuống ngập đường…Bọn Tàu đã rút chạy nên đánh sập bất cứ thứ gì để ngáng đường ta đuổi bằng cơ giới… Thấy nhiều chướng ngại vật do Tàu gây lại trước khi rút, đơn vị lại rẽ phải cắt đường lên Đông Khê… Trời, mất tiếp tế đơn vị lại khẩn cấp di chuyển, tự lo tạm thời …Đêm muộn. Đêm lại ngủ vật vờ nhưng không có tiếng súng nữa, bạ đâu nằm ngủ đó tại chỗ luôn mờ sáng lại đi tiếp. Mặt thằng nào cũng trễ xuống vì mệt…đói…bơ phờ… Sáng hôm đó đi dọc con đường qua bản thấy mấy thằng phía trên bẻ măng vầu ăn sống, tôi cũng với tay bẻ mấy cái cầm tay bóc mà ăn… Ai cũng ăn trong tầm tôi nhìn thấy… Bóc ra thấy trắng và nhìn ngon …nhai vào mồm mới thấy đắng… Ai có dịp hãy ăn thử măng vầu mọc tầm gần gang tay và để mình vào hoàn cảnh bị đói… Kiệt sức mấy ngày đuổi theo Tàu mới biết và hiểu cho chúng tôi lúc đó thế nào… Mà cũng ăn được suốt đường đi ăn được 5-6 cái. Măng vầu đắng nhất hơn cả mật của cá, của lợn…Cắn một khúc măng nhai rệu rạo mở mắt nhìn đoạn đường rồi nhắm lại để đi từng đoạn…Bị ngủ trắng là vậy… Có thằng đi chệch đâm cả người vào taluy…Lần ăn măng vầu là kỷ niệm nhớ đời mà chẳng thằng nào say măng cả… dù rất đói và mệt.

Qua bản thì thấy một dãy núi đồi cao, chắn ngang trước mặt, đi đến chân núi đá thì theo đường mòn leo lên… Xem bản đồ thì bên kia núi là thị trấn Đông Khê cách chừng hơn km đường chim bay… Leo lên… Trời … chân người nọ gần ngang người kia thì mới thấy dốc đứng thế nào mà lại còn len qua rất nhiều mỏm đá lắt léo. Chúng tôi nghiêng người để để đi qua cửa dốc Ba Cô. Lính không thể đi qua một lèo… Kiệt sức… Tức ngực… Không thể thở nổi… Tiến chục mét phải dừng lúc rồi mới leo tiếp… Cứ thế… Cứ thế… Ê chề và não nề.. Nếu thằng nào đem một cái đũa ăn mà để lên ba lô thằng khác đeo mà nó biết chắc to chuyện ….Không ai còn sức đi nổi nữa… Phải tự dừng một lúc mới leo được vài bậc…nhìn xuống dưới hoa mắt… Chả ai còn dục hay nói gì… Đèo Ba Cô thật là vắt hết sức tàn của lính. Sau này nghe dân quân nói là xưa có 3 cô con gái vượt đèo bị chết trên đèo nên dân quanh đó gọi là đèo Ba Cô

Thoát qua đèo thì nhìn thấy hơn km thoáng tầm mắt là thị trấn Đông Khê. Đơn vị nghỉ tại chỗ lúc lâu rồi đi tiếp vào Đông Khê, nơi La Văn Cầu thời chống Pháp chặt cánh tay bị thương lủng lẳng để chiến đấu tiếp mà hồi học phổ thông đã được học. Nét mặt lính có hồn hơn, xuống dốc, đường to đẹp dù là đường đất, rất may chưa ai bị mìn và bị thương…

Giải lao xong, đơn vị hành quân tiếp ra gần đường số 4 sát thị trấn Đông Khê thì rẽ vào bản cũng to, thấy nhiều nóc nhà bên tay trái còn thị trấn bên tay phải để nghỉ nhờ… Loáng thoáng có nhà dân đã về, họ vừa chạy lên núi ẩn, có nhà chưa có ai về…Trong bản có rất nhiều cây mắc coọc, quả như quả lê nhưng vỏ màu nâu đang hoa và nụ. Ổn định vào các nhà được phân công thì chợt ngoài mép sân dưới gốc cây có con bò dẫm phải mìn lăn quay. Rất may cho bọn mình không thằng nào dẫm phải mìn. Không biết bọn Tàu gài nhiều mìn không và ở đâu nữa. Bọn mình hạn chế đi lại và chọn điểm hạ bước chân mà thôi. Thật là may rủi cho mỗi người chứ chả ai biết chỗ nào nguy hiểm. Xô bồ, ào ào và rón rén bước từng bước chân. Mình ở đó một lúc thì gặp và biết chị Long người Tày lớn tuổi lỡ thì không có chồng cùng với em Đại dân quân ở bản, mấy hôm trước Tàu rút qua bắn nhau, bị lính bắn tỉa Tàu cho phát vào phần mềm, băng bó đơn sơ. Mình bảo nó nằm xuống, căng dây theo đường đạn thì đầu đạn xiên vành mũ ở thái dương, cách trán đốt ngón tay xiên xuống dưới da u vai đầu cánh tay, rồi xiên dưới da đùi xiên đến dưới da cẳng chân rồi cắt đứt ngón chân áp út…hú hồn…Hơn tuần sau, tôi qua lại chỗ đó ghé chị Long chơi thì nghe dân nói: bộ đội đã gỡ mìn và Đại đã được bộ đội cho vào viện dã chiến chữa vết thương. Không biết sau này Đại có được công nhận là thương binh không.

Lại nói về cuộc chiến phía bọn mình, cảnh chiến trường dã man tàn bạo thì không nói đến, sống và chết trong tích tắc. Bọn Tàu bắn tỉa giỏi, một là chắc chúng được bắn nhiều; hai là nó xác định cự ly ở đồi núi tốt hơn lính mình vì nó quen địa hình, chúng được bắn nhiều vì nó đã quen sung; ba là chúng bắn cối ứng dụng; Cối 60 chúng xách mỗi nòng không có đế, nó câu chỉ trượt một hai quả đầu thôi, còn sau là chuẩn… Chắc nó được bắn nhiều và lắm đạn; bốn là hướng này nó gài ít mìn hơn chứ không còn thương vong nhiều nữa…. Đấy cũng là kinh nghiệm cho những cuộc chiến sau này nếu có….

Khi không còn chú ý mìn gài lại, sáng sau hành quân tiếp đuổi theo Tàu. Bọn mình bước lên đường đá sỏi cấp lổn nhổn gần chân đỉnh đồi Đông Khê, thấy tiền mười ngàn cụ Hồ đỏ đã đóng dấu hủy của đợt đổi tiền trước bay rơi đầy đường, anh dân quân nói Tàu đánh vào ngân hàng Đông Khê tan tác nên tiền bị rơi vãi vậy. Bọn Tàu đến Đông Khê lúc 6 h sáng, có đám ma dân còn tưởng quân ta, chúng đến nơi dân mới ù té chạy…Huyện đội phát hiện ra chống trả bắn lẹt đẹt. Khi bắn mấy phát B40 vào xe tăng nó thấy không nổ ( B 40 của Tàu viện trợ cho hàng đểu nên khi vào trận sau, đèo Cao Bắc rồi thì nhận lệnh không dùng B40 mà chỉ dùng B41 của Liên Xô thôi ). Huyện đội Thạch An cũng rút sâu, bọn Tàu chiếm Đông Khê nhanh chóng. Sau này nghe biết là hiệu trưởng trường cấp 3 hồi đó là gián điệp, nó đã cắt hết dây điện thoại trên cột…

Đi thẳng lên hướng Phục Hòa, qua đồi Đông Khê chừng 500 m rẽ phải, hết đoạn cong là trường học cấp 3; bọn mình đi thêm khoảng 200 m, có cầu qua suối bị bọn Tàu đánh sập, thấy chướng ngại vật nhiều. Khi vượt qua không có ai dẫm mìn, rất may, rồi bọn mình rẽ phải vào hai bản để truy quét bọn Tầu. Tối bọn mình ngủ bản dưới ở nhà cô Thanh, cả A ở đó, đêm cắt gác thì Hà to bỏ không gác nên Nhâm báo mình. Mình gọi Hà ra gác đúng phiên, nó thì nó làu bàu và đe dọa thì Nhâm nghe thấy. Sáng sau, mình quyết định tập hợp A khi nghe Nhâm nói: anh cẩn thận thằng Hà nó bảo sẽ nói chuyện với anh bằng súng đạn đấy. Máu bốc lên mặt, mình nói lại cho nó nghe rồi mình lên đạn dương lê và đưa súng cho nó kiểu hai tay dơ thẳng ra phía trước trao súng. Nó không dám cầm vì mình đã đề phòng, nếu nó động người dơ tay cầm súng thì ăn đủ. Thấy vậy, mình vừa đấm vừa xoa, mình phân tích: anh em bao bọc nhau từ Ngân Sơn đến giờ, qua bao trận thượng vàng hạ cám có nhau, gác là để bảo vệ nhau, bỏ gác là nối giáo cho Tàu giết cả anh em à…Phụ trách nói không nghe còn đe dọa lại, cho mày lên phụ trách vì mày to người nhất tiểu đội, nếu mày đánh được tao… Tao mày ra đồi thi đấu tay không, còn nếu không thì chấp hành, đừng để tao báo lên C, mà mày biết C trưởng Mão nó không ưa bọn mình rồi. Hãy đoàn kết bảo vệ nhau, bọn Tàu đang chạy rút rồi.

Mình khuất phục được Hà thì nhận lệnh đi tiếp, vòng lên đèo, qua con dốc gần như dựng đứng. Lên đèo vượt lên Cốc Bao, bọn mình hành quân thẳng hướng Phục Hòa. Dọc đường cũng không có mìn… may… Đến mép sông Bằng Giang, nước rất xanh chắc sâu lắm. Xác người trôi lờ đờ chìm nổi rải rác, bọn mình cắt cử chọn lọc vượt sông sang đất Phục Hòa khoảng hơn km, đến ngã ba bên trái là chân đèo Khau Chỉa, bên phải là nhà máy đường Phục Hòa, thấy bãi mía mênh mông và tan tác… Mùi thối của xác chết vẫn phảng phất trong không gian. Quạ bay tan tác kêu. Có đơn vị vận tải toàn nữ 13 người Hà Bắc của tiểu đoàn nào đó không nhớ, bị thám báo vượt sông đánh vào lúc mờ sáng hôm 17-2, số này chết hết, xác còn nằm rải rác trước cửa hầm, người ngoài sân, người trong nhà… Lúc đó thối vô cùng, bọn mình làm nhiệm vụ nên không phải dọn vụ này… Gần tối, bọn mình rút sang sông vào nhà C đang trú của cô gái Tày Hoàng Thị Thảo, ngõ vào sát đường có tảng đá to cao cạnh lối vào sân. Đúng gái Cao Bằng “gạo trắng nước trong” như dân thường nói: da trắng hồng môi đỏ mắt sáng, cứ vồn vã hỏi chuyện mình sang Phục Hòa ra sao. Lúc đó thì bọn mình được lệnh rút về bản sau, dù trời sắp tối …Đó là ấn tượng của mình với người Cao Bằng…

 

(*) Rút từ trong bộ Vị Xuyên& thế sự Việt Trung – Sưu tập Phạm Viết Đào trọn bộ 5 tập trên 3000 trang)


 

Tin bài liên quan:

VNTB – 43 năm cuộc chiến đấu chống giặc Trung Quốc: bài học nào cho Hà Nội hôm nay?

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhà văn Phạm Viết Đào kiện Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hà Nội

Phan Thanh Hung

VNTB – Hà Giang

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.