Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việc dạy ‘tích hợp’ đang… rối

Lâm Viên (ghi)

(VNTB) – “Chúng tôi không được đào tạo để đứng lớp giảng dạy bộ môn tích hợp. Người thầy đứng lớp phải tạo dựng được vị thế của một nhà giáo “biết 10 dạy 1”

“Chúng tôi sẽ tham khảo thêm ý kiến chuyên gia, cân nhắc kỹ lưỡng và có khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với dạy học tích hợp”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói.

Từ năm học 2020-2021, ngành giáo dục bắt đầu triển khai giảng dạy lớp đầu tiên đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hàng loạt các môn học tích hợp được Bộ chủ trương đưa vào cấp trung học cơ sở, đó là: khoa học tự nhiên; lịch sử và địa lý; nội dung giáo dục địa phương; nghệ thuật.

Thầy A. (giáo viên đề nghị không nêu tên) được nhà trường phân công dạy phân môn sinh học trong môn tích hợp khoa học tự nhiên ở lớp 6, 7 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bước sang năm 2 dạy tích hợp, thầy A. chi hay: “Năm học 2022-2023, tôi đảm nhận dạy tích hợp khoa học tự nhiên cả khối lớp 6 và lớp 7 ở phân môn sinh học. Dưới góc độ của người trực tiếp đứng lớp, truyền tải kiến thức cho học trò, tôi nhận thấy, nếu dạy cuốn chiếu theo từng phân môn (tức là, hết nội dung môn vật lý, thì mới chuyển sang hoá học rồi đến sinh học) thì học trò sẽ tiếp thu kiến thức liền mạch, logic theo từng môn.

Nhưng cách học này sẽ dẫn tới câu chuyện, đó là ở môn sinh học xuất hiện nội dung liên quan đến môn hoá học thì do môn hoá học đã được học trước từ lâu nên nhiều học sinh có thể quên kiến thức. Khi đó, giáo viên lại phải nhắc lại. Chưa kể, giáo viên sinh học có thể không nắm chắc kiến thức này ở môn hoá học như thế nào nên sẽ tốn thời gian nghiên cứu trước khi giảng cho học trò.

Vì thế giáo viên chúng tôi đang dạy đan xen theo từng chủ đề môn học, thời khoá biểu phải thay đổi từng tuần”.

Có trường hợp, cùng một khái niệm nhưng cách giải thích trong môn sinh học khác với cách giải thích trong môn hoá học. Hoặc cũng có chuyện, môn sinh học học đến bài 4 thì xuất hiện kiến thức liên quan đến bài 5 của môn hoá học. Khi đó, học sinh phải học bài 5 của môn hoá học trước thì mới có kiến thức để thuận lợi học bài 4 ở môn sinh học.

Nói cách khác, đáng lẽ nội dung này ở môn này phải được học trước ở môn kia thế nhưng lại học sau.

Hai môn học tích hợp đang khiến giáo viên ta thán là môn khoa học tự nhiên gồm ba môn lý, hóa, sinh và môn lịch sử và địa lý. Gọi là môn học tích hợp nhưng kiến thức các phân môn lại tách bạch khá rõ trong cùng một quyển sách.

Năm trước nữa ở lớp 6, hiện tượng “ba thầy cùng dạy một sách” hoặc “hai thầy một sách” đã làm khó nhiệm vụ ra đề kiểm tra, chấm thi, vào điểm và nhận xét môn học. Một bài thi khoa học tự nhiên gom kiến thức ba môn, chuyển giao luân phiên cho ba giáo viên cùng chấm, cộng điểm, vào sổ quá phức tạp.

Trong năm học vừa qua, mọi thứ còn rối tinh hơn khi cấp trên chỉ đạo phải dạy học theo hình thức cuốn chiếu: sáu tuần đầu học hóa, sáu tuần tiếp học lý và sáu tuần học môn sinh. Giáo viên bộ môn hóa đã ngộp với số tiết thực dạy trong tuần, hơn 30 tiết cùng nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác vắt kiệt sức lực. Trong khi đó giáo viên lý, sinh lại rảnh rang, thong dong chờ đợi đến lượt.

Thầy T., dạy môn ngữ văn nói rằng khi dạy Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi hay bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, yêu cầu của “tích hợp” là không chỉ là dạy một áng văn nghị luận, mà còn cho học sinh thấy những văn kiện lịch sử vô giá.

Thông qua đó, thầy giáo phải định hướng cho được yêu cầu học sinh về hiểu biết và thấm thía về tình cảm và tầm vóc vĩ đại của Nguyễn Trãi và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh; nắm được bối cảnh của một giai đoạn lịch sử hết sức trọng đại, đáng nhớ…Cũng như vậy, tất cả các bài hát đưa vào chương trình môn Âm nhạc đều gắn với một giai đoạn lịch sử, đều góp phần làm sống dậy những sự kiện và các nhân vật lịch sử, đều góp phần giáo dục lịch sử.

“Chúng tôi không được đào tạo để đứng lớp giảng dạy bộ môn tích hợp. Người thầy đứng lớp phải tạo dựng được vị thế của một nhà giáo “biết 10 dạy 1”, tường tận và thông hiểu nhiều điều về lĩnh vực kiến thức, năng lực đang mài giũa cho trò. Hiểu sâu, biết rộng và phong thái tự tin làm nên hình ảnh người thầy mẫu mực, sáng bừng tinh thần tự học, tự sáng tạo và đổi mới không ngừng nghỉ.

Thế mà giờ đây chúng tôi phải là người thầy “biết 2 dạy 1”, “biết 3 dạy 1” và luôn nơm nớp lo lắng, bất an khi học trò lăm le nêu câu hỏi khó, đưa ra vấn đề nan giải… Chúng tôi cảm giác bản thân mình giống “con cá” bị ép phải “leo cây”…” – thầy T., nhận xét.


Tin bài liên quan:

VNTB- Ám ảnh cách ly

Phan Thanh Hung

VNTB – Tương lai Việt Nam ra sao với Tô Lâm?

Do Van Tien

VNTB – Đảng đã bỏ bê đại học, thế hệ trẻ và tương lai dân tộc từ bao lâu?

Do Van Tien

2 comments

Nguyễn Tuấn Anh 18.08.2023 4:00 at 04:00

Vấn đề là tích hợp môn gì thui . Tiến sĩ toán chả biết gì về chuyên môn, nhưng nếu tích hợp môn mệnh giời, heck, để họ dạy môn mệnh giời là chính, môn phụ là toán thì có thể sẽ rất OK. 2 môn khá phổ thông mà trí thức nào cũng biết là triết học Mác-Lê & luật nhân quả, giải thưởng Phan Chu Trinh đã trao giải cho bỏ cả đời ra nghiên cứu chủ nghĩa Mác, cần đặt ra 1 giải thưởng, có thể mang tên Nguyễn Du gì đó để trao cho những cá nhân có những khám phá đột phá về luật nhân quả .

Tiến sĩ Văn thì nên cho dạy môn chính là điều tra, môn phụ là hổng hiểu, đừng cho dạy môn Văn, ví dụ vậy .

Cứ thế mà xoay tua, bảo đảm mọi thứ chừng vài năm là ổn thỏa cả thui

Oh, và đem lại bộ sách của Phạm Toàn

Reply
Phó Thường Dân 18.08.2023 11:42 at 11:42

Vấn đề thầy cô như cá buộc leo cây còn học sinh như thùng rác bách khoa toàn thư, thầy chưa thông làm sao dạy trò giỏi được hả quý ngài cao cao tại thượng?các ngài muốn kiếm tiền hãy ra làm kinh tế đừng đem giáo dục làm trò kiếm tiền hèn lắm nhục lắm có tội với dân với nước do làm gãy 1 thế hệ tương lai vì cách kiếm tiền ngu xuẩn, đừng làm bẩn danh nghề giáo .Cải cách quỷ quái gì chương trình học càng lúc càng nặng, mới lớp 1 phải học anh văn tăng cường, các ngài có nghĩ rằng bọn nhỏ tên tiếng việt viết chưa được thì nhồi thêm anh văn làm chi vậy?chưa kể 1 bộ sách giáo khoa lớp 1 có giá 820.000đ/1 bộ, trong 1 nước lại tồn tại 2 bộ sách giáo khoa cho chương trình phổ thông, các ngài muốn biết chương trình cải cách có thành công không hãy lê cái đít xuống tận nơi cơ sở mà nhìn sẽ biết và hãy kêu mấy thằng giáo sư tiến sĩ biên soạn sách xuống đứng lớp dạy thử 1 tháng mới tính tiếp triển khai hay không?

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo