Phạm Chí Dũng
VOA
Nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu tại lễ ra mắt Viện Phan Chu Trinh.
Phản ứng thờ ơ
Một hiện tượng “lạ” vừa xảy ra trong buổi giao thời Việt Nam: Viện Phan Chu Trinh mới được thành lập của cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và tác giả Đất nước đứng lên – nhà văn Nguyên Ngọc – đã không nhận được phản ứng tích cực từ giới truyền thông xã hội.
Vào thời buổi mà truyền thông xã hội đã phát triển đến mức có đến hơn một nửa dân số Việt Nam sử dụng mạng này và bất cứ một đề tài mang khí sắc dân chủ nào cũng được dư luận chào đón, hiện tượng truyền thông và chính trị – xã hội vừa kể là rất đáng mổ xẻ.
Bởi lẽ ra, Viện Phan Chu Trinh cùng tinh thần khai trí của bậc tiền nhân này về tam quyền phân lập và dân chủ tự trị đã phải được cổ xúy mạnh mẽ bởi các trang mạng chuyên về dân chủ và nhân quyền. Nhưng sau khi được thành lập vào ngày 7/2/2017 tại Hội An, Quảng Nam, Viện Phan Chu Trinh cùng người điều hành chủ yếu là nhà văn Nguyên Ngọc đã chỉ được thông tin trên một số tờ báo nhà nước, trong lúc đại đa số các trang mạng dân chủ nhân quyền lại im lặng một cách khác thường.
Nếu nhìn lại, nhà văn Nguyên Ngọc đã từng chủ xướng thành lập Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam vào đầu năm 2014. Vào thời gian đó, tổ chức xã hội dân sự độc lập này đã được các trang mạng dân chủ nhân quyền thông tin và cổ xúy khá rộng. Tinh thần tự do sáng tác không chịu ách kềm tỏa của đảng cầm quyền được xem là một dấu son của giới nhà văn độc lập.
Vậy vì sao giới đấu tranh dân chủ nhân quyền lại có vẻ thờ ơ, thậm chí gần như lạnh nhạt với sự kiện thành lập Viện Phan Chu Trinh – cũng cùng người chủ xướng là nhà văn Nguyên Ngọc?
Một trong những nguyên nhân, có thể là thành phần lãnh đạo của viện này – một câu chuyện mà dư luận xã hội thường rất quan tâm theo cách nhìn “việc theo người”.
‘Việc theo người’
Trong buổi ra mắt, Viện Phan Chu Trinh đã giới thiệu một số lãnh đạo chủ chốt của Viện gồm: Bà Nguyễn Thị Bình, cựu Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh là Chủ tịch danh dự của Viện; ông Nguyên Ngọc là Chủ tịch Hội đồng Viện; ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, là Phó Chủ tịch Hội đồng Viện; ông Nguyễn Sự, cựu Bí thư Thành ủy Hội An, là Phó chủ tịch Hội đồng Viện; ông Vũ Thành Tự Anh, giảng viên trường Đại học Fulbright, là Ủy viên Hội đồng Viện.
Ngoài ra còn có sự tham gia của một nhân vật đáng chú ý khác: ông Vũ Ngọc Hoàng, cựu Phó Trưởng ban Tuyên giáo trung ương – người có tâm trạng và tư duy cải cách, nhưng theo một mảng dư luận thì vẫn chưa thoát khỏi “ý thức hệ Nguyễn Phú Trọng”.
Cũng có một số dư luận cho rằng thành phần lãnh đạo của Viện Phan Chu Trinh gồm khá nhiều cựu quan chức. Có thể, việc các cựu quan chức tham gia vào tổ chức dân sự là quyền của họ và nên xem là điều tự nhiên. Nhưng cung cách tham gia này lại có nét nào đó khá tương đồng với cơ chế “hết quan lập hội” của nhiều quan chức nhà nước mà từ lâu chính báo chí nhà nước đã phải mỉa mai, và gần đây chính giới quan chức cao cấp đương chức đã phải tìm cách hạn chế ngân sách cấp cho những “hội đoàn quan chức về hưu” như thế.
Trong khi một số gương mặt của ban lãnh đạo Viện Phan Chu Trinh có thể tiêu biểu cho khuynh hướng “phản biện trung thành”, thì lại không có được khuôn mặt phản biện độc lập nào. Ngay cả một ít nhân vật mang tính phản biện trong tổ chức Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam cũng không thấy có mặt trong ban lãnh đạo và thành phần điều hành của Viện Phan Chu Trinh.
Lại cần nói về chiều dài của Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam. Sau 3 năm thành lập tính từ năm 2014, cho tới nay tổ chức này vẫn còn nguyên là… ban vận động. Rất đáng lưu tâm, đây là tổ chức xã hội dân sự duy nhất vẫn duy trì hình thức “ban vận động” trong khoảng ba chục tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam.
Rất nhiều người trực tiếp đấu tranh dân chủ nhân quyền và người ủng hộ phong trào này đã đặt câu hỏi sâu sắc về việc tại sao sau một thời gian quá dài, Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam vẫn như cố giữ một tư thế an toàn thái quá trong đối sách và trong quan hệ với chính quyền, cho dù nếu tổ chức này có dũng khí hơn để cắt bỏ cụm từ “ban vận động” thì chắc chắn cũng không bị công an đàn áp mạnh.
Trong thực tế, Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam có thể được xem là tổ chức ít bị công an trấn áp, đàn áp và sách nhiễu nhất trong số các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Hoạt động chủ yếu của Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam là trang Văn Việt do vài nhân sự điều hành, nhưng không phải là nhà văn Nghuyên Ngọc.
Viện Phan Chu Trinh thuộc ai?
Trước tết Nguyên đán 2017 đã rậm rịch thông tin về một số cựu quan chức và trí thức “đang thiết lập kênh tiếp cận Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”, với mục đích “xin gặp để phản biện”. Sau đó lại có thông tin Viện Phan Chu Trinh sắp được thành lập và được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động.
Dư luận bán tín bán nghi về thông tin trên, nhất là về chuyện “cấp ngân sách”. Nhưng tại lễ ra mắt Viện Phan Chu Trinh thì sự việc đã trở nên rõ ràng.
Theo báo Dân Trí: “Ông Nguyên Ngọc thông báo, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã giao cho Viện biên soạn bộ Toàn chí Quảng Nam, được quan niệm như một bộ bách khoa toàn diện về Quảng Nam. Đây sẽ là một bộ sách lớn, dự kiến gồm trên 20 tập, hoàn thành trong 5 năm.
Song song với bộ Toàn chí, Viện sẽ triển khai công trình nghiên cứu về vai trò của tư tưởng Phan Chu Trinh trong lịch sử tư tưởng cận đại và hiện đại Việt Nam; công trình tổng kết 30 năm phát triển của Hội An và những thách thức mới của Hội An hiện nay; công trình điều tra về xã hội học ở miền đông Quảng Nam trong dự án phát triển vùng đất này”.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao Viện Phan Chu Trinh mới ra đời nhưng đã có ngay 4 công trình nghiên cứu mà có thể nhận ngân sách nhà nước, trong khi nhiều hội đoàn nhà nước đang bị cắt giảm đến 50% hoặc hơn từ ngân sách hàng năm?
Với việc nhận ngân sách nhà nước để nghiên cứu, một câu hỏi khác được đặt ra là về bản chất, Viện Phan Chu Trinh là một tổ chức xã hội dân sự độc lập hay là một hội đoàn mới của chính quyền và trực thuộc… tỉnh ủy Quảng Nam?
Câu hỏi trên sẽ hoàn toàn có cơ sở khi cụm từ “Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã giao cho Viện…” là rất quen thuộc trong văn phong hành chính nhà nước hoặc đảng văn. Nếu Viện Phan Chu Trinh là một tổ chức xã hội dân sự độc lập hoặc một tổ chức phi chính phủ, sẽ chẳng bao giờ có chuyện một cơ quan đảng như Thường vụ Quảng Nam dám “giao việc” như thế.
Còn nếu thực sự nhận “kinh phí nghiên cứu khoa học” của chính quyền, liệu viện này còn tư thế độc lập để nói lên tinh thần tam quyền phân lập và dân chủ tự trị của tiền nhân Phan Chu Trinh?
Cần nhắc lại, một trong những đối sách tạo ly tán và phân hóa của chính quyền đối với phong trào dân chủ là chủ trương chính quyền cấp tài chính, trụ sở, phương tiện, tạo công ăn việc làm cho quan chức về hưu để vừa có chức mới vừa tránh bất đồng chính kiến có thể “gây ảnh hưởng cho an ninh quốc gia”.
Lại một câu hỏi không thể không phòng hờ: Liệu có một chủ trương của chính quyền để Viện Phan Chu Trinh trở thành nơi thu hút những người nhà dân chủ nửa vời và vẫn nằm nguyên trong quỹ đạo “đổi mới không đổi màu” của đảng?
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.