Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Á lại là… ‘án bỏ túi’

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Vụ án chưa thấy công bố hoàn tất kết luận điều tra, tức chưa có cáo trạng, thế nhưng mức án thì về cơ bản đã… nhận chỉ đạo.

Tại buổi họp báo vào chiều ngày 16-8-2023, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết vụ Việt Á là ‘chùm án’ và được xử riêng lẻ. Ông Yên cho rằng các vụ án đã đến giai đoạn có thể kết thúc điều tra được, phấn đấu đến cuối năm kết thúc, điều tra, truy tố xét xử cả chùm án Việt Á này. Trong 33 vụ, có những vụ địa phương đã thụ lý giải quyết, nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử.

Ông Nguyễn Văn Yên không ngại việc “can thiệp tư pháp” khi ông nói rằng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có chủ trương, chỉ đạo phân loại xử lý đối tượng đầy khoa học, và cũng rất nhân văn, nhân ái, nhưng cũng rất nghiêm khắc đúng như yêu cầu mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra ở vụ án này.

Trong đó thống nhất chỉ nghiêm trị người có chức vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định của Đảng, Nhà nước, đem lại lợi ích bất hợp pháp cho Công ty Việt Á. Thứ nữa là người chủ mưu, cầm đầu, người vì động cơ vụ lợi, chiếm số tiền lớn cũng sẽ bị nghiêm trị, hết khung, hết khoản. Nhóm này liên quan đến tham nhũng tiêu cực, tội rất nặng và đến nay đã được làm rõ.

Còn nhóm 2, 3, 4 phân hóa ra, có chính sách miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhóm này là nhóm thứ yếu, phụ thuộc, phải thực hiện theo mệnh lệnh, và đặc biệt không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi, họ ở tuyến đầu chống dịch. Vi phạm của họ chủ yếu trong hoạt động đấu thầu.

Trong lúc bối cảnh cần phải có kit xét nghiệm ngay, cấp trên, cấp có thẩm quyền chỉ đạo họ phải thực thi để xét nghiệm phục vụ cho người dân, trong chức năng, nhiệm vụ của mình họ chỉ biết làm vì việc chung. Với nhóm đối tượng này, Ban chỉ đạo đã thống nhất chủ trương tha miễn.

“Với chùm án Việt Á, những đối tượng như vậy thuộc diện phân loại xử lý có tiêu chí xử lý của các cơ quan tố tụng trung ương hướng dẫn và đặc biệt được xem xét để tha hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm dân sự”, ông Yên nhấn mạnh một lần nữa.

Hậu quả thiệt hại là có, nhưng trong bối cảnh chống dịch không thể thực hiện trình tự, thủ tục theo luật định về đấu thầu. Nhóm này được xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm dân sự. “Điều này cũng là để đội ngũ y bác sĩ không may đã và đang bị xử lý trong vụ án Việt Á mà không có yếu tố vụ lợi có thể an tâm”, ông Yên nói thêm.

“Đại án” kit test Việt Á là một trong những vụ việc tiêu cực liên quan đến lĩnh vực y tế lớn nhất từ trước tới nay, cả về quy mô, tính chất, mức độ phạm tội.

Những cựu quan chức cấp cao vướng lao lý trong vụ án này có thể kể đến như: Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Văn Trịnh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng Chính phủ…

Theo kết quả điều tra ban đầu, sau khi được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành, ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị y tế để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, nâng khống giá bán lên 45%.

Công ty đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng, qua đó thu lợi hơn 500 tỷ đồng.

Điều đáng nói, để kit test Việt Á có thể ‘mở rộng thị phần’ có hệ quả không nhỏ từ sự “trải thảm” của nhiều đơn vị, cá nhân liên quan; từ việc chuyển giao đề tài nghiên cứu khoa học, cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành đến hiệp thương giá sản phẩm…

Một lưu ý là cho đến tận hôm nay, phía cơ quan công an lẫn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đều lảng tránh thắc mắc của công luận: 80% số vốn thể hiện trong đăng ký kinh doanh vốn góp ở Việt Á, thực chất là của những ai? Phải chăng các ông, bà chủ của số bạc vốn ‘khủng’ ấy mới là ‘trùm cuối’ có sức mạnh khuynh loát hệ thống quan chức cấp trung ương chóp bu?

Công ty Việt Á thành lập năm 2007, trụ sở chính tại 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, với vốn đăng ký ban đầu chỉ 80 triệu đồng do 3 cổ đông sáng lập. Người đại diện pháp luật Công ty Việt Á là ông Phan Quốc Việt (hộ khẩu TP Hồ Chí Minh), nắm giữ 10,2% cổ phần. Ngoài ông Việt còn có ông Đồng Sỹ Huy (hộ khẩu TP Hồ Chí Minh), nắm giữ 5% cổ phần công ty. Bà Hồ Thị Thanh Thủy (hộ khẩu tỉnh Long An), nắm giữ 4,8% cổ phần công ty.

Công ty này có sau 6 lần đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp, vốn điều lệ. Lần gần nhất Công ty này tăng vốn điều lệ là vào tháng 10-2017 với con số vô cùng ấn tượng, lên đến 1.000 tỷ đồng.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù trải qua 6 lần tăng vốn điều lệ, nhưng tỷ lệ góp vốn của 3 cổ đông sáng lập vào Công ty Việt Á không biến động. Ông Phan Quốc Việt và 2 cổ đông còn lại vẫn nắm giữ khoảng 20% cổ phần vốn, 80% cổ phần còn lại (ước khoảng 800 tỷ đồng) do các cổ đông khác “bơm” vào.

Con số 800 tỷ đồng không phải là nhỏ với một doanh nghiệp, và nếu đó là vốn thật hiện hữu thì những “đại gia” nào đang đổ tiền vào Công ty Việt Á? Vấn đề này vẫn chưa được làm rõ.

Ngoài ra chất lượng cụ thể của các lô kit test Việt Á ra sao, đến nay cũng không thấy công khai cho toàn dân biết, trong khi người dân lại là đối tượng bị cưỡng bức sử dụng các kit test này ở suốt thời gian dịch giã Covid, với mức độ ‘chọt mũi’ mỗi 3 ngày 1 lần.


Tin bài liên quan:

VNTB – Bao giờ tái khởi động dự luật về quyền lập hội?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Chiến dịch chống tham nhũng hạ bệ chủ tịch nước Việt Nam

Do Van Tien

VNTB – Phải ‘khóa miệng’ người đọc, nếu như không muốn đi tù!

Phan Thanh Hung

1 comment

Minh 18.08.2023 11:44 at 11:44

Phải làm rõ xuất xứ của kít test từ đâu,chất lượng có an toàn, vì nhiều người đã xử dụng,có gây hậu quả đến sức khỏe lâu dài của người xử dụng nó?

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.