Võ Hàn Lam
(VNTB) – Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 28-10 cho biết tập đoàn AES dự định sẽ ký thỏa thuận với PetroVietnam Gas trị giá hàng tỉ USD để xây dựng cảng nhập khẩu nhiên liệu khí hóa lỏng (LNG) và một nhà máy điện khí ở Việt Nam.
“Việt Nam đã bật đèn xanh cho tập đoàn AES (trụ sở tại Virginia) để tiến hành dự án”, ông Pompeo nói tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPBF 2020) ngày 28-10. Ngoại trưởng Mỹ cho biết thỏa thuận này sẽ mở ra cánh cửa nhập khẩu LNG trị giá hàng tỉ USD từ Mỹ vào Việt Nam mỗi năm, đồng thời miêu tả đây là điều “đôi bên cùng có lợi”.
IPBF 2020 đã khai mạc vào sáng ngày 28-10 tại Hà Nội. Do dịch Covid-19 nên nhiều phái đoàn tham dự từ xa và phát biểu qua hình thức trực tuyến, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Pompeo.
Diễn đàn có sự tham gia của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, diễn ra trong bối cảnh Mỹ tăng cường chống lại ảnh hưởng của các công ty nhà nước Trung Quốc trong khu vực.
Tổng cục Thống kê cho biết năm 2019 Việt Nam đạt kỷ lục xuất siêu qua Mỹ với tổng giá trị ước tính là 60,7 tỉ USD, tăng 27,8% so với năm 2018. Ở chiều ngược lại, Việt Nam lại nhập siêu mạnh từ Trung Quốc với con số là 75,3 tỉ USD, tăng 14,9%. Chính điều này củng cố thêm cho nghi vấn Mỹ coi Việt Nam là nơi trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc.
Ba tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 15,95 tỷ USD, tăng tới 19,9% so với cùng kỳ 2019, và chiếm đến 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ở chiều nhập khẩu, quý I/2020, Việt Nam chi 3,55 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 6% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Gộp chung, quý I/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đạt 19,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu 12,4 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ trong tháng 7-2020 là trên 8,6 tỉ USD. Cụ thể, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 6,4 tỉ USD; kim ngạch xuất khẩu lớn gấp 7 lần so với nhập khẩu. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7, cán cân thương mại thặng dư gần 31 tỉ USD. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ là 8,1 tỉ USD, và xuất khẩu sang Mỹ là hơn 39 tỉ USD.
Theo chuyên gia thống kê – tiến sĩ Bùi Trinh, thì cán cân thương mại Việt Nam – Mỹ với phần thặng dư về phía Việt Nam những năm qua thoạt nhìn có vẻ như một tín hiệu tốt cho Việt Nam, góp phần bù đắp phần nhập siêu mà Việt Nam đang phải gánh trong quan hệ thương mại với một số quốc gia khác, đồng thời giúp duy trì tăng trưởng GDP khá cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Tuy nhiên điều này cũng cho thấy những vấn đề tồn tại mang tính lâu dài.
“Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc và Hàn Quốc, Việt Nam luôn có thặng dư thương mại âm, bình quân từ 2010 – 2019 Việt Nam tăng nhập siêu từ Trung Quốc và Hàn Quốc tướng ứng là 12% và 17%; năm 2019 tăng trưởng về nhập siêu giữa Việt Nam và Trung Quốc so với 2018 là 41%; năm 2010 nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc là 12,5 tỷ USD, thì năm 2019 nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc là 34,1 tỷ USD tăng 2,7 lần.
Như vậy nếu không có khoản thặng dư thương mại với Mỹ thì GDP của Việt Nam có thể không đạt mức cao như trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê trong Cơ sở Thống kê dữ liệu Thương mại của Cơ quan Thống kê Liên Hợp quốc (UNCOMTRADE), Việt Nam chỉ là quốc gia xếp thứ 31 về nhận xuất khẩu từ Mỹ, và hàng hóa xuất khẩu sang Việt Nam chỉ chiếm 0,5% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Mỹ. Cũng theo nguồn số liệu này, ở chiều ngược lại Việt Nam xếp vị trí thứ 12, chiếm tỷ trọng 2% trong tổng trị giá nhập khẩu vào Mỹ.
So sánh số liệu trên website của Tổng cục Thống kê cho thấy xuất siêu của khu vực FDI thường đi đôi với việc chi trả sở hữu thuần (luồng tiền chảy ra nước ngoài) trong năm kế tiếp thường rất cao và tình hình này ngày một trầm trọng, mấy năm gần đây luồng tiền chảy ra nước ngoài cũng tương đương với con số xuất siêu của khu vực FDI.
Do đó việc thặng dư thương mại dương giữa Việt Nam với Mỹ về thực chất Việt Nam không được hưởng lợi nhiều. Việc xuất siêu thông qua chủ yếu từ khu vực FDI không làm tăng nội lực của nền kinh tế Việt Nam, thậm chí càng xuất siêu nội lực của nền kinh tế có thể càng bị bào mòn.
Thặng dư thương mại về hàng hóa dương dựa vào FDI chỉ có tác dụng tô vẽ thành tích ảo qua chỉ tiêu ít ý nghĩa GDP, nhưng nội lực thực sự của nền kinh tế trong dài hạn thông qua chỉ tiêu tiết kiệm ngày càng bị thu hẹp”. Tiến sĩ Bùi Trinh biện giải.
Trở lại với thông tin ở phần đầu bài viết. Việc tập đoàn AES dự định sẽ ký thỏa thuận với PetroVietnam Gas trị giá hàng tỉ USD để xây dựng cảng nhập khẩu nhiên liệu khí hóa lỏng (LNG) và một nhà máy điện khí ở Việt Nam, cho thấy trong tương lai phần lớn LNG cho các nhà máy điện ở Việt Nam, sẽ được nhập khẩu từ Mỹ – quốc gia đang muốn thu hẹp thâm hụt thương mại với Việt Nam, vốn đã tăng lên 44,3 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2020 so với mức 33,96 tỉ USD của cùng kỳ năm ngoái.
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết cũng trong khuôn khổ diễn đàn, ba tập đoàn Bechtel, General Electric và McDermott đã ký thỏa thuận trị giá 3 tỉ USD được công bố trước đó để phát triển nhà máy điện LNG công suất 3,2 gigawatt tại tỉnh Bạc Liêu.