Nguyễn Nam
(VNTB) – Bộ Công Thương Việt Nam cho rằng các biện pháp phòng chống dịch mà Quảng Tây (Trung Quốc) đang áp dụng như tạm dừng hoạt động cửa khẩu, hay tạm dừng nhập khẩu một số chủng loại trái cây của Việt Nam là quá mức cần thiết.
Năn nỉ ở thế ‘kèo dưới’
Tin tức cho biết, mới đây Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng tiến hành hội đàm trực tuyến với Sở Công Thương Quảng Tây (Trung Quốc) để trao đổi các biện pháp khẩn cấp nhằm tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực biên giới với Quảng Tây hiện nay.
Chia sẻ với áp lực phòng chống dịch của Quảng Tây trong bối cảnh Trung Quốc kiên trì chính sách “Zero Covid” nhưng Bộ Công Thương cho rằng các biện pháp phòng chống dịch mà Quảng Tây đang áp dụng như tạm dừng hoạt động cửa khẩu, hay tạm dừng nhập khẩu một số chủng loại trái cây là quá mức cần thiết, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực đến sự phát triển của thương mại song phương và gây tổn thất to lớn cho doanh nghiệp, người dân của cả hai bên.
Theo đó, Bộ Công Thương đã đề nghị một số biện pháp cụ thể để góp phần tháo gỡ tình trạng ách tắc hàng hóa tại khu vực biên giới, bao gồm: Khôi phục lại ngay việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đang tạm dừng, đồng thời tăng thời gian thông quan tại tất cả các cửa khẩu.
Cùng với đó, thống nhất phương án sử dụng và bổ sung lái xe chuyên trách tại mỗi bên; đồng ý cho thí điểm đưa lao động đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 tại các địa phương biên giới Việt Nam sang làm việc tại khu vực cửa khẩu phía Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt lái xe và nhân công bốc xếp.
Trước đó, ngày 29-12-2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có 4 Công thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bí thư tỉnh ủy Quảng Tây và Bí thư tỉnh ủy Vân Nam về vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới giữa hai nước.
Trong thư, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Trung Quốc thực hiện nhận thức chung về việc duy trì dòng chảy hàng hóa và duy trì kết nối chuỗi cung ứng như đã được đề cập trong các cuộc điện đàm song phương giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước và trong các Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 tháng 4 năm 2020 và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc tháng 11-2021.
Bộ trưởng cũng đề xuất phía Trung Quốc và các địa phương biên giới cùng nhau trao đổi, thống nhất quy trình thông quan phòng dịch an toàn nhưng vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt tại cửa khẩu.
Ra roi vì dám ‘học đòi’ phương Tây?
Tính đến ngày 4-1-2022 thì phía Trung Quốc chưa phản hồi những đề nghị từ Việt Nam trong chuyện mở cửa lại cửa khẩu biên giới. Thế nhưng trong lúc đó thì chuyến tàu hàng hóa khởi hành từ Cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã khởi hành sáng sớm 1-1-2022 để đến Hà Nội, ngay khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực.
Theo Hãng thông tấn Tân Hoa Xã, chuyến tàu X9101 chở hơn 800 tấn hàng đã rời Cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vào lúc 0g05 sáng 1-1 và đến Hà Nội sau hành trình dài 28 tiếng. Hàng hóa bao gồm đồ điện tử, nhu yếu phẩm hàng ngày và hóa chất.
Đây là chuyến tàu hàng hóa quốc tế đầu tiên từ Trung Quốc đến các nước thành viên RCEP sau khi hiệp định có hiệu lực trong cùng ngày.
RCEP gồm 15 quốc gia thành viên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.
RCEP là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới khi đóng góp 30% GDP toàn cầu. Hiệp định này sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.
Đúng là quá trớ trêu trước nghịch cảnh chuyến tàu X9101 chở hơn 800 tấn hàng đã rời Cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây ở ngay ngày đầu năm mới để đến Hà Nội, còn mấy ngàn xe tải container Việt Nam lại lâm cảnh ùn tắc cửa khẩu biên giới Trung Quốc.
Đây thực sự là “cơn đau” đến cực kỳ đúng lúc với nền kinh tế Việt, bởi giờ là thời điểm nông sản của các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch, sản lượng hàng hóa tăng và tất cả đều ùn ùn kéo về cửa khẩu theo thông lệ để đón trước nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết của thị trường Trung Quốc vào những tháng cuối năm tăng cao.
Thế nhưng vào ngày 15-12-2021, tỉnh Lạng Sơn nhận thông báo Trung Quốc dừng thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị là do “lỗi kỹ thuật”. Tình trạng dừng thông quan chở hàng sang Trung Quốc vẫn thỉnh thoảng xảy ra và thường chỉ dừng vài tiếng, nửa ngày hoặc 2-3 ngày là việc xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ trở lại bình thường.
Nhưng lần này đã không như vậy. Lý do được phía Trung Quốc đưa ra là họ theo đuổi chính sách “Zero Covid” nên siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch ở tất cả các cửa khẩu hàng hóa biên giới với Việt Nam. Trong khi đó, vi-rút Corona đang “nở rộ” tại Việt Nam kể từ khi Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định “sống chung” với con vi-rút này kể từ hồi tháng 10-2021.
Phải chăng vì Việt Nam ‘nghịch ý thiên triều’ khi ‘học đòi’ theo phương Tây để ‘bình thường hóa Covid’ nên Trung Quốc ra roi trừng phạt?