Nguyễn Thị Sen
(VNTB) – Mô hình chống dịch Việt Nam tiêu phí quá nhiều tài nguyên cho cái không cần, cái cần thì lại chi li.
Tôi đã qua mấy đợt cách ly toàn quốc từ tháng 3 năm 2020 cho tới nay đã là gần 16 tháng, vắc xin đã được tiêm chích đầy đủ. Và chính phủ đã cho phép mở cửa lại hầu hết nền kinh tế dù vẫn còn phải thận trọng.
Có thể nói ai cũng đã nhẹ hẳn người, giờ chỉ còn chờ được phép đi du lịch tự do xuyên đại dương, xuyên lục địa thì cuộc sống hậu Covid không khác cuộc sống trước đây là bao dù vẫn phải lưu tâm giữ an toàn cho bản thân và người xung quanh. Nhẹ nhàng thoải mái bao nhiêu thì lại thấy đau lòng cho người Việt bấy nhiêu.
Lúc dịch mới bùng phát, nhiều người già trong các viện dưỡng lão bị thiệt mạng do COVID, không ít người Việt đã lớn tiếng chỉ trích chính phủ và nhân viên y tế vô tâm. Rồi cũng có nhiều người khăn gói trở về Việt Nam vì tin tưởng cách thức chống dịch ở quê nhà.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội tràn ngập lời ngợi ca quê mẹ dang tay đón đàn con về trốn dịch. Được cho ăn ở trong khu cách ly miễn phí, nếu có bệnh lại được chữa trị miễn phí. Hết đợt này đến đợt khác, các đợt cách ly tập trung, xét nghiệm liên tục thì có vẻ sau hơn một năm trời, hình mẫu chống COVID của thế giới có vẻ đã hụt hơi, đuối nước vì các chính sách không phù hợp, nếu không nói là tiêu phí quá nhiều tài nguyên không cần thiết trong khi cái cần thiết lại không được chú tâm đúng mức.
Cách ly
Các loại F0, F1 đôi khi lẫn F2 ở Việt Nam đều được mang đi cách ly tập trung bắt buộc từ Bắc chí Nam. Chưa kể cả khu phố, khu chung cư, thậm chí cả phường, cả quận đều bị phong toả nếu nhỡ có ca F0 nào ở quanh đó.
Thật ngạc nhiên khi thấy bảng giá các bữa ăn cho người cách ly tập trung, với hàng trăm ngàn người cách ly tập trung liên tục hơn cả một năm trời thì chẳng có ngân sách nào bao nổi. Cho đến khi có quyết định thu tiền người từ nước ngoài về cách ly thì đã có thể thấy nhà nước Việt Nam đã đuối.
Chưa kể việc tập trung các ly như vậy khiến hàng trăm thậm chí hàng nghìn người bị dồn vào một chỗ không đủ điều kiện sống tối thiểu khi phải sử dụng chung các phòng vệ sinh, nhà ăn, ngủ giường tầng thì chuyện lây nhiễm chéo trong khu cách ly là điều không thể tránh khỏi. Tôi sẽ rất phẫn nộ khi từ một người khoẻ mạnh bị đưa vào khu tập trung tôi lại trở thành F0 và sẽ khởi kiện việc bị lây nhiễm trong khu cách ly.
Trong khi các bản tin về các ca nhiễm lại có những thông báo lạnh lùng hàng ngày “n ca nhiễm mới nhưng đã được cách ly từ trước” cho thấy người ta chẳng quan tâm mấy đến việc biến lợn lành thành lợn què. Thay vào đó, họ làm chuyện hoá nhỏ khi F0 đã được vây kín trong khu cách ly nên không để lọt ra ngoài cộng đồng.
Nhân viên y tế Việt Nam làm xét nghệm liên tục cho người trong khu cách ly từ lúc vào cho đến lúc ra trại đến 5-7 lần, mỗi một lần 700.000 nghìn. Cứ như vậy mà nhân lên với tổng số người phải vào khu cách ly từ năm ngoái cho đến năm nay thì có thể thấy lượng tiền người đi cách ly phải chi cho xét nghiệm khủng khiếp đến mức nào và nguồn lực làm các việc này cũng ngốn hết không ít tiền ngân sách.
Chưa kể đến công an, dân phòng đứng chốt lại được tiền trợ cấp khoảng 150.000 đồng một ngày. Bao nhiêu điểm cách ly, bao nhiêu người được trợ cấp ngoài lương khi tham gia chống dịch thì tính tổng lại là một con số khổng lồ. Cho đến khi cần tiền mua vắc xin thì lại phải xin của dân!
Báo chí cứ khoe mỗi ngày đã chữa khỏi được cho chừng đó người nhiễm bệnh. Tôi lại thấy buồn cười, F0 mà có thể chất khoẻ mạnh thì đã tự khỏi, chả cần ai phải chữa cho nên chả cần phải lấy đó để mà bơm thổi cho thành tích chống dịch.
Những khu vực dân cư nào có người là F0 thì coi như khốn khổ vì trong chốc lát bị nhốt lại, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Chỉ khổ cho phần lớn gia đình ở Việt Nam quen với việc đi chợ hàng ngày, hay những người chạy ăn từng bữa thì coi như thiếu trước hụt sau nhiều lẽ.
Tiêm chủng
Cách thức triển khai tiêm chủng ở Việt Nam cũng lại độc lạ.
Vắc xin được tiêm vội vã cho công nhân, nhân viên ở các ngành được cho là mũi nhọn bất kể tuổi tác. Lại còn có cả đối tượng ưu tiên là người có công với cách mạng?! Trong khi vắc xin được sử dụng là AstraZeneca vốn được sử dụng cho người trên 65 tuổi ở Âu châu và người trên 40 tuổi ở Anh. Việt Nam lại vội vã tiêm cho tất tần tật người trẻ lẫn trung niên vì sợ vắc xin hết hạn sử dụng mà không ưu tiên cho nhóm người cao tuổi.
Người đi tiêm chủng được khám tổng quát và đo huyết áp trước khi tiêm từng người một, với một đội tiêm lại có tới 5 người: 2 bác sỹ và 3 điều dưỡng. Đây có lẽ cũng là việc làm thừa thãi và tiêu tốn thêm nguồn nhân lực. Nhân viên y tế trong khi làm việc lại ngồi san sát nhau ở bàn làm việc thì cũng đã là tự vi phạm quy tắc 5K. Chưa kể đến quy trình như thế nào mà lại có trường hợp một người nhận 2 mũi vắc xin trong vòng 30 phút ở Sài Gòn trong ngày 23/6/2021 khi triển khai tiêm vắc xin cho nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất.
Một lọ vắc xin được quy định tiêm cho 10 người. Nhân viên y tế Việt Nam lại tự hào với sáng kiến tối ưu hoá vắc xin, tận dụng khi một lọ vắc xin lại tiêm được cho đến tận 11-12 người vì theo lý thuyết một người chỉ cần có 0,5mm. Theo phép tính cộng trừ nhân chia thì quá hợp lý, nhưng lọ thuốc cho 10 người mà xẻ ra cho 11 -12 cho tiết kiệm thì chả đáng bao nhiêu khi người dân và doanh nghiệp đã đóng tiền mua vắc xin hòng mong có được vắc xin có chất lượng.
Cho đến hôm 23/6/2021, chính phủ lại có ý kiến người dân không được phép chọn lựa thuốc khi tiêm mà có loại nào phải chấp nhận loại đó. Trước đó, cũng đã có tin khuyến cáo người dân không nên kén cá chọn canh khi tiêm chủng kẻo lỡ mất cơ hội.
Khi tiêm chủng, một lọ thuốc đã được rút ra cho 11-12 ống tiêm khác nhau, người dân chẳng tài nào biết được đó là loại vắc xin nào. Nói loại nào thì họ tin là loại đó. Vấn đề cốt yếu ở đây là nhà nước hay nói cho lớn hơn là cả hệ thống chính trị có đem mạng con dân ra đánh đổi bằng cách tiêm chủng vắc xin sinopharm đầy tai tiếng.
500.000 liều sinopharm được nhà nước dùng cho người Trung Quốc ở Việt Nam và người dân vùng biên giới. Nếu như các ổ dịch bùng phát từ các đối tượng này thì nhà nước lại dập dịch theo kiểu khoanh từng vùng một? Kiểu khoanh vùng này có lẽ đã là điều bất cập khi ở Sài Gòn khi bịt chỗ này lại bung chỗ kia để nhiều khu vực cứ phải bị cách ly chồng cách ly.
Vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế có lẽ sẽ không trở thành hiện thực được! Việt Nam có lẽ nên tỉnh táo lại, chậm lại để điều chỉnh cách thức phòng chống dịch sao cho vừa hiệu quả lại vừa ít tốn kém nhất.