Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam kêu gọi thực thi luật nhân đạo quốc tế với Ukraine

 

Hiền Vương

(VNTB) –  Tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang của Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho thường dân Ukraine theo luật nhân đạo quốc tế.

 

Bộ Ngoại giao Mỹ đầu tuần này cáo buộc Nga vi phạm nhân quyền “trên diện rộng” ở Ukraine khi quân đội nước này bắn tên lửa vào các khu vực dân sự.

Nga công khai thông báo tấn công vào khu nhà ở dân thường

Ở ngày cuối cùng của tháng 2-2022, các lực lượng Nga tấn công một khu dân cư ở thành phố Kharkiv và nhiều vụ nổ lớn đã được nghe thấy ở trung tâm thủ đô Kiev, khi cuộc đàm phán Nga và Ukraine kết thúc.

Các cuộc tấn công được tiến hành khi Nga ngày càng bị nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phương Tây, áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kể từ khi thực hiện cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở miền Đông Ukraine vào tuần trước. Giao tranh gia tăng ở Ukraine trong ngày qua tại một số thành phố chiến lược.

Theo các video trên mạng xã hội, nhiều quả tên lửa đã được nhìn thấy phát nổ gần nhau trong một khu dân cư của khu phố Saltivka, gần một siêu thị ở phía Đông Bắc Kharkiv, nơi quân đội Nga thường xuyên nhắm mục tiêu.

Hôm 1-3, Nga đã ném bom một tháp truyền hình ở thủ đô Ukraine và dội tên lửa vào thành phố Kharkiv khi Moscow tăng cường bắn phá các khu vực đô thị Ukraine trong chiến thuật mới sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt đã kéo dài 6 ngày. Tại phía tây bắc cách Kyiv hơn 50 km, 2 tòa nhà chung cư ở thị trấn Borodjanka bị tấn công…

Bộ Quốc phòng Nga kêu gọi người dân thủ đô Kiev rời đi và cho biết lực lượng Nga sẽ tấn công các khu vực không xác định của cơ quan an ninh và thông tin liên lạc của Ukraine.

Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Anton Herashchenko cho biết các cuộc tấn công bằng tên lửa hôm 1-3 tại Kharkiv khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 35 người bị thương.

Phía Việt Nam, báo chí được định hướng dùng các từ ngữ thay thế cho “chiến tranh xâm lược”, tuy vậy dù dùng từ ngữ gì đi nữa thì những thương vong của giao tranh đang gây tổn thất nhân mạng của dân thường, và đây chính là điều mà không riêng Việt Nam, gần như cả thế giới đang lên tiếng kêu gọi thực thi ngay luật nhân đạo quốc tế.

Tin tức cho biết, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi chấm dứt tình trạng xung đột, chú trọng bảo vệ dân thường và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế. Ông cho biết Liên Hiệp Quốc đã chi 20 triệu USD từ Quỹ ứng phó khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc để hỗ trợ hoạt động nhân đạo và đề cử ông Amin Awad làm điều phối viên khủng hoảng Liên Hiệp Quốc tại Ukraine.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Abdullah Shahid kêu gọi các bên ngừng bắn, quay trở lại đàm phán ngoại giao và bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của cuộc xung đột đối với người tị nạn, người di cư và kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Quốc tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và ủng hộ các sáng kiến nhân đạo.

Các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ lo ngại trước tình hình trên thực địa và cho rằng cần sớm nối lại đối thoại, tránh để tình hình xấu đi, chú trọng tìm kiếm giải pháp hòa bình để giải quyết xung đột trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Cách dùng từ ngữ như trên nói lên điều gì?

Luật Nhân đạo Quốc tế là một phần chủ yếu của Công pháp quốc tế và bao gồm những quy tắc mà trong thời chiến, đều nhằm bảo vệ những người ngoài vòng chiến đấu hoặc đã bị loại khỏi cuộc xung đột, đồng thời nhằm hạn chế những phương pháp và phương tiện sử dụng trong chiến tranh.

Nói một cách chính xác hơn, đối với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Luật Nhân đạo Quốc tế áp dụng đối với các cuộc xung đột vũ trang có ý nghĩa như một Hiệp ước quốc tế, hoặc những điều luật tập quán nhằm giải quyết các vấn đề nhân đạo trực tiếp nảy sinh từ các cuộc xung đột vũ trang, dù có mang tính chất quốc tế hay không.

Ví những lý do nhân đạo, các quy tắc của Luật Nhân đạo sẽ hạn chế quyền tự do sử dụng các phương pháp và phương tiện chiến tranh của các bên tham chiến, đồng thời bảo vệ người và tài sản bị ảnh hưởng hoặc có thể bị ảnh hưởng do cuộc xung đột.

Cụm từ “Luật Nhân đạo Quốc tế”, “Luật Xung đột vũ trang”, “Luật Chiến tranh” có thể được coi là có ý nghĩa tương đương. Các tổ chức quốc tế, các trường đại học, thậm chí các quốc gia thường chuộng dùng cụm từ Luật Nhân đạo Quốc tế (hoặc Luật Nhân đạo), trong khi các lực lượng vũ trang thích dùng hai cụm từ sau.

Xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế được hiểu là xung đột giữa lực lượng quân đội của ít nhất là hai quốc gia. Lưu ý, chiến tranh giải phóng dân tộc được xếp vào dạng xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế.

Xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế được hiểu là xung đột xảy ra trong phạm vi một quốc gia, giữa một bên là quân đội chính quy với bên kia là những phe nhóm xác định và có trang bị vũ trang, hoặc xung đột giữa các phe nhóm có trang bị vũ trang với nhau.

Xáo trộn nội bộ là trong một nước xảy ra những rối loạn nghiêm trọng về trật tự xã hội, gây nên bởi các hành vi bạo lực không mang tính chất của xung đột vũ trang, ví dụ: bạo loạn, xung đột giữa các phe phái hoặc hành vi bạo lực chống đối chính quyền…

Rõ ràng nếu căn cứ vào luật nhân đạo quốc tế trong cuộc chiến Nga – Ukraine, cho thấy trước mắt Nga đã vi phạm ít nhất là 2 nội dung của luật này: Thứ nhất, các bên tham chiến và thành viên các lực lượng vũ trang phải tuân thủ việc hạn chế sử dụng các biện pháp và phương tiện chiến tranh gây ra những tác hại không cần thiết hoặc quá đau đớn.

Hai là, các bên tham chiến phải luôn luôn phân biệt rõ dân thường và tài sản của họ. Đại bộ phận nhân dân cũng như mỗi con người đều không thể bị coi là mục tiêu để tấn công. Chỉ được tấn công vào các mục tiêu quân sự.

***

[ads_color_box color_background=”#f2ebeb” color_text=”#444″]

Toàn văn bài phát biểu của ông Đặng Hoàng Giang

Thưa Ngài Chủ tịch,

Hơn 70 năm trước, những nhà sáng lập Liên Hợp Quốc đã gửi gắm trong Hiến chương bao hy vọng và khát vọng mong thế hệ tương lai tránh được hiểm họa chiến tranh. Họ đã đưa vào Hiến chương các nguyên tắc cơ bản, nay đã trở thành nền tảng cho luật pháp quốc tế và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia.

Tuy nhiên, những hành động không phù hợp với những nguyên tắc này vẫn tiếp tục diễn ra, đe dọa nghiêm trọng hòa bình quốc tế, cũng như an ninh và phát triển của các quốc gia và người dân. Những hành động đó thách thức ngay cả tính thời sự và hợp pháp của Liên Hợp Quốc.

Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng, các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm.

Với trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này.

Do đó, Việt Nam hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine, một quốc gia thành viên có chủ quyền của Liên Hợp Quốc. Việt Nam và các nước thành viên ASEAN khác đã ra tuyên bố về vấn đề này vào ngày 26/2. Điều cấp bách hiện nay là cần kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực để tránh thêm thương vong và tổn thất, đặc biệt là đối với dân thường.

Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Các giải pháp như vậy sẽ chấm dứt những khổ đau và đóng góp lớn cho hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Âu và thế giới nói chung.

Về vấn đề này, chúng tôi ghi nhận cuộc họp giữa đại diện Ukraine và Liên bang Nga vào hôm qua và mong các bên liên quan sẽ tiếp tục trao đổi và sớm đạt kết quả đàm phán. Đồng thời, cần bảo vệ an toàn, an ninh của người dân và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu, phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.

Để tạo môi trường thuận lợi cho các mục tiêu đó, chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, các quốc gia trong và ngoài khu vực tiếp tục hỗ trợ và tạo thuận lợi cho đối thoại giữa các bên. Việt Nam mong muốn có thêm các nỗ lực để tăng cường viện trợ nhân đạo cho dân thường, đồng thời hoan nghênh hoạt động của Liên Hợp Quốc và các đối tác khác trong những ngày qua để giúp đỡ người dân trên thực địa, bao gồm cả người tị nạn.

Chúng tôi cho rằng đồng thời cần đảm bảo an toàn, an ninh và tạo điều kiện sơ tán cho tất cả các công dân nước ngoài sinh sống tại Ukraine, bao gồm cả những người Việt Nam tại đây.

[/ads_color_box]

 


Tin bài liên quan:

VOA – Mỹ lên tiếng về phóng sự điều tra của VOA, chỉ trích Nga và nhắc nhở Việt Nam

Do Van Tien

VNTB – Putin dường như đang chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine – trong thời điểm hiện nay

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ không cho tàu chiến quá cảnh?

Phan Thanh Hung

2 comments

Nguyễn Tuấn Anh 03.03.2022 10:05 at 10:05

Quyết Tâm Tin . Nhưng lại khuyên đừng ru ngủ

Reply
Trương thị Mai 04.03.2022 2:19 at 02:19

Tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang của Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho thường dân Ukraine theo luật nhân đạo quốc tế. (trích) Lời kêu gọi của Đại sứ Đặng Hoàng Giang là “cần” nhưng chưa “đủ”. Ông Giang chỉ lập lại những thỏa thuận chung chung ghi trong các cam kết căn bản của Liên Hiệp Quốc. Tôi khen ông Giang vì ông thuộc bài và biết lập lại như vẹt, đúng kiểu ngoại giao của một nước bạt nhược.
Việc VN bỏ phiếu trắng trong phiên họp khẩn cấp của LHQ về tình trạng Nga xua quân xâm lược và tàn phá Ucraine cho thấy phái đoàn đại diện VN ở LHQ cũng chỉ biết nói kiểu vô thưởng vô phạt, tránh né việc lên án đám xâm lược khát máu Nga.
Nếu ông Giang có chút lương tri của con người thì hãy lên tiếng kêu gọi Đảng và Chính phủ cộng sản Việt Nam thể hiện việc cứu trợ nhân đạo cho nhân dân Ucraine và lên án tên độc tài khát máu Putin, bằng hành động thực tế
chứ đừng lãi nhãi vô thưởng – vô phạt – tránh né sự thật như hiện nay.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo