(VNTB) – Cuộc kháng chiến dũng cảm chống lại Putin là nguồn cảm hứng và bài học cho thế giới.
Tác giả: Ban biên tập tờ The Wall Street Journal
Ngày 27 tháng 2 năm 2022
Chú thích ảnh: Tổng thống Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
ẢNH: BASTIAAN SLABBERS / NURPHOTO / GETTY IMAGES; MIKHAIL SVETLOV / GETTY IMAGES; IRINA YAKOVLEVA / TASS / ZUMA PRESS
Cuộc xâm lược Ukraine không diễn ra theo đúng kịch bản của Vladimir Putin và vì điều đó mà thế giới mắc một món nợ lớn đối với những người dân anh hùng của đất nước 41 triệu người bị bao vây này. Sự kháng cự của họ trước những chênh lệch đáng sợ là nguồn cảm hứng và đã đánh thức thế giới trước sự đe dọa của giới chuyên quyền Điện Kremlin. Ukraine xứng đáng được hỗ trợ nhiều hơn để nâng cao phí tổn chiến tranh cho Putin bằng vũ khí, các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất cũng sự tẩy chay toàn cầu.
***
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang chứng tỏ ông là một người thức thời khi kêu gọi Ukraine và thế giới chống lại cuộc xâm lược này. “Tôi cần đạn dược, không phải cần được đưa đi,” câu nói để đời của Zelensky khi đáp lại lời đề nghị của Hoa Kỳ giúp tổng thống rời Kyiv để tránh khả năng bị ám sát.
Khả năng lãnh đạo của Zelensky đã khiến bài xã luận được tờ New York Times đăng tải với tiêu đề “Tổng thống-xuất-thân-là-diễn-viên-hài đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng vượt quá tầm của ông ấy” phải xấu hổ. Những yêu cầu khẩn thiết của Zelensky đại diện cho các nguyên tắc của châu Âu đã thuyết phục được lãnh đạo châu lục này rằng cuộc chiến của Ukraine cũng là của họ.
Chiến trường luôn rối ren, nhưng tin tức chính cho đến nay là thành công của cuộc kháng chiến của Ukraine. Nga dường như vẫn chưa kiểm soát một thành phố lớn nào vào Chủ nhật, quân đội Ukraine đã đẩy lùi nỗ lực chiếm Kharkiv, thành phố lớn thứ hai. Cuộc xâm lược này được cho là một cuộc hành quân nhanh chóng của Nga tới Kyiv, theo sau đó là Ukraine sợ hãi đầu hàng và Nga cho thành lập một chính phủ bù nhìn. Hầu hết các nhà phân tích phương Tây đều dự đoán như vậy.
Họ đã đánh giá thấp sự ngoan cường của người Ukraine. Những hình ảnh trên TV và mạng xã hội về thường dân Ukraine chuẩn bị bảo vệ thành phố của họ là điều đáng lưu tâm. Những nhân viên văn phòng lãnh súng trường, và giáo viên pha bom xăng. Đây là bài học trả bằng cái giá của tự do dành cho người phương Tây trước những “vi phạm nho nhỏ”. Gây hấn thực sự là một chiếc xe tăng lăn trên đường phố của bạn.
Nhưng người Ukraine không cần phải chiến đấu trong các trận chiến các đô thị với bom tự tạo trong nhà bếp, và châu Âu và Mỹ cuối cùng cũng đang gửi vũ khí cho người Ukraine mà lẽ ra họ phải cung cấp từ lâu. Hoa Kỳ đang cấp thêm 350 triệu đô la viện trợ quân sự và Chính quyền Biden đang yêu cầu Quốc hội viện trợ 6,4 tỷ đô la khác nhằm hỗ trợ nhân đạo và quân sự. Quốc hội nên chấp thuận yêu cầu này trong tuần này.
Ngay cả người Đức cũng đang ủng hộ thêm, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Berlin sẽ cung cấp 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger. Hà Lan đóng góp 200 vũ khí chống tăng Stingers và 50 dàn phóng tên lửa chống tăng Panzerfaust 3 với 400 hỏa tiễn. Thụy Điển cũng đang gửi vũ khí chống tăng, và nhiều quốc gia khác cũng đang đóng góp.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk cho chúng tôi biết nhu cầu cấp thiết về áo khoác và mũ bảo hiểm chống đạn. Mỹ cũng có thể cung cấp các thiết bị liên lạc như radio chiến thuật để giúp các nhóm nhỏ người Ukraine thực hiện các chiến dịch chống lại quân đội Nga. Khi chiến tranh tiếp tục, Mỹ và NATO sẽ cần chuyển quân nhu từ các điểm tập kết an toàn ở Ba Lan và các quốc gia khác giáp ranh với Ukraine. Không nên loại trừ việc thả vũ khí xuống từ trên không.
Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản cũng đang tăng cường các biện pháp trừng phạt đầy ý nghĩa. Quyết định loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính SWIFT vào cuối tuần qua là một bước đi tích cực, mặc dù có vẻ như giao dịch năng lượng vẫn được miễn trừ. Đây là hành động nhượng bộ đáng tiếc vì sự phụ thuộc của Tây Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga. Điều đó sẽ làm giảm tác động của lệnh trừng phạt SWIFT vì xuất khẩu năng lượng là nguồn tài chính chính của Putin.
Phần lớn thế giới cũng đang ngày càng cô lập Nga và người Nga về du lịch và thương mại. Các liên đoàn thể thao từ chối thi đấu ở Nga, các công ty từ chối kinh doanh, châu Âu và Canada đã đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không Nga. Đây có vẻ giống như những hành động tượng trưng, nhưng gửi đi một thông điệp đến người dân Nga rằng Putin đang dẫn họ đi vào con đường cùng.
***
Mặc dù có tin tốt, vị trí của Ukraine vẫn còn nhiều nguy cơ. Quân đội Nga vẫn đang bao vây một số thành phố kể cả Kyiv. Putin là người tàn nhẫn như đã thể hiện trong chiến dịch nhằm biến ở Chechnya thành đống đổ nát. Putin có thể làm điều tương tự ở Ukraine nếu ông ta cảm thấy nếu thất bại có thể khiến cho quyền kiểm soát chính trị ở Nga gặp nguy hiểm.
Hôm Chủ nhật, Putin đã đặt các lực lượng hạt nhân Nga trong tình trạng báo động cao để đáp lại những lời nói được cho là có tính đe dọa từ các nhà lãnh đạo NATO. Nhưng không ai đe dọa Nga. Chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua điều này và cho rằng đó chỉ là một trong số nhiều lời đe dọa của Putin, nhưng chúng ta nên nhớ rằng các tuyên bố công khai của Nga đã trở lên cực đoan và thất thường.
Các mối đe dọa sẽ không ngăn cản sự ủng hộ ngày càng tăng đối với cuộc kháng chiến của người Ukraine. Các lợi ích bị đe dọa bởi cuộc chiến này rất cao, bao gồm cả lợi ích của Mỹ. Putin đang cố gắng khôi phục lại Nước Đại Nga và trở thành nước thống trị ở châu Âu và một cường quốc toàn cầu. Ông ta muốn một thế giới mới rối loạn.
Nếu Putin thành công ở Ukraine, tham vọng tiếp theo của ông ta sẽ là phá vỡ NATO. Người dân Ukraine đang khiến cho một phương Tây quá tự mãn thấy được ý nghĩa của việc chiến đấu vì tự do.