Mỹ Thuận
(VNTB) – Ở Việt Nam, theo xác nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông, thì không có báo chí nào là tiếng nói của người dân.
Ngày 14-7-2020, các cơ quan chủ quản của báo chí nhận được công văn số 2595/BTTT-CBC của Bộ Thông tin và Truyền thông, yêu cầu các báo phải hoạt động đúng quy định về “Tôn chỉ, mục đích” mà bộ này đã đề ra.
Công văn nói trên có đoạn viết: “Việc nhiều nhà báo, phóng viên tác nghiệp không đúng với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác đã ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên hoạt động đúng pháp luật; gây bức xúc trong dư luận xã hội; ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”.
Công văn đã yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí phải vào xem lại phần “Tôn chỉ, mục đích” đã được Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tại trang web:
https://www.mic.gov.vn/Pages/TinTuc/142418/Ton-chi-muc-dich-cac-co-quan-bao-chi.html. Lưu ý, phần “Tôn chỉ mục đích” này của Bộ Thông tin và Truyền thông có lẽ ‘quên’ cập nhật tin tức về chuyện vào ngày 22-5-2020, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký ban hành quyết định phê duyệt đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố đến năm 2025, nên phía Bộ Thông tin và Truyền thông đã quan liêu ghi sai tất cả phần “cơ quan chủ quản” đối với những tờ báo có tòa soạn đặt tại TP.HCM. Chính vì vậy nên yêu cầu bắt buộc của “Tôn chỉ mục đích” ở công văn số 2595/BTTT-CBC, trở nên ngớ ngẩn đầy khó hiểu.
Xin được trích “Tôn chỉ mục đích” của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với một số các tờ báo in có tòa soạn tại TP.HCM:
1. Báo Sài Gòn Giải Phóng: “Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, phản ánh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương; Phản ánh tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; phát hiện, biểu dương các gương điển hình, tiên tiến; phê bình đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực; Cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước và động viên quần chúng nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
2. Báo Tuổi Trẻ, có tôn chỉ: “Tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết của cấp ủy, chính quyền và Đoàn TNCS HCM; giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cao đẹp, nâng cao tri thức và tinh thần yêu nước của đoàn viên thanh niên; Phản ánh các hoạt động của Đoàn TNCS HCM, biểu dương những điển hình tốt, nhân tố tích cực trong đoàn viên, thanh niên; cổ vũ phong trào thanh niên góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế – xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
3. Báo Người Lao Động: “Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của cấp ủy, chính quyền thành phố và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tới công nhân viên chức và người lao động; Biểu dương những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất; cổ vũ, động viên người lao động và công đoàn các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của địa phương; đấu tranh chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
4. Báo Phụ Nữ TP.HCM: “Tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết của cấp ủy, chính quyền và Hội liên hiệp Phụ nữ VN tới các hội viên; Phản ánh hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ và các cấp chính quyền, đoàn thể vì sự tiến bộ của phụ nữ; cổ vũ động viên các hội viên tích cực tham gia công tác xã hội, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ kinh tế – chính trị của địa phương”.
5. Báo Pháp Luật TP.HCM: “Tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, chính quyền Tp.HCM tới các tầng lớp nhân dân; Phản ánh hoạt động của ngành tư pháp và các cấp, ngành của Tp.HCM trong việc thi hành pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và động viên, cổ vũ nhân dân thành phố tự giác chấp hành pháp luật;
Đấu tranh, phê phán các hành vi vi phạm pháp luật, biểu dương người tốt, việc tốt trong công tác đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật, góp phần làm lành mạnh hóa xã hội”.
Những yêu cầu giới hạn về quyền tự do báo chí trong khuôn khổ gọi là “Tôn chỉ mục đích” nói ở trên xem ra là muốn ‘bịt miệng’ cả hai cơ quan chủ quản báo chí ở TP.HCM: Thứ nhất, Thành ủy TP.HCM là chủ quản các tờ báo Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Phụ Nữ Thành phố. Thứ hai, báo Pháp Luật TP.HCM có chủ quản là Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy, với yêu cầu tuân thủ “Tôn chỉ mục đích” mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra, thì chỉ có duy nhất tờ Pháp Luật TP.HCM được trao thêm quyền “đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật, góp phần làm lành mạnh hóa xã hội”; và trong chuyện “đấu tranh chống tham nhũng” chỉ có mỗi báo Người Lao Động là được quyền.
Nếu người dân bỏ tiền ra mua tờ báo, thì họ sẽ biết chọn lựa tờ nào đây cho thỏa mãn về đa dạng tin tức, đa chiều phản biện, khi mà tất cả các tờ báo đều có chung một mệnh lệnh gọi là “tôn chỉ mục đích”: Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, chính quyền…
Một thắc mắc nhỏ, trong phần “tôn chỉ mục đích” ở báo Sài Gòn Giải Phóng ghi “pháp luật của Nhà nước”; báo Tuổi Trẻ ghi “pháp luật của Đảng”; báo Người Lao Động ghi “pháp luật của Nhà nước”; báo Phụ Nữ TP.HCM ghi “pháp luật của Đảng”; báo Pháp Luật TP.HCM ghi “pháp luật của Nhà nước”.
“Pháp luật của Nhà nước” thì quá rõ, song “pháp luật của Đảng” thì là một khó hiểu, vì trong hệ thống luật pháp của Việt Nam, hiện vẫn chưa có luật về Đảng chính trị, do đó cũng không thể có cụm từ “pháp luật của Đảng”.
Một đơn cử: “Cần có luật về Đảng” là bài viết trên báo điện tử VietnamNet ngày 19-2-2013, trong đó có đoạn: “ông Hoàng Thái, nguyên ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đề xuất cần sớm có luật về Đảng. “Bởi, mọi tổ chức đều có luật điều chỉnh, riêng tổ chức Đảng là nòng cốt trong hệ thống chính trị mà lại chưa có luật là không được. Nên có luật để Đảng hoạt động công khai, minh bạch chống lại mọi sự tùy tiện”, ông Thái nói” (1).
Nội dung tương tự về yêu cầu cần có luật về Đảng có thể tìm đọc trên nhiều tờ báo khác nữa từ đầu năm 2013 (2)
____________
Chú thích:
(1) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/can-co-luat-ve-dang-109512.html
(2) https://dantri.com.vn/xa-hoi/can-co-luat-ve-su-lanh-dao-cua-dang-1358140415.htm; https://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/119/468; https://vnexpress.net/can-co-luat-ve-su-lanh-dao-cua-dang-2425378.html