Hoàng Lan Mộc Châu
(VNTB) – Mất nhân quyền, tôn giáo bị tha hóa và lãnh đạo trong đảng hủ bại không chỉ tác động lớn đến hình ảnh, quan hệ quốc tế của Việt Nam, mà còn đến sự ổn định nội bộ và bất ổn, loạn lạc trong xã hội.
Tôn giáo tha hoá
Tôn giáo và lãnh đạo tôn giáo tha hoá có thể gây ra nhiều vấn đề trong xã hội và đóng góp vào tình trạng loạn lạc.
Từ khi nắm quyền, các tôn giáo là đối tượng hàng đầu để Đảng cộng sản triệt hạ. Hàng loạt cơ sở tôn giáo bị phá hủy, tịch thu, hàng loạt tu sĩ bị cầm tù, bị giết hại.
Chính sách triệt hạ trắng trơn các tôn giáo bị phá sản khi bị lên án kịch liệt từ mọi phía, đảng CSVN xoay qua chiến thuật mới, dùng tôn giáo trị tôn giáo. Họ tìm cách chia rẽ các tôn giáo lẫn nhau, và thâm độc hơn, họ tìm cách phá hoại mỗi tôn giáo từ ngay nội bộ tôn giáo. Họ cấy “những siêu vi trùng” vào một đoàn thể tôn giáo để đục ruỗng tôn giáo đó.
Một trong thủ đoạn quỷ quyệt là tẩm thuốc độc mê tín dị đoan vào tôn giáo. Điều này rõ ràng nhất đối với Phật Giáo.
Phật Giáo vốn lấy từ bi, trí huệ làm căn bản để giác ngộ, nhưng lại bị suy đồi, không trí huệ mà chỉ còn mê tín dị đoan. Phật Giáo trở thành một tổ chức trần tục tầm thường dễ bị xỏ mũi. Đảng đưa tay sai vào nhóm các lãnh đạo phật giáo, những kẻ này sử dụng quyền lực tôn giáo để gieo rắc mê tín, dị đoan, và tạo ra sự chia rẽ trong cộng đồng. Điều này dẫn đến sự loạn lạc và bất ổn. Vụ xá lợi tóc xảy ra tại chùa Ba Vàng gần đây là một ví dụ.
Ngoài ra còn những “tu sĩ” u mê, dù mang nhãn hiệu tiến sĩ, giảng giải những điều trái đạo pháp khiến Phật tử bị chia rẽ, mê mờ tối tăm. Họ chỉ trích, thậm chí đặt điều vu khống tôn giáo khác gây chia rẽ trong các tín đồ khác đạo.
Tôn giáo và lãnh đạo tôn giáo gây mê tín và dị đoan không thực hiện đúng vai trò thúc đẩy giáo lý tốt và hòa bình trong xã hội, tạo nên sự bi quan, lộn xộn trong tín chúng, chia rẽ trong cộng đồng, gây hiệu ứng xấu đến sự đồng thuận và hòa bình.
ĐCSVN tích cực biến tôn giáo thành công cụ của chính quyền. Cộng sản xóa bỏ đạo Cao Đài Chính Truyền 1926, thay thế bằng chi phái 1997 do dân biểu quốc hội Nguyễn Thành Tám cầm chịch gây chia rẻ tín đồ Cao Đài trong nước và ngoài nước.
Mới đây nhất, Toà Án Texas Quận Dallas ngày 16/08/2023 phán quyết rằng Chi Phái Cao Đài do nhà nước Việt Nam dựng lên năm 1997 và thủ lĩnh Nguyễn Thành Tám cấu thành tổ chức tội phạm chiếu theo luật RICO, tức luật chống băng đảng mafia, của Hoa Kỳ. Phán quyết này gây xấu hổ nhục nhã cho cả chi phái Cao Đài 1997 lẫn nhà nước Việt Nam.
Đ CSVN biến Hội Thánh Tin Lành Việt Nam thành tay sai, đánh phá các Hội Thánh Tin Lành khác không chịu hoạt động dưới sự chỉ đạo của hội này và không đăng ký với nhà nước.
Với đạo Phật, ĐCSVN lập ra Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) thay thế Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ( GHPGVNTN), một tổ chức sinh ra từ những năm 1960, có công chấn hưng hoằng pháp và xây dựng Phật Giáo huy hoàng nhất trong các thời đại tại miền Nam Việt Nam. Trong khi cũng thời gian này, đạo Phật, cũng như các tôn giáo khác tại miền Bắc đang bị vô thần cộng sản hành hạ thê thảm nhất.
Tổ chức GHPGVN mặc dù có sự hiện diện của một số vị cao tăng thuộc GHPGVN TN chạy qua. Họ để mê tín dị đoan lan rộng, để cho vô số ma tăng kiêu ngạo, được phép xây chùa to, quyến rũ phật tử chất phác vào u mê và một lòng vâng phục sự chỉ đạo của nhà nước.
Bên Công Giáo, ĐCSVN dựng nên Ủy Ban Đoàn Kết, trong đó có nhiều tu sĩ tích cực ủng hộ chính sách của chính quyền, ảnh hưởng xấu đến đạo.
Lãnh đạo tôn giáo hành động như những tay sai chính trị của chính quyền thay vì người hướng dẫn đạo đức đã dẫn đến sự mất mát lòng tin vào tôn giáo và tạo ra sự phê phán về quyền lực thiêng liêng và chính trị. Chính quyền cố gắng biến các tôn giáo thành những tổ chức thế quyền cạnh tranh lẫn nhau, và tranh giành địa vị được đảng ban cho
Âm mưu rất thâm độc của cộng sản là biến tất cả các tôn giáo thành bù nhìn, tay sai của đảng, thành những tổ chức không chịu trách nhiệm xã hội và không hỗ trợ sự công bằng và hòa bình, dần bị biến thành đối lập lẫn nhau. Đối lập tôn giáo là nguồn gốc tạo ra sự đối lập trong xã hội. Cộng sản cố tình gây tha hóa các tôn giáo và biến các tôn giáo thành các tổ chức không minh bạch. Tha hóa và sự bất minh tăng nguy cơ xung đột và loạn lạc xã hội.
Chỉ mong rằng một số lãnh đạo tôn giáo đang thực hiện những công việc tích cực trong việc đấu tranh cho tự do tôn giáo, xây dựng cộng đồng, giáo dục và hỗ trợ những người có nhu cầu có thể giữ vững tinh túy của tôn giáo mình.
Tất cả ‘công lao’ Việt Nam bỏ ra để thay đổi tôn giáo thành công cụ, cùng với thành tích đàn áp tôn giáo đã được thế giới “tán thán”. Ngay đầu năm nay chính quyền Hoa Kỳ liệt Việt Nam vào danh sách Quốc Gia Bị Đặc Biệt Theo Dõi SWL
Tại Việt Nam tình trạng mất nhân quyền bị thế giới xem là tệ hại. Các quyền dân sự và chính trị cơ bản như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin, quyền tự do lập hội và nhóm họp, quyền tự do thực hành tôn giáo… đều bị xâm phạm. Các vi phạm trầm trọng về nhân quyền thường được coi là một biểu hiện nghiêm trọng của tình trạng loạn lạc. Sự tước đoạt, vi phạm nghiêm trọng các quyền này, từ phía chính phủ, là dấu hiệu cho thấy chính quyền sợ hãi dân chúng.
Nội bộ chia rẽ, xã hội loạn lạc
Báo chí và ngay cả các lãnh tụ đảng đều đồng loạt kêu gọi việc lấy lại lòng tin của dân chúng kể cả đảng viên. Ngay cả những đảng viên lạc quan nhất cũng không còn vùi đầu vào cát chạy trốn sư thật. Lòng tin của một số đảng viên và nhân dân, nếu còn chút nào đó, vào chính phủ và hệ thống chính trị thì đang bị trôi sạch dẫn đến bất ổn, chia rẽ.
Chính phủ tước đoạt nhân quyền đồng nghĩa với sự dung túng phân biệt đối xử và bất công. Đảng một mặt đàn áp những người yếu thế, người có can đảm bênh vực tự do dân chủ, mặt khác, thiên vị nâng đỡ nhóm tinh hoa của đảng, điều này làm tăng cường sự bất hòa trong xã hội và ngay trong nội bộ đảng.
Việt Nam là quốc gia từng phải đối mặt với áp lực và sự phê phán từ cộng đồng quốc tế vì tước đoạt quyền của người dân một cách trầm trọng. Dù man trá trong cái gọi là ngoại giao cây tre, ẻo lả, gió chiều nào xoay chiều đó, cũng không tránh khỏi nguy cơ bị xâm lược, mà gần gũi nhất và có thể xảy ra bất cứ lúc nào là từ phía “đồng chí môi hở răng lạnh” Trung Cộng. Tước đạt nhân quyền không chỉ làm tăng nguy cơ bị xâm lược từ bên ngoài vì nhân dân chia rẽ và xa lìa chính quyền, mà còn bị cộng đồng quốc tế, xem là man rợ, thiếu văn minh và không tin cậy được.
Ngoài việc ĐCSVN tước đạt nhân quyền và làm tha hóa tôn giáo gây nên rối loạn xã hội, tình trạng nội bộ đảng cũng gây nên rối loạn xã hội.
Lãnh đạo tập trung quá nhiều quyền lực vào trong tay, tạo ra phe cánh. Phe cánh lại tạo ra một môi trường đối địch và có thể làm gia tăng sự đối lập trong đảng kéo theo đối lập trong cộng đồng. Quan chức địa phương phóng túng, tham nhũng. Cả hai tình huống góp phần làm tăng nguy cơ tình trạng loạn lạc trong xã hội.
Lãnh đạo chóp bu lạm dụng quyền lực để tận hưởng lợi ích cá nhân. Quan chức địa phương tự tung tự tác, không được kiểm soát và giám sát đúng mực, có thể dẫn đến thất thoát nguồn lực, tham nhũng; và thiếu trách nhiệm tạo ra sự bất bình đẳng và sự không hài lòng trong xã hội. Nếu người dân cảm thấy không được đối xử công bằng, có thể tăng nguy cơ xung đột và phản kháng.
Mất lòng tin của nhân dân và bất ổn trong quốc gia có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau(*). Chính quyền Việt Nam lại đang vi phạm nặng nề nhân quyền, làm tha hóa tôn giáo và lãnh đạo từ trung ương đến địa phương thiếu đạo đức là những yếu tố tồi tệ gây mất lòng tin cũng như bất ổn xã hội. Nếu những vấn đề này không được giải quyết hiệu quả, sẽ dẫn đến những hậu quả lớn như biểu tình, nổi dậy, hoặc thậm chí là đảo chính quân đội để giải quyết tình trạng trên.
_____________________
Tham khảo:
(*)https://vietnamthoibao.org/vntb-viet-nam-tri-hay-loan/#more.